Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Chính sách quản lý chất thải tại Phần Lan: Tăng cường tái chế và thu hồi năng lượng

22/11/2019

     Phần Lan nằm ở phía Bắc châu Âu, có diện tích khoảng 338.145 km², với dân số hơn 5 triệu người (chiếm 0,07% thế giới). Cũng như nhiều nước Bắc Âu khác, Phần Lan rất quan tâm tới công tác BVMT, đặc biệt là quản lý và tái chế chất thải rắn (CTR). Với những chính sách hiệu quả trong quản lý, Phần Lan đã trở thành nước tiên phong trên toàn cầu biến chất thải thành năng lượng.

     Từ một đất nước nông nghiệp lạc hậu sau chiến tranh thế giới thứ 2, Phần Lan đã vươn lên thành một nước công nghiệp phát triển có sức cạnh tranh và tiềm năng phát triển hàng đầu thế giới với nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn như sản xuất giấy, luyện kim, đóng tàu, cơ khí, điện tử, hóa chất… Cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp, lượng CTR phát sinh cũng ngày càng tăng nhanh. Theo thống kê của Viện Môi trường Phần Lan, năm 2004, lượng CTR tại đất nước này đạt khoảng 66 triệu tấn, đến năm 2007 đã tăng lên 74 triệu tấn và 2 năm sau đó tăng gần 85 triệu tấn.

     Nhận thấy những tác động tiêu cực đến môi trường do CTR gây ra, Chính phủ Phần Lan đã sớm ban hành các đạo luật về quản lý chất thải, với các quy định chặt chẽ. Năm 1978, Đạo luật Quản lý chất thải đầu tiên của Phần Lan đã được ban hành, bao gồm các quy định chung về cách thức quản lý, thực thi pháp luật, vấn đề tài chính và trách nhiệm của địa phương. Mục tiêu của Đạo luật nhằm thúc đẩy sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa tác hại do việc phát sinh chất thải gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người. Từ năm 1987, Phần Lan đã tăng cường các giải pháp thu hồi chất thải công nghiệp, chủ yếu là các loại chất thải như gỗ, vỏ cây, chất thải thực phẩm, bao bì và bùn thải. Đến năm 1993, Đạo luật trên được sửa đổi, trong đó đề cập đến các khái niệm về giảm thiểu, ngăn chặn chất thải, cũng như hệ thống phân cấp quản lý chất thải (gồm 5 cấp: phòng ngừa; tái sử dụng; tái chế; phục hồi và xử lý). Ngoài ra, Đạo luật cũng đưa ra các công cụ kinh tế để việc thực thi quy định pháp luật đạt hiệu quả.

     Từ khi Đạo luật mới được ban hành, công tác quản lý chất thải tại các bãi chôn lấp đã được cải thiện đáng kể, số lượng bãi chôn lấp rác thải tại Phần Lan đã giảm xuống 2/3. Công tác quản lý chất thải công nghiệp cũng có nhiều chuyển biến, năm 1994, tỷ lệ thu hồi chất thải đạt 61%. Nhận thức của doanh nghiệp về xử lý chất thải ngày càng tăng lên, các ngành công nghiệp đã thực hiện hiệu quả những biện pháp ngăn chặn và thu hồi chất thải.

 

Nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng (WtE) Riikinvoima Ekovoimalaitos tại thị trấn Varkaus (Phần Lan)

 

     Năm 1995, Phần Lan bắt đầu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và áp dụng các quy định pháp luật chung của EU về BVMT. Trên cơ sở đó, những quy định về quản lý chất thải của Phần Lan cũng chủ yếu dựa trên hệ thống luật pháp của EU, tuy nhiên, có đưa ra các quy định riêng, với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn. Theo đó, các quy định pháp luật tập trung vào một số nội dung: Ngăn chặn sự phát sinh chất thải; thúc đẩy tái sử dụng chất thải; tăng cường thu hồi tài nguyên từ rác thải và tái chế vật liệu; thúc đẩy sử dụng năng lượng thu được từ quá trình xử lý chất thải. Các biện pháp kiểm soát chất thải chặt chẽ không chỉ đề cập trong các đạo luật về môi trường, mà còn đề cập trong các đạo luật thuộc lĩnh vực khác cũng đề cập đến những. Bên cạnh đó, từ sau năm 1994, Chính phủ đã ban hành hơn 20 nghị định liên quan đến quản lý chất thải như Nghị định về các bãi chôn lấp; đốt rác thải; thu hồi một số chất thải trong xây dựng; thu gom và tái chế giấy thải… Đặc biệt, năm 2005, Phần Lan đã xây dựng Kế hoạch xử lý chất thải quốc gia, trong đó chú trọng đến tái chế chất thải, hạn chế, tiến tới chấm dứt chôn lấp rác thải, tăng thu hồi năng lượng từ rác thải và gia tăng chi phí xử lý rác.

     Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý chất thải, năm 2011, Phần Lan tiếp tục sửa đổi Đạo luật Quản lý chất thải và bộ luật có hiệu lực vào tháng 5/2012. Trong đó, đưa ra các quy định cụ thể đối với các loại chất thải như CTR đô thị, công nghiệp, xây dựng, lốp, thủy tinh, kim loại, vật liệu nguy hiểm, chất thải điện tử, chất thải động vật, vô cơ, hữu cơ… Trong mỗi loại chất thải đều có quy trình thu gom đồng bộ, chuyên nghiệp theo giá trị riêng của từng loại chất thải. Điều này cho phép tái chế chất thải dễ dàng và giúp thu hồi năng lượng từ chất thải như sản xuất khí sinh học, hoặc đốt rác phát điện, qua đó nâng cao hiệu quả xử lý chất thải, giảm khí thải nhà kính. Ngoài ra, Đạo luật cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung cấp và phân phối thị trường trong công tác quản lý chất thải, đó là: Sử dụng nguyên liệu thô một cách tiết kiệm trong quá trình sản xuất; thực hiện phương thức sản xuất tạo ra càng ít chất thải càng tốt; sản phẩm có tính bền, có thể tái sử dụng. Các nhà sản xuất cần tuân theo nguyên tắc cơ bản là sử dụng công nghệ tốt nhất và tuân thủ các quy định về môi trường; tăng thu hồi năng lượng từ chất thải, biến rác thải thành năng lượng, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường.

     Với các công nghệ tiên tiến, Phần Lan đã xử lý 90% chất thải đô thị thành năng lượng, hoặc tái chế, trong đó có một số công nghệ tiêu biểu như: công nghệ TY-RANNOSAURUS có thể biến CTR không nguy hại thành nhiên liệu thu hồi dạng rắn (SRF), dùng để thay thế than, dầu dùng trong máy phát điện hơi nước và lò nung xi măng…; công nghệ đốt rác trong lò hơi CFB (Circulating Fluidized Bed), giúp giảm khí CO2, thu hồi các kim loại tái chế trước khi đốt, giảm lượng tro bay và tro đáy…; công nghệ tiền xử lý và tinh chế chất thải, sản xuất biogas và điện hiệu suất cao, giúp giảm lượng rác chôn lấp và khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch... Nhiều nhà máy của Phần Lan đã áp dụng các giải pháp đồng bộ từ khâu phân loại tới xử lý, linh hoạt với nhiều loại chất thải (rác đô thị có thể trộn với chất thải công nghiệp, bùn thải…), biến rác thành năng lượng.

     Nhờ những chính sách trên, trong những năm gần đây, lượng rác thải tại Phần Lan đã giảm đi rõ rệt, dao động khoảng từ 2,4 - 2,8 triệu tấn mỗi năm. Tính theo đầu người, lượng rác thải đô thị đạt khoảng 500 kg/người. Lượng CTR tại các bãi chôn lấp giảm mạnh, tỷ lệ tái chế rác thải tăng cao,  lượng chất thải được thu hồi để sản xuất năng lượng đang là phương pháp chiếm ưu thế. Tuy nhiên, để đạt được kết quả quan trọng đó, công tác phân loại rác tại nguồn ở Phần Lan được thực hiện rất nghiêm túc và hiệu quả, cùng với hệ thống chính sách chặt chẽ đã giúp giảm thiểu chất thải ra môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

 

Phương Linh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

Ý kiến của bạn