Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 12/12/2024

Chương trình “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ quản lý và bảo vệ môi trường Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015” - Nửa chặng đường nhìn lại

10/01/2014

     To meet practical requirements for state management of environmental protection, Ministry of Natural Resources and Environment has approved the program “Research and application of science and technology for environmental management period 2011-2015”, code TNMT.04/10-15. Being part of this program, over the last few years, environmental research by the Vietnam Environment Administration has progressed actively and achieved meaningful results, proving input to state management of environmental protection. A midterm review shows that research projects under the program have contributed scientific bases for revising and improving mechanisms, policies, regulations, standards and codes, technology and capacity building for environmental protection.

 

     Trên cơ sở yêu cầu thực tiễn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, Bộ TN&MT đã phê duyệt Chương trình “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ quản lý và BVMT ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015”, mã số TNMT.04/10-15. Tham gia Chương trình, trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường của Tổng cục Môi trường đã được triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa, phục vụ cho nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT. Kết quả đánh giá giữa kỳ cho thấy, các kết quả nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; các giải pháp công nghệ, quản lý nhà nước về môi trường; đào tạo và tăng cường nguồn nhân lực cho công tác BVMT.

     1. Chương trình TNMT.04/10-15

     Ngày 24/7/2009, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký Quyết định số 1404/QĐ-TNMT về việc phê duyệt và ban hành Khung chương trình “Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ quản lý và BVMT ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015, mã số TNMT.04/10-15”, bao gồm những nội dung cơ bản:

     - Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc ban hành các Nghị quyết/Chỉ thị của Đảng về BVMT và phát triển bền vững;

     - Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, triển khai hệ thống pháp luật về BVMT;

     - Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về môi trường;

     - Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các công cụ kinh tế phục vụ quản lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học;

     - Nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch quan trắc môi trường trong hệ thống quan trắc TN&MT quốc gia;

     - Nghiên cứu xây dựng và phát triển phương pháp phân vùng chức năng môi trường phục vụ công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch sử dụng đất các vùng, lãnh thổ;

     - Nghiên cứu, đánh giá lựa chọn và triển khai áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ thân thiện môi trường phù hợp điều kiện Việt Nam;

     - Nghiên cứu, áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến để quan trắc môi trường; dự báo, kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường;

     - Nghiên cứu cải thiện chất lượng môi trường; khắc phục suy thoái môi trường; phòng chống các sự cố, thảm họa môi trường, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

 

Hội thảo tham vấn xây dựng Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020,

tầm nhìn 2030

 

     Trong giai đoạn 2010 - 2012, Chương trình TNMT.04/10-15 đã thực hiện 28 đề tài (trung bình số đề tài, nhiệm vụ mở mới hàng năm là 6 - 7 đề tài), trong đó Tổng cục Môi trường thực hiện 21 đề tài. Các đề tài thực hiện trong giai đoạn này, chưa có sự phân bố đều về mặt nội dung. Chương trình được phê duyệt có 9 nội dung, tuy nhiên, đến nay các đề tài được đăng ký và phê duyệt thực hiện tập trung chủ yếu vào 5 nội dung chính của Chương trình: Nội dung số 2 (9 đề tài, chiếm tỷ lệ 32%); Nội dung số 4 (5 đề tài, chiếm tỷ lệ 18%); Nội dung số 7 (2 đề tài, chiếm tỷ lệ 7% ); Nội dung số 8 (8 đề tài, chiểm tỷ lệ 29%) và nội dung số 9 (4 đề tài, chiếm tỷ lệ 14%) (Xem sơ đồ).

     2. Đánh giá kết quả giữa kỳ đã đạt được của các đề tài tham gia Chương trình

     Một số kết quả nổi bật

     Nhìn chung, trong giai đoạn 2010-2012, các đề tài thuộc Chương trình TNMT.04/10-15 được thực hiện nghiêm túc, có tính khoa học trên cơ sở kế thừa các kết quả nghiên cứu khoa học trước đây. Hầu hết các đề tài đã tham khảo, học tập kinh nghiệm quốc tế trong các vấn đề nghiên cứu, khoa học mới để rút ra các bài học kinh nghiệm phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chất lượng sản phẩm và tiêu chí khoa học đạt được của các sản phẩm chính đáp ứng được yêu cầu, chỉ tiêu chất lượng, yêu cầu khoa học theo đăng ký tại Thuyết minh đề cương của từng đề tài. Các đề tài đã đáp ứng được mục tiêu đề ra và có tính khả thi cao. Kết quả, sản phẩm của tất cả các đề tài (100%) đều có khả năng áp dụng vào thực tiễn để phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT và đa dạng sinh học. Kết quả đóng góp cụ thể của các đề tài bao gồm:

     - Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Kết quả nghiên cứu của 5 đề tài đã và đang trực tiếp góp phần xây dựng văn bản quy pháp pháp luật, trong đó 4 đề tài có những đóng góp tích cực, phục vụ công tác sửa đổi Luật BVMT năm 2005 và 1 đề tài đã xây dựng và trình ban hành “Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.

     - Đề xuất, lựa chọn công nghệ xử lý ô nhiễm: Kết quả của 2 đề tài nghiên cứu đã xây dựng phương án công nghệ xử lý nước thải có tính thân thiện môi trường cho các cơ sở giết mổ gia súc và chế biến tinh bột sắn phù hợp với điều kiện Việt Nam; đề xuất danh mục công nghệ xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp của ngành công nghiệp điện tử.

