Banner trang chủ
Thứ Tư, ngày 24/04/2024

Phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau trong bối cảnh biến đổi khí hậu

29/12/2021

    Trong những năm vừa qua, nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh Cà Mau có sự phát triển cả về diện tích và sản lượng nuôi trồng. Tuy nhiên, Cà Mau cũng là tỉnh ven biển chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai và biến đổi khí hậu (BĐKH), gây tác động đến ngành NTTS nói riêng và sinh kế của người dân nói chung. Ngược lại ngành NTTS cũng gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường nước mặt và môi trường nước vùng bờ. Do tác động của BĐKH, sự thay đổi môi trường sống của các loài thủy sản, bị mặn hóa do xâm nhập mặn hoặc ngọt hóa do lũ lụt, đều làm chậm quá trình sinh trưởng của các loài thủy sản. Ngoài ra, nhiệt độ nước biển tăng cũng làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và ven biển, đặc biệt là các rạn san hô và rừng ngập mặn, ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển. Bài viết phân tích thực trạng NTTS, những ảnh hưởng của BĐKH đến NTTS, từ đó đề xuất một số giải pháp để phát triển bền vững ngành NTTS ven biển Cà Mau trong bối cảnh BĐKH.

1. Ảnh hưởng của BĐKH đến nuôi trồng thủy sản ven biển tỉnh Cà Mau

    Với gần 286.000 ha (năm 2020), Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm gần 25,5% diện tích nuôi trồng thủy sản của cả nước và chiếm 35,8% diện tích NTTS của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với sự mở rộng diện tích NTTS, sản lượng thủy sản tăng trung bình tăng 2,7%/năm. Sản lượng NTTS năm 2020 của Cà Mau đạt 384.340 tấn, chiếm 10,8% sản lượng NTTS của Đồng Bằng sông Cửu Long và chiếm 7,5% sản lượng NTTS cả nước (Tổng cục thống kê, 2021). Bên cạnh đó, tỉnh có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, sinh kế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển, có 87 cửa sông thông ra biển nên chịu tác động ngày càng lớn của BĐKH. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất trên địa bàn tỉnh những năm gần đây vào mùa khô tình trạng nhiệt độ tăng cao, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng; vào mùa mưa tình trạng ngập úng đô thị, triều cường, nước biển dâng gây sạt lở đất bờ sông, bờ biển và sụp lún đất tại một số nơi diễn biến phức tạp… ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.

    Theo thống kê cho thấy, nếu năm 2000 diện tích NTTS trên địa bàn tỉnh Cà Mau là 204,4 nghìn ha, đến năm 2020 là 299,4 nghìn ha (trong đó có 269,4 nghìn ha nuôi nước mặn, lợ và 30 nghìn ha nuôi nước ngọt).

    Sự gia tăng độ mặn trong các nguồn nước sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nuôi thủy sản nước ngọt. Theo dự đoán, xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền, tiến dần về phía Bắc. Sự kết hợp giữa xâm nhập mặn và hạn hán sẽ gây bất lợi cho sự sinh trưởng và phân bố của các loài thủy sản, mất môi trường sống của loài cá đồng ở rừng U Minh Hạ và các kênh mương, ao hồ trong vùng sinh thái ngọt như TP. Cà Mau, Thới Bình.

    Đồng thời, do môi trường nuôi bị suy thoái kết hợp với sự thay đổi của thời tiết đã gây ra hiện tượng tôm sú chết hàng loạt ở hầu hết các huyện trong tỉnh Cà Mau như bệnh do nhóm vi khuẩn vibrio gây ra, bệnh do virus (MBV, HPV và BP).

    Năm 2016, do thời tiết thất thường, ảnh hưởng thiên tai nên tình hìnhdịch bệnh ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trên tôm diễn biến khá phức tạp, có hơn 12.000ha tôm bị bệnh, năng suất khi thu hoạch giảm từ 30 - 70%. Trong đó, diện tích tôm công nghiệp bị nhiễm bệnh khoảng 503 ha, chủ yếu bệnh đốm trắng 27 ha, hoại tử gan tụy 385 ha và bệnh khác 91 ha. Bên cạnh đó, do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt đã làm cho ngành nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng, thống kê cho thấy, năm 2020 có tới 158.000 ha thủy sản bị ảnh hưởng, trong đó diện tích tôm nuôi chiếm khoảng 155.890. Cũng trong năm 2020, tình trạng nắng nóng kéo dài đã làm cho các vuông nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, đặc biệt là các vùng nằm sâu trong nội đồng thiếu lượng nước lưu thông, trao đổi, khiến độ mặn trong vuông nuôi tăng trên 30%, có nơi trên 40%, nên tình trạng tôm chết bắt đầu xảy ra hàng loạt.

