Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 15/01/2025

Hiện trạng và chính sách phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam

05/11/2015

   Việt Nam xác định công nghiệp môi trường (CNMT) là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về BVMT.

   Từ khi Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt nền móng cho sự “hình thành và phát triển ngành CNMT”, đến nay, ngành CNMT Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

   Hoàn thiện khung chính sách, pháp lý

   Năm 2005, Luật BVMT giao cho Bộ Công nghiệp (Bộ Công Thương ngày nay) chỉ đạo phát triển ngành CNMT (Khoản 5, Điều 121, Luật BVMT năm 2005). Năm 2012, Bộ Công Thương được Chính phủ giao chức năng chỉ đạo phát triển ngành CNMT tại Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương (Trước đó, Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương chỉ có 12 ngành và 10 lĩnh vực, không có ngành CNMT) tiếp theo đó là sự ra đời của Phòng Kiểm soát ô nhiễm và CNMT tại Quyết định số 699/QĐ-BCT ngày 31/1/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, bộ máy quản lý nhà nước về phát triển ngành CNMT được định hình.

   Theo Luật BVMT năm 2005, Bộ Công Thương được giao chỉ đạo phát triển ngành CNMT, nhưng “ngành CNMT” chưa được định nghĩa trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam dẫn đến nảy sinh nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh cách hiểu khác nhau về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của “ngành CNMT”. Năm 2014, thuật ngữ CNMT được Luật BVMT giải thích là “một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu về BVMT” và phát triển CNMT (Điều 153, Luật BVMT năm 2014) được quy định là “đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật xử lý và tái chế chất thải; hình thành và phát triển các khu xử lý chất thải tập trung; sản xuất, cung cấp thiết bị, sản phẩm phục vụ các yêu cầu BVMT”.

   CNMT là ngành kinh tế chịu tác động lớn của chính sách, vì vậy, mặc dù đến năm 2014 thuật ngữ CNMT chính thức được luật hóa, làm cơ sở ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phát triển ngành, nhưng trong 10 năm qua (2005 - 2014), nhiều chính sách vẫn được vận dụng để phát triển ngành CNMT. Trong đó, các Nghị định của Chính phủ có lồng ghép các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho phát triển CNMT như: Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Nghị định số 04/2009/NĐ-CP về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT năm 2014. Nhiều quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng đã được ban hành để thúc đẩy phát triển ngành CNMT: Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 phê duyệt “Đề án phát triển ngành CNMT đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 10/2/2010 phê duyệt “Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020”, Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 phê duyệt “Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020”, Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 1/8/2014 phê duyệt kế hoạch hành động phát triển ngành CNMT và tiết kiệm năng lượng thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

   Định hình cơ cấu, thành phần của ngành CNMT

   Ngành CNMT Việt Nam chưa có mã ngành kinh tế trong Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và sản phẩm của ngành CNMT cũng chưa có mã ngành sản phẩm ngoại trừ một số nhóm sản phẩm liên quan đến dịch vụ môi trường được xếp trong nhóm ngành E như: E381 - Thu gom rác thải, E382 - Xử lý chế biến và tiêu hủy rác thải… trong Quyết định số 39/2010/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tường Chính phủ quy định ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam.

   Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 phê duyệt “Đề án phát triển ngành CNMT đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”, ngành CNMT được nhìn nhận như các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong 3 lĩnh vực chính: Thiết bị CNMT; dịch vụ CNMT (xử lý chất thải, thu gom chất thải, quan trắc, phân tích, đánh giá tác động môi trường…); sử dụng bền vững tài nguyên, phục hồi môi trường. Đến nay, Việt Nam có khoảng 928 doanh nghiệp hoạt động trong cả 3 lĩnh vực, thu hút khoảng 82.406 người lao động tham gia. Cùng với hoạt động của Hiệp hội CNMT Việt Nam, một tổ chức xã hội nghề nghiệp của các cá nhân và tổ chức tham gia trong các hoạt động phát triển CNMT được thành lập ngày 23/4/2011 với sự bảo trợ hoạt động của Bộ Công Thương, ngành CNMT Việt Nam đã chính thức định hình.

