Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 03/01/2025

Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ khí sinh học

10/03/2014

     Hiện địa bàn nông thôn trên cả nước có hàng trăm nghìn công trình khí sinh học (KSH) với nhiều quy mô khác nhau, góp phần làm sạch vệ sinh môi trường, cung cấp chất đốt và là nguồn phân bón cho cây trồng. Tuy nhiên, để công nghệ KSH bioga phát triển, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và cải thiện đời sống người dân ở nông thôn, còn không ít vướng mắc cần tháo gỡ. Bên cạnh việc đầu tư của Nhà nước, kết hợp khơi dậy phong trào xã hội hóa làm công trình hầm biôga ở nông thôn sẽ góp phần giữ vững an ninh năng lượng, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Khải - Giám đốc Trung tâm công nghệ KSH, một trong những đơn vị đi tiên phong mang đến các giải pháp BVMT tại Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Quang Khải - Giám đốc Trung tâm công nghệ KSH

 

     Là một trong những Trung tâm có bề dày kinh nghiệm trên các lĩnh vực KSH và các công nghệ xử lý chất thải liên quan, xin ông cho biết một số kết quả của việc ứng dụng các kiểu thiết bị KSH vào thực tiễn mang lại hiệu quả BVMT thời gian qua?

     Ông Nguyễn Quang Khải: Những năm qua, Trung tâm Công nghệ KSH đã phát triển thành công các loại thiết bị KSH với nhiều quy mô khác nhau. Với quy mô nhỏ, áp dụng cho các gia đình, đó là Kiểu KT1, KT2 xây dựng bằng vật liệu thông thường (gạch, xi mang, cát) có thể tích phân giải từ 4 tới 50 m3. Hai kiểu này đã được tiêu chuẩn hóa, được giải nhì VIFOTEC lần thứ 10 (2009) và được ứng dụng rộng rãi trong cả nước với số lượng gần 400.000 công trình. Kiểu KT31 có bể phân giải xây bằng vật liệu thông thường nhưng bộ phận chứa khí tiền chế tại công xưởng bằng chất dẻo (compozit hoặc PVC). Số công trình đã xây dựng vào khoảng vài trăm. Kiểu KT3C được tiền chế bằng compozit. Kiểu này khắc phục các nhược điểm của kiểu bể compozit do các công ty đang sản xuất. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm đã được Bộ NN&PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật và đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Số công trình đã được lắp đặt vào khoảng vài vạn thiết bị.

     Với quy mô vừa và lớn, đó là kiểu KT31 gồm nhiều mô đun, mỗi mô đun dùng một nắp chứa khí như ở kiểu quy mô nhỏ. Số công trình đã được lắp đặt vào khoảng vài chục. Kiểu hồ che phủ bằng màng HDPE. Kiểu này thích hợp với các trang trại chăn nuôi và các nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm như tinh bột sắn.

     Các thiết bị trên nếu được vận hành đúng kỹ thuật đạt hiệu quả xử lý chất thải rất cao: các thông số ô nhiễm trong nước thải như COD, B0D5, TS đều giảm trên 90%. Nước thải đầu ra không còn hôi thối. Hiệu quả về giảm phát thải khí nhà kính cũng đáng kể. Với kiểu KT1 và KT2, dự án Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam được Chính phủ Hà Lan tài trợ, do Cục Chăn nuôi và Tổ chức phát triển của Hà Lan (SNV) chủ trì đã bán được chỉ tiêu giảm phát thải cho một số tổ chức quốc tế.

     Việc phổ biến, chuyển giao kết quả nghiên cứu KSH được Trung tâm tiến hành như thế nào?

     Ông Nguyễn Quang Khải: Hiện nay các thiết bị nghiên cứu của Trung tâm được phổ biến rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng (sách kỹ thuật, chương trình truyền hình) để mọi cá nhân đều có thể ứng dụng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn cho thợ xây, kỹ thuật viên và người sử dụng; Thực hiện các dự án xây dựng mô hình; Trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho các đơn vị có nhu cầu.

 

Máy phát điện chạy bằng KSH và điêznel tại trại Đan Hoài, huyện Hoài Đức, Hà Nội

 

     Xin ông cho biết, những thuận lợi và khó khăn khi triển khai ứng dụng KSH tại Việt Nam?

     Ông Nguyễn Quang Khải: Triển khai ứng dụng KSH tại Việt Nam đã đáp ứng lợi ích về nhiều mặt (môi trường, năng lượng, nông nghiệp...). Đồng thời, Việt Nam có nhiều chính sách và dự án cụ thể khuyến khích nhân dân ứng dụng công nghệ KSH; được quốc tế ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam phát triển công nghệ KSH. Tuy nhiên việc triển khai ứng dụng KSH cũng còn nhiều khó khăn: Kinh phí đầu tư còn vượt quá khả năng tài chính của người dân; Nhà nước chưa có một chính sách chung cho lĩnh vực KSH. Mỗi dự án, mỗi địa phương có một chính sách riêng nên nhiều khi cạnh tranh lẫn nhau, cản trở cho việc phát triển. Chưa có một cơ quan đầu mối quản lý lĩnh vực này. Việc phát triển còn ở tình trạng trăm hoa đua nở, nhiều khi dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, tuyên truyền quá phóng đại, làm cho người ứng dụng tốn tiền mà hiệu quả thu được không tương xứng.

     Theo ông, Việt Nam cần làm gì khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ứng dụng công nghệ mới vào công tác BVMT?

     Ông Nguyễn Quang Khải: Nhà nước cần giao cho một Bộ chịu trách nhiệm quản lý chính lĩnh vực KSH. Cơ quan này có trách nhiệm xây dựng chiến lược, chính sách và kế hoạch phát triển KSH với ngân sách tương ứng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; ban hành những quy định về quản lý chất lượng (tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia) và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện những quy định trên.

     Ngoài ra, cần thành lập một cơ quan nghiên cứu chuyên ngành KSH như Trung tâm hoặc Viện nghiên cứu chịu trách nhiệm phát triển khoa học, công nghệ cho lĩnh vực KSH. Đây là một việc làm phổ biến ở nhiều nước.

     Đồng thời, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển cho các tổ chức dân sự. Mặc dù là một đơn vị hoạt động tích cực trong lĩnh vực này, đã đạt được Giải thưởng Môi trường năm 2013, nhưng Trung tâm công nghệ KSH chưa tiếp cận được nguồn kinh phí môi trường để thực hiện các đề tài nghiên cứu cũng như các dự án triển khai trong lĩnh vực này.

     Cảm ơn ông!

           

Phạm Đình (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 2/2014

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn