Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Hiệu quả từ công tác nghiên cứu khoa học tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sau 20 năm thành lập

07/01/2022

Tóm tắt

    Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PN-KB) được thành lập theo Quyết định số 189/2001/QĐ-TTg ngày 12/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Nha thành VQG PN-KB. Đến nay, sau 20 năm thành lập, hoạt động nghiên cứu khoa học tại VQG PN-KB đã thu được nhiều kết quả quan trọng như công tác nghiên cứu được củng cố, bổ sung hồ sơ, tư liệu và đưa ra bằng chứng về các giá trị toàn cầu của tự nhiên… Đây là cơ sở khoa học, bằng chứng xác thực để UNESCO 2 lần công nhận VQG PN-KB là Di sản thiên nhiên thế giới; các giá trị tự nhiên, lịch sử, văn hóa được phát huy và bảo tồn toàn vẹn; đời sống cộng đồng được cải thiện; du lịch đạt chuẩn quốc tế; quản lý thỏa mãn các tiêu chí của Di sản thế giới. VQG PN-KB ngày càng được ổn định và cải thiện thông qua công tác nghiên cứu và bảo tồn.

Từ khóa: NCKH, Vườn Quốc gia, di sản.

Nhận bài: 23/12/2021; Sửa chữa: 25/12/2021; Duyệt đăng: 28/12/2021.

1. Giới thiệu

    Nghiên cứu khoa học (NCKH) và ứng dụng công nghệ (ƯDCN) có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với các hoạt động thực tiễn về quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản. Bởi lẽ, các dữ liệu khoa học là bằng chứng trung thực, chính xác, hỗ trợ điều chỉnh các đối tượng quản lý. Nhận thức tầm quan trọng của NCKH và ƯDCN, ngay từ những ngày đầu được thành lập, Ban Quản lý (BQL) VQG PN-KB luôn nỗ lực, chủ động thực hiện các hoạt động nghiên cứu và từng bước xây dựng hệ thống NCKH và ƯDCN nhằm đổi mới cách tiếp cận và phương pháp quản lý tài nguyên. Đến nay, hoạt động NCKH tại VQG PN-KB đã thu được nhiều kết quả quan trọng: Các điều tra nghiên cứu đã được thực hiện tương đối cơ bản về khu hệ thú, khu hệ cá, khu hệ chim, khu hệ bò sát, ếch nhái, khu hệ côn trùng và khu hệ động vật không xương sống trong hang động; nghiên cứu về thực vật cũng được điều tra cơ bản về khu hệ và xác định các kiểu thảm thực vật; từng bước làm rõ và bổ sung đầy đủ những giá trị di sản trên nhiều lĩnh vực như: địa chất, địa mạo, hang động, đa dạng sinh học (ĐDSH), cảnh quan…

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Nghiên cứu về giá trị tài nguyên

    Nghiên cứu địa chất, địa mạo: Kết quả nghiên cứu địa chất, địa mạo cho thấy, VQG PN-KB là nơi tập trung những tính chất đa dạng về địa chất, địa hình, địa mạo và sinh thái của thiên nhiên; nơi đây chứa đựng các bằng chứng về lịch sử hình thành, kiến tạo của vỏ Trái đất với 5 quá trình kiến tạo từ Kỷ Odovic đến Carbon - Permi; đây là một phần của cao nguyên rộng lớn bị chia cắt, bao gồm khu vực núi đá vôi Kẻ Bàng và Hin Nậm Nô (Lào), cao nguyên này là một trong những ví dụ nổi bật, đặc trưng nhất của dạng địa hình núi đá vôi phức hợp ở Đông Nam Á. Kiến tạo núi đá vôi hình thành từ Đại Cổ sinh (cách đây trên 400 triệu năm) và là khu vực núi đá vôi lớn, cổ nhất ở khu vực châu Á. PN-KB được mệnh danh là “Vương quốc hang động” với 368 hang động, tổng chiều dài trên 231 km đã được khảo sát. Nổi bật nhất là việc phát hiện và khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, đồng thời đã phát hiện một hố sụt Karst sâu nhất Việt Nam (với độ sâu hơn 255m), thậm chí có thể sâu nhất Đông Nam Á.

