Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 27/12/2024

Thực trạng và giải pháp nâng cao nhận thức về rác thải nhựa cho sinh viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

30/10/2024

    Tóm tắt:

    Rác thải nhựa là một vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng toàn cầu vì nó tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người, do đó, cần có các biện pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu, quản lý rác thải nhựa, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho sinh viên (SV). Thông qua phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu, nghiên cứu đã khảo sát 105 SV từ 24 trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh về rác thải nhựa và giải pháp cho rác thải nhựa thông qua phiếu khảo sát online. Kết quả cho thấy 100% SV có sử dụng sản phẩm từ nhựa đặc biệt là túi ni lông. Mặc dù 100% SV đều nhận thức được tác hại của rác thải nhựa nhưng có đến 73% SV cho rằng nhựa sinh học hoàn toàn không ảnh hưởng tới môi trường và con người, 11% SV cho rằng tất cả rác thải nhựa đều có thể tái chế… Qua đó, nghiên cứu đề xuất giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho SV trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như: Tích cực tuyên truyền về khái niệm và tác hại của rác thải nhựa từ cấp trường đến lớp một cách thường xuyên, liên tục; các cấp liên quan thường xuyên tổ chức hội thảo về môi trường…

    Từ khóa: Rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa, giáo dục môi trường, TP. Hồ Chí Minh.

    Ngày nhận bài: 6/7/2024; Ngày sửa chữa: 3/8/2024; Ngày duyệt đăng: 27/9/2024.

    THE CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS TO RAISE AWARENESS ABOUT PLASTIC WASTE FOR STUDENTS IN HO CHI MINH CITY

    Abstract:

    Plastic waste is a serious global pollution issue as it negatively impacts the environment, ecosystems, and directly threatens human health. Therefore, effective measures are needed to minimize and manage plastic waste, especially in raising awareness among students. Through data collection and analysis, a study surveyed 105 students from 24 universities in Ho Chi Minh City on plastic waste and solutions through an online survey. The results showed that 100% of students use plastic products, especially plastic bags. Although all students are aware of the harm of plastic waste, 73% believe that bioplastic has no impact on the environment and humans, and 11% believe that all plastic waste can be recycled. As a result, the study proposes awareness-raising solutions for students in Ho Chi Minh City, such as actively promoting the concept and harm of plastic waste from school to classroom regularly and continuously, organizing environmental seminars at all levels.

    Keyword: Plastic waste, plastic pollution, environmental education, Ho Chi Minh City.

    JEL Classifications: P48, Q53, Q57.

    ​1. Đặt vấn đề

    Nhựa là một loại vật liệu phổ biến và đa dạng, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, nông nghiệp, dân dụng. Sản phẩm từ nhựa xuất hiện ở mọi nơi, từ đồ gia dụng, bao bì đóng gói, đồ điện tử cho đến đồ chơi trẻ em và nhiều ứng dụng khác. Tuy nhiên, quá trình sản xuất và tiêu dùng nhựa đã gây ra một vấn đề nghiêm trọng về rác thải nhựa. Số lượng lớn rác thải nhựa khó phân hủy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. 

    Chất thải nhựa chiếm 80% tổng lượng ô nhiễm biển và khoảng 8 đến 10 triệu tấn nhựa trôi ra đại dương mỗi năm (UNESCO, 2022). Theo nghiên cứu của World Economic Forum thể hiện rằng trong 10 quốc gia thải ra lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới có tới 6 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam đứng vị trí thứ 8 về lượng rác thải nhựa thải ra biển với 28,221 tấn mỗi năm (World Economic Forum, 2023). Do đó, việc giải quyết rác thải nhựa trong khu vực là điều cấp thiết, không chỉ vì khát vọng tăng trưởng xanh của khu vực mà còn vì sức khỏe của toàn cầu.

    Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT, tháng 3/2024, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi ni lông/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và hơn 80% số túi nhựa đều bị thải bỏ sau khi dùng 1 lần (Bộ TN&NT, 2024). 

    Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh, là một trong những đô thị đặc biệt của Việt Nam, với sự tập trung lượng lớn dân cư và đầy áp lực từ vấn đề khai thác và sử dụng tài nguyên cũng như ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tầng lớp SV, là những người trẻ tuổi và là tầng lớp tri thức của xã hội, cũng cần nhận thức sâu sắc về tác hại của rác thải nhựa. Việc giáo dục và nâng cao nhận thức về BVMT cho SV là rất quan trọng, để họ có thể tham gia tích cực vào các hoạt động BVMT và giúp đẩy lùi tình trạng ô nhiễm môi trường tại thành phố. Vì vậy, việc nghiên cứu “Thực trạng và giải pháp nâng cao nhận thức về rác thải nhựa cho SV trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minhlà một nhiệm vụ cấp bách và cần được thực hiện ngay từ bây giờ. Trong bối cảnh đó, việc tập trung nghiên cứu vào giới trẻ, đặc biệt là SV trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về ảnh hưởng tiêu cực của ô nhiễm môi trường từ đó có những hành động tích cực hơn.

