Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường

03/12/2013

TS. Nghiêm Vũ Khải

Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ

 

     Thực hiện Luật BVMT năm 2005 (Điều 108), Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 và Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn từ năm 2005 đến nay, định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) về BVMT đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định là nhiệm vụ quan trọng.

     1. Nghiên cứu KH&CN phục vụ hoạch định chính sách BVMT

     Để cung cấp luận cứ khoa học cho xây dựng quy hoạch BVMT, các đề tài KH&CN độc lập cấp Nhà nước, đề tài nghiên cứu cấp Bộ đã tập trung giải quyết các vấn đề môi trường mang tính vĩ mô như: Quy hoạch môi trường các vùng trọng điểm (đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Nghiên cứu lồng ghép các vấn đề môi trường vào các vấn đề sử dụng tài nguyên, phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho phát triển bền vững các vùng lãnh thổ (Tây Nguyên, vùng sinh thái đặc thù Quảng Bình - Quảng Trị, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), các lưu vực sông (sông Đà, Sông Ba và sông Côn, Sông Lô và sông Chảy...).

     Về môi trường nông thôn, làng nghề và trang trại, đã được nghiên cứu theo các vùng sinh thái, địa hình và từ đó đưa ra bức tranh tổng thể về môi trường nông thôn, môi trường làng nghề và trang trại của Việt Nam trong mối quan hệ đa chiều một cách có hệ thống. Các đề tài đã phát hiện vấn đề môi trường đặc trưng và bức xúc hiện nay theo các vùng sinh thái, loại làng nghề và dự báo xu thế phát triển trong giai đoạn tới; Một kết quả quan trọng khác là các đề tài đã đánh giá được tác động của một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội đến TN&MT. Trên cơ sở đó, đề xuất được tổ hợp các chính sách và giải pháp cụ thể để quản lý môi trường bền vững.

 

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư công nghệ

xử lý chất thải, công nghệ thân thiện với môi trường

 

     Về lĩnh vực kinh tế môi trường, kết quả nghiên cứu của các đề tài đã góp phần làm sáng tỏ những điều còn chưa rõ về bản chất kinh tế môi trường - một lĩnh vực khoa học còn mới ở Việt Nam: Đánh giá tầm quan trọng về kinh tế của sự suy thoái TN&MT, chỉ ra những nguyên nhân kinh tế sâu xa của sự suy thoái môi trường, mối quan hệ giữa các hoạt động kinh tế trong quá trình phát triển, giải quyết từng bước các mâu thuẫn giữa tăng trưởng kinh tế và chất lượng môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT, trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp quản lý tổng hợp nhằm BVMT, phát triển bền vững khu vực nghiên cứu. Các đề tài của Chương trình đã nghiên cứu lồng ghép các vấn đề BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên vào phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Đây là các lĩnh vực nghiên cứu tổng hợp mang tính liên ngành cao được chú trọng ở giai đoạn này.

     2. Ứng dụng và phát triển công nghệ môi trường

     Từ năm 2005 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xem xét hơn 40 dự án đầu tư công trình xử lý nước thải, rác thải do các Sở, ban ngành hoặc UBND tỉnh/thành phố Trung ương gửi đến, trong đó đưa ra nhiều giải pháp công nghệ như: chôn lấp, sản xuất phân vi sinh, công nghệ tái chế phế thải, công nghệ sản xuất gạch hoặc các loại công nghệ đốt.

     Có nhiều giải pháp công nghệ nhưng để chọn lựa công nghệ xử lý lại không đơn giản. Bởi mỗi phương pháp xử lý chất thải đều có những ưu điểm, nhược điểm. Ngoài ra, mỗi địa phương có hoàn cảnh đặc thù khác nhau, nên không thể áp dụng đồng loạt một công nghệ xử lý. Việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phải căn cứ vào các tiêu chí đánh giá công nghệ về kỹ thuật, kinh tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương triển khai thực hiện dự án; chí phí về giá thành công nghệ; hiệu quả xã hội; an toàn thân thiện với môi trường, sự phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn và tiêu chuẩn đã ban hành về xử lý môi trường. Trên cơ sở đó đã khuyến nghị áp dụng công nghệ chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ, đốt, ép gọn và đóng gói, chế biến rác thành năng lượng nhiệt và điện.

     3. Định hướng hoạt động KH&CN phục vụ BVMT

     Để đẩy mạnh công tác BVMT trong giai đoạn tới, ngày 18/3/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP “Về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT”, trong đó đã xác định giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT là một trong 7 giải pháp cấp bách. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ, ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả thiết thực trong phối hợp thực hiện các giải pháp đề ra, trong đó đề nghị phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc thực hiện 2 nhiệm vụ:

     - Rà soát, bổ sung danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao, danh mục công nghệ cấm chuyển giao, nhằm ngăn chặn chuyển giao những công nghệ, phương tiện, thiết bị cũ gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam; nghiên cứu, bổ sung quy định về BVMT đối với công nghệ khi xem xét cấp phép đầu tư...

     - Xây dựng Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ BVMT trong danh mục các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước. Hiện có 3 lĩnh vực KH&CN liên quan đến sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, phòng tránh thiên tai đang được tổ chức thực hiện trong khuôn khổ Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước là KC-08.

     4. Đề xuất nội dung hoạt động KH&CN trong Luật BVMT (sửa đổi)

     Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), Điều 142 đã quy định về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ về BVMT. Nội dung này mới chỉ nêu quan điểm, khó có tính khả thi để áp dụng vào thực tế. Do vậy, cần quy định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan đến nhiệm vụ này. Trong đó, cần dẫn chiếu, cụ thể hóa những quy định của Luật KH&CN vừa được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2013. Cụ thể: Các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội sử dụng ngân sách nhà nước phải lập hạng mục chi cho hoạt động xây dựng căn cứ khoa học, thẩm định cơ sở khoa học, trình độ công nghệ, giải quyết những vấn đề KH&CN phát sinh trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án. Yêu cầu đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, phát triển bền vững phải được coi là một yêu cầu ưu tiên trong quá trình xây dựng căn cứ khoa học, thẩm định công nghệ. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ được lấy từ kinh phí dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội mà không phải từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường còn hạn hẹp như hiện nay.

 

TS. Nghiêm Vũ Khải

Thứ trưởng Bộ Khoa học&Công nghệ

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (Sửa đổi)

Ý kiến của bạn