Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 16/04/2024

Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thực hiện tiêu chí môi trường góp phần xây dựng nông thôn mới

24/02/2020

     Trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với với các Bộ, ngành, địa phương vận động hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia BVMT trong xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

     Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM bằng Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với các tiêu chí đều hướng tới cấp hộ gia đình và trực tiếp góp phần thực hiện 11/19 tiêu chí NTM (các tiêu chí sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường). Trung ương Hội đã hướng dẫn các nội dung cụ thể về các tiêu chí “3 sạch” để các cấp Hội phụ nữ triển khai. Theo đó, năm 2018, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được Hội LHPN Việt Nam triển khai mạnh mẽ với cam kết tích cực, quyết tâm thực hiện các hoạt động “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” trong các cấp hội phụ nữ cả nước.

     Từ năm 2010 đến nay, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ các hộ phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn xây 180.000 nhà tiêu hợp vệ sinh; 850.000 hộ gia đình vay vốn xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh;  riêng 6 tháng đầu năm 2019, cấp Trung ương đã phối hợp với các tổ chức và các tỉnh hỗ trợ 5.700 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhiều mô hình  BVMT được xây dựng, nhân rộng như: Tổ phụ nữ thu gom rác thải, mô hình “Dùng làn đi chợ”, “Thôn phụ nữ Xanh - Sạch - Đẹp”, “Nhà tôi  Xanh - Sạch - Đẹp”, “Hộ gia đình không chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn” “Phụ nữ sản xuất sạch, tiêu dùng sạch”,  “Ngày thứ 7, Chủ nhật xanh”.  Hội LHPN tỉnh Thái Bình với 1.655 tổ thu gom và xử lý rác thải với 9.460 thành viên; Hội LHPN tỉnh Hưng Yên triển khai Mô hình “đường hoa phụ nữ”, với kết quả thực hiện được 258 km đường hoa; Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh (600 km đường hoa)...; Hội LHPN tỉnh Long An “biến điểm rác thành vườn hoa”; Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa với các mô hình “Đội phụ nữ xung kích BVMT”, Câu lạc bộ “Phụ nữ với công tác vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm”, “Phụ nữ với vệ sinh môi trường”; Hội LHPN tỉnh Điện Biên với mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu BVMT... Nhiều mô hình, cách làm hay “chống rác thải nhựa” đã được các cấp Hội xây dựng và nhân rộng như mô hình “Gạch sinh thái”, “Phụ nữ xử lý rác thải văn minh - biến rác thành tiền”, “Phụ nữ không sử dụng rác thải nhựa một lần trong sinh hoạt”; “Sử dụng túi, ống hút thân thiện với môi trường”, “Tổ phụ nữ thu gom rác thải, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật”…

 

Hội Phụ nữ TP. Hà Nội tổ chức Lễ phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2019

 

     Xác định vai trò nòng cốt của đội ngũ tuyên truyền viên trong các hoạt động, Hội LHPN các cấp đã tập trung xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên BVMT. Hội đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn lập kế hoạch hoạt động, đề xuất các hình thức/mô hình BVMT phù hợp tại cộng đồng; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên về  BVMT và thúc đẩy các mục tiêu hoàn thành và duy trì xã NTM của các địa phương. Đặc biệt, nhân các dịp hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch - vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn hàng năm…, các cấp Hội phụ nữ đã vận động hội viên, phụ nữ, người dân trên địa bàn thay đổi thói quen, sử dụng tiết kiệm nước, hạn chế sử dụng túi ni lông, chủ động phân loại rác từ gia đình và xử lý đúng cách, tích cực tham gia thu gom chất thải, tham gia tổng vệ sinh các khu vực công cộng. Bên cạnh đó, Hội chú trọng xây dựng các sản phẩm, ấn phẩm truyền thông đa dạng, phong phú, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng khác nhau về BVMT như sách lật, bộ tranh thực hành, sổ tay, cẩm nang dành cho tuyên truyền viên, tờ rơi/tờ gấp dành cho hộ gia đình…

     Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn trong xây dựng NTM như: Một số địa phương chưa quyết liệt trong xử lý rác thải khu vực nông thôn; quy trình xử lý rác còn thiếu đồng bộ. Nguồn chất thải từ các khu công nghiệp, đô thị và nhất là trong các làng nghề, các trang trại sản xuất, chăn nuôi đang làm gia tăng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Một số hộ gia đình nông thôn vẫn chưa tận dụng rác thải hữu cơ để làm phân bón, dẫn đến tình trạng các hộ gia đình vẫn phải mua phân hữu cơ, trong khi rác thải hữu cơ trong sinh hoạt vẫn thải ra ngoài môi trường gây tồn đọng/ô nhiễm và phát sinh chi phí xử lý rác thải…

     Từ những vấn đề đặt ra, Hội LHPN Việt Nam đề xuất cần thiết xây dựng phương thức phương tiện vận chuyển, phân loại rác tại nguồn; lập các quy hoạch điểm tập kết trung chuyển rác thải; thiết lập hệ thống cơ giới hóa thu gom vận chuyển rác thải; xây dựng các dịch vụ thu gom, đồng thời tập trung hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình góp phần giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường. Đặc biệt, trong xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao cần nghiên cứu, đảm bảo các tiêu chí môi trường liên quan đến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn để xử lý rác thải tại chỗ, ít nhất là rác hữu cơ (có thể gom lại làm phân hữu cơ sử dụng trong các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng trọt). Ngoài ra, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT cho các hộ dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình BVMT hiệu quả góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

 

Nguyễn Hoàng Anh

Ban Tuyên giáo, Hội LHPN Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

Ý kiến của bạn