    ​2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu 

    ​2.1. Đối tượng nghiên cứu: 105 SV thuộc 24 trường đại học tại TP. HCM

    2.2. Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 8/2024 đến tháng 9/2024

    2.3. Địa điểm nghiên cứu: Thực hiện khảo sát online tại đường link https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6.

    2.4. Phương pháp nghiên cứu 

    2.4.1. Phương pháp thu thập dữ liệu

    Đề tài thực hiện khảo sát SV tại các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh qua Google Form bằng cách gửi link khảo sát online (Bảng 1).

    Thu thập và tìm các tài liệu liên quan đến đề tài thông qua nhiều nguồn khác nhau như: Các bài nghiên cứu, báo cáo, tạp chí khoa học, khóa luận tốt nghiệp, các văn bản pháp luật hiện hành.

Bảng 1. Số lượng SV các trường tham gia khảo sát

Tiêu chí

Số lượng (SV)

Tỷ lệ (%)

Trường

Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

56

53,33%

Đại học Khoa học Tự nhiên

7

6,67%

Đại học Kinh tế Tài chính TP. Hồ Chí Minh

7

6,67%

Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

5

4,77%

Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

5

4,77%

Đại học Bách khoa

3

2,86%

Đại Học Giao Thông Vận Tải

2

1,90%

Đại học Nguyễn Tất Thành

2

1,90%

Đại học Quốc Tế

2

1,90%

Đại học Sài Gòn

2

1,90%

14 trường đại học khác

14

13,33%

SV năm

Năm 1

11

10,48%

Năm 2

34

32,38%

Năm 3

39

37,14%

Năm 4

21

20,00%

    2.4.2. Phương pháp phân tích dữ liệu

    Nghiên cứu tiến hành thống kê câu trả lời, tổng hợp dữ liệu thống kê và vẽ biểu đồ bằng Excel 2019.

    3. Kết quả và thảo luận

    3.1. Thực trạng thói quen sử sụng các sản phẩm từ nhựa của SV tại TP. Hồ Chí Minh

    3.1.1. Các loại sản phẩm từ nhựa thường được SV sử dụng

Hình 1. Tỷ lệ loại sản phẩm nhựa dùng 1 lần SV thường xuyên sử dụng https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6

    Khi khảo sát về tỷ lệ loại sản phẩm nhựa dùng 1 lần SV thường xuyên sử dụng (Hình 1), loại sản phẩm nhựa được sử dụng nhiều nhất là túi ni lông chiếm (80%). Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Công Thuận và cộng sự rằng túi nhựa là sản phẩm phát sinh nhiều nhất từ phòng học với tỷ lệ 31,9% trong tổng số rác thải nhựa (Nguyễn Công Thuận và cộng sự, 2021). Loại sản phẩm nhựa cũng được sử dụng phổ biến tiếp theo là ly nhựa và ống hút nhựa (73,33%). Mặc dù hiện nay có rất nhiều phong trào không sử dụng nhựa một lần, như tại khoa Sinh học trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh luôn phát động SV không sử dụng chai nhựa, cho kết quả đa số SV trong khoa sử dụng bình thủy tinh đựng nước thay cho chai nhựa, tuy nhiên theo thống kê thì SV tại TP. Hồ Chí Minh nói chung vẫn có tỷ lệ sử dụng chai nhựa khá cao (64,8%).

    3.1.2. Mức độ sử dụng các sản phẩm từ nhựa của SV

    Nhựa đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại, được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như đóng gói, sản xuất đồ dùng cá nhân, y tế, ô tô, điện tử và nhiều ngành công nghiệp khác. Sự linh hoạt, bền bỉ và giá thành rẻ của nhựa đã khiến cho việc sử dụng nhựa trở nên phổ biến. Tuy nhiên, mức độ sử dụng nhựa quá cao đã gây ra nhiều vấn đề môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nhựa và chất thải nhựa. Vì vậy, nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát về mức độ sử dụng nhựa 1 lần của SV tại TP. Hồ Chí Minh (Hình 2).

Hình 2. Tỷ lệ (%) SV sử dụng nhựa dùng 1 lần

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6)

Theo kết quả khảo sát, 36,2% SV thừa nhận số lần sử dụng sản phẩm từ nhựa trong một ngày là nhiều hơn 1 lần. Số lượng trên là gấp đôi so với nhóm SV rất ít sử dụng sản phẩm từ nhựa là 18,1%. Trong đó tỷ lệ sử dụng túi ni lông là nhiều nhất; ly nhựa, ống hút, hộp xốp và chai nhựa cũng được các bạn SV sử dụng rất nhiều đều chiếm tỷ lệ hơn 50%.

