Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Kinh nghiệm xử lý rác thải của một số nước châu Âu

21/11/2019

     Xử lý rác thải là một trong những thách thức về môi trường mà nhiều nước trên thế giới gặp phải. Hiện nay, châu Âu đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải và một số quốc gia có hệ thống xử lý rác thải hiệu quả nhất trên thế giới là Thụy Điển, Đức, Áo.

     Thụy Điển: Phải nhập khẩu rác để tái chế

     Trong số các quốc gia châu Âu, Thụy Điển là nước đi đầu trong xử lý rác thải, BVMT. Thậm chí, Thụy Điển đã và đang là quốc gia phải nhập khẩu… rác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy tái chế của nước này hoạt động.

     Theo quy định, tại Thụy Điển, các điểm tái chế rác thải phải được xây dựng trong vòng bán kính khoảng 300 m tính từ các khu dân cư. Mỗi hộ dân đều để báo, đồ nhựa, kim loại, thủy tinh, đồ điện tử, pin... vào thùng chứa riêng ngay tại gia đình. Rác thải thực phẩm cũng được phân tách để tái sử dụng hoặc tái chế. Rác đã được phân loại được tập kết tới thùng chứa đặc biệt ở các tòa nhà, khu dân cư và sau đó được chuyển tới địa điểm tái chế. Tại đây, báo được nghiền thành bột giấy; chai lọ được tái sử dụng hoặc nung chảy để sản xuất ra sản phẩm mới; rác thải nhựa được tái chế thành nhựa nguyên liệu, còn thực phẩm sẽ được ủ hoặc xử lý hóa học để trở thành phân bón hoặc khí sinh học. Những loại rác thải cỡ lớn như nội thất hư hỏng hay ti vi cũ được đưa tới trung tâm tái chế ở ngoại ô thành phố. Ở một số tỉnh miền Nam Thụy Điển, thùng chứa rác ở nơi công cộng còn được gắn loa phát nhạc, thu hút sự chú ý của người dân và khiến cho việc đổ rác trở thành trải nghiệm thú vị.

 

Nhà máy sản xuất điện năng từ rác thải ở Linkoping (Thụy Điển)

 

     Không chỉ hộ gia đình, nhiều doanh nghiệp tại Thụy Điển cũng chung tay giảm thiểu rác thải. Công ty thời trang H&M có sáng kiến khuyến khích khách hàng mang quần áo cũ tới cửa hàng để được giảm giá khi mua quần áo mới. Công ty sản xuất túi Optibag phát triển loại máy phân loại túi rác nhờ màu sắc. Theo đó, người dân sẽ đựng rác thực phẩm bằng túi màu xanh lá cây, giấy loại vào túi màu đỏ... sau đó, tại nhà máy tái chế, chiếc máy do Optibag chế tạo sẽ tự động phân loại rác theo màu sắc túi, giúp tiết kiệm thời gian xử lý rác thải. 

     Có thể nói, vấn đề môi trường, rác thải và tái chế đã được Chính phủ Thụy Điển đưa vào quy hoạch từ những năm 1900. Những nhà máy đốt rác đầu tiên được xây dựng vào năm 1904. Vào thời điểm đó, phần lớn các nhà máy đốt rác được xây dựng nhằm cung cấp năng lượng để sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá. Sau nhiều thập kỷ phát triển, công nghệ tái chế rác ngày càng trở nên hiệu quả và hệ thống nhà máy đốt rác đã được nhân rộng trên khắp cả nước. Hiện quốc gia này đã có khoảng 32 nhà máy như vậy, qua đó cung cấp nhiệt sưởi cho 810.000 hộ dân (gần 50% dân số) cũng như cung cấp điện năng cho 250.000 hộ gia đình. Năm 2015, Thụy Điển phải nhập khẩu 2,3 triệu tấn rác từ các nước như Anh, Na uy, Ireland để làm nhiên liệu tạo ra điện năng.

     Đức: Biến rác thành cơ hội kinh doanh

     Năm 1950, Đức có khoảng 50.000 bãi chôn lấp rác. Đến năm 2016, con số này giảm xuống chỉ còn 300 và tất cả bãi chôn lấp đều không chấp nhận rác chưa qua phân loại. Chính phủ Đức đặt mục tiêu, đến năm 2020, sẽ xóa bỏ bãi chôn lấp rác hiện có, đồng thời lên kế hoạch tái chế toàn bộ lượng rác thải và biến chúng thành năng lượng. Các hệ thống xử lý rác thải tiên tiến cần nguồn tiền đầu tư lớn hơn nhiều so với biện pháp truyền thống. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp Đức coi đây là cơ hội đầu tư, kinh doanh cho những sáng kiến đột phá về xử lý rác thải.

