Banner trang chủ

Huyện Đan Phượng: Giữ vững vị thế lá cờ tiên phong trong xây dựng nông thôn mới

13/05/2021

     Được công nhận là huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Thủ đô vào năm 2015, cho đến nay, huyện Đan Phượng vẫn giữ vững vị thế “lá cờ tiên phong”. Với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, những tiêu chí khó sẽ được địa phương tập trung huy động đa dạng các nguồn lực, trong đó lấy nhân dân làm chủ thể và vận dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, Thành phố, đồng thời, phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương để làm “đòn bẩy” thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, không thỏa mãn với kết quả đạt được, huyện tiếp tục quán triệt phương châm xuyên suốt là xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc… và đang nỗ lực, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp, trở thành miền quê đáng sống.

     Xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài

     Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng nhận định, xây dựng NTM là chương trình rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh của từng người dân huyện Đan Phượng, tạo nên thành tích to lớn, toàn diện. Sau khi được công nhận huyện NTM năm 2015, huyện xác định mục tiêu xây dựng Chương trình NTM sẽ không có điểm dừng, chính vì vậy, từ năm 2016, mặc dù chưa có hướng dẫn của Trung ương, Thành phố về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các xã đạt chuẩn duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM; Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân với chủ trương “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”.

Hội nghị đánh giá, chấm điểm xã Hồng Hà đạt chuẩn NTM nâng cao

     Trong 5 năm qua, Đan Phượng đã giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,63%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đồng thời, giảm tỷ trọng nông nghiệp; Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 61,2 triệu đồng/người, cao gấp 2,1 lần so với năm 2015; Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,16%. Bên cạnh đó, chất lượng y tế, giáo dục ngày càng được nâng lên, môi trường được bảo vệ, nhân dân đồng thuận, đoàn kết, tích cực thi đua lao động, sản xuất, đóng góp xây dựng NTM. Toàn huyện có hơn 46,6 km đường trục xã, thôn, ngõ xóm đã được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2016 - 2020. Các tuyến đường đều được kiên cố hóa bê tông, trải thảm nhựa. Đến nay, toàn huyện có 43,7 km đường trục thôn được trải nhựa, có thêm 12 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn ở 15 xã là 48/49 trường quốc gia mức độ 1; 15/49 trường đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Huyện cũng đã đưa vào sử dụng 70 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư, nâng tổng số nhà văn hóa thôn, cụm dân cư đến nay là 119/120 nhà văn hóa. Đến cuối năm 2019, toàn huyện có 9/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4/15 xã đã được huyện trình Thành phố công nhận, đến nay đã có thêm 3 xã Thượng Mỗ, Liên Hồng và Thọ Xuân đã được Đoàn thẩm định NTM Thành phố đánh giá đủ điều kiện đạt xã NTM nâng cao.

     Đan Phượng cũng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiêu biểu như: Mô hình trồng hoa lan Hồ Điệp tại xã Phương Đình và Đan Phượng; 9 mô hình sản xuất công nghệ cao, rau hữu cơ ở các xã Đan Phượng, Song Phượng, Thọ Xuân; 2 mô hình trồng nấm ở xã Đan Phượng và Hạ Mỗ; 20 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở vùng bãi giữa sông Hồng thuộc xã Liên Trung. Đan Phượng cũng đã xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Đồng thời ,triển khai, áp dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm; duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn cho các trường học trên địa bàn và nhiều siêu thị. Riêng năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song kinh tế của Đan Phượng vẫn đạt kết quả cao. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất của huyện ước thực hiện 14.124 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng gần 11% so với cùng kỳ; Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện hơn 825 tỷ đồng, đạt 152,3% so với dự toán Thành phố giao và là năm thu ngân sách cao nhất so với các năm qua. Huyện Đan Phượng đã có 15/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, dẫn đầu Thành phố Hà Nội. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương hoàn thành xây dựng huyện NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Về văn hóa - xã hội, đáng chú ý trong năm qua, huyện đã xây mới, nâng cấp 9 nhà văn hóa thôn, cụm dân cư. Đến nay, toàn huyện có 127 nhà văn hóa. Huyện cũng đã vận động nhân dân xã hội hóa gần 10 tỷ đồng thực hiện cuộc thi giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, nhờ vậy, diện mạo làng quê ngày càng khang trang. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện Đan Phượng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời, tích cực đẩy mạnh tái đàn lợn an toàn. Đến nay, tổng đàn lợn có hơn 101 nghìn con, bằng 200,9% so với cùng kỳ. Huyện cũng tích cực triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tổ chức khảo 107 sản phẩm làng nghề và nông sản, trong đó có 56 sản phẩm của 14 chủ thể được đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP (21 sản phẩm đạt 4 sao, 35 sản phẩm 3 sao).

Một góc làng quê xã Song Phượng

     Nhờ quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, diện mạo NTM huyện Đan Phượng vốn đã có nhiều khởi sắc, nay càng đổi thay theo hướng đi lên, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng, trở thành miền quê đáng sống. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp và sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban ngành, đặc biệt là sự đồng thuận của toàn thể nhân dân trong huyện, công tác xây dựng NTM của Đan Phượng vẫn tiến triển ổn định. Đến nay, huyện đã huy động được hơn 2.618 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng NTM, trong đó, ngân sách Thành phố hỗ trợ gần 561,7 tỷ đồng; Ngân sách huyện hơn 1.778 tỷ đồng; Ngân sách xã hơn 32 tỷ đồng; Vốn doanh nghiệp, Hợp tác xã hơn 147,4 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp và xã hội hóa hơn 99,3 tỷ đồng. So với giai đoạn 2010 - 2015, số vốn huy động tăng hơn 574 tỷ đồng (ngân sách Thành phố chiến 21,5%; Ngân sách huyện 67,9%; Ngân sách xã 1,2%; Vốn doanh nghiệp, hợp tác xã 5,6%; Vốn nhân dân đóng góp và xã hội hóa 3,8%).

