Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 07/11/2024

Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam

15/09/2015

     Đất đai vừa là thành tố quan trọng của môi trường vừa là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, sinh hoạt. Để đảm bảo phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành các quy định về BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Các quy định này được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Đất đai, Luật BVMT, Pháp lệnh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các văn bản về việc đăng ký chính thức, đăng ký bổ sung và đăng ký đặc cách một số loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, hạn chế sử dụng tại Việt Nam...      Thực trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường đất nông nghiệp ở Việt Nam      Chính sách về giao đất, cho thuê đất nông nghiệp ổn định, lâu dài đã tạo niềm tin, khuyến khích nông dân yên tâm canh tác và bảo vệ, cải tạo đất. Đồng thời các chính sách pháp luật về BVMT cũng là những nền tảng quan trọng trong bảo vệ đất nông nghiệp, tác động tích cực đến hành vi của mỗi chủ thể sử dụng đất. Tuy nhiên, BVMT đất nông nghiệp trên thực tiễn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.      Theo Niên giám thống kê năm 2010, tổng diện tích đất tự nhiên cả nước là 33,105 triệu ha, trong đó đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản chiếm 79% diện tích đất. Theo đánh giá thì tổng diện tích đất nông nghiệp có xu hướng giảm, từ giai đoạn 2000 đến nay, diện tích đất nông nghiệp đã chuyển sang mục đích sử dụng khác là 500.000 ha. Bên cạnh sức ép diện tích đất nông nghiệp thì vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường đất nông nghiệp cũng là một thách thức lớn đối với nông nghiệp Việt Nam.      Ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp      Sử dụng phân bón không đúng cách đã và đang để lại dư lượng phân bón cây trồng không hấp thụ, điều này tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp, làm ô nhiễm nguồn nước, đất nông nghiệp. Theo số liệu thống kê từ năm 1985 đến nay, diện tích gieo trồng ở nước ta chỉ tăng 57,7% nhưng lượng phân bón hóa học sử dụng tăng tới 51,7%, có khoảng 2/3 lượng phân bón hàng năm cây trồng chưa được sử dụng, gây lãng phí tiền bạc của nhân dân. Đặc biệt, dưới góc độ môi trường, hàng năm một lượng lớn phân bón được rửa trôi hay bay hơi đã làm ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp và môi trường sống, đó là một trong những tác nhân gây ô nhiễm đất, nước, không khí.      Trong những năm qua, nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Cục bảo vệ thực vật, ước tính đến nay, có khoảng hơn 3.000 loại thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng với khối lượng trên 100.000 tấn/năm. Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ dịch hại, không tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thiếu kiến thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã dẫn đến tình trạng tồn dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật trong đất, ảnh hưởng xấu đến môi trường đất và con người.     Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi gia súc cũng ngày càng phát triển, mở rộng về quy mô và diện tích. Chất thải từ các hoạt động chăn nuôi, gia súc, gia cầm hầu như không được xử lý đúng kỹ thuật, xả thải trực tiếp ra môi trường cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm đất, nước.      Suy thoái đất nông nghiệp     Thiên tai, bão lũ gia tăng đã làm tăng hiện tượng rửa trôi, xói mòn, sạt lở bờ sông, bờ biển, bồi lắng dòng sông... gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài nguyên đất, hiện tượng thiếu nước, hạn hán ở một số vùng đã xảy ra, dẫn tới hiện tượng hoang mạc hóa đất.      Nạn phá rừng, khai thác gỗ để lấy đất canh tác hoặc do thiên nhiên đã làm mất một diện tích lớn đất phủ thực vật dẫn đến rửa trôi và xói mòn đất. Theo số liệu thống kê, tính riêng năm 2010, tổng diện tích rừng bị cháy và bị chặt phá lên đến 7.781 ha, phần lớn trong rừng bị cháy và rừng bị phá là rừng nguyên sinh. Sự suy giảm diện tích rừng đã gây sức ép không nhỏ đối với môi trường, làm mất các chất dinh dưỡng trong đất, làm suy thoái và mất tính năng sản xuất của đất. Đất nông nghiệp cũng chịu ảnh hưởng một phần lớn từ quá trình này.      Bên cạnh đó, thói quen canh tác lạc hậu của người nông dân đã khai thác kiệt quệ đất đai mà ít chú ý đến hoạt động bồi bổ, cải tạo đất, dẫn đến tình trạng đất nông nghiệp thoái hóa, bạc màu.      Từ việc nghiên cứu thực trạng sử dụng đất nông nghiệp cho thấy chính sách pháp luật về BVMT đối với đất nông nghiệp chưa thực sự phát huy được hiệu quả trên thực tế. Mặc dù Nhà nước đã xây dựng khung pháp lý khá toàn diện về việc bảo vệ đất nông nghiệp, song giữa pháp luật và thực tiễn lại chưa có sự phù hợp. Bất cập được thể hiện trên các phương diện:      Tuy pháp luật quy định khá nghiêm ngặt về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như các hành vi dẫn đến hủy hoại đất, song bản thân những người dân lại chưa được trang bị kiến thức pháp luật, kiến thức khoa học đầy đủ về vấn đề này, hầu hết chỉ thực hiện theo thói quen. Hoặc trong nhiều trường hợp người nông dân đã được tuyên truyền đầy đủ thông tin về phương diện pháp luật cũng như kỹ thuật, song ý thức BVMT chưa cao, chỉ tính đến lợi ích trước mắt mà không tính đến lợi ích lâu dài. Điều này đã dẫn đến thực trạng các biện pháp bảo vệ đất chỉ tồn tại trên giấy tờ mà không được hiện thực hóa.   Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trong sản xuất nông nghiệp đã làm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí        Chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn nhiều yếu kém. Đặc biệt, tính thực tiễn của các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT khu vực nông thôn còn chưa cao. Ví dụ, nếu đối chiếu theo đúng quy định của Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT thì hầu hết các hành vi của người nông dân thực hiện trên mảnh đất của mình như hiện nay đều bị xử phạt.      Quy định pháp luật còn mang tính mệnh lệnh hành chính, chưa có chính sách khuyến khích đầy đủ để thúc đẩy ý thức BVMT trong nhân dân. Hay nói cách khác, pháp luật chưa gắn kết được lợi ích BVMT và lợi ích của cá nhân người nông dân. Nếu lợi ích BVMT là lợi ích lâu dài thì bản thân người nông dân vốn có tâm lý nhìn vào lợi ích trước mắt. Hiện nay, các chính sách ưu đãi BVMT mới chỉ hướng đến các chủ thể là tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã…) mà chưa chú trọng đến cá nhân người nông dân.Trong khi nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, cá nhân người nông dân mới là chủ thể chính sách cần hướng tới để khuyến khích bảo vệ đất nông nghiệp. Chính sách chi trả trực tiếp cho người nông dân để BVMT đã được rất nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển thực hiện, song tại Việt Nam chính sách này chưa được chú trọng.      Quy định về quản lý chất thải còn lỏng lẻo, thiếu các quy phạm cụ thể, việc quy định trách nhiệm quản lý của các cơ quan còn chồng chéo, mâu thuẫn, đặc biệt là chưa có quy chế quản lý chất thải khu vực nông thôn, dẫn đến hành vi xả thải gây tác động xấu đến đất nông nghiệp. Việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải để BVMT nói chung và môi trường đất nói riêng mới chỉ được quy định dưới hình thức “khuyến khích” mà chưa thể hiện dưới dạng quy phạm bắt buộc, phí BVMT đối với chất thải vẫn chưa đủ cao để tác động đến hành vi xả thải, nên việc gây ô nhiễm vẫn là hiện tượng phổ biến.      Giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, suy thoái môi trường trong sử dụng đất nông nghiệp      Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp, một số giải pháp đã được đề xuất nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái, ô nhiễm đất nông nghiệp:      Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp cho bà con nông dân, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đem lại giá trị kinh tế và BVMT, trao đổi với bà con nông dân về tác hại của việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách…, qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc BVMT đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tiêu dùng, hướng họ đến thói quen sử dụng “nông sản sạch” cũng là yếu tố quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy người nông dân phát triển một nền nông nghiệp bền vững gắn liền với việc bảo vệ đất nông nghiệp.      Hai là, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Hoạt động thanh tra, kiểm tra cần phải được quy định rõ về chức năng, thẩm quyền, đồng thời, các quy định về vi phạm hành chính về lĩnh vực BVMT trong nông nghiệp cũng cần phải bám sát với thực tiễn, phù hợp với trình độ phát triển về kinh tế, kỹ thuật khu vực nông thôn để việc xử lý có thể dễ dàng triển khai và đảm bảo tính giáo dục, răn đe đối với người vi phạm.      Ba là, xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, cần xây dựng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích người nông dân BVMT trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Ví dụ, tại Nhật Bản, chính phủ thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân với mức hỗ trợ tùy thuộc vào việc giảm thiểu lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Hoặc tại Hàn Quốc, chính phủ cũng chi trả trực tiếp dưới dạng bù đắp những chi phí cho hoạt động mà người nông dân tiến hành nhằm BVMT trong quá trình sản xuất nông nghiệp.      Bốn là, hoàn thiện quy định về quản lý chất thải. Cần phải xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho vấn đề quản lý chất thải, trong đó có quản lý chất thải nông nghiệp. Quản lý chất thải cần đề cao các biện pháp giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải và gắn chúng với các biện pháp hỗ trợ cần thiết về tài chính, kỹ thuật cũng như chế tài nghiêm minh xử lý vi phạm.   ThS. Nguyễn Thị Minh Hạnh, ThS. Đỗ Thị Kim Hương Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015          Tài liệu tham khảo      - Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 BCHTW Khóa IX, NXB Chính trị quốc gia, tr. 61      - Quốc hội (2013), Luật Đất đai năm 2013      - Quốc hội (2014), Luật BVMT năm 2014      - Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010), Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2010     - FAO (2007), The State of Food and Agriculture 2007 - Paying farmers for environmental services, at http://www.fao.org/docrep/010/a1200e/a1200e00.ht      - Nanae Yamada (2011), Agro-environmental Policies in Japan and Attendant Challenges: Countermeasures for the Agricultural Sector.”in BI Jun, Kenji OTSUKA, Junjie GE, Shi WANG eds., Stakeholder Involvement in Water Environment Conservation in China and Japan Building Effective Governance in the Tai Lake Basin, IDE Joint Research Program Series No.155, 2011.      - OECD (2008), Evaluation of Agricultural Policy Reforms in Korea, at http://www.oecd.org/tad/agricultural-policies/40383978.pdf
Ý kiến của bạn