2. Vấn đề môi trường trong nuôi trồng thủy sản ven biển tỉnh Cà Mau

    Bên cạnh những thành tựu về mặt kinh tế, áp lực môi trường trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm (thâm canh, siêu thâm canh) đã xả thải lượng lớn chất ô nhiễm gây sức ép lớn đến môi trường tự nhiên. Trong khi đó, tỉnh Cà Mau được mệnh danh ''mỏ tôm'' của cả nước; trong đó, diện tích nuôi tập trung nhiều ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, TP. Cà Mau... Bùn thải của nuôi tôm (thâm canh, siêu thâm canh) sản sinh ra khối lượng nhiều và khó xử lý. Báo cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau cho thấy, tỷ lệ thu gom chất thải từ hoạt động nuôi tôm (thâm canh, siêu thâm canh) của tỉnh đạt 100%. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý loại chất thải này chỉ đạt khoảng 60%, nên còn 40% còn lại chưa được xử lý. Lợi nhuận của việc nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh là rất cao nên có nhiều hộ nuôi tự phát, ngoài diện tích quy hoạch, không tuân thủ các quy định về môi trường.

    Việc xây dựng đầm ao nuôi trồng thủy sản ở vùng cửa sông, ven biển dẫn đến những thay đổi về nơi sinh sống của quần xã sinh vật, độ muối, lắng đọng trầm tích và xói lở bờ biển. Hơn nữa, tại một số khu vực nuôi tôm, cá tập trung, việc xả thải các chất hữu cơ phú dưỡng, chất độc vi sinh vật (cả mầm bệnh) và các chất thải sinh hoạt bừa bãi làm cho môi trường suy thoái, bùng nổ dịch bệnh và gây thiệt hại đáng kể về kinh tế cũng như về điều kiện môi trường sinh thái của nguồn nước trên sông rạch. Với diện tích nuôi tôm lớn, mỗi năm có khoảng 250 triệu mét khối bùn tích tụ dưới đáy đầm nuôi.

    Theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Cà Mau giai đoạn 2015-2020 cho thấy, tổng chất rắn lơ lửng tại nước mặt tại khu vực nuôi trồng và chế biến thủy sản giai đoạn 2015 đến tháng 3/2020 dao động 23 - 511 mg/L. Hầu hết các vị trí quan trắc đều có giá trị vượt quy chuẩn. Năm 2015 và năm 2019 hầu hết tại các điểm quan trắc đều vượt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột B1. Đặc biệt, Công ty Quốc Việt, phường 6, TP. Cà Mau (NM-33) vào thời điểm tháng 9/2016 có giá trị 511mg/L vượt 10,2 lần so với quy chuẩn. Hàm lượng chất rắn lơ lửng thay đổi thường xuyên dựa vào thời điểm quan trắc, chế độ nhật triều và một phần từ các hoạt động phát triển xung quanh khu vực.

    Hầu hết các vị trí nuôi trồng thủy sản có hàm lượng TSS cao hơn các vị trí chế biến, đều này cũng dễ nhận thấy, các khu vực nuôi trồng thủy sản là các kênh lớn, ảnh hưởng triều cường và lượng phù sa từ quá trình cuốn trôi, sạt lỡ 2 bên bờ. Hàm lượng BOD5 tại khu vực nước mặt tại khu vực nuôi trồng và chế biến thủy sản ở tỉnh Cà Mau dao động từ 12 - 37 mg/l, có 6/11 vị trí vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột B1. Hàm lượng COD dao động từ 18 - 65 mg/l, có 4/11 vị trí cho giá trị vượt so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột B1. Nhìn chung, so với cùng kỳ năm ngoái thì hàm giá trị COD không có sự thay đổi nào đáng kể, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao xấp xỉ hoặc vượt so với quy chuẩn [5].

    Các khu vực tập trung NTTS gần biển đang có dấu hiệu ô nhiễm hàm lượng hữu cơ trong nước biển ven bờ. Hàm lượng Amoni tương đối cao tại các khu vực này. Hàm lượng Amoni(mg/l) tại môi trường nước biển ven bờ dao động từ 0,09 - 0,32 mg/l. Hầu hết các vị trí quan trắc đều có hàm lượng amoni vượt so với QCVN 10:2015/BTNMTvà lúc triều lên đều cho giá trị cao hơn triều xuống. Giữa 2 đợt quan trắc trong năm 2019 có sự chênh lệch lớn, cụ thể hàm lượng amoni trong đợt tháng 9/2019 cao hơn đợt tháng 12/2019 và gấp khoảng từ 1,2 - 2,6 lần, trong đó chênh lệch cao nhất là vị trí NBVB-06 (khu vực Nhà hàng Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) lúc triều lên và NBVB-11 (khu vực cửa Gành Hào, huyện Đầm Dơi) lúc triều xuống [5].

