Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Ðề xuất một số giải pháp bảo vệ rừng ngập mặn ở 8 tỉnh miền Bắc

15/09/2015

     Rừng ngập mặn (RNM) là một trong những hệ sinh thái quan trọng, là nơi nuôi dưỡng, cư ngụ, cung cấp thức ăn của nhiều loài động vật dưới nước và trên cạn có giá trị ở vùng ven biển. Trong thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ (NGO) nên diện tích RNM phòng hộ đã tăng đáng kể. Hiện nay đã có hơn 100.000 ha RNM trồng ven biển phát triển tốt ở 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam, có tác dụng làm tăng nguồn lợi thủy sản ven bờ, cung cấp cua giống cho các đầm, nuôi dưỡng tôm, cua bố mẹ và những loài hải sản quan trọng khác. Nhờ có RNM phục hồi mà cuộc sống của cộng đồng ven biển được cải thiện rõ rệt. Các mùn bã của các RNM cung cấp thức ăn cho hải sản mà nghề nuôi vạng, nghêu ở các tỉnh ven biển phát triển mạnh.Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức đối với công tác bảo vệ và sử dụng bền vững RNM.      Một số bất cập trong công tác bảo vệ RNM      Mặc dù nước ta đã có một số thành tựu trong việc phục hồi RNM nhưng việc bảo vệ các rừng đó đang gặp một số trở ngại, do các nguyên nhân: Nhà nước chưa ban hành một văn bản cụ thể nào về quản lý RNM mà chỉ có những chủ trương, chính sách chung về việc bảo vệ, phát triển rừng, do đó khi vận dụng vào từng địa phương ven biển gặp nhiều khó khăn.      Bên cạnh đó, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền liên quan trong việc quản lý và lập kế hoạch sử dụng đất cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các vùng ven biển, bãi bồi; Một số địa phương vận dụng sai lệch chính sách của Nhà nước trong việc sử dụng đất bồi mặt nước ven biển, không quan tâm đúng mức đến việc trồng, bảo vệ rừng phòng hộ mà chỉ coi RNM là vùng đất ngập nước ít giá trị nên đã phá một số RNM để mở rộng diện tích nuôi tôm.      Ngoài ra, một số cán bộ chính quyền địa phương có hiểu biết hạn chế về vai trò của hệ sinh thái RNM do đó các kế hoạch sản xuất đều được phát triển nhắm tới lợi ích trước mắt mà không quan tâm những tác động xấu và lâu dài tới môi trường và tài nguyên khi không còn rừng; Trong việc thi hành các chính sách của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, một số chính quyền địa phương chỉ muốn chuyển đổi RNM, thậm chí một phần của rừng bảo tồn thành đầm tôm phục vụ cho mục đích xuất khẩu.      Một số đề án trồng RNM của các tổ chức phi chính phủ đã hết thời hạn hỗ trợ kinh phí, khi giao lại cho địa phương do không đủ kinh phí để tổ chức bảo vệ, nên rừng lại tiếp tục bị chuyển đổi sang mục đích kinh tế khác.   Rừng ngập mặn làm tăng nguồn lợi thủy sản ven bờ        Việc phát triển quá mức diện tích nuôi tôm nước lợ trong vùng RNM đã khiến cho quỹ đất để trồng RNM còn lại rất ít, trong lúc thời tiết ngày càng xấu đi, thiên tai ngày càng gây nhiều tổn thất cho nhân dân vùng ven biển. Hơn nữa các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ đề nghị giúp đỡ Việt Nam trồng RNM nhưng do một số chính quyền địa phương đã ký cam kết sử dụng đất lâu dài với chủ đầm tôm nên không còn quỹ đất để trồng rừng.      Các giải pháp bảo vệ RNM      Cần xây dựng quy hoạch tổng thể sử dụng các vùng RNM, tiến hành khảo sát và nghiên cứu chi tiết về tình trạng RNM, diện tích ao nuôi tôm, diện tích đất lở, đất bồi ở tất cả các tỉnh ven biển có RNM thông qua ảnh vệ tinh, ảnh máy bay và nghiên cứu thực địa. Các kết quả nghiên cứu sẽ là cơ cở khoa học cho quy hoạch tổng thể sử dụng đất và tài nguyên một cách hợp lý và bền vững ở các vùng ven biển.      Nghiên cứu phát triển các ngành nghề nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven biển như nuôi sò, nuôi vạng hoặc các loài cá có giá trị kinh tế cao để dần dần thay thế nghề nuôi tôm ở các vùng RNM. Cũng cần thiết phải cải thiện cơ cấu và đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản để đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường và giảm thiểu nguy cơ bệnh dịch.      Xem xét, đánh giá nguồn tài nguyên kinh tế và các tác động tới môi trường của một số mô hình lâm ngư kết hợp nhằm phát huy những thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm. Cần tiếp tục xây dựng các mô hình nuôi tôm kết hợp bảo vệ RNM...      Một vấn đề cấp bách khác đặt ra là diện tích sử dụng vào mục đích nuôi tôm cần được thống kê để đảm bảo diện tích nuôi chỉ từ 1/5 đến 1/4 tổng diện tích bề mặt theo đúng mô hình lâm ngư kết hợp trong vùng RNM. Ngay khi nghề nuôi tôm có dấu hiệu suy giảm hiệu quả thì cần thu hồi đất phục vụ cho việc trồng lại RNM và tạo môi trường sống lâu dài cho các loài thủy sản.      Giới thiệu về RNM và giáo dục bảo vệ nguồn lợi động vật biển cần trở thành một phần trong giáo dục giảng dạy ở tất cả các bậc học; Tổ chức các khóa đào tạo về vai trò của hệ sinh thái RNM trong tiến trình phát triển kinh tế và bảo tồn tự nhiên cho các nhà quản lý địa phương và cán bộ nòng cốt từ các phòng ban lâm nghiệp và thủy sản.      Lập ra các công cụ chính sách rõ ràng và các quy định sử dụng một phần lợi nhuận thu được từ kinh doanh các sản phẩm tôm đông lạnh (thông qua hàng rào thuế quan) cho việc phục hồi rừng.       Áp dụng các chính sách khả thi nhằm hạn chế tốc độ tăng dân số và kế hoạch hóa dân số cho mỗi vùng RNM. Đồng thời, đẩy mạnh việc giao đất và giao rừng cho các hộ chịu trách nhiệm trồng và bảo vệ rừng.Các chính sách lâu dài về sử dụng bãi bồi ven biển cần phải được quy định rõ ràng nhằm ứng phó với tình trạng chuyển đổi đất rừng sang sử dụng vào mục đích không thích hợp và bảo vệ quyền lợi của người nghèo.   TS. Lê Xuân Tuấn Viện Nghiên cứu quản lý Biển và hải đảoViệt Nam Tổng cục Biển và hải đảoViệt Nam Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014
Ý kiến của bạn