Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Thu gom pin và rác thải điện tử vì một môi trường xanh

14/02/2020

     Trung bình mỗi năm, Việt Nam thải ra môi trường khoảng 90.000 tấn rác thải điện tử (RTĐT). Phần lớn, số RTĐT này được các cơ sở tư nhân khai thác, thu mua, tái chế thủ công, không đúng kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Mặt khác, các cơ sở này chỉ tận thu một vài kim loại tái chế thành nguyên liệu, còn số lượng lớn các thành phần khác đều bị thải ra môi trường.

     Nhận thức những tác hại của pin và rác điện tử đã qua sử dụng, nhiều nơi trên cả nước đã và đang đẩy mạnh thực hiện mô hình thu gom pin, RTĐT; đồng thời vận động nhân dân không vứt pin lẫn với rác thải thông thường. Việc thu hồi, xử lý pin và RTĐT không chỉ góp phần tiết kiệm được nguồn tài nguyên, mà còn khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, thủ công hiện nay đang gây tác động xấu đến môi trường. Điều này đã và đang có sự lan tỏa trong cộng đồng nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại rác thải nguy hại.

     Nhân rộng các mô hình thu gom pin và RTĐT

     Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã có dịch vụ thu gom pin, RTĐT miễn phí, được cung cấp và tài trợ bởi các nhà sản xuất điện tử nhằm bảo đảm quy trình tái chế RTĐT an toàn, thân thiện với môi trường. Với tình yêu môi trường, chị Lê Hoàng Phương, công tác tại Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông - Vận tải) cùng nhóm bạn tình nguyện thu gom pin và RTĐT tận nhà dân, sau đó, chuyển đến điểm tập kết do tổ chức Việt Nam tái chế (tổ chức do các nhà sản xuất thiết bị điện nhằm thể hiện trách nhiệm với các sản phẩm tới cuối vòng sử dụng) đặt tại Hà Nội. Những hành động vì môi trường, điển hình như nhóm tình nguyện thu gom pin và RTĐT của chị Lê Hoàng Phương đang là những nhân tố tích cực lan tỏa tới đông đảo nhân dân Thủ đô trong chung tay xây dựng môi trường trong lành. Hiện ở Hà Nội có 5 điểm thu gom RTĐT miễn phí: Nhà Văn hóa phường Nghĩa Tân (45 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy); Ban Quản lý Công trình công ích Hoàn Kiếm (số 1 Trần Quang Khải, Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm); UBND phường Quán Thánh (12-14 Phan Đình Phùng, quận Ba Đình); UBND phường Thành Công (quận Ba Đình); Chi cục BVMT Hà Nội (số 17 Trung Yên 3, Trung Hòa, quận Cầu Giấy)…

 

Mô hình phân loại rác thải nguy hại dựa vào cộng đồng tại phường Nam Dương, TP. Đà Nẵng

 

     Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều điểm thu gom pin cũ của các cơ sở kinh doanh và chương trình tình nguyện thu gom pin cũ. “Pin cùng giấy đổi lấy cây về” là khẩu hiệu của Chương trình thu gom pin cũ và giấy do nhóm bạn Nguyễn Thị Thảo Yến (trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) tổ chức. Từ 5 viên pin bất kỳ hoặc 3 kg giấy vụn trở lên là mọi người đều có thể đổi lấy được một chậu cây cảnh. Pin được thu gom sẽ chuyển đến những đơn vị chuyên tái chế để có biện pháp xử lý tốt nhất, giảm thiểu tác động đến môi trường. Còn giấy vụn sẽ được phân loại và bán đến nơi tái chế, kinh phí thu được tiếp tục dành mua cây cho các sự kiện lần sau.

     Tại phường Nam Dương, Hội LHPN phường đã thực hiện mô hình thu gom pin đã qua sử dụng với tên gọi “Mô hình phân loại rác thải nguy hại dựa vào cộng đồng”. Ngoài vận động nhân dân gom pin vào thùng, UBND và Hội LHPN phường Nam Dương còn vận động các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng điện tử tin học trên địa bàn phường tiếp nhận số pin thu gom được và chuyển đến nơi xử lý. Mô hình nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của đông đảo hội viên. Hiện nay, tại 57 chi hội Phụ nữ trên toàn phường đều có các điểm thu gom pin. Số lượng pin thu gom được từ tháng 5/2019 đến nay là hơn 55 kg pin các loại. Mô hình thu gom pin đã qua sử dụng góp phần hạn chế tình trạng người dân vứt pin bừa bãi, bỏ lẫn vào rác thải, gây ô nhiễm môi trường. Đây là một hoạt động cần thiết, ý nghĩa trong việc BVMT. Do đó, Hội LHPN phường tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt; đồng thời nhân rộng, đưa mô hình thu gom pin lan tỏa đến với mọi người, mọi nhà. Hiện tại, Đà Nẵng đang có 2 điểm thu gom pin cũ tập trung là tầng 2 của siêu thị Big C (quận Thanh Khê) và siêu thị VinMart Đà Nẵng (quận Sơn Trà). Toàn bộ pin thu gom được chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, nơi có nhà máy xử lý pin chuyên dụng để bảo đảm quy định nghiêm ngặt về BVMT.

     Tại TP. Hồ Chí Minh, UBND phường 8, quận 4 đã tuyên truyền cho người dân về sự nguy hại của loại RTĐT. UBND phường đã phát tờ rơi, treo băng rôn và tổ chức các buổi tuyên truyền trong khu dân cư. Ngoài thông báo về điểm thu gom tại phường, cán bộ phụ trách còn ra quân nhận rác thải nguy hại ngay tại nhà dân. Từ sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, hơn 3 năm qua, quận 4 đã mở rộng, đặt thùng rác thu gom rác thải nguy hại tại UBND 15 phường trên địa bàn quận. Để khuyến khích người dân toàn quận thực hiện phân loại rác, quận 4 tổ chức các đợt đổi rác thải nguy hại lấy quà, cây xanh. Kết quả, mỗi năm thu gom gần 200 kg RTĐT. Nhờ hoạt động này, ý thức của người dân trong phân loại rác tại nguồn được nâng cao, giúp người dân tạo thói quen không trộn lẫn rác nguy hại vào các túi rác thải sinh hoạt khác.  Hiện TP. Hồ Chí Minh có 5 điểm tiếp nhận RTĐT đặt tại UBND phường 9 quận 3; UBND phường 15 quận 4; UBND phường 17 quận Phú Nhuận; UBND phường 2 quận Bình Thạnh và Trung tâm MM Mega Market An Phú (quận 2).

     Doanh nghiệp cùng đồng hành với cộng đồng

     Cùng đồng hành với cộng đồng, hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+ vừa khởi động Chương trình “Đồng hành BVMT”. Đặc biệt, toàn bộ các điểm bán VinMart & VinMart+ cũng trở thành những địa điểm thu hồi pin đã qua sử dụng. Toàn bộ pin thu gom này được sẽ chuyển đến công ty xử lý rác thải độc hại để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, góp phần BVMT từ những hành động nhỏ nhất. Đây là một chính sách quan trọng để thúc đẩy các Nhà cung cấp đồng hành phát triển các sản phẩm xanh và lan tỏa ý thức BVMT tới các doanh nghiệp sản xuất nói riêng và cộng đồng nói chung.

 

Các nhóm tình nguyện vì môi trường tới tận nhà dân thu gom rác thải điện tử góp phần BVMT

 

     “Hãy cho tôi pin” là tên gọi một dự án do Công ty Cổ phần Giải pháp Môi trường ARES (ARESEN) đã và đang triển khai gần 2 tháng nay tại TP. Long Xuyên. Dự án đặt những điểm tiếp nhận miễn phí pin đã qua sử dụng từ người dân, sau đó đưa đến cơ quan có chức năng xử lý và tái chế. Là doanh nghiệp chuyên cung cấp về các giải pháp BVMT, ARESEN nhận biết được pin đã qua sử dụng thuộc chất thải nguy hại. ARESEN đã đặt 2 điểm tiếp nhận pin cũ miễn phí tại 2 trụ sở công ty của mình và cam kết vận chuyển đến với tổ chức Việt Nam tái chế tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, ARESEN đã làm việc với một số trường tiểu học trên địa bàn TP. Long Xuyên để triển khai mô hình thu gom pin cũ miễn phí ngay tại trường nhằm giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho các em học sinh ngay khi từ còn nhỏ.

     Ra đời từ năm 2015, Việt Nam tái chế đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, thu gom RTĐT, từ những thiết bị nhỏ như cục pin, phụ kiện điện tử đến các sản phẩm máy móc, ti vi, tủ lạnh hư hỏng… Hiện nay, Việt Nam tái chế thiết lập và vận hành 10 điểm thu hồi (5 điểm tại Hà Nội và 5 điểm tại TP. Hồ Chí Minh) để người dân có nơi thải bỏ RTĐT đúng cách. Bắt đầu từ năm 2018, Chương trình cung cấp cho người dân tại 2 TP dịch vụ thu gom tại nhà. Hoạt động này nhằm tạo thói quen xử lý RTĐT đúng cách, nâng cao ý thức về tầm quan trọng của quy trình tái chế RTĐT chuyên nghiệp. Năm đầu tiên, Việt Nam tái chế chỉ thu gom được khoảng 850 kg RTĐT, nhưng tăng mạnh vào năm 2018 là 10.196 kg và năm 2019 là 24.290 kg. Tổng khối lượng RTĐT thu gom được từ khi thành lập đến nay là 49.320 kg. Sau khi thu gom, RTĐT được vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải nguy hại bằng xe chuyên dụng. Tại đây, các thiết bị sẽ được phân loại, tháo dỡ theo quy trình chuyên nghiệp. Các chất thải nguy hại phát sinh từ trong thiết bị sẽ được đưa vào hệ thống xử lý chuyên biệt. Các vật liệu có thể thu hồi như nhựa, sắt, kim loại… sẽ được chuyển giao cho đơn vị có chức năng tái chế để tối ưu hóa tài nguyên.

      Nhìn chung, các mô hình thu gom pin, RTĐT đã và đang thực sự lan tỏa, thu hút sự tham gia của nhân dân trên cả nước. Qua đây, người dân không chỉ hiểu hơn về tác hại của rác thải thông thường với nguồn nước, không khí mà còn mở rộng nhận thức về những hiểm họa khôn lường của RTĐT. Hơn thế, ngày càng nhiều người có hành động cụ thể, thiết thực chung tay BVMT. Tuy nhiên, những điểm thu gom pin và RTĐT chưa nhiều, trong khi đa số người dân chưa biết, chưa hiểu về những nguy hại từ pin và RTĐT. Do vậy, để các mô hình lan tỏa, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trong thời gian tới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về pin và RTĐT trong toàn xã hội.

 

Đỗ Bình

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn