Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Phân tích, đánh giá thực trạng quản lý môi trường tại các cảng biển ở Việt Nam

09/10/2019

ThS. BÙI ĐÌNH HOÀN1,2, PGS.TS. TRẦN YÊM3, PGS.TS. NGÔ KIM ĐỊNH1

1Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

2Nghiên cứu sinh của Viện Tài nguyên và

 Môi trường - Đại học Quốc gia Hà Nội

3Trường Đại học Khoa học Tự nhiên -

Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Tóm tắt

    Công tác quản lý môi trường tại các cảng biển Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các khía cạnh hiệu quả khác của công tác này như đáp ứng các quy định của các điều ước quốc tế về hàng hải mà Việt Nam tham gia, nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp cảng trong mắt cộng đồng, đối tác và các bên liên quan còn nhiều hạn chế. Để các cảng biển Việt Nam có thể cạnh tranh được với các cảng trong khu vực trong bối cảnh các quy định quốc tế và quốc gia về kiểm soát ô nhiễm ngày càng tăng thì một trong các vấn đề cần nghiên cứu, thực hiện, đó là nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường tại cảng. Bài báo này phân tích, đánh giá thực trạng quản lý môi trường tại cảng biển Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác này.

Từ khóa: Cảng biển, quản lý môi trường, phát triển bền vững.

1. Đặt vấn đề

    Sự phát triển của cảng biển trên thế giới đã sang đến thế hệ thứ tư, được gọi là cảng xanh hoặc cảng sinh thái. Đây là mô hình cảng biển hướng tới sự phát triển bền vững, giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên, nâng cao trách nhiệm xã hội và lợi thế cạnh tranh của cảng thông qua việc thực hiện các mục tiêu và chiến lược môi trường được tích hợp đầy đủ với các mục tiêu và chiến lược phát triển cảng biển.

    Hệ thống cảng biển Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của đất nước. Công tác quản lý cảng biển Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, vẫn còn những khó khăn, bất cập trong mô hình quản lý và khai thác cảng biển, trong đó có vấn đề quản lý môi trường. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, để các cảng biển Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các cảng trong khu vực và trên thế giới thì một trong những giải pháp cần phải thực hiện là nâng cao năng lực quản lý môi trường tại cảng, hướng đến sự phát triển bền vững. Để có thể cải thiện năng lực quản lý môi trường tại cảng biển thì việc phân tích, đánh giá thực trạng là việc làm cần thiết.

2. Hiện trạng và xu hướng phát triển của hệ thống cảng biển Việt Nam

    Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong việc xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển, đã hình thành được các cảng biển cửa ngõ, cảng biển chuyên dùng tại các vùng kinh tế trọng điểm, đáp ứng cơ bản nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước và nhu cầu xuất khẩu hàng hóa tới các nước trên thế giới.

    Hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay gồm 45 cảng biển, trong đó có 02 cảng biển loại IA, 12 cảng biển loại I, 18 cảng biển loại II và 13 cảng biển loại III, có 251 bến cảng biển với tổng chiều dài khoảng 88.000m cầu cảng [4]. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2018 đạt 530.145.000 tấn.

    Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 6 nhóm cảng, bao gồm: Nhóm 1 (nhóm cảng biển phía Bắc), nhóm 2 (nhóm cảng biển Bắc Trung bộ), nhóm 3 (nhóm cảng biển Trung Trung bộ), nhóm 4 (nhóm cảng biển Nam Trung bộ), nhóm 5 (nhóm cảng biển Đông Nam Bộ), nhóm 6 (nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long). Theo quy hoạch, hệ thống cảng biển Việt Nam đáp ứng lưu lượng hàng hóa thông qua từ 666 đến 745 triệu tấn/năm vào năm 2020, 1.187,7 đến 1.444,5 triệu tấn/năm vào năm 2030 [2].

3. Phân tích, đánh giá thực trạng công tác quản lý môi trường tại các cảng biển Việt Nam

3.1. Việc ban hành văn bản, cơ chế chính sách đối với công tác quản lý môi trường cảng biển

   Hiện nay, hệ thống quy định pháp lý về bảo vệ môi trường trong hoạt động cảng biển đã tương đối đồng bộ. Hệ thống này bao gồm các văn bản luật và dưới luật như: Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13, Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13, Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải, Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển, Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về Quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, Thông tư số 41/2017/ TT-BGTVT ngày 14/11/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về quản lý và tiếp nhận chất thải từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển.

    Mặc dù hệ thống quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cảng biển đã tương đối đầy đủ, nhưng mức độ nội luật hóa các quy định của các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng hải còn thấp. Do đặc thù của ngành hàng hải nói chung và cảng biển nói riêng, công tác quản lý môi trường của doanh nghiệp cảng không chỉ tuân thủ các quy định pháp luật môi trường của Việt Nam mà còn phải tuân thủ những quy định về bảo vệ môi trường quy định tại  các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 21  công ước quốc tế về hàng hải, trong đó có nhiều công ước liên quan đến phòng ngừa ô nhiễm môi trường như: Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS 82), Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu (MARPOL 73/78), ... Một trong những nghĩa vụ của quốc gia thành viên khi tham gia công ước là phải chuẩn bị sẵn sàng về luật pháp, công nghệ và nguồn nhân lực tương xứng để đáp ứng những yêu cầu của công ước đó. Chính quyền của quốc gia thành viên phải nội luật hóa các yêu cầu của công ước. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều  điều ước về bảo vệ môi trường trong hoạt động hàng hải và cảng biển chưa được nội luật hóa đầy đủ. Hiện nay số lượng các quy định cụ thểvề trách nhiệm của các cảng biển trong việc đáp ứng các công ước quốc tế về môi trường trong lĩnh vực hàng hải mà Việt Nam đã tham gia còn ít.

    Ví dụ: Việt Nam hiện là thành viên đầy đủ của Công ước MARPOL. Công ước MARPOL bao gồm 6 phụ lục: Phụ lục I – Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do dầu chở xô; Phụ lục II – Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do chất lỏng độc hại chở xô; Phụ lục III – Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do chuyên chở bằng đường biển các chất độc hại trong bao gói; Phụ lục IV – Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nước thải từ tàu; Phụ lục V – Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do rác thải từ tàu; Phụ lục VI – Quy định về ngăn ngừa ô nhiễm biển do khí thải từ tàu. Các phụ lụcquy định quốc gia tham gia Công ước MARPOL phải trang bị phương tiện tiếp nhận chất độc hại, chất thải từ tàu ra vào cảng, đó là Quy định 38 của Phụ lục I, Quy định 18 của Phụ lục II, Quy định 12 Phụ lục IV, Quy định 7 của Phụ lục V và Quy định 17 của Phụ lục VI [3]. Như vậy, để thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước này, các quốc gia thành viên phải bố trí phương tiện tiếp nhận đầy đủ chất độc hại, chất thải từ tàu, đồng thời phải có biện pháp xử lý an toàn về môi trường. Mặc dù Việt Nam đã có quy định về quản lý thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển theo quy định trong Thông tư số 41/2017/TT-BGTVT, tuy nhiên lại chưa có các chính sách hỗ trợ trang bị phương tiện, thiết bị, công trình để tiếp nhận và xử lý chất thải này. Từ đó dẫn đến sự manh mún trong công tác tiếp nhận và xử lý chất thải từ tàu tại các cảng, gây không ít khó khăn cho việc quản lý và kiểm soát công tác này theo quy định của MARPOL.

3.2. Việc tổ chức thực hiện quản lý môi trường cảng biển

    Trách nhiệm của doanh nghiệp cảng biển trong việc quản lý môi trường là tuân thủ các quy định của pháp luật và áp dụng các giải pháp, công cụ nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

   Trong thời gian qua, mặc dù công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển đã được các cơ quan, đơn vị hiện nay thực hiện tốt, đáp ứng được yêu cầu quản lý và thực tế hoạt động hàng hải. Tuy nhiên, công tác tổ chức và quản lý khai thác cảng biển chưa theo kịp các mô hình quản lý tiên tiến trên thế giới, chưa thực sự hiệu quả và vẫn còn những bất cập, tồn tại. Công tác quản lý môi trường tại cảng biển Việt Nam hiện nay còn chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ, thiếu tập trung, thiếu thống nhất và bị ràng buộc bởi các mối quan hệ quản lý, điều hành theo quản lý chuyên ngành và quản lý theo lãnh thổ. Về quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cảng biển, theo cấp độ từ trên xuống là: Bộ Giao thông vận tải – Cục Hàng hải Việt Nam – Cảng vụ hàng hải. Theo hệ thống này, ở cấp cảng vụ không có đơn vị chuyên trách về công tác bảo vệ môi trường. Về quản lý môi trường theo lãnh thổ theo cấp độ thấp dần là: UBND cấp tỉnh – Sở Tài nguyên và Môi trường – Chi cục Bảo vệ môi trường. Ở cấp độ quản lý môi trường tại các doanh nghiệp cảng biển, tại hầu hết các cảng biển, công tác này chưa được tách riêng, thậm chí không có cán bộ chuyên trách.

    Như vậy, ở cấp độ các cảng vụ hàng hải và các doanh nghiệp cảng, vấn đề quản lý môi trường chưa được triển khai như là một nhiệm vụ chuyên trách, dẫn đến những khó khăn trong phối hợp quản lý và bảo vệ môi trường với các cơ quan chức năng địa phương khác như các sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ Môi trường.

    Về phía các doanh nghiệp cảng, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý môi trường nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như vẫn còn doanh nghiệp chưa có đủ hồ sơ về môi trường theo quy định của pháp luật, chưa có chính sách môi trường.

3.3. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường cảng biển

    Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về môi trường cảng biển đã được chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Kết quả kiểm tra cho thấy:

   Số cảng, bến cảng có chứng chỉ ISO 14000 là 37 trên tổng số 152 đơn vị được khảo sát; Có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường là 127 trên 152; Có giấy phép xả thải là 69/152; Có giấy phép xử lý chất thải nguy hại là 32/152; Có kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu là 110/152; Có quan trắc môi trường định kỳ là 122/152 [2].

    Hiện nay, hầu như tất cả các cảng trong cả nước chưa xây dựng trạm xử lý chất thải từ tàu tại cảng, trừ Cảng Quảng Ninh có trạm xử lý nước thải lẫn dầunhưng vận hành không thường xuyên. Đối với công tác thu gom và tiếp nhận chất thải từ tàu, có 16/25 cảng có trang bị thiết bị tiếp nhận rác thải sinh hoạt tại cảng (chiếm 64%), 08/25 cảng có thể tiếp nhận nước thải sinh hoạt (chiếm 32%) và 07/25 cảng có thể tiếp nhận chất thải nguy hại (chiếm 28%).

    Việc xử lý chất thải từ tàu cho đến thời điểm hiện nay phần lớn do các công ty có chức năng đảm trách [1]. Theosố liệu thống kê thu thập được, có 2/6 nhóm cảng có khả năng đáp ứng xử lý toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh từ tàu (chủ yếu là nước thải lẫn dầu), chiếm 33%; chỉ duy nhất nhóm cảng biểnsố 5 có công ty đủ khả năng đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải sinh hoạt, chiếm 17%; và có 4/6 nhóm cảng có các công ty đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải sinh hoạt từ tàu, chiếm 67%. Như vậy, ngoài rác thải sinh hoạt là được xử lý gần như đáp ứng được nhu cầu, còn lại nước thải sinh hoạt và chất thải nguy hại chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của các tàu đến cảng. Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tại các khu cảng, đặc biệt là các bến thủy nội địa.

    Những vấn đề bất cập trong công tác quản lý môi trường tại cảng biển như đã phân tích ở trên dẫn đến xuất hiện một số vấn đề môi trường nổi cộm ở cảng và các vùng cảng biển trong thời gian qua như sau:

- Gây sức ép đến các hệ sinh thái thủy sinh ở vùng cảng như tăng độ đục, thay đổi chế độ thủy hải văn, ô nhiễm trầm tích đáy biển và nước biển do nạo vét luồng cảng và đổ thải vật liệu nạo vét. Tác động này diễn ra ở hầu hết các khu vực cảng.

- Tăng các chất ô nhiễm môi trường như dầu mỡ, các loại quặng chứa kim loại nặng, thuốc trừ sâu, phân bón, khí độc, bụi…do bốc dỡ hàng hóa ở cảng gây phát tán.

- Ô nhiễm mùi, giảm độ trong của nước, giảm lượng oxy hòa tan trong nước làm chết hoặc suygiảm sự phát triển của các loài thủy sinh do đổ chất thải từtầu.

- Gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nước do chất độc trong sơn tầu, bụi và các hóa chất khác do đóng mới và sửa chữa tầu biển.

- Gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí do khí thải, bụi và mùi khó chịu do vận tải và bốc xếp hàng hóa, công ten nơ và chạy tầu.

