Banner trang chủ

Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai: Bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học gắn với việc xây dựng mô hình sinh kế bền vững

01/11/2021

    Cao nguyên Kon Hà Nừng (thuộc tỉnh Gia Lai) vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới. Nơi đây hội tụ tính đa dạng sinh học của khu vực dãy Trường Sơn, lưu trữ các giá trị văn hóa, tiến hóa lâu đời, có giá trị bảo tồn, hỗ trợ sinh kế và phát triển. Việc Kon Hà Nừng được ghi danh vào mạng lưới Khu DTSQ sẽ góp phần BVMT, đa dạng sinh học và thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng hội tụ tính đa dạng sinh học của khu vực dãy Trường Sơn

 Hệ động, thực vật độc đáo, phong phú đa dạng

    Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích 413.511,67 ha. Toàn khu được khoanh vùng thành ba khu chức năng gồm: Vùng lõi có diện tích 57.439,83 ha bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu BTTN Kon Chư Răng; Vùng đệm có diện tích 152.693,98 ha và Vùng chuyển tiếp có diện tích 203.377,86 ha bao gồm một phần diện tích của 06 huyện, thị xã: Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, An Khê.

    Khu DTSQ Kon Hà Nừng cơ bản giữ vẹn nguyên hệ sinh thái đặc trưng là rừng kín nhiệt đới với cây xanh lá rộng, cây lá kim, rừng thưa xanh lá kim, thảm cây bụi, trảng cỏ… có tính đa dạng sinh học cao.

    Trong đó, các loài động, thực vật ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao; 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú; 326 loài chim; 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp, đặc biệt là nằm ở một phần diện tích có cư dân bản địa sinh sống. Khu DTSQ Kon Hà Nừng là nơi cư trú của các loài quý hiếm như Voọc Chà vá chân xám (Pygathrix cinerea), đây là loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp, chỉ còn khoảng 1.000 cá thể trong tự nhiên.

    Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng có nhiều điểm độc đáo, có những đặc điểm nổi bật và độc nhất, đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí để UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của khu vực Tây Nguyên và cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

    Tại VQG Kon Ka Kinh (vùng lõi 1) có diện tích tự nhiên 41.913,78 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên tương đương với 93% tổng diện tích. VQG có các kiểu sinh cảnh rừng trên núi, trong đó đặc biệt quan trọng là 2.000 ha rừng hỗn giao giữa các loài cây lá rộng và lá kim trong đó có Pơ mu. VQG Kon Ka Kinh còn lưu giữ phần lớn các sinh cảnh và cảnh quan tự nhiên ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai. Khu vực này có khả năng tồn tại các quần xã động thực vật nguyên sơ nhất tại vùng núi Trung Trường Sơn. Đáng chú ý, đây là một trong những nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng, đặc hữu của khu vực Tây Nguyên và/hoặc Việt Nam và trên toàn cầu như trầm hương (CR); sao hải nam (EN) là các loài thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu (theo IUCN, 2019), hay các loài động vật như khướu Kon Ka Kinh, chà vá chân xám, vượn đen má hung trung bộ, mang Trường Sơn, gà lôi trắng... VQG Kon Ka Kinh cũng là nơi có tầm quan trọng Quốc tế cho công tác bảo tồn các loài bò sát và ếch nhái. Nhiều loài mới cho khoa học đã được phát hiện ở VQG, như loài ếch nhái đặc hữu cho vùng núi Trường Sơn: Leptobrachium banae, L. xanthospilum, Hylarana attigua và Rhacophorus baliogaster.