     Một trong những sáng kiến về tái chế rác của Đức được nhiều quốc gia học tập là phân loại rác theo màu, với tên gọi sáng kiến “Green Dot”. Theo đó, đựng trong thùng màu nâu là rác hữu cơ có thể phân hủy, như thức ăn thừa, rau hoa quả, vỏ trứng, vỏ các loại hạt, bã cà phê và chè, lá cây rụng, cỏ… Rác thải thường không chứa chất độc hại, nhưng khó phân hủy, được đựng trong thùng màu đen như tàn thuốc lá, tro, đầu mẩu thuốc lá, mẩu cao su thừa, băng gạc vệ sinh, bỉm trẻ em, sản phẩm làm từ da và đồ giả da. Thùng rác màu vàng đựng các loại chất dẻo như túi ni lông, đồ hộp/lon rỗng, hộp đựng nước. Thùng đựng rác giấy màu xanh da trời, có thể vứt báo cũ, tạp chí cũ, tờ rơi, sách cũ, bao bì bằng giấy, hoặc bìa cứng. Riêng thùng thủy tinh để vứt chai, lọ là thùng to tròn màu xanh lá cây với nhiều ngăn, trong đó, chai, lọ thủy tinh bỏ vào một ngăn, còn các chai, lọ nhựa khác bỏ vào ngăn khác và không vứt các loại vỏ chai có thể tái sử dụng. Các thùng rác theo mã màu như vậy được đặt khắp mọi nơi, từ vỉa hè tới nhà ga tàu điện ngầm, các quảng trường của thị trấn, hoặc công viên công cộng, trường học, hay sân vận động... Trên thùng có hướng dẫn viết bằng tiếng Anh và tiếng Đức để giúp người nước ngoài dễ nhận biết và bỏ rác vào thùng đúng quy định.

     Ngoài ra, đối với rác cồng kềnh, khó xử lý như đồ nội thất không được phép vứt bừa bãi, mà phải gọi công ty môi trường đến thu gom, tân trang và bán ở khu chợ đồ cũ. Quy định ý nghĩa màu sắc thùng rác có thể khác nhau theo từng vùng ở Đức. Khi phân loại không đúng, rác sẽ không được thu gom, nếu công ty môi trường phát hiện ra người nào vứt rác bừa bãi, có thể bị phạt tiền.

 

Người Đức phân loại rác theo màu, gọi là sáng kiến “Green Dot”

 

     Thành công của nước Đức trong phân loại và xử lý rác thải có được phần lớn là do làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi của người dân. Tất cả các bang, khu đô thị, dân cư đều có cơ quan, công ty tuyên truyền cho chương trình BVMT nói chung, đặc biệt là vấn đề thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng. Họ xây dựng những tài liệu, tư liệu giảng bài cho cộng đồng bằng nhiều hình thức: Sáng tạo ra thùng phân loại rác với màu sắc, ký hiệu rõ rệt, đẹp, hấp dẫn, dễ phân biệt; áp phích, tờ rơi, thùng, túi đựng các loại rác thải được trình bày tùy vào đối tượng tuyên truyền; sử dụng vật liệu chứa rác thải thu gom, phân loại theo mẫu mã, màu sắc, in chữ đồng nhất ở mỗi vùng, địa phương…

      Áo: Sử dụng enzyme từ vi khuẩn để tái chế nhựa

     Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018, mỗi phút thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, mỗi năm có 500 tỉ túi ni lông được sử dụng, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, tương đương với trọng lượng của dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người. Điều này dẫn tới lượng rác thải nhựa thải ra môi trường đang ở mức khổng lồ và làm thế nào để tái chế lượng rác thải này là một bài toán khó đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi cả thế giới đang đau đầu vì rác thải nhựa, Áo - một quốc gia nhỏ bé nhưng đã làm được điều phi thường trong việc xử lý vấn đề này.

     Nước Áo rất chú trọng phát triển các công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải. Một công ty công nghệ sinh học của nước này đã phát triển phương pháp sử dụng enzyme từ vi khuẩn để tái chế nhựa PET, loại nhựa thường được dùng để sản xuất chai nhựa đựng nước dùng một lần. Dưới tác động của enzyme, nhựa PET sẽ bị phân huỷ thành phân tử và sau đó có thể dễ dàng chuyển đổi lại thành nhựa chất lượng cao. Enzyme vốn không có độc chất, dễ phân hủy và có thể sản xuất số lượng lớn, do vậy, việc phát hiện ra loại enzyme đột biến có thể phân hủy nhựa PET được coi là một bước đột phá trong việc tái chế nhựa.

     Bên cạnh đó, Áo đã đạt được những thành công nhất định trong việc phân loại rác thải và giảm số lượng bãi chôn lấp rác. Ở Áo, rác thải được phân loại trước khi mang vứt. Rác được để trong túi bóng trong suốt có thể nhìn thấy được bên trong. Nếu bạn để chúng trong một túi có màu không nhìn thấy được, sẽ có những trường hợp rác không được thu gom. Hàng nghìn thùng nhựa chứa rác chờ tái chế hiện diện trên các con phố mỗi tuần. Rác được phân loại tỉ mỉ trước khi đưa đến các nhà máy tái chế để tiếp tục vòng đời trong một hình dạng khác. Các thùng nhựa đựng rác tái chế được tập trung về Trung tâm Tái chế để nhà máy tiếp tục hoàn tất quá trình phân loại rác. Với những đồ vật cồng kềnh như giường, tủ… phải gọi công ty xử lý rác thải và trả một khoản phí thu gom.

     Xử lý rác đã không chỉ giúp BVMT cho Đức, Áo, Thụy Điển mà nó còn được coi là một ngành kinh tế, với sự tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân. Trong khi xử lý rác thải vẫn là chuyện đau đầu với nhiều quốc gia khác, có lẽ kinh nghiệm từ Đức, Áo, Thụy Điển sẽ là điều các thành viên EU cần cân nhắc và rút ra bài học cho riêng mình.

 

Nguyễn Việt Cường - Văn Hướng

Bộ Ngoại giao

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

 


 

 

 

 

Ý kiến của bạn