Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Phát triển tài chính xanh ở Đông Nam Á

14/02/2023

    Thời gian qua tại châu Âu, nhiều ngân hàng như ING của Hà Lan, La Banque Postale ở Pháp đã thực hiện các bước để ngừng hoàn toàn việc tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch. Động thái này nhằm thích nghi với quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng tới việc tạo ra một nền kinh tế ít các bon, có thể chống chịu với biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn. Từ châu Âu, xu hướng này đã lan tỏa đến châu Á và đang bắt đầu nhen nhóm ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, một số công ty khởi nghiệp đã tạo nên sự đổi mới trong lĩnh vực ngân hàng xanh.

    Theo báo cáo mới đây của Công ty phân tích dữ liệu GlobalData, nhiều công ty khởi nghiệp tập trung vào lĩnh vực bền vững đã ra đời để hỗ trợ các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn trong nhiều lĩnh vực - khi các ngân hàng và tổ chức này tìm cách chuyển đổi “dấu chân môi trường” (một thuật ngữ trong lĩnh vực bền vững) và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

    Theo bà Shagun Sachdeva, Giám đốc Dự án công nghệ đột phá, vì ngân hàng xanh là yếu tố quyết định chính trong lộ trình khử các bon nhằm bảo vệ hành tinh, các tổ chức tài chính đang đặt cược lớn để hỗ trợ toàn bộ những ưu tiên ngay từ việc phát triển và thông qua các hoạt động ngân hàng thân thiện với khí hậu, tập trung vào trái phiếu xanh và xã hội, đầu tư lớn hơn trong các dự án xanh để chuyển đổi từ nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo.

    Những công ty khởi nghiệp tạo ra sự thay đổi này được gọi là “ecolytic”(cung cấp các giải pháp chuyển đổi tác động thành tài sản), đã phát triển giải pháp bền vững dưới dạng dịch vụ cho phép các tổ chức tài chính như Visa, Tink và Rabobank cung cấp các khoản đầu tư cho khách hàng, bao gồm dấu chân sinh thái, bù đắp tác động cá nhân và ESG.

Phát triển bền vững đang trở thành trào lưu toàn cầu (Ảnh: World Bank)

    Gây nhiều chú ý trong thời gian qua là một start up có tên gọi Fintech Doconomy. Công ty khởi nghiệp này đã tạo ra thẻ tín dụng có tên DO Black, không chỉ theo dõi và đo lường lượng khí thải CO2 liên quan đến giao dịch của người dùng mà còn áp đặt giới hạn đối với tác động môi trường của việc mua hàng của họ. Một số ngân hàng đối tác của Docomy có trụ sở tại Thụy Điển là Standard Chartered, Bank of the West và Ngân hàng Thương mại Ceylon ở Sri Lanka. Ngoài ra còn có thể kể đến Yayzy, với nền tảng dựa trên thiết bị di động để hỗ trợ các ngân hàng lớn như Santander, BBVA và Deutsche Bank cũng như các công ty khởi nghiệp Fintech kết hợp dữ liệu định hướng bền vững vào dữ liệu giao dịch của khách hàng. Sau đó, ứng dụng sẽ đề xuất cách giảm hoặc bù đắp hoàn toàn lượng khí thải carbon.

    Tại Đông Nam Á, Công ty khởi nghiệp CO2 Connect cung cấp giải pháp cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận các dịch vụ tài chính thân thiện với môi trường bằng cách tự động ước tính lượng khí thải các bon và báo cáo dữ liệu. Tại Singapo, CO2 Connect làm việc với các ngân hàng như OCBC và United Overseas Bank trong lĩnh vực này.

    Báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nêu rõ, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu bằng cách giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển phải đầu tư ít nhất 1 nghìn tỉ USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng đến năm 2030 và thêm từ 3 nghìn - 6 nghìn tỉ USD trên tất cả các lĩnh vực mỗi năm đến năm 2050.

    Điều này là do nhiên liệu hóa thạch vẫn là nguồn năng lượng chính ở châu Á, khi nhu cầu năng lượng ở đây tăng do gia tăng các hoạt động kinh tế, công nghiệp hóa và tỷ lệ đô thị hóa cao. Để đáp ứng mục tiêu của IMF, các cơ quan quản lý ở châu Á đang có những bước tiến lớn hơn so với các tổ chức tài chính và doanh nghiệp trong khu vực.

Phương Linh (Tổng hợp)

Ý kiến của bạn