Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Đề xuất chính sách nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Giao thông vận tải

12/12/2022

Tóm tắt

    Bài báo trình bày tổng quan về thực trạng chính sách, các thuận lợi và khó khăn trong công tác giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành giao thông vận tải. Từ đó đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành giao thông vận tải.

Từ khóa: Chất thải rắn, chất thải nhựa, chính sách, giảm thiểu chất thải nhựa, giao thông vận tải.

Nhận bài: 17/11/2022; Sửa chữa: 29/11/2022; Duyệt đăng: 2/12/2022.

1. Mở đầu

    Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và lượng rác thải đổ ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn, do đó Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới theo báo cáo phát hành của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố năm 2022.

    Nhận thức được tầm quan trọng về quản lý chất thải nhựa và túi nilon, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều có nỗ lực trong việc BVMT cũng như hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; và Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn (CTR) đến 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu năm 2025 là sử dụng 100% túi ni lông thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương...

2. Thực trạng chính sách giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Giao thông Vận tải (GTVT)

2.1. Chủ trương đường lối của Đảng

    Chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành GTVT được thể hiện rõ tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

2.2. Chính sách pháp luật của Nhà nước

    Thực hiện Luật BVMT và các văn bản dưới Luật về quản lý CTR sinh hoạt, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành các văn bản, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường như: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTR sinh hoạt (QCVN 61-MT:2016/BTNMT). Bộ Xây dựng đã chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009). Đến năm 2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ TN&MT xây dựng và đồng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018).  Bộ Tài chính đã ban hành các quy định về quản lý kinh phí dành cho BVMT nói chung và quản lý CTR sinh hoạt nói riêng như Thông tư số 2/2017/TT-BTC hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.

    Đối với chất thải nhựa, Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để từng bước giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa như: Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 11/4/2013; Quyết định số 491/QĐ-TTg, ngày 7/5/2018; Văn bản số 161/LĐ-CP ngày 25/04/2019; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019; Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 20/8/2020.

    Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ các bộ, ban ngành đã triển khai các văn bản quản lý rác thải trong lĩnh vực quản lý: Văn bản số 5539/BTNMT-TCMT ngày 10/10/2018; Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT ngày 21/08/2020; Chỉ thị số 08 /CT-BCT ngày 15/07/2019; Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/07/2019; Chỉ thị số 10 /CT-BGTVT ngày 07/10/2020; Chỉ thị số 7804/CT-BNN-KHCN ngày 10/11/2020.

    Các tỉnh, thành trên cả nước đã ban thành Chỉ thị tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh, thành phố.

2.3. Chính sách của ngành GTVT

    Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị số 10 /CT-BGTVT ngày 7/10/2020 về  tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động giao thông vận tải.

3. Những thuận lợi và khó khăn đối với giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành GTVT

3.1. Thuận lợi

    Đối với công tác giảm thiểu chất thải nhựa ở Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực GTVT nói riêng có nhiều thuận lợi đó là sự nhận thức từ sớm tất cả các hệ thống chính trị trong nước. Chính phủ Việt Nam đã cam kết giảm thiểu ô nhiễm từ rác thải nhựa rất mạnh mẽ cụ thể tại Lễ khởi động Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa tại Việt Nam Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: "Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam được triển khai thực hiện thành công, trở thành mô hình tiêu biểu về quản lý, sử dụng nhựa bền vững. Việt Nam sẽ hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm trong các nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa trong khu vực và toàn cầu".

3.2. Khó khăn

3.2.1. Về cơ chế chính sách

    Mặc dù, công tác giảm thiểu chất thải nhựa ở nước ta đã có các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sau xử lý, tuy nhiên, việc hướng dẫn triển khai còn thiếu và chưa kịp thời, cụ thể nên các quy định này chưa đi vào cuộc sống, số dự án xử lý CTR được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi rất ít. Các cơ chế cụ thể về ưu đãi cho các hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải, tận thu năng lượng từ quá trình xử lý CTR còn thiếu và chưa đồng bộ. Đối với rác thải nhựa, mặc dù đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để quản lý, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát, hạn chế, thu gom, tái chế và tái sử dụng.