    3.1.3. Lý do sử dụng các sản phẩm từ nhựa của SV

    Lý do SV sử dụng nhiều sản phẩm nhựa tập trung vào yếu tố tính tiện lợi (55,00%), dễ sử dụng (13,30%) và yếu tố không có sản phẩm thay thế chiếm tỷ lệ khá cao (19,40%). Theo khảo sát, số lượng SV sử dụng đồ nhựa 1 lần nhiều hơn 1 lần/ ngày chiếm phần lớn (Hình 2). Điều này cho thấy, trong quá trình sinh hoạt, học tập, vui chơi,… hằng ngày của các bạn SV thay vì sử dụng các sản phẩm thay thế phải mang theo và vệ sinh nhiều lần sẽ gây mất thời gian và bất tiện mỗi khi muốn sử dụng lại. Vì vậy các bạn thường có những sự lựa chọn tiện lợi và gọn lẹ hơn trong sinh hoạt. Từ đó, hình thành các thói quen sử dụng các sản phẩm sài 1 lần ngày càng tăng, dẫn đến số lượng rác thải nhựa ngày càng nhiều.

    ​3.2. Nhận thức về rác thải nhựa của SV TP. Hồ Chí Minh

    3.2.1. Nhận thức về tác hại của rác thải nhựa

Hình 3. Mức độ nhận thức về rác thải nhựa của SV

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6)

    Qua khảo sát thu được kết quả (Hình 3) cho thấy tất cả SV (100%) đều nhận thức được về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, cũng như với sức khỏe con người. Trong đó, chiếm phần đông SV (94,29%) biết rõ và rất rõ về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường, tuy nhiên, vẫn có một nhóm nhỏ SV không thật sự biết rõ (5,71%). Phần lớn SV (90,47%) biết rõ và rất rõ và chỉ một số ít SV (9,52%) là biết nhưng không rõ về tác hại của rác thải nhựa đối với sức khỏe của con người.

Hình 4. Nhận thức SV về nhựa sinh học là hoàn toàn không gây hại cho môi trường và con người

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6)

    Những năm gần đây, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, các nhà khoa học đã tạo ra nhựa sinh học nhằm hướng tới khả năng tự phân hủy của nhựa để không phải lo lắng về chu trình tái chế nhựa. Tuy nhiên, đã có nhiều sự hiểu lầm ở đây rằng nhựa sinh học có thể tự phân hủy trong môi trường tự nhiên và không gây hại đến môi trường cũng như con người, như phiếu khảo sát của nhóm nghiên cứu thu được (Hình 4), hơn phần nửa SV (73%) đồng ý với quan điểm rằng nhựa sinh học hoàn toàn không gây hại đến môi trường. Tuy nhiên trong thực tế, chỉ có khoảng một nửa số nhựa sinh học có thể phân hủy sinh học ngay từ đầu. Vì vật liệu có nguồn gốc sinh học không có nghĩa là nó sẽ bị phân hủy trong môi trường tự nhiên. Nhiều loại nhựa sinh học được công bố rộng rãi, chẳng hạn như PET có nguồn gốc sinh học được sử dụng trong PlantBottle của Coca-Cola, không thể phân hủy sinh học. Và nhựa sinh học cũng không phân hủy trong khoảng thời gian ngắn tại môi trường tự nhiên mà mất gần trăm năm để phân hủy như PLA thường được dán nhãn là có thể phân hủy sinh học, nhưng sẽ chỉ bị phân hủy trong cơ sở ủ phân công nghiệp, nơi nó có thể được làm nóng đến nhiệt độ đủ cao để vi khuẩn có thể phân hủy nó với tốc độ đáng kể. Nếu một chai PLA bị đổ xuống đại dương, nó sẽ mất hàng trăm năm để phân hủy (Hiệp hội bao bì Việt Nam, 2021).

Hình 5. Hiểu biết của SV về con đường xâm nhập của nhựa vào cơ thể

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6)

    Qua các nghiên cứu, thì vi nhựa xâm nhập và gây hại đến con người qua nhiều con đường, trong đó xâm nhập qua con đường nước và đất thông qua các hạt vi nhựa được chôn vùi trong đất xâm nhập vào thực vật qua hệ thống mạch dẫn, hoặc bám bên ngoài và đây là nguồn thực phẩm cho con người. Con đường ăn uống là con đường mà vi nhựa từ môi trường bên ngoài đi vào bên trong cơ thể động, thực vật khiến chúng nhiễm nhựa sau đó đi vào cơ thể con người thông qua chuỗi thức ăn, hoặc các hạt vi nhựa trong các sản phẩm nhựa chúng ta thường dùng để đựng nước và đựng thức ăn với sự tác động của nhiệt độ, sự ma sát trong quá trình sử dụng đã rơi các mảnh vi nhựa. Ngoài ra, chất thải nhựa cũng gây các mùi khó chịu và quá trình đốt nhựa hay nghiền nát nhựa cũng tạo ra các mảnh vi nhựa lơ lửng trong không khí, các mảnh vi nhựa này có thể đi vào cơ thể con người thông qua các hoạt động hô hấp bình thường. Sức khỏe cá nhân chính là yếu tố quyết định mức độ gây hại của vi nhựa đến sức khỏe con người. Qua những thông tin trên và kết quả của phiếu khảo sát (Hình 5) thì cho thấy SV có nhận thức đúng về các con đường mà vi nhựa xâm nhập vào cơ thể con người tuy nhiên những nhận thức này chưa đủ và chưa hoàn toàn rõ.

