Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Tỉnh Hậu Giang: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

01/12/2022

    Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh Hậu Giang luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương cũng như sự chỉ đạo trực tiếp, sát sao của các cấp ủy, chính quyền tại địa phương. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TN&MT ngày càng được chú trọng, từng bước tác động tích cực và thay đổi nhận thức, thói quen của cộng đồng dân cư trong sinh hoạt thường ngày. Mặt khác, nguồn lực đầu tư cho công tác BVMT tiếp tục được chú trọng, nhất là việc hiện đại hóa trang thiết bị quan trắc, giám sát ô nhiễm môi trường (ÔNMT)... góp phần xây dựng Hậu Giang ngày càng Xanh - Sạch - Đẹp.

Một số kết quả nổi bật

    Với quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, Hậu Giang luôn chú trọng thu hút các dự án tiềm ẩn ít nguy cơ gây ÔNMT; đầu tư cơ sở hạ tầng để khắc phục, xử lý các điểm ÔNMT nghiêm trọng; xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình thu gom, xử lý chất thải (XLCT) hiệu quả… Bên cạnh đó, để chủ động giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường nước, không khí, tỉnh đã dành hàng trăm tỉ đồng cho việc xây dựng các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục tại khu công nghiệp (KCN), một số tuyến sông chính và khu vực trung tâm cũng như hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận dữ liệu từ các trạm quan trắc. Tính đến tháng 5/2022, 4 trạm quan trắc về không khí, nước tự động, liên tục tại các tuyến sông lớn được đưa vào hoạt động, gồm Ba Láng, Cái Côn, Cái Lớn, KCN Sông Hậu. Đồng thời, thực hiện Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ TN&MT về việc lắp đặt trạm quan trắc khí thải, nước thải tự động, liên tục, đến nay đã có 6 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp xây dựng tổng cộng 12 trạm. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư 10 trạm quan trắc độ mặn để chủ động theo dõi, giám sát diễn biến xâm nhập mặn, phục vụ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác BVMT tại địa phương vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, tình hình ÔNMT nguồn nước mặt có chiều hướng gia tăng; một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT, tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

    Để khắc phục tình trạng trên, Hậu Giang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt, ngày 19/4/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2030, 90% lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh ở khu vực đô thị được thu gom, xử lý; 50% hộ gia đình nội ô đô thị lớn (TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bãy, Thị xã Long Mỹ) thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; 50% lượng CTRSH phát sinh tại hộ gia đình khu vực nông thôn được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý (riêng đối với các xã nông thôn mới (NTM) nâng cao đạt từ 95% trở lên); 100% hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thực hiện các biện pháp XLCT đáp ứng yêu cầu BVMT; 50% bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định; 100% tuyến đường xã, liên xã được trồng cây xanh; hoàn thành cải tạo, khắc phục ÔNMT đối với bãi rác Tân Tiến - TP. Vị Thanh và bãi rác Long Mỹ - Thị xã Long Mỹ... Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án, các cấp, các ngành ở địa phương đã tổ chức hơn 1.990 cuộc tuyên truyền với hơn 143.000 lượt người tham dự; cấp phát trên 4.000 tờ rơi nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về BVMT; xây dựng 888 phóng sự, chuyên đề, thông điệp, bản tin phát trên các phương tiện truyền thông; hoàn thành thí điểm nhiều mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH khu vực đô thị và nông thôn tại TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy... Riêng TP. Vị Thanh đã thành lập, kiện toàn gần 50 tổ vệ sinh môi trường, tổ thu gom rác, tổ thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; 20.445/20.445 hộ dân thực hiện thu gom, xử lý CTRSH, đáp ứng yêu cầu về BVMT; 53/53 ấp, khu vực đưa nội dung BVMT vào quy chế, quy ước cộng đồng. Cùng với đó, Phòng TN&MT TP. Vị Thanh phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức về BVMT cho các hội viên hội đoàn thể; tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, vận động người dân sinh sống dọc các tuyến sông, kênh, rạch đăng ký thu gom rác hoặc thực hiện các mô hình XLCT quy mô hộ gia đình, hạn chế tình trạng thải bỏ rác ra môi trường; thành lập thêm một số tổ vệ sinh môi trường, đảm bảo lượng CTRSH phát sinh được thu gom triệt để.

Chất lượng môi trường ở Hậu Giang ngày càng được cải thiện

    Đối với Sở TN&MT, thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan củng cố, thành lập mới 361 tổ vệ sinh môi trường tại 361 ấp, khu vực; tổ chức thu gom, chuyển giao xử lý hơn 10 tấn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; hỗ trợ các địa phương 8 xe đẩy tay thu gom rác, 228 thùng rác công cộng, 2.500 sọt chứa rác hộ gia đình; hoàn thành cải tạo, khắc phục ÔNMT bãi rác Kinh Cùng; xây dựng phương án cải tạo, khắc phục ÔNMT tại bãi rác Tân Tiến và Long Mỹ. Đồng thời, phối hợp với các sở/ban, ngành liên quan đưa nội dung chấp hành quy định pháp luật về BVMT, quy chế, quy ước cộng đồng vào tiêu chuẩn Gia đình văn hóa; khu vực, ấp văn hóa, văn minh đô thị, chợ văn minh; cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đơn vị có môi trường văn hóa tốt, trường học thân thiện, học sinh tích cực, bình xét, suy tôn danh hiệu người tốt việc tốt… vào kế hoạch thực hiện hàng năm.

