Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ xử lý ô nhiễm đioxin ở Việt Nam

15/09/2015

     Trong hai ngày (2 - 3/12/2013), tại TP. Đà Nẵng, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 (Bộ TN&MT) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ quốc tế về đánh giá và xử lý ô nhiễm đioxin/các chất hữu cơ khó phân hủy POPS ở Việt Nam.      Hội thảo là một phần thuộc dự án trị giá 5 triệu USD Mỹ do Chương trình phát triển Liên hợp Quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) khởi động vào tháng 7/2010. Dự án tập trung vào việc hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu các tác động tiêu cực lên các hệ sinh thái và sức khỏe con người từ nguồn phát thải đioxin từ các điểm nóng ô nhiễm.          Tại Hội thảo, các nhà khoa học và các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế đã chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm trong những nghiên cứu, đánh giá, tẩy độc đioxin ở Việt Nam trong hơn 40 năm qua. Hội thảo đã thảo luận về 3 vấn đề cụ thể: Giới thiệu về các phương pháp đánh giá đioxin và các chất ô nhiễm khác; Cập nhật tình hình phát triển công nghệ xử lý đối với các chất POPs/đioxin; Cung cấp sự so sánh trên phương diện quốc tế về khung pháp lý đối với công tác kiểm soát và quan trắc đioxin.      Theo PGS.TS. Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng 33, Giám đốc Dự án quốc gia, với cách tiếp cận tương đối toàn diện đối với vấn đề chất độc màu da cam/đioxin ở Việt Nam, Dự án Xử lý đioxin tại các vùng nóng ở Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng xét về cả mặt lý thuyết và thực tiễn. Dự án đã xử lý khu ô nhiễm đioxin tại sân bay Phù Cát; góp phần ngăn chặn sự lan tỏa của đioxin tại sân bay Biên Hòa và xây dựng kế hoạch tổng thể xử lý đioxin tại Biên Hòa (Đồng Nai).      Dự án cũng đã tổ chức nghiên cứu, lựa chọn và áp dụng các công nghệ xử lý đioxin phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam. Những hoạt động của Dự án, bao gồm cả các hoạt động đào tạo và truyền thông, đã góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và phòng chống đioxin cùng các chất độc hại khác cho Việt Nam”. Cũng theo PGS.TS Lê Kế Sơn, Việt Nam cần công nghệ có hiệu quả và phù hợp về mặt kinh tế để xử lý đioxin, trả lại môi trường trong lành, an toàn cho người dân.    Theo Monre
Ý kiến của bạn