    Nghiên cứu hệ sinh thái: Kết quả nghiên cứu cho thấy, VQG PN-KB có 15 kiểu sinh cảnh, với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,5% diện tích, trong đó trên 90% diện tích VQG là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại và hầu hết chưa bị tác động. Đây là một trong những VQG có độ che phủ, tỷ lệ rừng nguyên sinh lớn nhất trong hệ thống các rừng đặc dụng ở Việt Nam. Đặc biệt, sự tồn tại của quần thể Bách xanh đá trên 500 tuổi, diện tích khoảng 4.000 ha, mọc chủ yếu trên núi đá vôi ở độ cao hơn 600 m, được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất, bởi tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn. Quần thể Bách xanh đá là loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam, hiện chỉ còn sót lại chủ yếu ở VQG PN-KB.

    Nghiên cứu ĐDSH: BQL VQG PN-KB đã phối hợp với các tổ chức, nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu và công bố danh lục thực vật hiện có là 2.953 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành; trong đó có 111 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN, 3 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Về động vật, có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành; trong đó có 82 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, 116 loài được ghi trong sách Đỏ IUCN, 39 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, 66 loài nằm trong các Phụ lục CITES. Ngoài ra, trong khoảng 20 năm qua, 43 loài mới cho khoa học đã được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, trong đó có 38 loài động vật và 5 loài thực vật.

    Nghiên cứu văn hóa - lịch sử: Giới khảo cổ khi nghiên cứu về PN-KB đều nhận định mảnh đất này có dấu tích con người nguyên thủy cách đây trên dưới 5.000 năm. Nơi đây tìm được nhiều bằng chứng khảo cổ: Di tích văn hóa Việt Cổ thời đại đồ đá giữa và đồ đá mới; Di tích văn hóa Chăm Pa được phát hiện tại các hang Bi Ký trong động Phong Nha. PN-KB còn chứa đựng nhiều di tích lịch sử nổi tiếng trong thời kỳ chống Mỹ như Đường Hồ Chí Minh, Đường 20 Quyết Thắng, Hang 8 cô, bến phà Nguyễn Văn Trỗi.... Khu vực này còn là nơi sinh sống của nhiều tộc người với nhiều phong tục, tập quán đặc sắc. Ngoài người Kinh chiếm 83,1% tổng dân số, trong khu vực còn có nhiều tộc người khác nhau cùng sinh sống của 2 dân tộc chính là dân tộc Chứt (chiếm 4,3%, gồm các tộc người Sách, Mày, Rục, A rem) và dân tộc Vân Kiều (chiếm 12,6%, gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì, Sộ). Trong đó, hai tộc người Arem và Rục là các tộc người có dân số ít nhất ở Việt Nam và trên thế giới, tộc người Rục được Tổ chức quốc tế Mỹ đánh giá là một trong 10 tộc người bí ẩn nhất hành tinh.

2.2. Xây dựng các đề tài nghiên cứu chuyên đề

    Để có được những nghiên cứu độc lập nhằm nâng cao khả năng sáng tạo, tạo nguồn lực trên cơ sở chú trọng hợp tác với các đối tác nghiên cứu trong và ngoài nước, BQL VQG PN-KB chủ động đề xuất các chủ đề nghiên cứu theo các lĩnh vực như đa dạng động vật, thực vật, con người và sinh kế, hệ thống hang động, các tác động lên tài nguyên. Trong 20 năm qua, đã chủ trì và tham gia thực hiện 10 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh và cấp Bộ, phối hợp tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước, thực hiện 3 nghiên cứu cấp cơ sở; đạt 2 giải sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình; 8 giải thưởng chuyên ngành; chủ trì và phối hợp xuất bản 5 ấn phẩm sách; gần 50 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành (trong đó có 3 bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế); 12 bài đăng trên các kỷ yếu hội thảo khoa học; được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2016; Chủ tịch UBQG UNESCO trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp UNESCO Việt Nam năm 2018. BQL VQG đã xây dựng và hoàn thiện các lớp chuyên đề bản đồ số như thảm, động, thực vật, thủy văn, văn hóa - xã hội, các loài nguy cấp, các loài xâm hại, nhiệt, mưa, địa chất, địa hình; xây dựng các công cụ tra cứu loài, giám sát tài nguyên. Trong đó có nhiều ứng dụng như đề xuất giải pháp quan trắc và xử lý các tác động lên hang động du lịch, giám sát diễn biến rừng qua hệ thống GIS và RS, quản lý nền tảng dữ liệu trên các phần mềm chuyên dụng, ứng dụng giải pháp phòng ngừa diệt trừ các loài xâm hại.

2.3 Ứng dụng công cụ công nghệ trong quản lý tài nguyên

    SMART: Phần mềm SMART được ứng dụng trong hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và giám sát ĐDSH từ năm 2014 với sự hỗ trợ của Dự án Khu vực PN-KB. Đến nay, tất cả các Trạm Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm VQG đã áp dụng SMART cho hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và giám sát ĐDSH. Việc áp dụng SMART mang lại hiệu quả trong nâng cao chất lượng tuần tra, giám sát ĐDSH, phản ánh thông tin chính xác về tài nguyên rừng và các tác động, hệ thống này cũng đã phát huy tác dụng khi giám sát được các hoạt động thực thi pháp luật của cán bộ VQG, đồng thời lưu trữ và theo dõi việc giám sát ĐDSH một cách có hệ thống và logic, xây dựng cơ sở dữ liệu về ĐDSH phục vụ cho hệ thống thông tin ngành lâm nghiệp.

    GIS và RS: Kết quả nổi bật nhất trong việc ứng dụng GIS và RS tại VQG PN-KB là xây dựng hệ thống giám sát diễn biến tài nguyên rừng và thiên tai, hệ thống bản đồ số của VQG (Bản đồ các phân khu chức năng, bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng, bản đồ phân bố động vật, thực vật, bản đồ phân bố các loài ngoại lai xâm hại, bản đồ các mối đe dọa, bản đồ dự báo lũ lụt, sạt lở đất…); xây dựng Atlas điện tử PN-KB trên nền WebGIS; bản đồ Sinh thái PN-KB-Hinnamno chạy trên Argis Online và hệ điều hành Androi, IOS.

    Bẫy ảnh: Kết quả điều tra bằng bẫy ảnh tại VQG đã ghi nhận và khẳng định sự có mặt của nhiều loài thú, trong đó có các loài nguy cấp, quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN đã được các chuyên gia nghiên cứu, ghi nhận trước đây và một số loài trong bộ gặm nhấm, bộ guốc chẵn, một số loài chim… Ngoài ra, kết quả thu được từ bẫy ảnh còn xác định được các mối đe dọa và nguy cơ tác động đến ĐDSH tại VQG; để từ đó đưa ra các biện pháp quản lý, bảo tồn một cách hiệu quả.

    METT: Phương pháp này là một chuỗi hệ thống từ thu thập các dữ liệu đầu vào, xử lý, phân tích và cho các kết quả nhằm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho người quản lý quyết định các hành động can thiệp trong quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Công cụ này được BQL VQG ứng dụng từ năm 2016, để đánh giá mức độ cải thiện hiệu quả quản lý, xác định các hạn chế về nhân lực, kỹ năng, trang thiết bị, nguồn vốn ảnh hưởng lên hiệu quả quản lý và hoạt động bảo tồn ĐDSH của VQG.

2.4. Nghiên cứu để phát huy các giá trị di sản

    Các NCKH đã phát huy thế mạnh nhằm nâng tầm vóc và vị thế của VQG PN-KB trong nước và quốc tế, đặc biệt là phát huy các giá trị di sản. Các công trình nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững các giá trị di sản. Các điểm khai thác du lịch đều có nghiên cứu để đánh giá thực trạng nhằm giảm thiểu các tác động. Thông qua các công trình nghiên cứu, nhiều hang động tại PN-KB được khám phá, mở thêm nhiều điểm tham quan mới. Đến nay, trong khu vực VQG có 19 tuyến, điểm du lịch được khai thác với 3 loại hình (BQL Vườn tự tổ chức khai thác; cho thuê dịch vụ môi trường rừng; liên doanh, liên kết khai thác). Nhiều sản phẩm du lịch mới như Zipline, Trecking, Homestay, Farmstay...., thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan. Trong 20 năm qua, đã đón hơn 9 triệu lượt khách (hơn 1 triệu lượt khách quốc tế). Đặc biệt, du lịch đã tạo ra xu hướng chuyển lao động trước đây từ khai thác tài nguyên sang phát triển du lịch. Đã có hơn 3.000 lao động tham gia vào các hoạt động du lịch, dịch vụ, các tổ bảo vệ rừng, nhóm bảo tồn thôn bản, hướng dẫn viên du lịch, porter, đội thuyền phục vụ khách, nhân viên chụp ảnh. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống, giảm áp lực lên tài nguyên và môi trường, đóng góp vào công tác quản lý, bảo tồn, phát huy di sản và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực.

2.5 Hợp tác và nâng cao năng lực NCKH

    Về hợp tác trong nước: BQL VQG đã hợp tác với các đoàn nghiên cứu đến từ các Viện, trường Đại học trong nước như Trường Đại học Tự nhiên, Trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Địa chất, Viện Hóa học, Viện Dược liệu, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam... để triển khai các đề tài, chương trình nghiên cứu, điều tra về hang động, ĐDSH, điều tra xã hội học… Tổ chức các cuộc hội thảo có quy mô để tranh thủ các ý kiến tham vấn của các nhà khoa học, các chuyên gia về các lĩnh vực trong bảo tồn và phát huy di sản.

    Về hợp tác quốc tế: BQL VQG hợp tác với các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức bảo tồn đến nghiên cứu động, thực vật, địa chất, văn hóa lịch sử, hoạt động báo chí và tranh thủ sự hỗ trợ tài chính, kỹ thuật; hợp tác phát triển du lịch tại Di sản. Điển hình là các chương trình hợp tác với FFI, Vườn thú Cologne, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, UNESCO, KFW, GIZ, IUCN, ADB, Việt Nhiệt đới Nga - Việt, Bảo tàng Thực vật Misouri, Bảo tàng Singapores, Dự án Khu vực PN-KB... Hàng năm, tạo điều kiện cho hàng chục đoàn làm phim, nhiếp ảnh, báo chí hoạt động, quảng bá tại VQG PN-KB như kênh truyền hình ABC News (Mỹ), hãng GEKOFILM (Ý), hãng Chanel News Asia (Singapore), hãng Ecube Media (Hàn Quốc), kênh truyền hình TV Asahi corporation (Nhật Bản), đoàn phóng viên Les Film du Hasard (Pháp), Woody Talkshow (Thái Lan)... Bên cạnh đó, Ban quản lý Vườn đã chủ động thúc đẩy và tăng cường hợp tác bảo tồn liên biên giới với VQG Hinamno - CHDCND Lào trên cơ sở thỏa thuận đã ký kết giữa hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn; hợp tác thoả thuận kết nghĩa Hang động với Hiệp hội Du lịch Augusta Margaret River, Tây Úc...