    3.2.2. Nhận thức của SV về việc phân loại rác thải nhựa

Hình 6. Nhận thức SV về tất cả các loại rác thải nhựa đều có thể tái chế

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6)

    Khi khảo sát hiểu biết của SV về khả năng tái chế nhựa (Hình 6) thì số đông SV đồng ý không phải loại nhựa nào cũng có thể tái chế được (89%), tuy nhiên vẫn có SV (11%) chưa thật sự hiểu rõ và cho rằng tất cả nhựa có thể tái chế. Một số loại nhựa không thể tái chế do tính chất hóa học và cấu trúc phức tạp của chúng. Ví dụ, nhựa dẻo Polystyrene (PS) thường khó tái chế vì không dễ dàng phân hủy và tái chế thành sản phẩm mới mà không làm thay đổi tính chất ban đầu của nó. Ngoài ra, việc pha trộn các loại nhựa khác nhau cũng có thể làm giảm khả năng tái chế của chúng (Hiệp hội bao bì Việt Nam, 2021).

    Tỷ lệ sử dụng sản phẩm từ nhựa của SV là rất cao, tuy nhiên số lượng SV thực hiện việc phân loại rác thường xuyên là không cao chỉ chiếm khoảng 20%, số SV còn lại là thỉnh thoảng hoặc rất ít thực hiện phân loại rác. Qua đó cho thấy, có tác nhân nào đó làm kìm hãm động lực muốn phân loại rác của SV, theo nghiên cứu của Trương Đình Thái và Nguyễn Văn Thích (2023) chỉ ra rằng “thái độ, chuẩn chủ quan, kiểm soát hành vi và cơ sở vật chất đã ảnh hưởng trực tiếp đến ý định phân loại rác thải nhựa của SV” (Trương Đình Thái và Nguyễn Văn Thích, 2023). Từ thống kê mức độ thường xuyên phân loại rác thải nhựa, tham gia hoạt động tuyên truyền hạn chế dùng sản phẩm nhựa và sử dụng các biện pháp hạn chế rác thải nhựa  cho thấy mối quan hệ giữa sử dụng và phân loại rác là không cân xứng, kết quả này phù hợp với thực tế rằng một lượng lớn rác thải nhựa không được đưa đến đúng nơi xử lý, dẫn đến quá trình xử lý rác thải nhựa thường rất lâu mà không đạt hiệu quả cao.

Hình 7. Thống kê mức độ phân loại rác thải nhựa, tham gia hoạt động tuyên truyền và các biện pháp hạn chế rác thải nhựa

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6)

    Qua khảo sát (Hình 7) cũng cho thấy hầu hết tất cả SV đều tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Điều này một phần cho thấy môi trường giáo dục tại các trường đại học rất chú tâm vào việc giáo dục cho SV có ý thức BVMT đặc biệt trong việc sử dụng nhựa. Tuy nhiên, tỷ lệ SV tham gia các hoạt động tuyên truyền rất thường xuyên rất ít chỉ chiếm khoảng không tới 5%. Đối với yếu tố tần suất phân loại rác thải nhựa, tỷ lệ ít khi thực hiện chiếm tỷ trọng khá cao (31,12%), tỷ lệ phân loại thỉnh thoảng cao nhất (47,62%) tuy nhiên tỷ lệ này cũng chưa vượt mức 50%, nhóm thực hiện phân loại rác thải nhựa thường xuyên và rất thường xuyên chỉ chiếm thiểu số (20.95%), chứng tỏ các bạn chưa chủ động trong việc phân loại rác thải nhựa theo quy định sau khi sử dụng.

    3.2.3. Sự quan tâm của SV về các vấn đề rác thải nhựa

Hình 8. Các vấn đề về rác thải nhựa mà SV quan tâm

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6)

    Khi đánh giá về quan tâm của SV đối với rác thải nhựa (Hình 8), SV quan tâm nhiều nhất (91.4%) là rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Điều này phù hợp với thực tế vì rác thải nhựa ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí và sự đa dạng sinh học. Xếp thứ hai, rác thải nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân như thế nào chiếm (87,6%). Hầu hết các hạt vi nhựa xuất hiện tràn lan như trong các sinh vật biển, các loại hải sản thương mại và ngay cả nước uống. Rác thải nhựa thải ra môi trường, bị phân rã thành các hạt vi nhựa rất nhỏ và các loài cá, hải sản không thể phân biệt đâu là thức ăn và đâu là vi nhựa. Vì vậy, các hạt vi nhựa rất dễ xâm nhập vào chuỗi thức ăn, nước uống và đi vào cơ thể người.Theo SCDI, nhiều sản phẩm nhựa chứa các chất hóa học như BPA và phthalates, có thể gây rối loạn hormone, ảnh hưởng đến sự phát triển và gây ra các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, bệnh tim mạch, và vô sinh; vi nhựa cũng có thể gây tổn thương tế bào, rối loạn hệ miễn dịch (SCDI, 2024).

