Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học hướng tới Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái

06/09/2022

    Việt Nam được đánh giá là một nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới. ĐDSH đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là nguồn vốn tự nhiên quan trọng đối với phát triển bền vững đất nước, đặc biệt là nền tảng để phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và du lịch. Vì vậy, bảo tồn thiên nhiên (BTTN) và ĐDSH đã được xác định là vấn đề môi trường toàn cầu, được các quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm, góp phần thúc đẩy hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, với áp lực do phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước chưa phù hợp, khai thác quá mức và buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã; ô nhiễm môi trường (ÔNMT); biến đổi khí hậu (BĐKH); sinh vật ngoại lai xâm hại (SVNLXH) có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng ngày càng lớn đến ĐDSH. Do đó, việc nhận diện các tác động, ảnh hưởng gây suy giảm ĐDSH là cần thiết, làm cơ sở cho các định hướng ưu tiên về BTTN và ĐDSH trong thập kỷ phục hồi hệ sinh thái (HST).

  1. Một số kết quả quan trọng trong công tác BTTN và ĐDSH

    Bảo tồn, phục hồi HST

    Hệ thống khu vực ưu tiên bảo tồn được củng cố và mở rộng: Toàn quốc quy hoạch 219 KBT, 38 cơ sở bảo tồn, 21 hành lang ĐDSH đến năm 2030 trên 8 vùng trong phạm vi cả nước. Đến năm 2019 đã có 23 quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phê duyệt; 11 địa phương đã xây dựng quy hoạch bảo tồn ĐDSH song chưa được phê duyệt. Trong quá trình rà soát, đánh giá nhu cầu bảo tồn các tỉnh (23 tỉnh) đã quy hoạch thêm 44 khu BTTN, 37 cơ sở bảo tồn ĐDSH và 15 hành lang ĐDSH.

    Trong giai đoạn 2016-2020, số lượng khu bảo tồn (KBT), các vùng đất ngập nước (ĐNN) có tầm quan trọng quốc tế tiếp tục gia tăng. Trên cả nước, đã thành lập mới 9 KBT (4 KBT ĐNN, 3 khu rừng đặc dụng, 2 KBT biển), thành lập 3 hành lang ĐDSH tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị, nâng tổng số KBT lên 180 khu với tổng diện tích là 2.614.065,34 ha, gồm 34 vườn quốc gia; 69 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 59 khu bảo vệ cảnh quan. Giai đoạn này có 7 cơ sở bảo tồn ĐDSH được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận thành lập.

    Các khu vực tự nhiên có tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn được công nhận cũng gia tăng về số lượng. Trong 5 năm trở lại đây đã có thêm 4 vùng ĐNN quan trọng quốc tế (Ramsar); 5 Vườn Di sản ASEAN (AHP) được công nhận. Tính đến nay, Việt Nam có 9 khu được công nhận là khu Ramsar, với tổng diện tích 120.549 ha; 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận với tổng diện tích trên 4,3 triệu ha; 10 AHP được công nhận với tổng diện tích 365.389 ha, là quốc gia có số lượng AHP đứng đầu khu vực; 1 vùng chim nước di cư quan trọng quốc tế tuyến đường bay Úc - Đông Á (EAAFP).

    Bảo tồn, phục hồi HST rừng: Trong giai đoạn 2015-2020, tỷ lệ che phủ rừng của cả nước ổn định ở mức từ 41- 42%. Đến năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,01%.  Diện tích đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ được trồng rừng mới trong giai đoạn 2014-2019 là 57.481,8 ha. Đến 2019 đã phục hồi được 25.273 ha rừng bị suy thoái (21.060 ha rừng tự nhiên, 4.213 ha rừng trồng). Hiện nay, nhiều KBT, vườn quốc gia đã có các chương trình, dự án, hoạt động trồng rừng, phục hồi HST rừng. Hàng trăm héc-ta rừng bị suy thoái được phục hồi và phát triển ổn định, góp phần tăng độ che phủ rừng trên cả nước.