  Tiềm năng phát triển và những thách thức đối với ngành CNMT

   Bảng: Dự báo nhu cầu phát triển của ngành CNMT

TT

Lĩnh vực

Đến năm 2020

Đến năm 2030

I

Sản xuất thiết bị CNMT (Đơn vị: Tỷ đồng/năm)

 

 

1.1

Thiết bị xử lý nước thải

22.797

70.479

1.2

Thiết bị xử lý chất thải rắn đô thị

21.414

35.416

1.3

Thiết bị xử lý bùn thải

2.141

3.542

1.4

Thiết bị xử lý chất thải nguy hại

46.085

110.725

1.5

Thiết bị xử lý khí thải

1.000

2.000

 

Tổng giá trị

93.437

222.162

II

Dịch vụ CNMT

 

 

2.1

Tổng nước thải (nghìn m3/ngày đêm)

9.345

22.227

 

Nước thải đô thị

6.145

8.627

 

Nước thải khu công nghiệp

3.200

13.600

2.2

Tổng chất thải rắn đô thị (tấn/ngày)

96.370

200.871

 

Đô thị đặc biệt

50.906

86.510

 

Các đô thị khác

45.464

114.361

2.3

Tổng chất thải rắn khu công nghiệp (nghìn tấn/năm)

11.160

54.720

 

Chất thải rắn không nguy hại

7812

38.304

 

Chất thải rắn nguy hại

3348

16.416

 

Chất thải rắn y tế nguy hại

50

92

2.4

Tổng khí thải (triệu tấn CO2 tương đương/năm)

320

542

 

Năng lượng, công nghiệp

251

470

 

Nông nghiệp

69

72

III

Sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường

 

 

 

Tổng chất thải rắn tái chế (nghìn tấn/năm)

7280

21840

3.1

Chất thải nguy hại thiêu đốt thu hồi năng lượng

432

1296

3.2

Chất thải rắn hóa rắn, và khác

288

864

3.3

Chất thải rắn có thể tái chế (từ chất thải rắn đô thị) -10%

15.829

32.993

3.4

Chất thải rắn có thể tái chế từ chất thải rắn khu công nghiệp

7.280

21.840

3.5

Chất thải rắn hữu cơ làm phân, viên năng lượng

17.588

36.659

3.6

Chất thải rắn điện tử

89

2.397

3.7

Chất thải rắn ngành điện tái chế làm vật liệu xây dựng

24.600

51.300

3.8

Dầu thải tái chế

214

420

   Sản xuất thiết bị CNMT

   Đến nay, lĩnh vực sản xuất thiết bị CNMT bước đầu đã hình thành doanh nghiệp với một số sản phẩm chủ lực như: Lò đốt chất thải rắn thông thường, công nghiệp, y tế và chất thải nguy hại; Hệ thống lọc bụi; Dây chuyền phân loại rác và thiết bị vận chuyển rác chuyên dụng (thiết bị xe ép rác, hút bụi, tàu hút dầu tràn…). Tuy nhiên, năng lực canh tranh của các doanh nghiệp sản xuất máy móc thiết bị trong nước còn yếu so với máy móc, thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài. Có khoảng 10 doanh nghiệp chuyên sản xuất chế tạo thiết bị CNMT như hệ thống lọc khí, bụi, lò đốt chất thải nguy hại và thông thường, các thiết bị công nghệ phân loại rác, sản xuất phân compost, viên nhiên liệu.

   Thiết bị CNMT trong xử lý chất thải chiếm từ 40 - 60% tổng giá trị đầu tư công trình, ước đạt 700 - 1.000 nghìn tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có công nghệ chế tạo thiết bị CNMT đúng nghĩa, chỉ dừng ở gia công cơ khí và lắp ráp sản xuất đơn lẻ.

   Các sản phẩm thiết bị CNMT cũng chưa có tên trong danh mục và tiêu chí thống kê về ngành CNMT Việt Nam mà đang được gộp chung vào các sản phẩm cơ khí hay phân ngành công nghiệp khác. Bản chất đây là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành CNMT, có xuất xứ từ nhiều ngành (hóa chất, xây dựng, thép, cơ khí, điện tử…).