    Công tác lập và triển khai quy hoạch còn nhiều bất cập, việc xác định vị trí, địa điểm xây dựng cơ sở xử lý CTR gặp khó khăn do người dân phản đối; quy hoạch thiếu yếu tố liên kết vùng; việc tổ chức triển khai quy hoạch quản lý CTR đã phê duyệt tại các địa phương còn chậm, thiếu nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Phương pháp tuyên truyền, vận động và lấy ý kiến cộng đồng còn chưa đổi mới, vì vậy chưa tạo được sự đồng thuận của người dân đối với một số vị trí quy hoạch các khu xử lý CTR. Công tác xác định xử lý riêng rẽ các loại chất thải khác nhau chưa được làm rõ trong các đồ án quy hoạch dẫn đến công tác đầu tư, quản lý còn gặp khó khăn.

3.2.2. Về mô hình quản lý

    Nhiệm vụ quản lý Nhà nước về CTR ở Trung ương được Chính phủ giao Bộ TN&MT làm đầu mối, tuy nhiên tại các địa phương chưa được phân giao một cách thống nhất, đồng bộ với cơ quan Trung ương mà được phân tán cho các cơ quan chuyên môn gồm Sở Xây dựng, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT... Trong khi đó, còn thiếu mô hình quản lý CTR sinh hoạt hiệu quả, minh bạch và phù hợp với thực tiễn, đồng thời, cơ chế báo cáo, giám sát thực hiện còn hạn chế. Do chưa có các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp nên hầu hết công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt đô thị do các Công ty Môi trường Đô thị thực hiện. Mô hình quản lý CTR sinh hoạt khu vực nông thôn cũng như nguồn lực thực hiện chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, chủ yếu do chính quyền cấp xã, cộng đồng tự tổ chức thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất...

3.2.3. Về cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương

    Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương liên quan chưa được thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả, đặc biệt trong công tác báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu và thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện. Cơ chế phối hợp thực hiện các dự án xử lý CTR tập trung mang tính chất liên vùng chưa được xây dựng, thực hiện. Việc phối hợp giữa các cơ quan cấp chứng nhận đầu tư, thẩm định dự án và đánh giá tác động môi trường, cơ quan tiếp nhận nguồn điện lưới... đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR còn chưa đồng bộ và chặt chẽ.

3.2.4. Về nguồn vốn đầu tư và kinh phí thực hiện

    Nguồn vốn đầu tư và kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTR, đặc biệt là CTR sinh hoạt hầu hết từ ngân sách Nhà nước và vốn ODA nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, do các nguyên nhân: Do tình hình kinh tế khó khăn trong những năm qua nên nguồn ngân sách không đáp ứng đủ nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng các công trình xử lý CTR sinh hoạt. Một số tỉnh/thành phố có nguồn thu ngân sách cao thì bố trí kinh phí lớn hơn cho công tác quản lý CTR sinh hoạt, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh (trên 2.000 tỷ đồng/năm). Một số địa phương còn nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương như Cao Bằng, Quảng Trị, Bắc Kạn thì chỉ bố trí kinh phí thấp (khoảng 5 tỷ đồng/năm).

    Huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách còn khó khăn, các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này do lợi nhuận thấp, rủi ro cao.

    Nguồn thu chính là phí vệ sinh và ngân sách Nhà nước bù đắp nên việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực quản lý CTR sinh hoạt  còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khu vực nông thôn, nơi mà nguồn kinh phí cho công tác này còn thiếu.

    Tính hấp dẫn của các dự án xử lý CTR sinh hoạt  đô thị chưa cao do thường đòi hỏi vốn lớn, thời gian thực hiện dài, thu hồi vốn khó khăn trong khi Nhà nước chưa có cơ chế thực hiện cụ thể, rõ ràng về ưu đãi, khuyến khích…, tính toán thu hồi vốn phức tạp. Do đó, các nhà đầu tư ít quan tâm đến các dự án xử lý CTR sinh hoạt đô thị.

