Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

08/09/2014

     Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy đến năm 2020. Kế hoạch này xác định các nhiệm vụ, dự án, làm cơ sở cho các bộ, ngành liên quan và các địa phương trên lưu vực sông triển khai nhằm đạt được các chỉ tiêu của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 tại Quyết định 57/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008.

     Lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được phân chia thành hai vùng chính là vùng đồi núi và đồng bằng gồm: Vùng đồi núi nằm ở phía Tây lưu vực và vùng đồng bằng nằm phía hữu ngạn sông Hồng.

 

Hình ảnh sông Nhuệ bị ô nhiễm

 

     Từ hai vùng này được chia ra thành 14 tiểu vùng gồm: Núi đất thấp, Vườn quốc gia Ba Vì, Vườn quốc gia Cúc Phương, núi đá vôi liền khối, gò đồi, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, đô thị và công nghiệp Tam Điệp, đồng bằng tích tụ, đồng bằng ven biển, đô thị và công nghiệp Sơn Tây, đô thị và công nghiệp Hà Nội, đô thị và công nghiệp Phủ Lý, đô thị và công nghiệp Nam Định, đô thị và công nghiệp Ninh Bình.

     Hướng tới loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

     Theo Kế hoạch, cần phòng ngừa, ngăn chặn việc phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường, khu vực ô nhiễm môi trường. Trong đó, xây dựng và thực hiện lộ trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hạn chế, hướng tới loại bỏ các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; dần hạn chế, tiến tới không cấp phép đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng đối với các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực tập trung dân cư, khu vực nhạy cảm, vùng ưu tiên cần bảo vệ; chú trọng phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện môi trường.

     Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra xác nhận việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động chính thức; không phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ, máy móc, phương tiện, thiết bị cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng.

    Khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000; khuyến khích tái chế, tái sử dụng chất thải, thực hiện thu gom, phân loại rác thải tại nguồn nhằm hạn chế tác động đến môi trường lưu vực sông.

     Cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm

    Để phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm cần triển khai các Dự án trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1206/QĐ-TTg ngày 2/9/2012.

     Bên cạnh đó, xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư về cải tạo, phục hồi môi trường hồ, ao, kênh mương và các đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư, trong đó chú trọng gắn quy hoạch chỉnh trang đô thị với việc nâng cấp, hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước thải, nước mưa và xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

     Đồng thời, xác định ranh giới diện tích các hồ, kênh mương, đoạn sông trong các đô thị, khu dân cư và tiến hành kè bờ, chấm dứt tình trạng lấn chiếm, san lấp trái phép; hạn chế, tiến tới không cho phép thực hiện các dự án san lấp hoặc có hạng mục san lấp làm thu hẹp diện tích mặt nước; triển khai Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy theo Quyết định 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010.

     Mặt khác, nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng mô hình công nghệ xử lý ô nhiễm tồn lưu, cải thiện môi trường tại các ao, hồ, kênh, mương, đoạn sông trong đô thị, các vùng bị tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

     Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ khác gồm: Kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường trên lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy; quy hoạch hành lang cây xanh, diện tích rừng và các khu vực sinh thái cần được bảo vệ đến năm 2020, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường...

 

Theo Chinhphu.VN

Ý kiến của bạn