   Dịch vụ CNMT

   Việt Nam có khoảng 125 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vưc thoát nước và xử lý nước thải, 473 doanh nghiệp làm dịch vụ xử lý chất thải rắn. Theo Quyết định số 1292/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/8/2014, Việt Nam có 86 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại đã được cấp phép hoạt động.

   Quy mô hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ CNMT thường ở mức vừa và nhỏ, vốn điều lệ ít, không có khả năng đầu tư vào các lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn; hầu như không có doanh nghiệp nhà nước về dịch vụ môi trường đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, quan trọng của đất nước như: Trung tâm xử lý chất thải nguy hại cấp vùng, liên tỉnh; doanh nghiệp xử lý sự cố tràn dầu; doanh nghiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung, liên vùng, liên tỉnh; doanh nghiệp giám định tổn thất về TN&MT, doanh nghiệp thẩm định CNMT.

   Thiết bị, công nghệ của các doanh nghiệp sử dụng trong việc cung cấp dịch vụ CNMT chưa được đầu tư bài bản, đúng mức. Cùng với việc chưa có quy định rõ ràng về điều kiện hành nghề cung cấp dịch vụ CNMT trong một thời gian dài dẫn đến các doanh nghiệp này thành lập tràn lan theo kiểu “toàn dân làm dịch vụ CNMT”, thiếu đầu tư về chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến hoạt động kém hiệu quả, chất lượng dịch vụ của nhiều doanh nghiệp cung cấp, vì thế cũng chưa cao, chưa đầy đủ, tư vấn thiếu thực tiễn.

   Sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường

   Sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường chủ yếu liên quan đến tính chất khan hiếm của nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, nòng cốt của lĩnh vực này là phát triển công nghiệp tái chế. Công nghiệp tái chế là lĩnh vực có sự giao thoa, chồng lấn với lĩnh vực dịch vụ CNMT có gắn với xử lý chất thải thông thường, xử lý chất thải nguy hại và lĩnh vực công nghiệp sản xuất có gắn với nguồn phế liệu tái chế là nguyên liệu như công nghiệp sản xuất giấy, nhựa và thép.

   Công nghiệp sản xuất giấy, nhựa và thép phụ thuộc chủ yếu vào nguồn phế liệu tái chế nhập khẩu. Trong khi đó, nguồn phế liệu giấy, nhựa, thép thu gom trong nước lại chủ yếu tập trung tái chế ở các làng nghề thủ công với cơ sở hạ tầng và thiết bị lạc hậu, công nghệ của những năm 1980, 1990.

   Chế biến rác thải thành phân hữu cơ là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn ODA trong những năm qua với các công nghệ chủ yếu là SERAPHIN, ASC với gam công suất từ 50-250 tấn/ngày.

   Phần lớn chất thải công nghiệp có khả năng tái chế làm vật liệu xây dựng như tro xỉ của nhà máy nhiệt điện đốt than; xỉ lò cao, lò điện và bụi thải của lò luyện thép; bã thải Gyps (thạch cao nhân tạo) của nhà máy sản xuất phân bón DAP vẫn chưa có công nghệ phù hợp để tái chế.

   Chất thải điện tử chủ yếu mới được tái chế sơ bộ và xuất sang Trung Quốc tại các làng nghề tái chế thủ công. Đến nay, chưa có một tổ chức nào trong nước có khả năng tái chế, thu hồi nguyên liệu gốc chứa trong thành phần của chất thải điện tử.

   Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp của Bộ Công Thương tại Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược “Quy hoạch phát triển ngành CNMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Bộ TN&MT thẩm định và Báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì dự báo đến năm 2020, nhu cầu phát triển của ngành CNMT là rất lớn.

   Tiềm năng lớn nhưng ngành CNMT Việt Nam cũng đứng trước những thách thức không nhỏ, cụ thể: Đến nay, năng lực ngành CNMT mới đáp ứng được 2-3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển.