3. Đánh giá hiệu quả của công tác NCKH

    Có thể thấy rằng, sau 20 năm thành lập và phát triển, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng trực tiếp các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến góp phần không nhỏ vào việc đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của VQG PN-KB trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đồng thời, kết quả của sự hợp tác và phối hợp nghiên cứu đã góp phần đưa VQG PN-KB trở thành địa danh được biết đến trên khắp thế giới không chỉ vì các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ với nhiều hang động nổi tiếng mà còn biết đến bởi sự đa dạng và độc đáo với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu. Một trong những thành tựu được ghi nhận đó là đưa ra bằng chứng về giá trị toàn cầu của tự nhiên. Đây là cơ sở khoa học, bằng chứng xác thực trong việc hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu cho quá trình xây dựng Hồ sơ Di sản để UNESCO 2 lần công nhận VQG PN-KB là Di sản thế giới vào năm 2003 với tiêu chí viii là ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn của lịch sử Trái Đất, bao gồm bằng chứng sự sống, các tiến triển địa chất đang diễn ra trong quá trình diễn biến của các kiến tạo địa chất hay các đặc điểm địa chất và địa văn”, và năm 2015 với các tiêu chí ix “có giá trị nổi bật đại diện cho các tiến trình sinh thái trong sự tiến hóa và phát triển của các hệ sinh thái trên cạn” và tiêu chí x “sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với việc bảo tồn ĐDSH”. Mặt khác, các giá trị về văn hóa, lịch sử là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ công nhận PN-KB là Di tích quốc gia cấp đặc biệt vào năm 2009.

4. Một số khó khăn và đề xuất giải pháp

    Mặc dù đã đạt được một số thành tựu quan trọng nhưng hoạt động NCKH tại VQG PN-KB vẫn gặp nhiều khó khăn bởi nguồn kinh phí dành cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo tồn di sản. Các nghiên cứu chưa bao quát được tất cả các lĩnh vực trong bảo tồn thiên nhiên và BVMT mà mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu cơ bản về ĐDSH và hang động là chủ yếu. Đối với ĐDSH mới chỉ tập trung điều tra kiểm kê về thành phần loài, chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về tập tính sinh thái, tình trạng, phân bố, cấu trúc, mật độ và số lượng cá thể, quần thể để làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn. Nhiều khu vực trong VQG chưa được điều tra nghiên cứu do địa bàn rộng, phức tạp, hiểm trở nên không có thông tin, dẫn liệu khoa học phục vụ công tác giám sát và quản lý bảo vệ; hiện tại VQG PN-KB vẫn chưa có được đầy đủ cơ sở dữ liệu đầu vào cho các hoạt động giám sát về ĐDSH và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Cơ sở dữ liệu khoa học về VQG PN-KB chưa được quản lý, sử dụng một cách thống nhất, số liệu về ĐDSH còn manh mún, thiếu nhiều trường dữ liệu và không đồng bộ. Hợp tác trong NCKH còn hạn chế do nguồn lực còn chưa đủ mạnh. Nhân lực nghiên cứu còn thiếu về số lượng và chất lượng chưa cao; việc tiếp cận huy động nguồn lực bên ngoài chưa đủ mạnh. Hoạt động nghiên cứu còn thiếu tính liên tục, chuyên sâu; chưa có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực này.