- Gia tăng các chất ô nhiễm nghiêm trọng,nhất là tại các vùng nước cảngbiển do tràn dầu và hóa chất; tác động của các chất ô nhiễm này đã được nhiều công trình đề cập.

- Cháy nổ thường xảy ra ở các kho bãi, đặc biệt những nơi chứa dầu, hóa chất và vật liệu dễ cháy nổ. Cháy nổ không những hủy hoại tài sản, con người mà còn gây nên những tai họa về môi trường như tràn dầu, hóa chất, bụi và khói cũng như các chất hydrocarbon gây ô nhiễm không khí và môi trường đất.

4. Giải pháp cho công tác quản lý môi trường tại cảng biển

    Để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, cần phải thực hiện các giải pháp sau:

 (1) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường áp dụng riêng cho cảng biển, đặc biệt nhà nước cần sớm nội luật hóa các quy định về bảo vệ môi trường tại các công ước quốc tế về hàng hải mà Việt Nam là thành viên. Rà soát loại bỏ các quy định pháp luật chồng chéo gây khó khăn cho việc thu gom, vận chuyển chất thải từ tàu, đặc biệt là chất thải nguy hại, về bờ để xử lý.

(2) Cần lập cơ quan quản lý nhà nước về khai thác cảng biển thống nhất. Hầu hết các cảng biển Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ nên không có khả năng để đầu tư cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường như trang thiết bị thu gom và xử lý chất thải, chất độc hại. Để giải quyết vấn đề này cần thiết lập một cơ quan quản lý nhà nước về khai thác cảng biểnthống nhất để định hướng tổng thể quản lý khai thác theo đúng quy hoạch cảng và điều chỉnh, mở rộng khi cần thiết, đảm bảo hiệu quả trong khai thác cảng biển, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải theo cụm cảng.

(3) Nâng cao năng lực phòng chống sự cố môi trường thông qua việc thiết lập cơ sở dữ liệu về sự cố, xây dựng kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.

(4) Tăng cường sự kiểm soát của các cơ quan chức năng: Các cơ quan chức năng như cảng vụ hàng hải, cơ quan quản lý môi trường tại địa phương cần tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cảng biển thông qua các đợt kiểm tra chuyên ngành và liên ngành.

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng Việt II/2019)

Tài liệu tham khảo

  1. Cục Hàng hải Việt Nam, Đề án nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, đề xuất quy hoạch và triển khai xây dựng các công trình tiếp nhận và xử lý chất thải từ tàu đáp ứng yêu cầu của công ước MARPOL và các quy định pháp luật liên quan, Hà Nội, 2014.

  2. Cục Hàng hải Việt Nam, Báo cáo công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng hải, Hà Nội, 2017

  3. Thủ tướng Chính phủ,Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/06/2014 Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

  4. Bộ Giao thông vận tải,Quyết định số 480/QĐ-BGTVT ngày 22 tháng 02 năm 2017 Công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam.

  5. International Maritime Organization (IMO), MARPOL 73/78, Consolidated Edition, 2012, Vietnam Register, Hanoi, 2012.

 

ANALYSIS, EVALUATION OF THE SITUATION OF ENVIRONMENTAL MANAGEMENT IN SEAPORTS IN VIETNAM

 

ThS. BÙI ĐÌNH HOÀN1,2, PGS.TS. TRẦN YÊM3, PGS.TS. NGÔ KIM ĐỊNH1

1 Vietnam Maritime  University

2 PhD Student of VNU-Institute of Natural Resources And Environmental Studies,

Vietnam National University, Hanoi

                                 3 VNU University of Science - Vietnam National University, Hanoi  

 

Abstract

    Environmental management in Vietnamese seaports has basically met the provisions of Vietnamese law on environmental protection. However, other effective aspects of this work include meeting the provisions of international maritime treaties that Vietnam participates in, raising the image of port businesses in the eyes of the community, partners and Stakeholders are still limited. In order for Vietnamese seaports to compete with regional ports in the context of increasing international and national regulations on pollution control, one of the issues that needs to be researched and implemented is to improve the efficiency of environmental management in ports. This article analyzes and evaluates the status of environmental management in Vietnamese seaports. On that basis, propose some solutions to improve the effectiveness of this work.

Keywords: Seaport, environmental management, sustainable development.

 

Ý kiến của bạn