   Kết quả thu hút vốn đầu tư vào phát triển ngành CNMT còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu của xã hội. Lĩnh vực dịch vụ môi trường vẫn chủ yếu dựa vào kinh phí cấp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhất là lĩnh vực dịch vụ xử lý nước thải đô thị.

   Giá dịch vụ môi trường ở mức thấp, ít hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Đây là trở ngại lớn đối với sự phát triển của ngành CNMT.

   Năng lực và sự liên kết giữa nghiên cứu và triển khai sản xuất hàng loạt các thiết bị môi trường còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp môi trường của nhà nước còn yếu về đầu tư vốn công nghệ. Trong một số lĩnh vực, các doanh nghiệp ngoài nước đóng vai trò chi phối; các doanh nghiệp tư nhân không có cơ hội để phát triển.

   Số liệu thống kê chưa đầy đủ về ngành CNMT dẫn đến những tác động tiêu cực trong quá trình giám sát và hoạch định chính sách.

   Phát triển CNMT chưa nhấn mạnh vào khía cạnh hiệu quả kinh tế đạt được cũng như chưa xem xét đến tính chất khan hiếm của nguồn tài nguyên thiên nhiên - động lực chính của sự phát triển ngành công nghiệp tái chế.

   Kết luận và đề xuất, kiến nghị

   Trong thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đã được vận dụng nhằm mang lại cho CNMT Việt Nam những cơ hội và động lực phát triển. Tuy nhiên, ưu đãi, hỗ trợ thực sự không mang lại hiệu quả như mong muốn.

   Nhìn nhận lại những ưu đãi (thuế, phí) và hỗ trợ (quỹ đất, cơ sở hạ tầng, thông tin phát triển thị trường, phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đầu tư xây dựng các dự án xử lý môi trường trọng điểm) được các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau quy định trong thời gian qua, có thể thấy, mọi hoạt động phát triển ngành CNMT đều đã có những chính sách về ưu đãi, hỗ trợ nhất định. Tuy nhiên, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ nhưng không được giao chức năng quản lý nhà nước về phát triển ngành CNMT, Nhà nước mới có các quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà chưa có các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để so sánh, phân loại và xác định đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Vì thế, có nguồn lực để ưu đãi, hỗ trợ nhưng cơ quan quản lý nhà nước và các chủ đầu tư đều gặp khó khăn khi tiếp cận được nguồn lực.

   Do đó, đã đến lúc, Nhà nước không chỉ có ưu đãi, hỗ trợ mà còn phải có một sân chơi công bằng, bình đẳng cho các nhà đầu tư. Muốn vậy, Nhà nước cần có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho mỗi loại sản phẩm, thiết bị mà ngành CNMT tạo ra. Dựa trên chuẩn mực quốc gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thì những so sánh, thẩm định về giá cả, chất lượng mới minh bạch và đáng tin cậy.

   Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu và rộng. Phát triển ngành CNMT Việt Nam không thể thiếu sự hiện diện của các nhà đầu tư quốc tế cùng với đó là các thiết bị, máy và dây chuyền xử lý tái chế chất thải được nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, Việt Nam cần có mã ngành kinh tế và danh mục mã sản phẩm của ngành CNMT Việt Nam để nhận dạng sản phẩm, thiết bị, làm căn cứ để quy định các chính sách thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa là sản phẩm và thiết bị của ngành này. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở để các Bộ, ngành xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng đối với các thiết bị, sản phẩm của ngành CNMT, làm chuẩn mực cho các đánh giá, so sánh trong các hoạt động thẩm định, lựa chọn cũng như định giá thiết bị, sản phẩm của các dự án đầu tư phát triển CNMT.

   Căn cứ xác định giá sản phẩm và dịch vụ CNMT được xây dựng trên những quy chuẩn và tiêu chuẩn về sản phẩm, hàng hóa có tính chuẩn mực và minh bạch sẽ là động lực để thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động dịch vụ CNMT, các hợp đồng nhượng quyền vận hành, khai thác công trình xử lý chất thải trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư hơn vì giá của thiết bị, sản phẩm, dịch vụ là yếu tố quyết định, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Phạm Sinh Thành

Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp,
Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10 - 2015)

Ý kiến của bạn