    Qua kết quả của các đợt quan trắc năm 2020 cho thấy, các thông số trong môi trường nước biển ven bờ có giá trị khá cao như: TSS, Fe và Amoni ở một số vị trí. Vấn đề này diễn ra hàng năm qua các đợt quan trắc, trong nước biển tỉnh Cà Mau được các cửa sông đổ ra khác nhiều một phần là lượng phù sa từ các nhánh sông đổ về cùng với sự xáo trộn do hoạt động tàu thuyền và sạt lở, phần khác do lượng xả thải từ các khu dân cư sinh sống gần cửa biển thải trực tiếp xuống sông.

3. Ứng phó với BĐKH trong nuôi trồng thủy sản ven biển tỉnh Cà Mau

Chính sách ứng phó với BĐKH

    Trước những tác động của BĐKH đến NTTS, tỉnh Cà Mau đã triển khai hành động nhằm ứng phó và bảo vệ, phát triển sinh kế NTTS. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thích ứng với BĐKH của địa phương trong NTTS, cụ thể như: Ngày 13/10/2011, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định 1586/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển nông nghiệp tỉnh Cà Mau. Trong quy hoạch này, đã đề ra định hướng giải pháp để thực hiện quy hoạch trong bối cảnh BĐKH như “được phép chuyển đổi đất nhiễm mặn, trồng lúa hiệu quả thấp, bấp bênh và đất bãi bồi hoang hóa sang NTTS”; Ngày 15/6/2018, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND về Hành động phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu là phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước (đặc biệt là tôm sinh thái) với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, đồng thời thích ứng với BĐKH và BVMT sinh thái.

    Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó đề ra yêu cầu đánh giá mức độ ảnh hưởng của BĐKH và giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp cho các ngành, lĩnh vực và địa phương trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: đầu tư xây dựng vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau); xây dựng hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản tại Khu kinh tế Năm Căn; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh tập trung tại Phong Điền (Trần Văn Thời); hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung tại Tân Dân (Đầm Dơi, Cà Mau)...

 Các hoạt động thích ứng của cộng đồng

    Trước tác động của BĐKH, các hộ NTTS đã thay đổi mô hình sản xuất để thích ứng với sự thay đổi của thời tiết. Một số mô hình đã được người dân áp dụng như:

    Mô hình nuôi tôm - rừng: Các xã dọc theo tuyến đê biển Đông và Tây của Cà Mau được xem là nơi phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do BĐKH. Hoạt động sinh kế của người dân trong vùng chủ yếu dựa vào nuôi trồng và khai thác thủy sản. Những năm gần đây, việc nuôi tôm tự phát, thiếu kiểm soát cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã dẫn đến tôm bị dịch bệnh, năng suất thấp. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất nên hoạt động sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào khai thác thủy sản dưới tán rừng ngập mặn. Trước hiện trạng đó, người dân đã phát triển mô hình nuôi tôm - rừng. Mô hình này có lợi thế là vốn đầu tư thấp và có thể nuôi xen các đối tượng khác như cua, cá, sò huyết để tăng thu nhập, phát triển bền vững vừa gắn với BVMT sinh thái vùng ven biển, phòng chống sạt lở do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

    Nuôi tôm sinh thái: Đây là mô hình nuôi bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người dân và thích ứng với BĐKH. Hiện nay Cà Mau có khoảng 30.000 ha nuôi tôm dưới tán rừng, trong đó có hơn 14.000 ha được chứng nhận nuôi tôm sinh thái và diện tích này đang tiếp tục được mở rộng. Năng suất tôm nuôi dưới tán rừng đạt chứng nhận tôm sinh thái khoảng 300-500kg/ha/năm, có giá bán cao hơn 15-20% so với các loại tôm khác.

4. Kết luận và đề xuất giải pháp

    Với lợi thế vị trí 3 mặt giáp biển và hệ thống sông ngòi chằng chịt thông ra biển, diện tích mặt nước biển rộng tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực NTTS ven biển. Trong những năm gần đây, với sự phát triển năng động và toàn diện, sản lượng NTTS tỉnh Cà Mau có sự tăng lên đáng kể, từng bước đưa ngành kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tuy nhiên, BĐKH cùng với những hiện tượng thời tiết cực đoan (nước biển dâng, xâm nhập mặn, bão lũ...) đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển ngành NTTS của tỉnh.

    Trong thời gian tới, để phát triển bền vững việc nuôi trồng thủy sản ven bờ cũng như thích ứng và hạn chế những tác động tiêu cực của BĐKH, cần áp dụng đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp như:

    Thứ nhất, xây dựng và đưa ra các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp: Các giải pháp thích ứng với BĐKH của ngành NTTS hiện đang được lồng ghép trong các chính sách, hỗ trợ của chính quyền tỉnh và địa phương mà chưa có kế hoạch thích ứng riêng. Do đó, việc lập kế hoạch thích ứng với BĐKH cho lĩnh vực NTTS và đặc biệt là NTTS ven biển sẽ tạo định hướng, cơ sở pháp lý cho việc thích ứng với BĐKH một rõ ràng, chi tiết và hệ thống.