    Hình 9. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của rác thải nhựa gây ra ô nhiễm môi trường

Hình 10. Đánh giá tác động của rác thải nhựa đến cuộc sống của SV

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6)

Qua phiếu điều tra cho thấy (Hình 9, 10) một số ít SV cho rằng rác thải nhựa ảnh hưởng không nghiêm trọng đến đời sống của mình (6%). Quan điểm này cho thấy rằng, một số SV chưa thật sự nhật thức được tác hại tiêu cực của rác thải nhựa đến môi trường sống xung quanh mình và đời sống sức khỏe của bản thân. Việc SV còn nhận thức chưa nhận thức đầy đủ và chưa thực sự quan tâm về các vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra là đặc biệt nghiêm trọng. Vì khi các bạn còn thải rác thải ra ngoài môi trường thì nguy cơ chúng ta phải đối mặt với sự suy giảm về đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu ngày càng cao.

    3.2.4. Những khó khăn trong việc thu gom và xử lý rác thải nhựa đối với SV

Hình 11. Biểu đồ thống kê số lượng những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc thu gom, xử lý và hạn chế rác thải nhựa

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6

    Thông qua quá trình khảo sát lấy ý kiến của các bạn SV ở một số trường đại học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, đa số các bạn SV đều nhận thấy quá trình thu gom và xử lý rác thải nhựa còn nhiều khó khăn và thách thức. Những nguyên nhân khiến cho việc thu gom, xử lý và hạn chế rác thải còn gặp nhiều khó khăn như sau:

    Hầu hết các bạn SV (96,19%) đồng tình với 2 nguyên nhân lần lượt là quá trình phân loại rác thại nhà và tại nguồn chua được kiểm soát chặt chẽ, thay đổi thói quen người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần là nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn trong việc thu gom và xử lý rác thải nhựa (Hình 11). Tại TP. Hồ Chí Minh năm 2018, khối lượng chất thải nhựa thải ra môi trường là 1.095 tấn/ngày; Năm 2019 là 1.128 tấn/ngày và năm 2021 là 1.068 tấn/ ngày (Nguyễn Tài Tuệ và cộng sự, 2023). Vì sự tiện lợi và gọn nhẹ của rác thải nhựa dẫn đến đó là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng và dần hình thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày. Tuy mọi người đều nhận thức được tác hại của các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần đối môi trường và sức khỏe của con người nhưng vẫn chưa bỏ được thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần (Tạ Anh Tuấn, 2021). Việc khó khăn nhất để hạn chế rác thải nhựa là giúp cho người tiêu dùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần .

    Hơn 70% SV đồng ý với nguyên nhân các hoạt động tuyên truyền, vận động chưa được phổ biến rộng rãi và đồng bộ, điều này cũng đã được đề cập trong Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ TN&MT.  Theo báo cáo, tại TP. Hồ Chí Minh, UBND TP đã triển khai tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn vào năm 2017 nhưng chưa được các quận/ huyện triển khai đồng bộ. Trong khi đó, các hộ gia đình và chủ nguồn thải chưa chủ động phân loại rác, chưa thực hiện kiểm tra, xử phạt theo Nghị định số 115/2016/NĐ-CP đối với hành vi không phân loại rác tại nguồn và thành phố chỉ tập trung  tuyên truyền, vận động là chính nên hiệu quả của việc phân loại rác thải tại nguồn chưa cao (Bộ TN&MT, 2021). Ngoài ra, việc phân loại rác như thế nào cho đúng và cách phân biệt các loại rác nào có khả năng tái chế, tái sử dụng, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác còn khá là khó khăn và chưa thật sự phổ biến.

    Có 89,52% ý kiến của SV đồng ý với nguyên nhân các quá trình quản lý, xử lý rác thải chưa được thống nhất là và 92,38% ý kiến cho rằng tỷ lệ thu hồi, tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa còn thấp (Hình 11). Kết quả thống kê này cũng tương tự như Báo cáo của Bộ TN&MT về "Báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020” công bố cuối năm 2021, việc phân loại CTRSH tại nguồn chưa được triển khai thường xuyên, rộng rãi và không đồng bộ với hoạt động thu gom, xử lý rác dẫn đến việc phần lớn CTRSH được thu gom mà chưa được phân loại phải vận chuyển đến bãi chôn lấp làm cho thực trạng ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng hơn. Do quá trình phân loại rác thải chưa được thực hiện một cách nghiêm túc nên dẫn đến quá trình thu gom rác thải bị lẫn lộn và khó để các đơn vị xử lý rác thải có thể thực hiện quá trình tái chế rác thải nhựa. Những rác thải nhựa không được đem tái chế và nguồn chất thải bị lẫn lộn thường sẽ đem đi xử lý bằng cách đốt hoặc đem đi chôn lấp điều này sẽ làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng hơn (Bộ TN&MT, 2021).