     - Góp phần phục vụ quản lý môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học: Một số đề tài đã nghiên cứu và xác định cơ sở khoa học, lý luận trong việc xây dựng các phương pháp, cách tiếp cận mới trong quản lý môi trường, bao gồm lượng giá thiệt hại do ô nhiễm không khí, phục vụ công tác xác định bồi thường thiệt hại và xử lý các vi phạm về môi trường; xác định thiệt hại dân sự do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra trên một số lưu vực sông; giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết bồi thường thiệt hại do vi phạm pháp luật về BVMT; tiếp cận hệ sinh thái trong giải quyết các vấn đề môi trường - sức khỏe; cơ chế đối tác về BVMT; đề xuất Danh lục động, thực vật và hệ sinh thái ưu tiên bảo vệ tại Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, thử nghiệm khoanh tạo rừng ngập mặn tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau...

     Mặc dù không trực tiếp liên quan đến công tác đào tạo (các đơn vị chủ trì không có chức năng nhiệm vụ về đào tạo), nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, các đề tài có sự hợp tác và phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học. Các kết quả nghiên cứu của đề tài đều góp phần gián tiếp trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường đại học. Bên cạnh đó, thông qua việc tham gia thực hiện đề tài, trình độ nghiên cứu, năng lực và kỹ năng chuyên môn của các cán bộ Bộ TN&MT cũng đã được tăng cường.

      Một số tồn tại

     Kết quả của 28 đề tài thuộc Chương trình đã đáp ứng được các chỉ tiêu cơ bản đặt ra. Tuy nhiên mới chỉ có 8 đề tài (chiếm 29% đề tài/dự án trong giai đoạn 2010-2012) công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí. Kết quả này còn thấp và chưa đạt yêu cầu của Chương trình đề ra (chỉ tiêu đặt ra là 70%); Các đề tài chưa có các kết quả về sở hữu trí tuệ do ít có liên quan đến việc nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm, công nghệ liên quan đến sản xuất mà chủ yếu phục vụ cho mục đích quản lý nhà nước về BVMT (chỉ tiêu đặt ra là 3%).

     Các đề tài đều có sự hợp tác và phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học. Tuy nhiên, chưa có nhiều đề tài tham gia trực tiếp vào công tác đào tạo sau đại học. Chỉ có 4 đề tài (14%) đăng ký góp phần tham gia đào tạo trình độ thạc sỹ. Kết quả này còn thấp và chưa đạt yêu cầu so với chỉ tiêu đề ra của Chương trình (chỉ tiêu là 50%) .

     Kết quả của một số đề tài đã xác lập luận cứ lý luận, thực tiễn hình thành cơ chế, chính sách hoặc dự thảo sơ bộ về văn bản quy pháp pháp luật, nhưng để ban hành được cơ chế, chính sách hoặc các văn bản cụ thể cần phải được tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu, theo trình tự, thủ tục quy định. Tương tự như vậy đối với các kết quả, sản phẩm là các phương pháp luận, quy trình, công nghệ...

     Nhiều hoạt động nghiên cứu không có định mức kinh phí, quá trình phê duyệt đề cương, dự toán thực hiện đề tài/dự án kéo dài ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo tiến độ, chất lượng thực hiện dự án.

     Giải pháp khắc phục

     Tăng cường công tác theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các đề tài/dự án nhằm sớm phát hiện các khó khăn, vướng mắc để kịp thời khắc phục.

     Tăng cường giới thiệu các kết quả, sản phẩm của Chương trình nói chung và từng đề tài, dự án nói riêng để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn thông qua việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các Tạp chí trong và ngoài nước cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các đơn vị chủ trì đề tài cần đăng tải và cập nhật thông tin kết quả nghiên cứu của đề tài trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

      Khuyến khích công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế. Trong quá trình xét duyệt thuyết minh đề cương của các đề tài, dự án khoa học công nghệ, cần cụ thể hóa các tiêu chí, chỉ tiêu chất lượng cần phải đạt được của mỗi kết quả, sản phẩm dự kiến; tiến tới chính thức quy định phải công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành hoặc tham gia đào tạo sau đại học.

     Tăng cường sự hợp tác với các viện, trung tâm nghiên cứu và trường đại học cũng như các địa phương, các cơ sở sản xuất trong việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án nhằm đạt được hiệu quả tối đa trong nghiên cứu, đào tạo và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu.

     Quy định cụ thể hơn về trình tự thủ tục nhằm rút ngắn thời gian phê duyệt đề cương, dự toán thực hiện đề tài/dự án, giúp các đề tài, dự án có nhiều thời gian thực hiện các nội dung theo năm tài khóa. Đổi mới cơ chế quản lý kinh phí của đề tài, trong đó, cần thực hiện hình thức khoán kinh phí thực hiện các nội dung của đề tài, dự án theo quy định tại Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT/BTC-BKHCN giữa Bộ Tài chính - Bộ KH&CN về hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.

     3. Kết luận và kiến nghị

     Chương trình “Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ quản lý và BVMT ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015” là căn cứ quan trọng để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường của Bộ TN&MT. Kết quả đánh giá giữa kỳ của Chương trình cho thấy, những đóng góp tích cực và hiệu quả của các đề tài/dự án nghiên cứu đã triển khai, đồng thời cũng đã chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục.

     Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn tiếp theo, cần mở rộng nghiên cứu một số nội dung mới như an ninh môi trường, sức khỏe môi trường, các vấn đề có liên quan đến sản xuất và tiêu dùng bền vững... Bên cạnh sự gắn kết chặt chẽ giữa các đề tài trong Chương trình TNMT.04/10-15, cũng cần có sự liên kết, phối hợp với các đề tài/dự án liên quan thuộc lĩnh vực khác của Bộ TN&MT như biến đổi khí hậu, đất đai, tài nguyên nước...

 

TS.Nguyễn Thế Đồng

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013

 

 

 

 

Ý kiến của bạn