    Ngày 1/4/2021, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án số 524/QĐ-TTg trồng 1 tỷ cây xanh. Theo đó, đến hết năm 2025, cả nước sẽ trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần BVMT sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với BĐKH, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững đất nước. Trong đó, năm 2021 cả nước đã trồng được 210 triệu cây, đạt 115% so với kế hoạch. Từ năm 2022 trở đi, dự kiến trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm.

    Bảo tồn, phục hồi HST ĐNN: Tổng diện tích ĐNN của Việt Nam là 11.847.975 ha chiếm đến 37% tổng diện tích đất tự nhiên của Việt Nam. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long chiếm đến gần 51% diện tích ĐNN Việt Nam, đồng bằng sông Hồng chiếm 13%. Trong thời gian qua, các KBT đã có nhiều nỗ lực trong công tác phục hồi HST đặc trưng nhằm tạo sinh cảnh sống cho các loài. VQG (Vườn Di sản ASEAN) Lò Gò - Xa Mát ghi nhận sự xuất hiện trở lại của hơn 1.000 cá thể cò nhạn quý hiếm bay về trú ngụ tại khu vực trảng Tà Nốt (Huyện Tân Biên, Tây Ninh) sau nhiều năm vắng bóng. KBT ĐNN (Khu Ramsar) Láng Sen, tỉnh Long An hiện đang thực hiện khôi phục cánh đồng năng kim tạo nguồn thức ăn cho Sếu đầu đỏ với diện tích 70 ha, chăm sóc và trồng dặm 30 ha lúa hoang.

    Bảo tồn, phục hồi HST biển: Cho đến nay, 16 khu vực biển đã được quy hoạch là KBT biển của Việt Nam. 12/16 khu đã được thành lập và đưa vào quản lý vận hành. Các KBT biển, HST biển trên cả nước đang được quan tâm bảo vệ, phục hồi. Tại nhiều vùng biển thuộc các KBT biển, hoạt động bảo tồn đã thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương, các tầng lớp trong xã hội đặc biệt là thanh, thiếu niên. Tuy nhiênô nhiễm rác thải nhựa đại dương đang là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay đang từng bước được các bên quan tâm giải quyết.

    Bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ; từng bước kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại

    Bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ: Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ bao gồm 17 loài thực vật, 83 loài động vật, 21 nguồn giống vật nuôi kèm theo tiêu chí xác định và chế độ quản lý tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Đến năm 2019, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ được cập nhật, bổ sung bao gồm 96 loài động vật và 28 loài thực vật tại Nghị định số 64/2019/NĐ-CP về sửa đổi Điều 7 Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

    Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi ở Việt Nam (Quyết định số 940/QĐ-TTg ngày 19/7/2012); Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn năm 2014- 2022 (Quyết  định  số 539/QĐ- TTg ngày 16/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ);  Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1176/QĐ-TTg ngày 12/9/2019)… Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý và các tổ chức bảo tồn triển khai các hoạt động bảo vệ và bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

    Trong thời gian qua, hoạt động bảo tồn tại chỗ và nuôi, trồng các loài thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ đã mang lại các kết quả tích cực khi nhiều loài đang được phục hồi. Sự gia tăng các đàn linh trưởng như 500 cá thể Voọc chà vá chân xám tại Konplon, Kon Tum; hơn 200 cá thể Voọc xám đông dương tại KBT Xuân Liên, Thanh Hóa; hơn 150 cá thể Voọc mông trắng ở vùng núi đá vôi đầm Vân Long, Ninh Bình và khoảng 40 cá thể ở vùng núi đá vôi Hà Nam do mở rộng sinh cảnh các nhóm loài linh trưởng này. Gần đây, đã xác định được 2 cá thể Rùa hồ gươm (đã từng được xem là tuyệt chủng ở Việt Nam) tại hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh, Hà Nội, là cơ sở xây dựng khu bảo tồn loài - sinh cảnh tại đây. 