3.2.5. Về công nghệ xử lý

    Hầu hết, công nghệ xử lý CTR nhập khẩu không phù hợp với đặc thù CTR tại Việt Nam (chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị thấp, độ ẩm của không khí cao…). Thiết bị, công nghệ xử lý CTR chế tạo trong nước chưa đồng bộ, chưa hoàn thiện, nên chưa thể phổ biến và nhân rộng. Trong khi đó, Nhà nước chưa có định hướng về sử dụng công nghệ rõ ràng, chưa có tiêu chí lựa chọn thiết bị, công nghệ phù hợp. Hoạt động tái chế chất thải còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền về BVMT ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

    Nhìn chung, các ngành các lĩnh vực, địa phương và đặc biệt là ngành GTVT đã có cơ chế quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Mặc dù mới ban hành nhưng các ngành, lĩnh vực địa phương đã triển khai nhiều hoạt động điều tra đánh giá, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ mới trong tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.

4. Giải pháp hoàn thiện chính sách giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành GTVT

4.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách

    Quản lý CTR phải có sự tham gia của các Bộ, ngành, sự phối hợp của tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, sự vào cuộc của cộng đồng và người dân. Trong phạm vi lĩnh vực quản lý ngành, các Bộ quản lý ngành phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT trong việc giảm thiểu, phân loại tại nguồn để tái chế, tái sử dụng CTR hiệu quả.

    Công tác quản lý chất thải từ hoạt động GTVT được quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu (Có hiệu lực từ ngày 15/6/2015), theo đó:

    Chất thải phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam từ các phương tiện giao thông vận tải quốc tế được quản lý theo quy định của Nghị định này, không áp dụng quy định của pháp luật về nhập khẩu, thương mại.

    Điều 52, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP nêu rõ Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý đối với chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường, nước thải, khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường hàng không, đường hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt, bảo đảm phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Theo đó, các giải pháp về cơ chế, chính sách cần được triển khai để tăng cường hiệu quả công tác quản lý CTR trong ngành GTVT bao gồm:

a) Rà soát hiệu quả thực hiện quy hoạch quản lý CTR, trong đó đánh giá tính khả thi của công tác lập quy hoạch, kế hoạch quản lý đối với chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường, nước thải, khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường hàng không, đường hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt. Trong đó, cần bổ sung quy hoạch và kế hoạch triển khai thực hiện quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động GTVT.

b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật ngành liên quan đến hoạt động quản lý CTR, trang thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý CTR.

c) Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách quản lý CTR của ngành:

     Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý CTR, tái sử dụng và chế CTR nói chung và chất thải nhựa nói riêng phù hợp với đặc thù hoạt động của các lĩnh vực của ngành GTVT.

    Xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành các dự án, cơ sở tái chế nhựa và ứng dụng nhựa tái chế trong hoạt động GTVT.

    Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách sử dụng quỹ của ngành dành cho lĩnh vực tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa để hỗ trợ vốn cho các cá nhân, đơn vị tham gia vào công tác quản lý, tái sử dung, tái chế chất thải nhựa ứng dụng trong lĩnh vực GTVT.

    Xây dựng cơ chế, chính sách để yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực GTVT có trách nhiệm thu hồi, tái chế, tái sử dụng các sản phẩm thải bỏ.

4.2. Giải pháp về tăng cường nguồn lực tài chính

    Triển khai cơ chế huy động vốn đầu tư, thủ tục đầu tư rút gọn, các chính sách ưu đãi đặc thù, giải pháp công nghệ phù hợp; quản lý, vận hành với sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, tổ chức nước ngoài nhằm thúc đẩy việc xã hội hóa trong công tác tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa ứng dụng trong lĩnh vực GTVT.

    Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm thu hút, tăng cường và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư tăng cường cho công tác tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa ứng dụng trong lĩnh vực GTVT.

    Xây dựng chính sách mua sắm công trong ngành GTVT để ưu tiên mua sắm các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sau quá trình tái chế, xử lý chất thải từ nguồn ngân sách.

4.3. Giải pháp về nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ xử lý theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế

    Nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH hiện đại, thân thiện với môi trường, theo hướng giảm thiểu lượng CTR chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi.

    Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm tại các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực GTVT về phân loại tại nguồn (phù hợp với các công nghệ xử lý chất thải; đặc biệt là việc phân loại để làm cơ sở cho việc áp dụng các công nghệ thu hồi năng lượng từ chất thải); thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ CTR nhằm lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng trên phạm vi cả nước.

  Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật đối với phương tiện vận chuyển của từng nhóm CTRSH đã được phân loại, phương thức thu gom, vận chuyển và xử lý đối với từng nhóm CTRSH đã được phân loại.

    Cập nhật và triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa khó phân hủy.

    Đánh giá tổng thể thực trạng thu gom, xử lý và tái chế chất thải nhựa trong lĩnh vực GTVT; xây dựng các mô hình thu gom, xử lý chất thải nhựa.

    Xây dựng và triển khai chương trình giảm thiểu chất thải nhựa một cách đồng bộ từ công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý phù hợp với từng lĩnh vực của ngành GTVT.

    Xây dựng các mô hình “nói không với chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy”, quy định giảm thiểu nhựa trong bao bì, thiết bị lưu chứa CTR tại cơ quan, công sở của ngành GTVT.

    Tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ vận tải, các tổ chức phân phối sản phẩm,… thúc đẩy hoạt động Liên minh tái chế bao bì Việt Nam.

4.5. Giải pháp về hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội hóa

    Tăng cường trao đổi và hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ về đào tạo nâng cao năng lực, học tập kinh nghiệm về tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa trong lĩnh vực GTVT.

    Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sẵn có tốt nhất, công nghệ thân thiện với môi trường.

    Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các tổ chức, cá nhân và các nguồn tài trợ nước ngoài tham gia đào tạo, nghiên cứu và đầu tư phát triển công nghệ xử lý chất thải nhựa trong lĩnh vực GTVT.

    Tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ và các đơn vị của ngành GTVT trong giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở các trường đại học, cao đẳng, nghề thuộc ngành GTVT.

5. Kết luận

    Để đưa các chính sách, quy định mới về quản lý CTR, đặc biệt là quản lý chất thải nhựa vào thực tiễn, cần bổ sung các công cụ mới để huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, các thành phần kinh tế, bao gồm các quy định về thuế, phí BVMT, cơ chế đặt cọc - hoàn trả, ký quỹ, trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu… nhằm thay đổi, điều chỉnh hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo hướng giảm thiểu chất thải. Đồng thời cần ưu tiên xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải phù hợp đặc thù của ngành GTVT.

    Đẩy mạnh thực hiện chương trình truyền thông để tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn dân về phân loại CTR tại nguồn, hạn chế sử dụng nhựa, túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần; tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải nhựa; ứng dụng chất thải nhựa tái chế như nguồn vật liệu trong hoạt động GTVT.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Công văn số 2696/BKHĐT-KHGDTNMT ngày 27/4/2020.

2.  Bộ Tài chính (2015). Nguồn lực tài chính cho công tác BVMT giai đoạn 2011 - 2015, định hướng cho giai đoạn 2016 - 2020. Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV, 2015.

3.  Bộ Tài chính (2020). Công văn số 5145/BTC-HCSN ngày 28/4/2020.

4.  Bộ TN&MT (Bộ TN&MT, 2019). Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, tháng 12/2019.

5.  Bộ TN&MT (Bộ TN&MT, 2019c). Báo cáo tổng quan thực trạng quản lý CTR trong thời gian vừa qua và một số giải pháp triển khai trong thời gian tới, tháng 12/2019.

6.  Bộ Xây dựng (2015). Đề án huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước và CTR sinh hoạt đô thị.

7.  Bộ Xây dựng (2017). Báo cáo về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 3/7/2017.

8.  Bộ Xây dựng (2019). Công văn số 1644/BXD-HTKH ngày 9/4/2020.

9.  Bộ Xây dựng (2019). Báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác quản lý CTR sinh hoạt, ngày 21/1/2019.

ThS. Lê Minh Đức

Trường Đại học Công nghệ  Giao thông Vận tải  

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt IV/2022)

 

ROPOSED POLICY TO MINIMUM PLASTIC WASTE IN TRANSPORTATION INDUSTRY

MSc. Le Minh Duc

University of Transport Technology

Abstract

    The article presents an overview of the current policy situation, advantages and disadvantages in reducing plastic waste in the transportation industry. From there, some solutions are proposed to improve mechanisms and policies to reduce plastic waste in the transportation industry.

Keywords: Solid waste, plastic waste, policy, plastic waste reduction, transportation.

Ý kiến của bạn