Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế

15/09/2015

     Ngày 5/4/2014, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Xăm - đéc Hung - Xen, Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ  Nhân dân Lào Thoong - xỉnh Thăm - mạ - vông; Lãnh đạo các nước Thái Lan, Trung Quốc, Mianma; Đại diện các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế…      Thách thức về an ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực   Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị        Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Hội nghị cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia thành viên Ủy hội và tiến trình hợp tác Mê Công thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện Tuyên bố Hủa Hỉn năm 2010; Thảo luận các cơ hội, thách thức hiện nay và đề ra định hướng cho sự phát triển của Ủy hội trong giai đoạn 2016 - 2020. Sự kiện này càng có ý  nghĩa hơn khi Việt Nam đang chuẩn bị kỉ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định hợp tác Mê Công và thành lập Ủy hội sông Mê Công quốc tế năm 1995. Với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mê Công”, Hội nghị sẽ góp phần nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế nhằm tăng cường an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực, hưởng ứng Ngày nước Thế giới năm 2014 với chủ đề “Nước và Năng lượng”.      Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay lưu vực sông Mê Công đang đứng trước nhiều thách thức. Nhu cầu gia tăng về tài nguyên cho các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó nhu cầu năng lượng và lương thực đã tạo nên áp lực ngày càng lớn đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái trong lưu vực sông.   Toàn cảnh Hội nghị        Lưu vực sông Mê Công trở thành 1 trong 5  lưu vực sông lớn trên thế giới có dòng chảy bị suy giảm nhiều nhất. Dòng chảy trung bình năm của sông Mê Công tại trạm Chiềng Sen, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Công đã giảm 10% trong vòng 30 năm qua. Tại Lào, vào mùa khô trong 10 năm qua, sông Mê Công đoạn chảy qua Thủ đô Viêng Chăn khô hạn đến mức có thể lội qua sông. Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nước mặn đã vào đến tận khu vực Tân Châu, Châu Đốc tỉnh An Giang và là điều chưa bao giờ xảy ra trước đây.      Những tác động này càng trở nên nghiêm trọng hơn, cấp thiết hơn trong bối cảnh các quốc gia ven sông tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng BĐKH. Theo số liệu tính toán cho các kịch bản về BĐKH, khi kịch bản tồi tệ nhất xảy ra thì trong vòng 100 năm tới nước biển ở Việt Nam sẽ tăng cao 1 m, làm mất 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 10% dân số Việt Nam.      Tuyên bố TP. Hồ Chí Minh      Sau khi thảo luận, các thành viên tham gia Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao lần thứ 2 Ủy hội sông Mê Công quốc tế và được gọi là Tuyên bố TP. Hồ Chí Minh. Có thể nói đây là một trong nững kết quả quan trọng nhất của Hội nghị lần này.      Tuyên bố TP. Hồ Chí Minh  tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết giữa các thành viên và cam kết chính trị cao nhất đối với việc thực hiện Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực Mê Công năm 1995 và các quy định, thủ tục của Ủy hội. Ghi nhận những kết quả trong việc thực hiện Tuyên bố Hủa Hin, Ủy hội cam kết thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các  thành viên, tăng cường vai trò của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, hướng tới mục tiêu quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên nước, đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng trong lưu vực sông Mê Công.      Tuyên bố TP. Hồ Chí Minh đã xác định 6 lĩnh vực hoạt động ưu tiên và 6 định hướng cho hoạt động hợp tác của Ủy hội trong giai đoạn tới, trong đó tập trung vào việc tăng cường thực hiện các Thủ tục của Ủy hội, rà soát cập nhật các kế hoạch chiến lược, đẩy mạnh các dự án nghiên cứu đánh giá tác động, các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu và giảm nhẹ các rủi ro với hệ sinh thái sông Mê Công. Nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các sáng kiến khu vực và quốc tế có liên quan, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác và hỗ trợ của các đối tác trong quá trình thực hiện kế hoạch hoạt động giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy hội.      Vai trò và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị      Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các thành viên và Ban Thư ký Ủy hội chuẩn bị tốt cho Hội nghị Cấp cao lần này, trong đó có việc đóng góp vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự và nội dung của Hội nghị. Nhiều ý kiến, đề xuất của Việt Nam đã được các thành viên nhất trí đưa vào Tuyên bố TP. Hồ Chí Minh. Trước Hội nghị Cấp cao, từ ngày 2 -3/4/2014 Việt Nam cũng đã phối hợp với Ban Thư ký Ủy hội  tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Hợp tác về an ninh nguồn nước, năng lượng và lương thực ở các lưu vực xuyên biên giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu” với hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.      Tại Hội nghị Cấp cao lần này, Việt Nam đã nhấn mạnh sự quan tâm và ưu tiên  đối với sự ổn định và phát triển bền vững sông Mê Công nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; Nêu bật những nỗ lực, biện pháp của Việt Nam đã và đang triển khai nhằm  bảo vệ an ninh nguồn nước và hệ sinh thái ở hạ lưu sông Mê Công, đồng thời cam kết tiếp tục hợp tác với các thành viên, các đối tác nhằm phát  huy vai trò của Ủy hội và thúc đẩy hợp tác sông Mê Công.      Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 Ủy hội sông Mê Công quốc tế sẽ được tổ chức tại Campuchia vào năm 2018.   Theo monre  
Ý kiến của bạn