    Nhằm thúc đẩy và phát huy tốt hơn công tác NCKH trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu có năng lực chuyên môn giỏi, chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, đủ trình độ, kỹ năng ƯDCN, ngoại ngữ; có khả năng nghiên cứu độc lập hoặc có khả năng hợp tác với các đối tác nghiên cứu trong và ngoài nước. Tiếp tục nghiên cứu các giá trị về địa chất địa mạo, khám phá hang động; thực hiện các điều tra cơ bản về thành phần loài đối với các đối tượng ít được nghiên cứu như: khu hệ động vật thủy sinh, khu hệ thực vật bậc thấp, khu hệ côn trùng, ĐDSH hang động; nghiên cứu thực trạng bảo tồn, đặc điểm sinh thái, sinh trưởng và phát triển các loài động thực vật quý hiếm; nghiên cứu nhân giống và gây nuôi các loài động, thực vật có giá trị kinh tế cao phục vụ cho công tác bảo tồn ĐDSH và chuyển giao mô hình cho cộng đồng dân cư các xã vùng đệm; thực hiện các nghiên cứu về cảnh quan thiên nhiên phục vụ công tác bảo tồn các giá trị di sản và phát triển du lịch; nghiên cứu ảnh hưởng của các hoạt động du lịch lên ĐDSH, hang động và môi trường khu vực để giám sát và kiểm soát tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa bộ cơ sở dữ liệu về ĐDSH, địa chất địa mạo, hang động; tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phục hồi các loài nguy cấp, quý hiếm; sưu tập mẫu vật và xây dựng bảo tàng động thực vật, địa chất địa mạo. Ngoài ra, cần chủ động thiết lập và xây dựng các mối quan hệ hợp tác với các tổ chức NCKH trong và ngoài nước, các tổ chức đã có quan hệ hợp tác với VQG PNKB những năm qua, các VQG, khu di sản thế giới, các cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước để học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản thế giới; tiếp tục thực hiện hợp tác liên biên giới với VQG Hinnamno - CHDCND Lào.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Ngọc Hùng và nnk, 2002. Phong Nha - Kẻ Bàng từ tư liệu tổng quan. Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quảng Bình.

2. Debora Limbert, Nguyễn Hiệu, Vũ Văn Phái, Đặng Kinh Bắc, Howard Limbert, 2013. Những phát hiện quan trọng về hệ thống hang động trong VQG Phong Nha - Kẻ Bàng từ năm 2003 đến năm 2013. Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, số 3-2013, trang 65-92.

3. Đinh Huy Trí, Nguyễn Quốc Dựng, 2013. Những giá trị nổi bật toàn cầu hướng tới việc ghi danh VQG Phong Nha - Kẻ Bàng lần thứ hai về tiêu chí ĐDSH. Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Bình, số 3/2013, trang 101 - 109.

4. Trương Thanh Khai và nnk, 2020. Nghiên cứu sinh thái và phân bố quần thể loài Bách xanh đá (Calocedrus rupestris Aver.) tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh Quảng Bình 2017 - 2020.

5. Số liệu từ các đề tài, chương trình nghiên cứu của Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và từ kết quả hợp tác với các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đến nghiên cứu, khảo sát tại VQG.

Phạm Hồng Thái, Trương Thanh Khai, Võ Văn Trí, Lê Thị Phương Lan

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2021)

 

EFFICIENCY FROM SCIENTIFIC RESEARCH AT PHONG NHA - KE BANG NATIONAL PARK AFTER 20 YEARS OF ESTABLISHMENT

           Pham Hong Thai, Truong Thanh Khai, Vo Van Tri, Le Thi Phuong Lan 

Phong Nha - Ke Bang National Park Management Board.

Summary

    Phong Nha - Ke Bang National Park (PN-KB NP) was established by Decision No. 189/2001/QD-TTg dated 12/12/2001 of the Prime Minister on upgrading Phong Nha Nature Resered to PN-KB National Park. Up to now, after 20 years of establishment, scientific research activities at PN-KB National Park have obtained many important results: The research work has consolidated, supplemented records, documents and provided evidence on the global values ​​of nature, this is the scientific basis and authentic evidence for UNESCO to recognize PNKB National Park twice as a World Natural Heritage; natural, historical and cultural values ​​are fully promoted and preserved; community life is improved; tourism gets International standard; management meets the criteria of World Heritage. PN-KB is increasingly stabilized and improved through research and conservation.

Keywords: Scientific research, National Park, heritage.

Ý kiến của bạn