Banner trang chủ

Cần xây dựng chính sách phù hợp với tình hình thực tế của từng vùng, từng địa phương trong việc quản lý rác thải

06/08/2020

    Vừa qua, Bộ TN&MT trình Quốc hội về Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) trong đó có đề xuất phương án thu phí rác thải theo khối lượng, thay vì phương án thu bình quân theo hộ như hiện nay. Đề xuất nhận được nhiều ý kiến đa chiều thể hiện sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác BVMT, để rõ hơn về đề xuất này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn TS. Shon Dong Yeoub - Trưởng đại diện Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) tại Việt Nam về kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc tính phí theo lượng rác thải (và loại rác thải) đã được áp dụng hàng chục năm qua.

 

TS. Shon Dong Yeoub 

Trưởng đại diện Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) tại Việt Nam

 

 

PV: Xin ông cho biết thực trạng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại Hàn Quốc thời gian qua?

Ông Shon Dong Yeoub: Công tác xử lý rác thải của Hàn Quốc về cơ bản được tiến hành thông qua việc thu phí rác thải theo khối lượng phát sinh (VBWFS). Bên cạnh đó, cùng với cơ chế trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất (EPR), yêu cầu bắt buộc các nhà sản xuất giảm lượng rác thải, thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng thể chế kinh tế - xã hội theo mô hình tuần hoàn nguồn tài nguyên.

    Việc xử lý rác của Hàn Quốc cũng giống như nhiều nước đang phát triển, đa số phụ thuộc vào phương pháp chôn lấp. Năm 2017, tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt và rác thải của các cơ sở kinh doanh chiếm 8,3%, 6,1% rác được đốt, 85,4% được tái sử dụng và 0,2% được xả thải ra biển.

    Năm 1994, trước khi thực hiện hệ thống thu phí rác thải theo khối lượng, mức phát thải tính theo đầu người của Hàn Quốc là 1,3kg/người/ngày, sau khi thực hiện chính sách này mức xả thải giảm mạnh, kể từ năm 1997 mức xả thải bình quân đầu người từ khoảng 0,94kg - 1,05kg/người/ngày và mức phát thải này vẫn được duy trì. So với lượng phát thải bình quân của các nước OEDC (năm 2015 1,425kg/người/ngày) thì mức phát thải của Hàn Quốc là tương đối thấp.

PV: Việc áp dụng các công cụ kinh tế trong chính sách quản lý chất thải tại Hàn Quốc được thực hiện như thế nào?

Ông Shon Dong Yeoub: Trước khi thu phí rác thải theo khối lượng, ở Hàn Quốc chủ yếu thu phí thu gom xử lý rác theo mặt bằng diện tích, một phần thu theo trọng lượng và khối lượng rác phát thải. Ví dụ ở Seoul, các túi đựng rác thải ở các quận được chia theo túi dành cho các hộ gia đình, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất và được chia theo khối lượng 2 lít, 3lít, 5 lít, 10 lít, 20 lít, 30 lít, 50 lít, 75 lít, 100 lít. Người dân có thể tìm mua các loại túi đựng rác theo từng kích thước tại các điểm bán được chỉ định như siêu thị tiện lợi, siêu thị lớn, tiệm giặt là…bỏ rác vào nơi quy định và sẽ có người đi thu.

    Những loại chất thải có kích thước lớn như đồ gia dụng thì người dân có thể mua phiếu bỏ rác tại Ủy ban quận, dán vào chất thải rồi bỏ đi hoặc sử dụng các cơ sở chuyên thu gom rác thải có kích thước lớn.

PV: Những ưu điểm cũng như khó khăn, thách thức khi áp dụng hệ thống khối lượng chất thải phát sinh (VBWFS) Hàn Quốc là gì, thưa ông?

Ông Shon Dong Yeoub: Hệ thống phí xác định theo khối lượng chất thải phát sinh là phương pháp thu phí hiệu quả cho công tác quản lý rác thải phát sinh từ người dân theo tỷ lệ rác mà họ thải ra. Chính vì vậy, ưu điểm của phương pháp này là khuyến khích người dân tự giác giảm số lượng rác thải.

    Đối với rác thải có thể tái sử dụng sẽ được phân loại và người dân sẽ không phải nộp phí nên đã khuyến khích việc phân loại rác thải và tái sử dụng trong cộng đồng. Việc giảm lượng rác thải và phân loại rác có thể tái chế vừa giảm bớt chi phí cho người dân vừa giúp các cơ quan quản lý giảm sự phụ thuộc vào các cơ sở đốt rác hay chôn lấp rác thải.