    Trong khi đó, quá trình tái chế rác thải nhựa trở nên khó khăn do rác thải nhựa rất đa dạng và có nguồn gốc khác nhau (Nhựa phế liệu không đủ nhu cầu sản xuất, nhựa lẫn tạp chất, chưa phân loại tại nguồn...) kết hợp với các cơ sở quản lý và nhận thức của người dân về phân loại các loại rác thải chưa chặt khiến cho  tỉ lệ thu hồi và tái chế rác thải nhựa còn hạn chế. Do chất thải nhựa chứa các hợp chất khó phân hủy (POPs, PBDEs,…) khiến cho việc xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp không hiệu quả. Khi đốt sẽ thải mộ lượng khí và các chất độc hại ra bên ngoài môi trường đẫn đến việc ô nghiễm không khí, ngoài các cơ sở đốt có kiểm soát tại nhà máy xử lý chất thải còn có các địa điểm đốt rác tự do khiến cho việc quả lý lượng chất thải nhựa càng trở nên khó khan hơn.

    Hiện nay, ở các trường đại học đều thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các bạn SV hạn chế sử dụng rác thải nhựa nhưng chưa thực sự hiệu quả và chưa có tính nâng cao ý thức trong cộng đồng, do số lượng SV còn sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần còn nhiều và chưa chủ động trong việc phân loại rác thải tại trường. Một số khó khăn khác theo ý kiến của các bạn SV như: Quá trình phân loại rác tại nguồn chưa thực hiện một cách triệt để và hưởng ứng rộng rãi, không nghêm túc xử lý các hành vi xả rác bừa bãi, mất nhiều thời gian trong việc phân loại, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh từ các nơi tập trung rác thải nhựa, thiếu hệ thống thu gom rác, chi phí xử lý cao, nhận thức cộng đồng và công nghệ xử lý hạn chế…

    3.2.5. Nhận thức của SV về những lợi ích của việc thu gom và xử lý rác thải nhựa

    Bên cạnh những khó khăn trong việc quản lý, xử lý và hạn chế rác thải nhựa thì các bạn SV cũng nhận thức được lợi ích của việc giảm thiểu rác thải nhựa đến môi trường, sức khỏe của con người và các sinh vật sống khác.

Hình 12. Biểu đồ thống kê số lượng SV đồng ý hay không đồng ý với những lợi ích của việc thu gom, xử lý và hạn chế rác thải nhựa (mỗi SV được chọn 1 hay nhiều lựa chọn)

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6)

    Việc hạn chế thải chất thải nhựa ra bên ngoài môi trường góp phần bảo vệ hệ sinh thái và các loài sinh vật; các hệ thống xử lý rác thải không còn tình trạng quá tải rác thải nhựa. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần và phân loại rác thải tại nhà góp phần làm cho quá trình phân loại và tái chế rác thải tại các cơ sở xử lý rác thuận lợi hơn và thúc đẩy ngành công nghiệp tái sử dụng rác thải nhựa phát triển. Giảm một lượng lớn chất thải nhựa giúp cho tình trạng ô nhiễm môi giảm đi đáng kể và nâng cao chất lượng môi trường sống và sức khỏe của con người. Hạn chế được thói quen sử dụng sản phẩm nhựa có thể tiết kiệm tài nguyên.

    ​3.3. Những biện pháp của SV trong việc thu gom và xử lý rác thải nhựa

 

Hình 13. Biểu đồ thống kê số lượng SV thực hiện các biện pháp thu gom, xử lý và hạn chế rác thải nhựa

(https://forms.gle/BhgnznswUjEZrBbs6)

    Qua kết quả khảo sát, cho thấy 100% SV đều nhận thấy thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra ngày càng trở nên nghiêm trọng. Để cải thiện vấn đề trên, các SV đã đề ra nhiều biện pháp, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là sử dụng chai nước có khả năng tái sử dụng (81,9%), tiếp theo là biện pháp mang theo túi vải khi mua sắm (79,09%), và sử dụng ống hút inox hoặc ly thủy tinh (76,19%).

    Đây đều là những biện pháp dễ thực hiện, chi phí mua các sản phẩm trên cũng không quá đắt nên việc tuyên truyền cho số đông SV thực hiện các biện pháp này là dễ đạt hiệu quả cao.

    Các biện pháp như sử dụng hộp đựng thực phẩm có thể tái sử dụng, thay ly nhựa và túi ni lông bằng ly giấy và túi giấy và thường xuyên tái sử dụng các sản phẩm từ nhựa đều trên phần nửa SV (50%) đồng ý. Tuy nhiên, số liệu này không quá cao là do hiện nay các sản phẩm từ giấy và vật liệu thân thiện với môi trường giá thành còn khá mắc, khó tiếp cận với người tiêu dùng, đặc biệt là SV; tái sử dụng nhựa góp phần giảm thiểu số lượng rác thải nhựa nhưng nếu tái sử dụng không đúng cách cũng có thể gây hại đến sức khỏe bằng cách các chất độc di chuyển vào thức ăn và vào cơ thể con người (SCDI, 2024).