     Kết quả của một đoạn đường sẽ tiếp sức cho chặng đường mới

     Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai xây dựng NTM, huyện Đan Phượng vẫn gặp một số khó khăn, tồn đọng nhất định, nguyên nhân là do việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khó nhân rộng; Các sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện thiếu tính cạnh tranh, chưa bền vững và quy mô vẫn còn nhỏ lẻ. Đặc biệt, ngành du lịch chưa phát triển và khai thác được hết tiềm năng của các lễ hội truyền thống, văn hóa dân gian, các sản phẩm đặc trưng của các làng nghề để xây dựng các điểm giới thiệu được nét văn hóa và quảng bá được các sản phẩm địa phương…

     Vì vậy, để tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, huyện Đan Phượng sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ và bền vững trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, quốc phòng an ninh, vừa bảo đảm đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM kiểu mẫu, vừa đáp ứng mục tiêu xây dựng huyện thành quận, xã thành phường; Giữ gìn và phát huy được nét đẹp truyền thống của quê hương Đan Phượng anh hùng. Đặc biệt, huyện sẽ phấn đấu có 15/15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu chậm nhất vào năm 2024. Riêng xã Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu Thủ đô vào năm 2021. Đồng thời, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân không dừng lại với kết quả đạt được về xây dựng NTM nâng cao; Tiếp tục xác định xây dựng NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm gắn với tiêu chí phát triển thành quận; Tăng cường xây dựng các mô hình sản xuất gắn với BVMT như sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, khai thác tối đa tiềm năng diện tích đất bãi sông Hồng, sông Đáy; Rà soát, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, phát triển các cụm công nghiệp; Đa dạng hóa các loại hình du lịch, xây dựng các điểm đến du lịch kết hợp quảng bá các sản phẩm địa phương; Thực hiện tốt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Cùng với đó, xây dựng NTM tại xã Đan Phượng đạt được cả 7 tiêu chí NTM kiểu mẫu về tất cả các lĩnh vực như sản xuất, văn hóa, giáo dục, du lịch, môi trường, an ninh trật tự, y tế… làm nền tảng để xây dựng NTM Thủ đô bền vững; Không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; Có kinh tế - xã hội phát triển, khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, môi trường sinh thái trong lành, bản sắc văn hóa đặc trưng được giữu gìn và phát huy để nhân rộng ra 14 xã còn lại trong huyện

Nhờ xây dựng NTM nâng cao, môi trường, cảnh quan của huyện Đan Phượng ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp

     Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ song hành, đó là: Phát triển huyện thành quận, đồng thời hoàn thành xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Đan Phượng tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn rất nhiều dư địa, là lợi thế trong tiến trình phát triển. “Chúng tôi mạnh dạn, quyết tâm, dám đặt mục tiêu cao hơn. Các địa phương trên địa bàn huyện cũng đều tiên phong để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng một vùng nông thôn xanh, sạch, đẹp và bản sắc, đáng sống”, ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.

     Theo hướng đi này, Đan Phượng đã nỗ lực hỗ trợ để 2 xã Thọ An và Hồng Hà đạt chuẩn NTM nâng cao trong quý I/2021; đặt mục tiêu nỗ lực đưa xã Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu Thủ đô trong năm 2021. Qua đó, phấn đấu cả 15/15 xã và huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trước khi trở thành phường và quận. Theo tính toán, để các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong 5 năm tới, huyện huy động trên 5.435 tỷ đồng dành cho đầu tư, cùng với đó, huyện thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, tiếp tục thực hiện cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM, đô thị văn minh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tập trung mọi nguồn lực xây dựng NTM kiểu mẫu; Huy động xã hội hóa, nhân dân đóng góp để duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, bảo vệ môi trường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn. Ngoài ra, huyện chú trọng quan tâm nâng cao chất lượng y tế, giáo dục; Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho nhân dân… “Nói cách khác là công cuộc nâng cấp, phát triển đời sống cho người nông dân huyện Đan Phượng sẽ không có điểm dừng, qua đó tạo thêm những thành tích to lớn, toàn diện”. Kết quả, ngày 4/2/2021, Đoàn thẩm định xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao Thành phố Hà Nội và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội đã tổ chức đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn NTM nâng cao tại hai xã Hồng Hà và Thọ An. Tại xã Hồng Hà, đến nay, thu nhập bình quân toàn xã đã đạt 61,2 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,18%; Tỷ lệ hộ dân được dùng nước sạch đạt 97,3%; Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 97,7%; Địa phương đã thực hiện xã hội hóa được 34,2 tỷ đồng cho xây dựng NTM nâng cao. Tương tự, tại xã Thọ An, thu nhập bình quân toàn xã đạt 60 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,35%. Nổi bật nhất trong xây dựng NTM nâng cao ở xã Thọ An là cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang; 100% tuyến đường liên xã, liên thôn và đường ngõ xóm được bê tông hóa; Người dân đóng góp xã hội hóa đạt 12,36 tỷ đồng phục vụ cải thiện môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm... Từ những kết quả đạt được, đối chiếu với tiêu chí đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn NTM nâng cao của thành phố, cả 2 xã đều đủ điều kiện trình UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020.

     Với những thành tích mà Đan Phượng đã đạt được trong thời gian qua và tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, sự nỗ lực của toàn thể nhân dân sẽ là tiền đề, động lực để địa phương vững bước tiến trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM của Thủ đô Hà Nội.

Gia Linh

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Thành phố Hà Nội)

Ý kiến của bạn