Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 04/10/2024

Thế giới chung tay bảo vệ động vật hoang dã

15/09/2015

     Năm 2014, Ngày Thế giới Bảo vệ động vật hoang dã (WWD) lần đầu tiên đã diễn ra trên thế giới, trong đó tập trung vào Chiến dịch truy quét hoạt động buôn lậu động vật hoang dã (ĐVHD). Hoạt động buôn lậu ĐVHD trên toàn cầu mang về khoản lợi bất chính chừng 19 tỷ USD mỗi năm, đứng thứ tư sau buôn lậu ma túy, buôn hàng giả và buôn người.      Hưởng ứng WWD, các nước trên thế giới đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với công tác bảo vệ ĐVHD. Thông điệp: "Hãy chung tay bảo vệ ĐVHD” đã được lan truyền trên khắp các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng.      Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki Moon, WWD là dịp để cộng đồng quốc tế hành động bảo vệ các loài ĐVHD, cũng như phản ánh mối quan hệ giữa con người và động, thực vật, hướng đến một tương lai phát triển bền vững, nơi con người và ĐVHD có thể cùng sống hòa hợp. Ông kêu gọi cộng đồng thế giới chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD bất hợp pháp và cam kết kinh doanh, sử dụng các loài động thực vật một cách bền vững và hợp lý.      Ông Achim Steiner, Phó Tổng thư ký LHQ kiêm Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) nhấn mạnh, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, của các cơ quan chức năng thì mỗi người dân cũng đóng một phần không nhỏ trong việc đóng cửa các thị trường buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, ngăn chặn những hành động đe dọa sự sống còn của các loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như voi, tê giác, hổ và một số loài đang bị đe dọa khác.      Theo ông Achim Steiner, trong bốn thập kỷ qua, UNEP đã hỗ trợ các nước xây dựng chính sách pháp luật ở cấp độ quốc gia và toàn cầu để chống lại nạn săn bắn, buôn bán trái phép ĐVHD. Tuy nhiên, nạn buôn lậu các loài ĐVHD và các bộ phận cơ thể của chúng trên thị trường “chợ đen” vẫn không ngừng tăng lên, một số loài động vật hoang dã quý hiếm đang bị săn bắt có nguy cơ tuyệt chủng. Bất chấp luật pháp quốc tế và trong nước cấm buôn bán ĐVHD, số tiền thu được từ săn, bắt buôn bán, tiêu thụ ĐVHD và các sản phẩm từ chúng là món lợi khổng lồ khiến cho những kẻ săn bắt và buôn bán trái phép sẵn sàng phạm tội. Theo Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF), ước tính số tiền buôn lậu ĐVHD lên tới 19 tỷ USD Mỹ mỗi năm. Hàng năm, có hàng triệu động vật bị săn bắt, tiêu diệt để làm thực phẩm, vật nuôi, đồ mỹ nghệ, dược phẩm… dẫn đến số lượng hàng nghìn loài trên thế giới đang suy giảm nhanh chóng. Các nhà khoa học ước tính rằng, xu hướng tuyệt chủng của nhiều loài hiện nay cao hơn từ 100 - ​​1.000 lần so với xu hướng tuyệt chủng tự nhiên.      Trao đổi về điều này, ông John Scanlon, Tổng thư ký Công ước về buôn bán quốc tế các loài ĐVHD (CITES) cảnh báo, việc săn bắn trái phép ĐVHD là một hoạt động tội phạm lan rộng và có tổ chức, liên quan đến các mạng lưới xuyên quốc gia. Số tiền thu được trong một số trường hợp được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động phi pháp khác và có liên quan đến các nhóm vũ trang tham gia vào các cuộc xung đột trong nước và xuyên biên giới. Cán bộ kiểm lâm và những người bảo vệ ĐVHD đang bị sát hại hoặc bị thương với số lượng lớn. Ngoài ra, hoạt động săn bắn trái phép ĐVHD của chúng cũng làm ảnh hưởng đến sinh kế của các cộng đồng phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại hệ sinh thái, phá hoại sự phát triển bền vững của đất nước.   Nạn buôn lậu các loài ĐVHD và các bộ phận cơ thể chúng trên thị trường “chợ đen” ngày càng gia tăng        Trước tình hình tội phạm săn bắt trái phép ĐVHD ngày càng gia tăng, những năm qua, LHQ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể, vào năm 2010, Ban Thư ký CITES, Cảnh sát quốc tế, Văn phòng LHQ về Ma túy và Tội phạm, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hải quan thế giới đã cùng nhau thành lập Hiệp hội Quốc tế về chống tội phạm động vật hoang dã (ICCWC).      Trong năm 2012, Chương trình Cảnh sát quốc tế về tội phạm môi trường và Trung tâm Hợp tác của UNEP tại Na Uy đã triển khai Dự án thực thi Luật Hỗ trợ ngành Lâm nghiệp, nhằm mục đích chống khai thác gỗ bất hợp pháp và tội phạm phá rừng có tổ chức. Sau đó, tại Hội nghị các nước thành viên Công ước CITES lần thứ 16 diễn ra ở Băng Cốc (Thái Lan) vào tháng 3/2013, 170 quốc gia đã nhất trí tăng cường công tác bảo vệ hàng trăm loài gỗ, rùa và các loài động, thực vật khác.       