Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Hàn Quốc - Quốc gia có nhiều nỗ lực và thành công trong công tác bảo vệ môi trường

23/12/2019

     Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên phong của khu vực châu Á nỗ lực BVMT với nhiều chính sách và hành động mang lại hiệu quả thiết thực như sử dụng năng lượng sạch; giảm lượng khí thải CO2; phát triển công nghệ cao; xây dựng các toà nhà xanh, thân thiện môi trường…

     Nỗ lực trở thành TP bền vững

     Những năm qua, vấn đề môi trường không khí luôn được Hàn Quốc đặc biệt quan tâm trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Chính phủ nước này đã triển khai Kế hoạch tổng thể kiểm soát chất lượng không khí ở Thủ đô Seoul (giai đoạn 2005 - 2014). Kế hoạch bao gồm các dự án giảm khí thải từ xe cộ, quản lý khí thải tại những cơ sở sản xuất và kiểm soát việc sử dụng năng lượng ở các TP. Sau đó, Kế hoạch tiếp tục được Chính phủ kéo dài từ năm 2015 - 2024, đồng thời, triển khai hiệu quả Dự án phục hồi 4 dòng sông chính của Hàn Quốc (sông Hàn, Lạc Đông, Cẩm Giang và Vinh Sơn).  

 

Thủ đô Seoul, Hàn Quốc

 

     Hàn Quốc cũng đã có những nỗ lực lớn trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch. Điển hình như, vào năm 2010, chính quyền TP. Seoul đầu tư 8,2 tỷ USD để xây dựng trang trại năng lượng gió có công suất 2.500MW; năm 2011, Chính phủ Hàn Quốc thông qua kế hoạch hỗ trợ 1,5 triệu việc làm mới trong ngành sản xuất năng lượng sạch và cung cấp 18% lượng năng lượng sạch toàn cầu ra thị trường tính đến năm 2030. Bên cạnh đó, “Lời hứa của Seoul” - Dự án xã hội do tất cả người dân Seoul cam kết, cùng chung tay thực hiện, bắt đầu từ năm 2015 cho đến năm 2020 sẽ chung một tầm nhìn là làm mọi việc để Seoul trở thành TP bền vững, đáng sống của tất cả mọi sinh vật sống. Trong đó chiến lược chi tiết gồm 5 lĩnh vực lớn: Năng lượng; không khí/giao thông; tuần hoàn tài nguyên/nước; sinh thái/nông nghiệp đô thị; sức khỏe/an toàn, với tổng số 160 hành động cụ thể.

     Đơn cử, một gia đình tiết kiệm được khoảng 5 - 10% lượng điện hàng tháng, họ sẽ giảm được số tiền nhất định. Nhưng nếu hàng triệu gia đình, công ty ở Seoul giảm được 5 - 10% lượng điện trong tháng, có nghĩa là TP đã giảm được từng đó chi phí sản xuất, chi phí vận hành và năng lượng tiêu thụ. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho “Lời hứa của Seoul”, đặc biệt, người phải nộp tiền điện ít nhất trong tháng sẽ được khen ngợi, tôn trọng và mời chia sẻ kinh nghiệm tại các chương trình. Từ tầm nhìn chung đó, Seou đưa ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, toàn TP giảm được 25% mức các bon đã thải ra trong năm 2015, tương đương với 3,7 triệu tấn năng lượng tiêu thụ (TOE), trở thành TP trong lành, an toàn, đủ khả năng chống chọi với các nguy cơ biến đổi khí hậu cực đoan. Ý tưởng trên được hiện thực hóa trong vòng 4 năm (từ 2015 - 2019), Chương trình hành động “Lời hứa Seoul” đã về đích trước thời hạn một năm, trong đó, riêng về lĩnh vực năng lượng, TP đã tiết kiệm được 3,66 triệu tấn TOE. Một trong những nguyên nhân để “Lời hứa Seoul” thành công là sự đồng lòng của toàn thể người dân trong việc tiết giảm mức tiêu thụ năng lượng.

     Chiến đấu với rác thải nhựa

     Khi Trung Quốc đưa ra quyết định cấm nhập khẩu rác thải, nhiều quốc gia xuất khẩu mặt hàng này như Nhật Bản, Mỹ và các nước Liên minh châu Âu (EU)… bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàn Quốc, một trong những quốc gia có tỷ lệ tái chế rác thải đô thị cao nhất thế giới cũng không ngoại lệ.