    Tiếp tục xây dựng và áp dụng những chính sách hỗ trợ và đảm bảo sinh kế cho ngư dân ven biển trước tình hình và diễn biến phức tạp của BĐKH thông qua việc đảm bảo thu nhập khi có diễn biến xấu của thời tiết; hỗ trợ tài chính và kỹ thuật trong việc thay đổi con giống, áp dụng giải pháp kỹ thuật NTTS thích ứng với BĐKH.

    Thiết lập, xây dựng các vùng NTTS tập trung, có quy hoạch để áp dụng nhân rộng, áp dụng đồng bộ các giải pháp thích ứng với BĐKH trên diện rộng kết hợp với việc học tập và chia sẻ kinh nghiệm giữa người dân, doanh nghiệp trong việc lựa chọn giống, thay đổi các biện pháp kĩ thuật nuôi trồng, thay đổi thời gian khai thác phù hợp với bối cảnh BĐKH.

    Thứ hai, đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng NTTS thích ứng với BĐKH: Tiếp tục đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ NTTS đồng bộ, khép kín: Gia cố, tôn cao bờ vùng, bờ hồ ao bảo vệ vật nuôi phòng khi có mưa lớn, ngập lụt; Nâng cấp hệ thống điện phục vụ sản xuất, hệ thống kênh cấp nước và kênh thoát nước, ao lắng, ao xử lý nước thải, hệ thống giao thông phục vụ sản xuất;

    Cần đầu tư cơ sở hạ tầng nâng cấp các công trình thủy lợi, để có thể đưa nước ngọt vào khu vực đầm nuôi tôm trong những khu vực bị nhiễm mặn. Điều này cần được thực hiện nhằm đảm bảo diện tích nuôi thủy sản, đảm bảo độ mặn cần thiết cho các đầm tôm trong tình trạng gia tăng độ mặn do nắng nóng và xâm nhập mặn.

    Thứ ba, áp dụng giải pháp kỹ thuật và công nghệ thích ứng với BĐKH: Phát triển công nghệ sinh học để tạo một số loài nuôi có khả năng thích ứng tốt đối với một số yếu tố môi trường (nhiệt độ, độ mặn). Tạo ra các giống cá nước lợ phù hợp với tình hình nước biển dâng và biến đổi khí hậu: Ngoài ra, du nhập và phát triển giống thủy sản có giá trị cao, thích nghi với nhiệt độ tăng, tăng độ sâu của ao đầm để tạo môi trường thích hợp và giảm tổn hại do quá trình tăng nhiệt độ và bốc hơi nhanh của mặt nước.

    Việc xác định vị trí nuôi phù hợp cũng có thể tránh được hiện tượng hạn hán kéo dài, ngập úng, nước biển dâng, nồng độ muối trong ao nuôi tăng hoặc giảm quá mức gây ảnh hưởng đến quá trình nuôi trồng. Phân vùng nuôi phù hợp tại 3 vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn đối với từng giống thủy sản có tính đến yếu tố gia tăng diện tích ngập mặn, có thể đưa các giống nước lợ vào nuôi tại vùng khi có sự nhiễm mặn gia tăng.

    Thứ tư, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp: Tập huấn kiến thức về BĐKH, ảnh hưởng của BĐKH đến NTTS ven biển; cung cấp các giải pháp, kỹ thuật (chuyển dổi giống thủy sản có khả năng chống chịu với thời tiết, dịch bệnh; điều chỉnh, thay đổi lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản).

Tài liệu tham khảo

1. Bộ TN&MT (2016) Tóm tắt kịch bản BĐKH và  nước biển dâng cho Việt Nam;

2. Cổng thông tin điện tử của Tổng cục thống kê, gso.gov.vn;

3. UBND tỉnh Cà Mau (2018) Báo cáo tổng hợp cập nhật kế hoạch ứng phó với BĐKHtỉnh Cà Mau;

4. UBND tỉnh Cà Mau (2011), Quy hoạch phát triển Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2020;

5. UBND tỉnh Cà Mau (2018), Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 15/6 /2018 về Hành động phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025;

6. UBND tỉnh Cà Mau (2020), Quyết định số 1332/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2020 về Ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

7. UBND tỉnh Cà Mau (2020), Báo cáo Hiện trạng môi trường tỉnh Cà Mau 05 năm giai đoạn 2015-202;

8. Sở TN&MT tỉnh Cà Mau (2019), Báo cáo tổng hợp kết quả quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2019.

Nguyễn Thị Thu Hà, Cao Thị Thanh Nga

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2021)

Ý kiến của bạn