Vào tháng 1/2014, Nghị viện châu Âu đã thông qua Nghị quyết về tội phạm có liên quan tới ĐVHD. Nghị quyết này đã đưa ra một số biện pháp và kế hoạch hành động nhằm đẩy lùi hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD. Tại Mỹ, trong tháng 2/2014, Chính phủ đã ban hành Lệnh cấm xuất nhập khẩu, hoặc bán lại ngà voi. Mới đây, tại Hội nghị London về buôn bán ĐVHD bất hợp pháp diễn ra ở London (Anh) vào ngày 13/2/2014,  Tuyên bố London về Buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã đã được 46 nước chính thức thông qua, nhằm thể hiện quyết tâm chấm dứt tình trạng này bằng nhiều giải pháp và hành động cụ thể như xóa bỏ thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD, tăng cường hiệu quả của hệ thống pháp luật ở các quốc gia, nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Đồng thời kêu gọi sự cam kết, hợp tác, hỗ trợ của tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế có liên quan để sớm ngăn chặn và loại trừ nạn buôn bán trái phép loài hoang dã xuyên biên giới đang xảy ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, Tuyên bố London cũng nêu rõ, thời gian tới, các nước cần phải có nhiều hành động cấp thiết hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng săn bắn các loài ĐVHD hiện nay, trong đó phải tính đến các yếu tố về kinh tế xã hội, pháp lý và thị trường. Cụ thể, phải sửa đổi luật pháp, đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, tăng cường năng lực tài chính và con người, nâng cao nhận thức, chống tham nhũng bằng cách hạn chế nhu cầu đối với sản phẩm ĐVHD có nguồn gốc bất hợp pháp hoặc khai thác không bền vững. Các nước phải xác định rõ, hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD là "một loại tội phạm nghiêm trọng" xét theo các điều khoản của Công ước LHQ về phòng chống tội phạm có tổ chức và xuyên quốc gia.      Ngày thế giới bảo vệ động vật hoang dã: Nói không với buôn lậu ĐVHD và khai thác gỗ trái phép      Loài voi bị đe dọa nghiêm trọng     Theo báo cáo mới đây của UNEP, chỉ trong một thập kỷ qua, ở châu Phi, số lượng voi bị giết bất hợp pháp đã tăng lên gấp đôi và lượng ngà voi bị bán tăng gấp ba.      Mức độ săn bắn cũng như tình trạng mất đi môi trường sống ngày càng gia tăng đang đe dọa sự tồn tại của quần thể voi ở Trung Phi cũng như quần thể  voi ở khu vực Tây, Nam và Đông Châu Phi trước đây. Nhu cầu cao về ngà voi ở khu vực châu Á là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng voi bị săn bắt bất hợp pháp. Theo thống kê, trong năm 2011, đã có 17.000 con voi bị giết, trong đó số lượng voi châu Phi chiếm khoảng 40%. Đến năm 2012, số voi bị giết đã tăng lên 22.000 con. Dự đoán, con số này có thể tăng lên 63% vào năm 2050.      Tê giác phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng      Công ước CITES ước tính, số lượng tê giác bị săn bắn tại Nam Phi đã tăng từ 13 lên 447 con tính trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2011, do nhu cầu mua sừng tê giác để làm “thuốc chữa bệnh” tại các nước châu Á ngày càng tăng. Thế giới có 5 loài tê giác là Javan, Sumatra, tê giác đen, tê giác trắng và tê giác Ấn Độ. Trong đó, 3 loài tê giác - Sumatra, Java và loài tê giác đen đang ở tình thế cực kỳ nguy cấp. Theo WWF, ít nhất 1.300 con tê giác bị giết mỗi năm.      Buôn bán vượn trái phép      Theo báo cáo của UNEP, mỗi năm có tới gần 3.000 cá thể linh trưởng bị săn bắt trộm ở châu Phi và Đông Nam Á. Tính đến năm 2005, tối thiểu có 22.218 cá thể thuộc loài này biến mất khỏi thế giới tự nhiên, trong số đó, tinh tinh chiếm 64%.      Báo cáo cho biết, trong vòng 7 năm qua, ít nhất 643 cá thể tinh tinh , 48 bonobo, 98 khỉ đột và 1019 đười ươi được ghi chép là bị bắt từ tự nhiên cho các hoạt động mua bán bất hợp pháp.      Khai thác gỗ trái phép      Nghiên cứu của UNEP và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL ) cho thấy, từ 50% - 90% hoạt động khai thác gỗ trái phép tập trung ở các nước nhiệt đới, trong đó tập trung ở lưu vực sông Amazôn, Trung Phi và Đông Nam Châu Phi. Hoạt động khai thác gỗ trái phép mỗi năm trên phạm vi toàn cầu ước tính đạt 30 - 100 triệu USD Mỹ, chiếm khoảng 15 - 30% tổng thương mại toàn cầu.   Nguyễn Anh (Theo UNEP)    
Ý kiến của bạn