    Phát hiện loài mới cho khoa học: Trong giai đoạn 2010 - 2020 các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố 1 họ, 5 giống/chi mới và 606 loài và phân loài sinh vật mới cho khoa học. Theo Báo cáo của Tổ chức Quốc tế về BTTN (WWF) năm 2021, 91 loài mới đã được phát hiện tại Việt Nam năm 2020, trong đó có 85 loài đặc hữu, chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Trong khoảng hơn một thập kỷ qua, số loài thực vật mới và ghi nhận mới được phát hiện ở Việt Nam hàng năm là khoảng 50 loài.

    Quản lý, kiểm soát SVNLXH: Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ TN&MT kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo việc tăng cường kiểm soát tình hình nhập khẩu, buôn bán tôm hùm nước ngọt; xây dựng và tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 42/CT-TTg ngày 8/12/2020 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Danh mục loài ngoại lai xâm hại với 2 danh mục: Loài ngoại lai xâm hại và Danh mục Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại được ban hành tại Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 về quy định tiêu chí xác định và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Tại nhiều khu BTTN tại các địa phương trong cả nước nhiều chương trình kiểm soát SVNLXH được triển khai thực hiện có hiệu quả.

    Tăng cường bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen và quản lý sinh vật biến đổi gen (GMO)

    Hiện nay, ở Việt Nam đã hình thành mạng lưới các cơ quan gồm một số đơn vị đầu mối và 68 đơn vị thuộc 6 Bộ/ngành tham gia thực hiện nhiệm vụ của Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen động, thực vật và vi sinh vật. Công tác thu thập, lưu giữ bảo tồn nguồn gen được thực hiện hàng năm và tăng đáng kể. Năm 2020 thu thập được tổng cộng 88.968 nguồn gen, tăng 3,12 lần so với năm 2010. Từ số liệu trên cho thấy, tính đến năm 2020 đã đánh giá ban đầu 41.363 nguồn gen và đánh giá tiềm năng di truyền của 3.136 nguồn gen; chọn lọc 343 nguồn gen có tiềm năng nhân rộng, khả năng thị trường tốt được khai thác phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Có nguồn gen trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương (OCOP). Trong số đó, hơn 20 nguồn gen đã được nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật để nhân rộng và chế biến tạo sản phẩm. Đã chuyển sang khai thác và chia sẻ nguồn gen với 111 nguồn gen được phát triển thành sản phẩm thương mại hóa, 3.179 nguồn gen được chia sẻ phục vụ nghiên cứu và ứng dụng trong sản xuất.

    2. Nhận diện một số áp lực, tác động, ảnh hưởng đến BTTN và ĐDSH trong thời gian tới và nguyên nhân

    HST tiếp tục bị suy thoái

    HST rừng: Tuy diện tích rừng đã tăng lên đáng kể do mở rộng diện tích rừng trồng, nhưng diện tích rừng tự nhiên tăng không đáng kể, thậm chí có thời kỳ giảm từ 10,41 triệu ha (năm 2006) xuống còn 10,1 triệu ha (năm 2014). Rừng phòng hộ là rừng tự nhiên cũng bị suy giảm về diện tích từ 4,3 triệu ha năm 2010 xuống còn 3,95 triệu ha năm 2019, trong đó, rừng phòng hộ là rừng tự nhiên giàu và trung bình chỉ còn trên dưới 1 triệu ha (chiếm chưa tới 30% diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên của cả nước. Chặt phá rừng tự nhiên, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng làm sinh cảnh của ĐVHD bị cô lập, phân mảnh, thu hẹp hoặc mất đi, nhất là đối với các loài có kích thước lớn như hổ, voi hoặc loài di chuyển nhiều như chim.