     Không những giá rác thải nhựa bị giảm mạnh mà 48 công ty tái chế rác của Hàn Quốc đồng loạt tuyên bố dừng thu gom phế liệu. Trước tình hình trên, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn với các đơn vị liên quan nhằm tìm giải pháp kịp thời, đảm bảo duy trì mức độ thu gom, xử lý phế thải nhựa đúng tiến độ, thông qua hình thức hỗ trợ tài chính cho các công ty tái chế rác thải; chuyển xuất khẩu rác thải sang xây dựng mô hình tái chế trong nước và giảm sử dụng nhựa.

 

Hàn Quốc là quốc gia tiêu thụ sản phẩm nhựa nhiều nhất thế giới

 

     Tháng 5/2018, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã thông qua các quy định khắt khe nhằm thắt chặt việc sử dụng rác thải nhựa, đồng thời đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tái chế rác trong nước từ 34% lên 70% vào năm 2030. Theo đó, từ năm 2020, các nhà sản xuất đồ uống sẽ bị cấm sản xuất sản phẩm đựng trong chai nhựa màu, bởi việc tái chế chai nhựa màu tốn kém hơn so với các chai nhựa không màu; những sản phẩm chứa thành phần có hại như polyvinyl chloride (PVC) và một số sản phẩm nhựa khác khó tái chế đều dần bị loại bỏ. Song song với đó, việc sử dụng túi ni lông cũng sẽ được thắt chặt, các loại gói, bao bì sản phẩm bằng nhựa trong siêu thị, cửa hàng tạp hóa cũng bị cấm sử dụng. Theo Bộ Môi trường Hàn Quốc, trung bình mỗi người dân tiêu thụ khoảng 414 túi ni lông/năm, cao hơn nhiều so với mức 198 túi của người dân các nước thuộc EU và chiếm hơn 1/3 số lượng rác thải cần tái chế của đất nước. Kể từ ngày 1/4/2019, khoảng 2.000 đại siêu thị và gần 11.000 siêu thị lớn có diện tích sàn từ 165 m2 trở lên tại Hàn Quốc sẽ bị cấm cung cấp túi ni lông dùng một lần cho khách hàng. Người tiêu dùng được khuyến khích sử dụng túi giấy hoặc hộp giấy, còn doanh nghiệp vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt đến 300.000 won 3 triệu won đối với các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm ướt như cá, thịt và kem có thể tan chảy ở nhiệt độ thường, các siêu thị vẫn được phép sử dụng túi ni lông để đựng cho khách.

     Trong khi đó, cốc nhựa dùng một lần, ống hút nhựa tại các quán cà phê và những nơi công cộng đang dần được loại bỏ, tiến tới không sử dụng vào năm 2027. Đây là động thái tích cực của Chương trình giảm lượng rác thải khó tái chế sau sản xuất, tiêu dùng trong vòng 10 năm do Bộ Môi trường Hàn Quốc và 9 bộ liên quan khác đệ trình lên Chính phủ, được Chính phủ đồng ý vào tháng 9/2018. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu nhiều khu chung cư lắp đặt thùng rác thông minh có gắn chip, giúp phát hiện những hộ gia đình thải bỏ quá nhiều đồ ăn thừa để theo dõi việc giảm lượng rác thải thực phẩm. Hàn Quốc mong muốn sẽ giảm 20% lượng rác thải và thúc đẩy hoạt động tái chế từ 70% lên 82% vào năm 2027 thông qua các biện pháp này.

     Sau khi kế hoạch cắt giảm rác thải nhựa được ban hành, các nhà chức trách TP. Seoul cũng cam kết giảm một nửa lượng rác thải nhựa sử dụng tại Thủ đô đến năm 2022; tiến tới không sử dụng chai nhựa tại cơ quan và cấm sử dụng cốc nhựa dùng một lần trong các cuộc họp. Ngoài ra, bệnh viện, rạp chiếu phim, điểm giao thông công cộng và thậm chí là nhà tang lễ cũng đưa ra quy định buộc phải hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngay cả những chiếc túi nhỏ bằng nhựa đựng ô, trước đây được phát ngay tại lối vào các tòa nhà, ga tàu điện ngầm cũng sẽ bị cấm, thay vào đó, những chiếc ô sẽ được sấy khô hoặc dùng khăn thấm nước. Một số công ty chuyển phát nhanh tại Hàn Quốc cũng thay thế bao bì nhựa bằng vật liệu thân thiện với môi trường như bìa cứng và giấy.

 

Thu Hương - Bùi Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

Ý kiến của bạn