    Ngoài những biện pháp được nhóm tác giả đề xuất bên trên, các bạn SV còn cung cấp thêm những biện pháp khác để nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý và hạn chế rác thải nhựa như nâng cao ý thức của cá nhân, cộng đồng về hạn chế sử dụng rác thải nhựa như: Hạn chế việc đặt đồ ăn mang về mà nên ăn tại quán để tránh thải ra môi trường lượng lớn túi nilong, tô nhựa, muỗng nhựa; chủ động phân loại rác tại nhà và nguồn để quá trình thu gom, quản lý và xử lý rác thải tại các cơ sở xử lý rác thải dễ dàng hơn, nâng cao tỷ lệ rác thải có thể tái chế; tham gia các công tác tuyên truyền, vận động về BVMT để góp phần lan truyền thông điệp hạn chế rác thải nhựa đến mọi người.

    ​3.4. Đề xuất giải pháp

    3.4.1. Về phía Ban giám hiệu các trường đại học

    Thường xuyên nhắc nhở, khuyến khích giảng viên tích cực lồng ghép nội dung giáo dục về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa cho SV. Đồng thời tuyên dương khen thưởng các giảng viên thực hiện tốt các công tác giáo dục, tuyên truyền trong năm học.

    Đề xuất tích hợp, đưa nội dung về ô nhiễm rác thải nhựa vào chương trình giảng dạy của các khoa, đặc biệt là các ngành liên quan đến môi trường, khoa học và kỹ thuật.

    Khen thưởng cho SV có ý thức, đạo đức tốt trong việc tham gia các hoạt động tuyên truyền về giảm thiểu rác thải nhựa, tạo động lực và tấm gương tốt cho các bạn SV khác.

    Tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động về môi trương, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, cơ quan môi trường để triển khai các dự án giáo dục và BVMT.

    Cung cấp thêm các cơ sở vật chất thân thiện với môi trường như lắp đặt các thùng rác phân loại và điểm tái chế rác thải nhựa trong khuôn viên trường đại học, khuyến khích SV thực hiện nghiêm túc về phân loại rác.

    Tổ chức các chương trình giáo dục, chiến dịch truyền thông, các hoạt động tình nguyện (trồng cây xanh, chủ nhật xanh, vẽ tranh cổ động về môi trường…) về ô nhiễm rác thải nhựa để SV có thể áp dụng các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa vào thực tiễn, tránh tình trạng chỉ dạy lý thuyết suông.

    Hỗ trợ các trang thiết bị kỹ thuật, cung cấp thêm các tài liệu tham khảo, sách báo về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên các trang truyền thông, diễn đàn của nhà trường để  giảng viên và SV có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, từ đó đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa kịp thời.

    3.4.2. Về phía giảng viên

    Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, bồi dưỡng, các buổi chuyên đề liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa do Phòng Giáo dục - Đào tạo, hoặc trường tổ chức.

    Cần quan tâm hơn nữa đến việc lồng ghép, tích hợp giáo dục về ô nhiễm rác thải nhựa vào các môn học, đặc biệt là các môn liên quan đến môi trường, tự nhiên, hóa học và sinh học.

     Thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thảo, tọa đàm và mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu, hoặc các tổ chức phi chính phủ đến giao lưu, chia sẻ về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay và cùng SV thảo luận, đề ra các biện pháp hạn chế sự tiêu thụ và giảm thải rác thải nhựa ra ngoài môi trường.

    Giảng viên có thể đưa ý thức, thái độ, hành vi của SV trong việc sử dụng các sản phẩm nhựa là một trong những tiêu chí đánh giá SV về ý thức BVMT và hạn chế giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa.

    Cung cấp thêm các nguồn thông tin, tài liệu về các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa, khuyến khích, vận động SV thực hiện các giải pháp hạn chế tiêu thụ, thu gom, tái chế các sản phẩm từ nhựa.

    3.4.3. Về phía tổ chức Đoàn TNCS /Hội SV

    Các tổ chức Đoàn, Đội đóng góp vai trò quan trọng và tích cực vào việc nâng cao nhận thức và hành động của SV về ô nhiễm rác thải nhựa, góp phần xây dựng một môi trường sống xanh, sạch và đẹp hơn thông qua một số giải pháp sau:

    Khuyến khích SV tham gia hoạt động tình nguyện (dọn dẹp môi trường, thu gom rác thải nhựa tại các khu vực công cộng, bãi biển hoặc công viên). Qua đó, SV sẽ thấy và hiểu rõ hơn về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, để có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc sử dụng các sản phẩm nhựa.

    Các cán bộ trong ban chấp hành Đoàn/Đội phải là những tấm gương tốt, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc giảm ô nhiễm rác thải nhựa bằng việc giảm sử dụng nhựa 1 lần trong các hoạt động của mình, sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường để các bạn SV khác noi theo.

    Tổ chức hội thảo, chuyên đề với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về môi trường để SV có cơ hội học hỏi, trao đổi và thảo luận về các biện pháp hạn chế ô nhiễm rác thải nhựa.

    Tăng cường công tác truyền thông: Khuyến khích SV sử dụng mạng xã hội và các nền tảng truyền thông để lan tỏa thông điệp BVMT, tạo ra những chiến dịch truyền thông góp phần nâng cao nhận thức trong cộng đồng, các trường tại địa phương.

    4. Kết luận và kiến nghị

    Qua phiếu khảo sát cho thấy, tất cả SV đều có hiểu biết về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và con người, tuy nhiên tất cả SV đều có sử dụng nhựa dùng 1 lần và tỷ lệ sử dụng nhiều hơn 1 lần/ngày là chiếm tỷ lệ cao nhất. SV cũng có hiểu biết về nhựa và nhựa sinh học, nhưng nhận thức chưa hoàn toàn đúng khi có trên 10% SV cho rằng tất cả sản phẩm nhựa đều có thể tái chế và gần 30% SV cho rằng nhựa sinh học là hoàn toàn không có hại với môi trường, con người. Vẫn có 6% SV nhận định rằng rác thải nhựa ảnh hưởng không nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Qua đó, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp cho các đối tượng trong môi trường đại học như Ban Giám hiệu, giảng viên và các Tổ chức Đoàn/Đội nên làm để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho SV về tác hại của ô nhiễm rác thải nhựa và nhựa dùng một lần để lan tỏa thông điệp BVMT, giảm thải rác thải nhựa. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhóm nhiên cứu chỉ mới dừng lại ở mức độ khảo sát và đề ra một số giải pháp nhằm mục đích nâng cao nhận thức của SV về vấn để rác thải nhựa nhưng chưa được thực hiện các biện pháp trên một cách cụ thể và thực tế. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất có thể tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục về vấn đề rác thải nhựa để đánh giá cụ thể hơn về nhận thức cũng như mức độ hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Nguyễn Thị Thu Hiền1, Thái Ngọc Hân1, Quách Văn Toàn Em1*, Cao Anh Tuấn1, Tống Xuân Tám1

1 Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt III/2024)

    Tài kiệu tham khảo

    1. World Economic Forum, 2023.  How to defeat the plastic tide threatening the ASEAN region’s green growth.

    2. Intergovernmental Oceanographic Commission, 2022. Ocean plastic pollution an overview: data and statistics.

    3. Bộ TN&MT (2024). Việt Nam n lực giảm thiểu rác thải nhựa.. Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường.

Website: https://tainguyenmoitruong.gov.vn/tin-moi/202403/viet-nam-no-luc-giam-thieu-rac-thai-nhua-9fa0d0c/.

    4. Nguyễn Công Thuận, Nguyễn Trường Thành, Huỳnh Công Khánh và Nguyễn Xuân Hoàng (2021). Thực trạng phát sinh rác thải nhựa trong trường học - nghiên cứu điển hình tại Trường đại học Cần Thơ. Tp chí Khoa hc Trưng Đi hc Cn Thơ , tập 57, Số Chuyên đề Môi trưng và Biến đổi khí hậu (2021) (2), 126-137, DOI:10.22144/ctu.jsi.2021.056.

    5. Hiệp hội bao bì Việt Nam (2021). Nhựa Sinh học & Nhựa Tái chế: Giải pháp nào tốt hơn cho môi trường?. Website: Nhựa Sinh học & Nhựa Tái chế : Giải pháp nào tốt hơn cho môi trường? (hhbb.vn)

    6. Trương Đình Thái Nguyễn Văn Thích (2023). Những nhân tố ảnh hưởng đến ý định phân loại rác thải nhựa của SV trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kinh tế và Phát triển, tập 131 (số 5C), 2022, 197–216, DOI:10.26459/hueunijed.v131i5C.6879

    7. SCDI (2024). Hạt vi nhựa - nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.

Website: Hạt vi nhựa - nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người (scdi.org.vn)

    8. Nguyễn Tài Tuệ và cộng sự (2023). Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022. Hà Nội, NXB Thanh niên, 2023. Website:  wwf_a4_bao-cao-chat-thai-nhua-final--a--ne-n.pdf (panda.org) 

    9. Tạ Anh Tuấn (2021). Rác thải nhựa: Thực trạng báo động và thông điệp 4T. Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam, số 12, 51-53.

    10. Bộ TN&MT (2021). Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia gia đoạn 2016-2020. Hà Nội, Nhà xuất bản dân trí, 2021.

    11. Bộ TN&MT (2020). Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2019- Chuyên đề: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Hà Nội, Nhà xuất bản dân trí, 2021.

    12. Lilia Anderson & Nina Gbor (2024). Plastic waste in Australia, and the recycling greenwash. The Austrailia Institute reseaech that matters, 2024.

    13. James Kennedy & Sona Dadhania. Bioplastics 2025-2035: Technology, Market, Players, and Forecasts. IDTechEx Research

    14. Lê Anh Tú (2023). Cơ hội, thách thức đối với hoạt động tái chế Nhựa ở Việt Nam, Website: Cơ hội, thách thức đối với hoạt động tái chế Nhựa ở Việt Nam (moit.gov.vn)

    15. Hành tinh xanh. Ô nhiễm rác thải - Nguyên nhân & Hậu quả có thể bạn chưa biết. Website: Ô nhiễm rác thải - Nguyên nhân & Hậu quả có thể bạn chưa biết (hanhtinhxanh.com.vn)

Ý kiến của bạn