    KBTTN Kon Chư Răng (vùng lõi 2) có diện tích tự nhiên 15.526,05 ha, trong đó có diện tích rừng tự nhiên chiếm 98% tổng diện tích khu bảo tồn. Kiểu rừng chính ở đây là rừng nhiệt đới thường xanh núi thấp phân bố ở độ cao từ 900- 1.000 m ở phía Tây Bắc khu bảo tồn. Kiểu rừng này chiếm 70-80% diện tích rừng trong khu vực, với thành phần thực vật ưu thế bởi các loài cây thuộc họ dẻ, re, mộc lan, mọc hỗn giao với các loài cây lá kim như thông nàng, hoàng đàn giả. Khu hệ thực vật đã thống kê được 546 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 376 chi, 122 họ. Trong số đó có 201 loài cây gỗ, 121 loài cây dược liệu và 48 loài cây có khả năng làm cảnh. Một số loài thực vật được ghi nhận trong khu vực hiện đang bị đe dọa trên toàn cầu, đặc biệt có tới 9 loài đặc hữu cho Việt Nam. Khu hệ động vật cũng đã ghi nhận cho Kon Chư Răng 62 loài thú, 169 loài chim và 161 loài bướm. Trong số các loài thú, có 8 loài bị đe doạ ở mức toàn cầu và 17 loài trong Sách Đỏ Việt Nam. Đặc biệt, có 3 loài thú đặc hữu của Đông Dương là vượn má hung, voọc chà vá chân xám và mang lớn (Anon. 1999). Kon Chư Răng là một bộ phận của vùng chim đặc hữu Cao nguyên Kon Tum và đã được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt Nam (Tordoff 2002).

    Bên cạnh những giá trị nổi bật, độc đáo về đa dạng sinh học, Khu DTSQ sẽ tạo nên hành lang đa dạng sinh học duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên nói riêng và của quốc gia nói chung. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của không chỉ khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.

 Loài voọc chà vá chân xám là loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm ở VQG Kon Ka Kinh

Các chức năng của Khu DTSQ

    Khu DTSQ thế giới có 3 chức năng, gồm: chức năng bảo tồn, chức năng phát triển và chức năng hỗ trợ. Các chức năng này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Cả 3 chức năng bảo tồn, phát triển và hỗ trợ đều được thực hiện ở cả 3 vùng tùy theo mức độ khác nhau về mỗi hoạt động cụ thể, được trình bày ở bảng 1.

    Chức năng “Bảo tồn“ của khu DTSQ được thể hiện trong bảo tồn cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học (hệ sinh thái, đa dạng về loài và đa dạng về nguồn gen) thông qua nhiều chương trình bảo tồn nguyên vị đa dạng sinh học ở hai vùng lõi (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng). Đồng thời, hành lang liên kết giữa hai vùng lõi sẽ mở rộng phạm vi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên và các giá trị đa dạng sinh học chứa đựng bên trong, tạo nên hệ thống bảo tồn cảnh quan theo nguyên lý SLIQ (tư duy hệ thống, qui hoạch cảnh quan, điều phối liên ngành, kinh tế chất lượng).  

    Chức năng “Phát triển” khuyến khích và thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như phát triển con người, trong đó đảm bảo tính bền vững về văn hóa - xã hội và sinh thái. UBND tỉnh đã có chủ trương phát triển khuyến khích và phát triển kinh tế cũng như phát triển con người. Việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được các đơn vị, địa phương trong vùng đề xuất tổ chức, triển khai thực hiện, đáp ứng chức năng phát triển hướng tới con người của khu DTSQTG. Cụ thể Khu DTSQ sẽ góp phần hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế, phát triển nguồn nhân lực, ổn định văn hóa xã hội và ổn định phương diện sinh thái. Cộng đồng tham gia bảo tồn thiên nhiên đồng thời nâng cao mức sống bằng các hình thức: Nhận khoán bảo vệ rừng; Trồng rừng; Phòng cháy, chữa cháy rừng; Phòng trừ sâu bệnh; Vườn cây thuốc, vườn ươm cây bản địa, nhân giống, trồng thử nghiệm các loài quý hiếm, nguy cấp... Bên cạnh đó, các tổ Lâm nghiệp cộng đồng (LNCĐ) đã được thành lập. Đây là một tổ chức hoạt động tự nguyện được UBND xã công nhận về pháp lý.