    HST ĐNN: Trong giai đoạn 2005- 2015, diện tích rừng ngập mặn tự nhiên liên tục suy giảm. Diện tích rừng ngập mặn tự nhiên chỉ còn 70.684 ha vào năm 2002, giảm xuống còn 19.559 ha vào năm 2015. Các đầm phá ven biển miền Trung suy thoái, cấu trúc, chức năng, diện tích phân bố và thể tích khối nước đầm phá bị suy giảm theo không gian và thời gian; thành phần loài và phân bố của cỏ biển, các loài sinh vật sống có liên quan đến thảm cỏ biển tại các đầm phá cũng suy giảm.

    HST biển: Trong hai thập kỉ vừa qua, diện tích thảm cỏ biển đã giảm 45.4% và tỉ lệ giảm trung bình mỗi năm trên cả nước là 4.4%. Tổng diện tích thảm cỏ biển ở miền Nam Việt Nam năm 2020 là 10.832 ha, giảm 19,1% so với số liệu trước đó. Tỷ lệ suy giảm thảm cỏ biển khoảng 2,4% mỗi năm. Ở một số nơi như tại vùng biển của Quảng Ninh và Hải Phòng, thảm cỏ biển đã biến mất hoàn toàn. Khi thảm cỏ biển bị suy thoái, nguồn lợi thuỷ sản cũng bị suy giảm theo. Không những thế, nhiều loài sinh vật biển quý hiếm sẽ bị mất đi nguồn dinh dưỡng và môi trường sống. Hệ sinh thái rạn san hô được ví như là “rừng mưa nhiệt đới ở dưới biển” và cũng là HST dễ bị tổn thương nhất do BĐKH do nhạy cảm với yếu tố nhiệt độ và chất lượng môi trường nước biển.

    Các loài hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ tiếp tục bị đe dọa

    Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nếu như năm 1996 mới chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp (EN) thì đến 2021, có khoảng 513 loài động vật và 290 loài thực vật của Việt Nam ghi trong Danh lục Đỏ IUCN (2021). Trong Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, tổng số các loài động-thực vật hoang dã trong thiên nhiên đang bị de dọa là 882 loài (418 loài động vật và 464 loài thực vật), trong đó có tới 8 loài động vật được xem đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên tại Việt Nam, cụ thể là: tê giác hai sừng, bò xám, heo vòi, cầy rái cá, cá chép gốc, cá lợ thân thấp, hươu sao, cá sấu hoa cà. Đặc biệt, năm 2011, phân loài tê giác Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã chính thức bị tuyệt chủng ở Việt Nam. Trong hệ thực vật, loài lan hài Việt Nam đã tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Nhiều loài thực vật trước đây chỉ ở mức sắp nguy cấp thì nay bị xếp ở mức rất nguy cấp như hoàng đàn, bách vàng, sâm vũ diệp, tam thất hoang...

    Mất rừng, sinh cảnh bị suy thoái và nạn săn bẫy do nhu cầu tiêu thụ và buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã đã khiến nhiều loài linh trưởng của khu vực Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng đang trên bờ tuyệt chủng. Một phần tư các loài này nằm trong danh sách các loài Cực kỳ Nguy cấp trong Sách Đỏ Thế giới IUCN và một nửa trong số chúng thuộc danh sách các loài Nguy cấp. Việt Nam có tới 5 loài linh trưởng đặc hữu, thế nhưng chúng đều nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng Cực kỳ Nguy cấp trên toàn cầu. Theo Danh lục Đỏ IUCN 2019, nguy cơ tuyệt chủng đã gia tăng đối với một phần tư loài, so với đánh giá năm 2008. Nguy cơ tuyệt chủng của những loài còn lại cũng không giảm đi.

    Một số nguyên nhân tác động, ảnh hưởng gây suy giảm ĐDSH

    Có nhiều yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng, tác động đến ĐDSH bao gồm cả các yếu tố, nguyên nhân riêng lẻ cũng như các yếu tố, nguyên nhân có tính tích hợp. Đồng thời các yếu tố, nguyên nhân tác động, ảnh hưởng đến ĐDSH có tính trực tiếp, gián tiếp.

    Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước nhiều nơi chưa phù hợp

    Chuyển đổi sử dụng đất (có rừng): Trong giai đoạn 2017 - 2020 đã có 3.630 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, với tổng diện tích đề nghị là 183.740 ha, trong đó, rừng tự nhiên 39.133 ha, rừng trồng 74.242 ha, đất chưa có rừng 13.816 ha, diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng 56.550 ha. Theo số liệu thống kê qua các năm, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, khoảng 2.430 ha rừng tự nhiên bị mất đi, tập trung chủ yếu tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, trong khi diện tích rừng sản xuất lại tăng lên so với trước đây. Việc suy giảm diện tích rừng đầu nguồn do các dự án thủy điện, phát triển giao thông và do các nguyên nhân khác đã và đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường, trong đó có các tác động làm suy giảm lớp phủ thực vật, phân mảnh môi trường sống hoang dã của nhiều loài sinh vật nguy cấp, làm suy giảm nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông, đồng thời làm xói mòn lưu vực, tăng nguy cơ lũ, giảm lượng dự trữ nước ngầm, đẩy nhanh quá trình bồi lắng, làm giảm tuổi thọ của các hồ chứa nước. Việc thay đổi sử dụng đất là một trong những áp lực lớn nhất tác động tới các hệ sinh thái tự nhiên vốn có để chuyển sang các hệ sinh thái nhân tạo khác và qua đó, làm giảm đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái.

    Chuyển đổi sử dụng mặt nước: Không chỉ rừng, nhiều HST rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều ven biển đã bị cải tạo nhanh chóng với quy mô lớn thành các đầm nuôi tôm, bãi nuôi ngao và các hải sản khác đã khiến các khu rừng ngập mặn nguyên sinh gần như bị biến mất ở nhiều tỉnh. Việc phát triển các đầm, ao nuôi trồng thủy sản ở vùng cửa sông, ven biển dẫn đến những thay đổi về nơi cư trú của quần xã sinh vật, thay đổi về môi trường, lắng đọng trầm tích và nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển. Hơn nữa, tại một số khu vực nuôi tôm, cá tập trung việc xả thải các chất hữu cơ, chất độc vi sinh vật (cả mầm bệnh) và các chất thải sinh hoạt làm cho môi trường suy thoái, bùng nổ dịch bệnh và gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cũng như môi trường. Mặt nước ven bờ, đặc biệt những vũng, vịnh, đầm phá được sử dụng quây nuôi lồng bè các loài thủy sản gây ô nhiễm môi trường nước, trầm tích đáy, tác động tới các HST ĐNN ven biển, đặc biệt HST rạn san hô, cỏ biển. Việc phát triển xây dựng các đô thị và khu công nghiệp diễn ra nhanh chóng ở ven bờ biển ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng nước, chất lượng nước, trầm tích và ĐDSH.

