Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 24/04/2024

Dự án Peatland: Mang lại ý nghĩa thiết thực cho người dân khu vực đất than bùn

15/09/2015

     ​Ngày 1/10/2014, tại Hà Nội, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến đã có buổi làm việc với Đoàn chuyên gia Dự án khu vực Đông Nam Á về kết quả thực hiện Dự án Peatland tại Việt Nam.      Tại buổi làm việc, ông James Barrack Carle, Trưởng Đoàn chuyên gia đánh giá dự án khu vực cho biết, trong khuôn khổ sáng kiến ASEAN về quản lý đất than bùn được các Bộ trưởng thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về khói mù lần thứ 8 (năm 2002), Dự án “Phục hồi và sử dụng bền vững đất than bùn trong khu vực Đông Nam Á” (Dự án Peatland) đã được triển khai xây dựng từ năm 2005. Dự án được Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) tài trợ và thực hiện từ năm 2009, gồm 5 hợp phần: Hợp phần khu vực và bốn hợp phần quốc gia của các nước Inđônêxia, Malaixia, Philipin và Việt Nam. Hiệp định tài trợ cho Dự án được ký kết giữa Ban Thư ký ASEAN và Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã chính thức hóa việc phê duyệt và quản lý khoản viện trợ từ Quỹ Môi trường tòan cầu (GEF) và giám sát thực hiện Dự án trong thời gian 4 năm (2009 - 2013).      Dự án tập trung vào các hoạt động: Tăng cường năng lực và khung thể chế cho quản lý bền vững đất than bùn; Giảm thiểu suy thoái đất than bùn; Quản lý tổng hợp và phục hồi các vùng đất than bùn được lựa chọn; Thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân vào công tác quản lý đất than bùn một cách bền vững. Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường quản lý đất than bùn bền vững ở Đông Nam Á để duy trì sinh kế của dân cư địa phương, phục vụ mục tiêu giảm nghèo, giảm nguy cơ cháy và khói bụi kèm theo. Đồng thời, góp phần vào quản lý môi trường toàn cầu, đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và giảm thiểu biến đổi khí hậu.   Toàn cảnh buổi làm việc        Bà Nguyễn Thị Thanh Trâm, Giám đốc Dự án Peatland Hợp phần Việt Nam chia sẻ, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, mặc dù đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Tổng cục Môi trường đã phối hợp với các chuyên gia của Dự án hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra. Đến nay, Dự án đã thu được những kết quả khả quan:      - Đối với công tác nghiên cứu Hệ sinh thái (HST) và ĐDSH thực vật vùng đất than bùn ở Vườn Quốc gia (VQG) U Minh Thượng:Dự án giúp cho công tác quản lý bền vững các HST và ĐDSH thực vật ở VQG ở một số khía cạnh như: Bước đầu xác định được các chỉ số ĐDSH và độ phong phú các loài thực vật ở một số HST điển hình trong vùng đầm lầy than bùn và trên đất khoáng của VQG. Phương pháp áp dụng trong nghiên cứu nói trên có thể được hiệu chỉnh, bổ sung để có thể dùng đánh giá ĐDSH thực vật khu đầm lầy than bùn của VQG U Minh Hạ. Bên cạnh đó, đưa ra mối quan hệ trong việc quản lý thủy văn liên quan đến sự thay đổi các HST và ĐDSH  thực vật vùng đầm lầy than bùn. Kết quả nghiên cứu giúp cho Ban quản lý VQG U Minh Thượng quyết định điều chỉnh việc quản lý thủy văn cho từng HST, qua đó vừa quản lý phòng cháy chữa cháy hiệu quả, vừa có thể phục hồi các HST và ĐDSH thực vật ở VQG U Minh Thượng.      - Đối với hoạt động hỗ trợ và phát triển sinh kế cộng đồng dân cư xung quanh VQG U Minh Thượng, Dự án đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng cư dân như hỗ trợ vốn sản xuất theo mô hình đăng ký; Nâng cao nhận thức và tập huấn cho 53 hộ dân áp dụng 4 mô hình sản xuất.      - Đối với các hoạt động tăng cường các biện pháp kiểm soát và phòng chống cháy rừng cho khu vực đất than bùn thuộc vùng U Minh, Kiên Giang, Cà Mau, Dự án đã nghiên cứu, tìm hiểu về nguy cơ các điểm nóng dẫn đến cháy rừng. Trong báo cáo của các hoạt động nói trên, các chuyên gia đã đánh giá được các phương pháp quản lý nước và lửa kể từ năm 2000 đến nay tại khu vực đất than bùn U Minh Thượng và U Minh Hạ; Tìm hiểu một số vấn đề chính trong quản lý nước đối với việc bảo tồn và gìn giữ đất than bùn và các HST, ĐDSH trên vùng đất này; Tìm hiểu và phân tích những vấn đề quản lý thủy văn cùng với việc khống chế lửa rừng trên vùng đất U Minh, những khu vực nhạy cảm với cháy rừng trong khu vực đất than bùn U Minh… từ đó tìm ra giải pháp quản lý thủy văn và phòng chống cháy rừng than bùn đối với những khu vực nhạy cảm.      Bên cạnh đó, Dự án hỗ trợ hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng bền vững đất than bùn để Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; Phối hợp với chuyên gia kỹ thuật xây dựng hồ sơ trình phê duyệt tại Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về Bảo tồn ĐDSH, Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường, Hội nghị các Bộ trưởng môi trường ASEAN để công nhận VQG U Minh Thượng trở thành Vườn Di sản ASEAN; Tổ chức Lễ trao Chứng nhận VQG U Minh Thượng là Vườn Di sản ASEAN…      Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến đánh giá cao những kết quả của Dự án Peatland. Thứ trưởng cảm ơn Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Ban Thư ký ASEAN và Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) đã giúp Việt Nam triển khai thành công Dự án và mong muốn, thời gian tới, các cơ quan quốc tế sẽ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ Việt Nam thực hiện phần 2 của Dự án, mang lại nhiều hiệu quả hơn trong công tác BVMT cho khu vực đất than bùn, sinh kế cho cộng đồng dân cư của Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.    Theo VEA
Ý kiến của bạn