    Chức năng “Hỗ trợ” nhằm hỗ trợ cho các dự án trình diễn, giáo dục và đào tạo về môi trường, nghiên cứu và giám sát liên quan tới các vấn đề về bảo tồn và phát triển bền vững cấp địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu. Trong địa bàn khu DTSQ có nhiều di sản văn hóa phi vật thể “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên“ được UNESCO công nhận năm 2005. Đây là nét đặc trưng của văn hóa bản địa vừa là điểm đến hấp dẫn du khách phát triển du lịch sinh thái, văn hóa tạo sinh kế cho người dân địa phương. Khu DTSQ sẽ góp phần đóng góp vào các dự án trong các lĩnh vực giáo dục môi trường, đào tạo, nghiên cứu và khảo sát các mối liên quan khác tới địa phương, khu vực, quốc gia và các văn kiện mang tính toàn cầu về bảo tồn và phát triển bền vững, với các hoạt động cụ thể như: Chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển nhân lực; xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân đưa lao động hoặc con em mình đi đào tạo, học tập ở nước ngoài để về làm việc tại địa phương; thiết lập cơ chế liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, trường đại học, cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp để hỗ trợ nhau trong đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực có hiệu quả nhất.

Bảng 1: Mối quan hệ giữa 3 vùng chức năng

Các chức năng khu DTSQ

Vùng lõi

Vùng đệm

Vùng chuyển tiếp

Chức năng bảo tồn

Nhiệm vụ bảo tồn của VQG theo quy định của Chính phủ

Bảo tồn và phát triển bằng các hình thức: trồng rừng các loài cây bản địa, làm vườn ươm cây rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ…nuôi thả các loài thủy hải sản...

Trồng cây bản địa, lễ hội các dân tộc, du lịch sinh thái, trồng cây xanh ven đường, trường học, cơ quan.

Chức năng phát triển

Du lịch sinh thái;

Du lịch cộng đồng, bản làng sản phẩm địa phương

Nguồn thu từ môi trường rừng; cho thuê rừng, dịch vụ hệ sinh thái rừng, du lịch và dịch vụ

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như hành, tỏi, táo, nho, cừu, muối

Chức năng hỗ trợ

Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu dựa vào vòng gỗ, loài quý hiếm, tri thức bản địa

Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học tự nhiên, xã hội, giáo dục môi trường, không gian văn hóa Nam Trung Bộ

Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học tự nhiên, xã hội, nghiên cứu giáo dục môi trường

 

Kế hoạch quản lý Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng

    Ngay sau khi UNESCO công nhận Cao nguyên Kon Hà Nừng là DTSQ của thế giới, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch quản lý Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng với mục tiêu chung là thiết lập cơ chế hợp tác liên ngành nhằm bảo vệ, duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, bảo đảm phúc lợi của người dân và phát triển kinh tế, gắn liền với các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Huy động hiệu quả các nguồn lực và phát huy tối đa hiệu quả hợp tác giữa các bên liên quan, góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Gia Lai trên các địa bàn thuộc khu DTSQ thế giới Kon Hà Nừng, đồng thời thực hiện trách nhiệm quốc gia trong việc triển khai Chiến lược UNESSCO/MAB 2015-2025 và Kế hoạch hành động IMA 2016-2025.

    Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Triển khai xây dựng và thực hiện hiệu quả mô hình quản lý hợp tác để quản lý tài nguyên rừng, giảm thiệt hại đến tài nguyên rừng; Các hoạt động của Khu DTSQ sẽ được lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Thiết lập các diễn đàn quản lý hợp tác trong quản lý tài nguyên thiên nhiên với sự tham gia của các bên; Quảng bá rộng rãi hình ảnh và các giá trị của khu DTSQ với các bên liên quan; Xây dựng mô hình sinh kế bền vững gắn với bảo tồn trong Khu DTSQ.

    Việc Cao nguyên Kon Hà Nừng được công nhận là Khu DTSQ thế giới thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đối với bạn bè thế giới. Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng sẽ là mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học… Đồng thời, nơi đây còn có tiềm năng to lớn trong việc cung cấp các giải pháp giải quyết một trong những thách thức quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu.

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 10/2021)

Ý kiến của bạn