    Khai thác quá mức và buôn bán trái phép tài nguyên ĐDSH

    Từ năm 2007 đến năm 2013, cả nước có 2.000 -  4.500 vụ khai thác gỗ trái phép. Tính riêng năm 2018 đã phát hiện 12.900 vụ vi phạm pháp luật về rừng, tổng số vụ vi phạm đã được xử lý là 11.289 vụ, trong đó xử phạt hành chính 10.900 vụ, xử lý hình sự 363 vụ, tịch thu 16.027 m3 gỗ các loại, diện tích rừng bị thiệt hại là 936 ha. Khoảng 100.000 m3 gỗ khai thác trái phép bị tịch thu mỗi năm. Hàng năm các LSNG, bao gồm: 350 triệu cây tre, 4500 tấn mây, 1500 tấn măng, 300 tấn quả, 5000 tấn các sản phẩm thực phẩm khác, 4500 tấn dược liệu, 130.000 tấn tinh dầu và nhựa đã được khai thác. Khai thác quá mức trong một thời gian dài tác động tiêu cực đến chất lượng tài nguyên rừng, mất môi trường sống, chia cắt, nhiễu loạn HST rừng và giảm khả năng tái sinh tự nhiên. Đối với HST biển, hàng nghìn ha rạn san hô và thảm cỏ biển cũng bị mất do khai thác quá mức và sử dụng lồng bè nuôi trồng thủy sản. Các kỹ thuật khai thác mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, chất độc và sốc điện đánh bắt thủy sản đang diễn ra khá phổ biến, chưa kiểm soát hiệu quả ở cả vùng nước trong đất liền và trên biển, đang là mối đe dọa cao đối với các HST tự nhiên có mức ĐDSH cao như sông, suối vùng núi, đầm hồ, thảm cỏ biển và rạn san hô ở vùng nước ven bờ biển của Việt Nam.

    BĐKH và ÔNMT

    Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH. Nhiệt độ trung bình tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần thể sinh vật của nhiều HST. Bên cạnh đó, ÔNMT cũng tác động tiêu cực đến ĐDSH ở mọi cấp độ. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng tại Việt Nam đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí, chất lượng nước và thải ra nhiều chất thải nguy hại. Nước thải sinh hoạt, công nghiệp không được xử lý và thải trực tiếp vào các sông, hồ tác động xấu đến ĐDSH của các HST tự nhiên. Việc mở rộng thâm canh nông nghiệp, thuốc BVTV với nhiều nguồn gốc khác nhau được sử dụng ngày càng phổ biến và thiếu kiểm soát đã góp phần làm suy thoái các quần thể chim và côn trùng ở các vùng nông thôn và ngoại ô thành phố.

    Sự du nhập các SVNLXH

    Việt Nam có đường bờ biển dài và đường biên giới giáp ranh với 3 nước (Trung Quốc, Campuchia và Lào) nên sinh vật ngoại lai có thể xâm nhập bằng nhiều con đường khác nhau như nhập khẩu có chủ đích phục vụ nuôi, trồng, sản xuất, kinh doanh và du nhập tự nhiên và không chủ đích của con người. Sinh vật ngoại lai, tùy theo từng trường hợp, có thể mang lại lợi ích tạo ra giống mới có giá trị kinh tế cao (như cá tầm, cá diêu hồng, cá mú, cá bớp…), nhưng nếu không được kiểm soát tốt có thể mang lại những thiệt hại lớn về kinh tế và sinh thái. Các loài ngoại lai xâm hại khi du nhập vào sẽ phát triển quần thể nhanh chóng, lấn át các loài bản địa về thức ăn, nơi cư trú, thậm chí làm xói mòn nguồn gen loài bản địa do tính lai tạp.

    3. Định hướng ưu tiên BTTN và ĐDSH trong thời gian tới

    Trong 5 năm trở lại đây, thế giới phát triển một số xu hướng kinh tế mới gắn liền với sử dụng thông minh các nguồn tài nguyên sinh vật có khả năng tái tạo và thân thiện với môi trường như kinh tế sinh học, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chiếc bánh vòng …Một xã hội hài hòa với tự nhiên là mẫu hình chung cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, BĐKH diễn biến khốc liệt. Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.

    Cơ hội

    Tháng 3/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố Thập kỷ 2021 - 2030 là Thập kỷ về phục hồi HST. Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được tổ chức vào tháng 11/2020 đã đưa ra Bản Cam kết các Lãnh đạo vì thiên nhiên và Việt Nam là một trong 93 quốc gia chính thức ủng hộ Cam kết này. Khung ĐDSH toàn cầu sau 2020 xác định và kêu gọi hướng tới một thế giới sống hòa hợp với thiên nhiên, trong đó ĐDSH được coi trọng, bảo tồn, phục hồi và sử dụng một cách bền vững, duy trì các dịch vụ HST, duy trì một hành tinh lành mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người.

    Công tác quản lý, BTTN và ĐDSH nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, đặc biệt Lãnh đạo cấp cao được thể hiện thông qua các nội dung về BTTN và ĐDSH được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước như: Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế xác định công tác bảo tồn ĐDSH đặt ra nhiệm vụ về bảo tồn ĐDSH và HST biển, yêu cầu lập CSDL ĐDSH quốc gia; Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và đã xác định bảo vệ, phát triển rừng, BTTN và ĐDSH được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển bên vững của đất nước...

    Các chủ trương, cam kết chính trị đã và đang tiếp tục được thể chế hóa. Đặc biệt, Luật BVMT năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 1/1/2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác BVMT, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn ĐDSH và phát triển kinh tế bền vững.

    Hệ thống chính sách, pháp luật trong nước về BTTN và ĐDSH cũng ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và triển khai các luật quan trọng để BTTN và ĐDSH như Luật ĐDSH, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Du lịch, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

    Thách thức

    Áp lực ngày càng gia tăng từ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GDP nước ta giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Với mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người thì áp lực đối với môi trường nói chung, bảo tồn ĐDSH nói riêng sẽ càng lớn hơn.

    BĐKH ngày càng gia tăng áp lực tới các HST và loài. Nhiều nghiên cứu quốc tế và trong nước đã chỉ ra những áp lực của BĐKH ngày càng tăng đối với ĐDSH. Ước tính có ít nhất 38,9% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long và 16,8% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nếu nước biển dâng lên 100 cm. Các HST ven biển ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng.

    Hầu hết các khu bảo tồn hiện nay có diện tích không rộng, phân tán, thiếu tính kết nối: hiện nay, diện tích bảo tồn của các khu vực được bảo vệ không thực sự đủ lớn (phần lớn có diện tích dưới 50.000 ha) để đảm bảo cho nhiều loài động vật có kích thước lớn như voi, hổ. Trong khi đó, còn có các khu vưc khác có giá trị đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng thì việc xác định và quản lý các hệ sinh thái tự nhiên ngoài khu bảo tồn lại chưa được quan tâm. Nguồn nhân lực cho bảo tồn ĐDSH chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, đặc biệt đối với những lĩnh vực như đánh giá tác động môi trường, an toàn sinh học, bảo tồn ĐDSH, kinh tế môi trường… Đầu tư kinh phí thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH từ nguồn ngân sách còn dàn trải, thiếu trọng điểm và hiệu quả đầu tư còn thấp. Ngân sách cho bảo tồn ĐDSH còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng ngân sách cho nhiệm vụ môi trường; Nhận thức của xã hội về bảo tồn ĐDSH còn chưa đầy đủ và toàn diện.

    Trên cơ sở hiện trạng ĐDSH, nhận diện áp lực, tác động cũng như nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân giá tiếp, đồng thời xác định cơ hội, thách thức trong thời gian tới, một số định hướng, nhiệm vụ ưu tiên BTTN và ĐDSH trong thời gian tới được xác định: Tăng cường bảo tồn, phục hồi ĐDSH; Bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; Tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; Đánh giá, phát huy lợi ích của ĐDSH phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH; Kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến ĐDSH

    Các giải pháp chủ yếu tập trung vào các nhóm giải pháp: Hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về ĐDSH; Nâng cao nhận thức, ý thức về BTTN và ĐDSH; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH, đặc biệt trong quản lý, điều tra, quan trắc, theo dõi, kiểm tra, giám sát ĐDSH; Bảo đảm nguồn lực tài chính cho bảo tồn ĐDSH; Tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.

TS. Nguyễn Xuân Dũng, Phó Cục trưởng

Cục Bảo tồn thiên nhiên  và Đa dạng sinh học

Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2022)

 

Ý kiến của bạn