    Song song với đó, Sở TN&MT đã phối hợp với các sở/ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu những điểm mới của Luật đến đội ngũ công chức, viên chức, người lao động, hội viên các đoàn thể… lũy kế đến tháng 6/2022, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp tổ chức gần 300 cuộc tuyên truyền trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của hơn 6.400 lượt người. Mặt khác, Sở TN&MT còn tích cực nhắc nhở, hướng dẫn các chủ dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định của Luật BVMT trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhờ đó, hầu hết các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn. Công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về BVMT.

    Ngoài ra, hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022, Sở TN&MT tỉnh phối hợp với các sở/ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố vận động hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân ra quân vệ sinh môi trường dọc các tuyến đường, sông, kênh rạch; thu gom, phân loại, vận chuyển, XLCT theo đúng quy định; triển khai các mô hình, sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về BVMT; trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp dọc các tuyến đường chính, khuôn viên trụ sở cơ quan, trường học… Tiêu biểu như TP. Ngã Bảy, từ cuối tháng 9/2022 đến nay đã vận động hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên ra quân trồng 1.200 cây bông trang tại một số tuyến đường với chiều dài khoảng 2 km; ra mắt mô hình phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn ở ấp Bảy Thưa, xã Tân Thành; xây 84 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và bố trí 720 thùng lưu chứa rác tại các điểm công cộng ở 6/6 xã, phường. Phòng TN&MT TP. Ngã Bảy còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội nghị phổ biến quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân.

    Cùng với Ngã Bảy, hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2022, TP. Vị Thanh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định của Luật BVMT 2020 đến mọi tầng lớp nhân dân; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người dân ra quân thực hiện các công trình, phần việc góp phần giảm thiểu ÔNMT; khuyến khích doanh nghiệp, người dân hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần, thay vào đó là tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường… Chỉ sau một thời gian ngắn phát động đã thu hút gần 14.000 lượt người tại 92 đơn vị hành chính, cơ sở, doanh nghiệp, trường học trên địa bàn Thành phố tham gia; thu gom, xử lý gần 20 tấn rác thải; vệ sinh môi trường, phát quang cây cối với tổng chiều dài 26,8 km và hơn 6,2 km cống rãnh được khơi thông; triển khai trồng mới gần 6.000 cây xanh các loại; chăm sóc hơn 90 ha thảm cỏ dọc các tuyến đường, công viên; tổ chức 61 buổi tập huấn, hội thảo liên quan đến công tác BVMT với sự tham gia của hơn 8.800 lượt người...

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

    Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, đưa Luật BVMT năm 2020 đi vào thực tế cuộc sống, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong thực thi quy định pháp luật về BVMT; tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Hậu Giang xanh, Chương trình hành động về BVMT và Kế hoạch phối hợp công tác tuyên truyền BVMT giữa Sở TN&MT với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Cùng với đó, Sở TN&MT sẽ tăng cường công tác kiểm soát ÔNMT từ CTRSH, chất thải trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đảm bảo quy định pháp luật về BVMT; phát huy hiệu quả Phong trào chống rác thải nhựa; duy trì, nâng cao chất lượng Tiêu chí môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; Tiêu chí văn minh đô thị, cải thiện cảnh quan môi trường đô thị, nông thôn trong xây dựng xã NTM, NTM nâng cao. Ngoài ra, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cũng sẽ chủ động phòng ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm do chất thải từ khu vực đô thị, KCN, khu dân cư tập trung; nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức làm công tác BVMT từ cấp tỉnh đến cấp xã…

    Đặc biệt, 6 tháng cuối năm 2022, Sở TN&MT sẽ tập trung tham mưu tổ chức thực hiện Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 28/2/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai “Chương trình hành động về BVMT tỉnh Hậu Giang 5 năm (2021 - 2025); Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 28/2/2022 của UBND tỉnh về “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong năm 2022 theo Kế hoạch đề ra; tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo các văn bản: Quy định về việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTR y tế; quy định về quản lý chất thải, phân loại CTRSH; chính sách khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại trong CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung; lộ trình và chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý tại chỗ nước thải sinh hoạt phát sinh từ tổ chức, hộ gia đình trong đô thị, khu dân cư tập trung, khu dân cư không tập trung; Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; Đề án kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất than củi; chủ trương thực hiện nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí… trình UBND tỉnh ban hành. Cùng với đó, xây dựng, triển khai Kế hoạch phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm năm 2022; xin chủ trương và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM năm 2022; thí điểm 14 mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH ở khu vực đô thị và nông thôn tại TP. Vị Thanh, TP. Ngã Bảy…

    Để đạt được mục tiêu đề ra, Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang đề nghị các sở/ban, ngành địa phương chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp BVMT theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; tăng cường các hình thức tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp, dân cư về quyền lợi cũng như trách nhiệm đối với công tác BVMT. Sở TN&MT tỉnh cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn quy chuẩn kỹ thuật môi trường, làm cơ sở cho địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT; đồng thời, quan tâm, hỗ trợ, giúp địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư, mua sắm trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, phục vụ công tác BVMT ngày càng tốt hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh Hậu Giang (Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 19/4/2021).

2. Báo cáo Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 của Sở TN&MTT tỉnh Hậu Giang (Báo cáo số 196/BC-STNMT ngày 18/5/2022).

Lê Văn Tùng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

Ý kiến của bạn