    Những nỗ lực thay đổi phương thức xả rác thải của người dân thông qua chiến dịch tuyên truyền nâng cao ý thức là những phương pháp không gây áp lực với người dân nhưng khó đạt được hiệu quả mong muốn và cần nhiều thời gian. Còn khi sử dụng những chế tài do Chính phủ quy định đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực kiểm soát và cần đầu tư lớn về cả kinh phí và thời gian triển khai. Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, việc triển khai hệ thống VBWFS ở Hàn Quốc có gặp những khó khăn sau:

    Đa số các túi rác đều đựng đầy rác thức ăn nên phát sinh rất nhiều vấn đề môi trường như mùi hôi hay xuất hiện các loại ruồi, bọ ở các điểm đốt rác hay chôn lấp rác. Điều này gây ra những bất bình cho nhân dân khu vực quanh.

    Ngoài ra, khi thực hiện hệ thống thu phí theo khối lượng rác thải phát sinh, các địa phương phải đối mặt với việc nguồn tài nguyên tái chế tăng mạnh. Những sản phẩm tái chế được phân loại không có thị trường tiêu thụ nên tình trạng tồn đọng thường xuyên xảy ra.

    Bên cạnh đó, các địa phương muốn mở rộng các cơ sở xử lý trực tiếp rác thải từ thức ăn rất khó tìm kiếm mặt bằng thích hợp xây dựng đốt rác và chôn lấp. Trong khi đó, việc sử dụng dịch vụ xử lý đốt, chôn lấp rác do tư nhân xây dựng, địa phương phải trả chi phí rất cao.

 

Tại Hàn Quốc, người dân dễ dàng mua túi tại các siêu thị

 

PV: Hiện nay Bộ TN&MT đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) trong đó có đề xuất phương án thu phí rác thải theo khối lượng, thay vì phương án thu bình quân theo hộ như hiện nay… Là quốc gia đi trước, vậy ông có chia sẻ kinh nghiệm gì khi triển khai chính sách này tại Việt Nam?

Ông Shon Dong Yeoub: Để có thể thi hành hiệu quả cơ chế thu phí rác thải theo khối lượng, cần liệt kê những vấn đề có thể gặp phải trong quá trình thi hành và cần phải chuẩn bị trước các phương án đối phó với các vấn đề đó.

    Ở Việt Nam, tùy tình hình cụ thể của địa phương để xây dựng các kịch bản và kế hoạch giải quyết việc tiêu thụ sản phẩm tái sử dụng được thu gom, xử lý các rác thải thức ăn, lên phương án giải quyết mùi rác thải thức ăn, ngăn chặn các hành vi xả rác trái phép, kêu gọi hợp tác của nhân dân và xã hội trong khi thực hiện cơ chế.

    Theo tôi được biết, năm 2012, Việt Nam đã ban hành “Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, việc nghiên cứu, thử nghiệm và từng bước áp dụng trên diện rộng việc thu phí theo khối lượng rác phát thải và loại hình rác thải, chất thải rắn. Ngoài ra, Chiến lược cũng xác định từng bước nâng mức phí, tiến tới đủ bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp chất thải rắn; hình thành thị trường chất thải có thể tái chế, tái sử dụng. 

   Cùng với đó, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) được xây dựng rất đúng thời điểm để đánh giá những kết quả đã đạt được của Chiến lược BVMT quốc gia, từ đó có những sửa đổi, bổ sung phù hợp để hoàn thiện Luật BVMT cũng như xây dựng được Chiến lược BVMT cho giai đoạn tiếp theo. Với sự chuẩn bị như vậy, tôi tin khi triển khai thực hiện cơ chế thu phí rác thải theo khối lượng Việt Nam sẽ khắc phục được những khó khăn và đạt được những thành quả mong muốn.

PV: Theo ông, để chính sách này đi vào cuộc sống, Việt Nam cần những điều kiện gì để xử lý chất thải một cách hiệu quả cả về mặt kinh tế và môi trường?

Ông Shon Dong Yeoub: Theo các số liệu thống kê, Hàn Quốc sau khi áp dụng chế độ thu phí rác thải theo khối lượng được hai năm thì tỷ lệ rác thải phát sinh so với khi chưa áp dụng chế độ giảm 11%, tỷ lệ tái sử dụng rác tăng 9%.

    Hệ thống thu phí theo khối lượng rác thải phát sinh là phương pháp khuyến khích giúp giảm lượng rác thải, giảm gánh nặng cho môi trường, điểm mấu chốt để thực hiện một cách hiệu quả cơ chế này chính là việc Việt Nam xây dựng các chính sách như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng vùng, từng địa phương.

    Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và các tạo các nguồn vốn ưu đãi để khuyến khích người dân và toàn xã hội tham gia tích cực thực hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!    

Phạm Đình (Thực hiện)

(Nguồn: bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

 

     TS. Shon Dong Yeoub nhận nhiệm vụ Trưởng đại diện Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI) tại Việt Nam từ tháng 1 năm 2020. KEITI trực thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc chuyên hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và giới thiệu các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường của Hàn Quốc và chia sẻ thông tin chính sách về xử lý rác thải, xây dựng những quy chuẩn về chất lượng không khí, chất lượng nước… những vấn đề mà Việt Nam đang rất quan tâm. Đồng thời là cầu nối giúp phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, kết nối doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực môi trường.

 

 

Ý kiến của bạn