Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Những kết quả tiêu biểu về thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và đề xuất định hướng cho giai đoạn sau năm 2020

11/02/2020

     Kết quả 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, đặc biệt là nội dung về môi trường. Có thể nói, với sự xác định rõ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 là xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, hình thành các mô hình sản xuất, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn, việc thực hiện tiêu chí môi trường đã mang lại những kết quả thiết thực.

     Thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình, công tác BVMT nông thôn đã có bước đột phá lớn. Quan trọng nhất là sự chuyển biến nhận thức và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, nên nhiều địa phương đã ưu tiên bố trí nguồn lực cũng như tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt. Từ đó, công tác đầu tư cho môi trường được quan tâm đáng kể.

     Nhiều thành tựu đáng ghi nhận

     Trong gần 10 năm qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền các địa phương, công tác BVMT đã được chú trọng triển khai thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân khu vực nông thôn. Tính đến hết tháng 7/2019, cả nước đã có 4.475 xã (50,26%) đạt chuẩn NTM, tăng 637 xã (6,96%) so với cuối năm 2018; có 84/664 đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 12,65% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (tăng 21 đơn vị so với cuối năm 2018); bình quân cả nước đạt 15,26 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Trong đó, cả nước có 5.443 xã đạt tiêu chí môi trường (61,1%), tăng 3,9% so với cuối năm 2018 (năm 2015 là 42,2%, năm 2010 là 6,7%); thấp nhất là tỉnh Sơn La có 12,76% số xã đạt tiêu chí môi trường, nhiều địa phương đã có 100% số xã đạt tiêu chí môi trường (như Nam Định, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bình Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc...). Đối với cấp huyện, đã có 84 đơn vị được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

     Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy định có sự tăng trưởng nhanh qua các giai đoạn, công tác xã hội hóa hoạt động cấp nước sạch nông thôn được thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả cao. Tính đến tháng 7/2019, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 94,84%; 56,69% hộ nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chuẩn theo QCVN 02:2009/BYT (tăng khoảng 17,6%). Cả nước có khoảng 16.299 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, cung cấp cho khoảng 44% dân số nông thôn, trong đó các công trình cấp nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, Ban quản lý dự án của huyện vận hành, khai thác chiếm 15,1%, doanh nghiệp tư nhân quản lý chiếm 8,1%; do UBND cấp xã, hợp tác xã và cộng đồng dân cư quản lý chiếm 76,8%.

     Công tác thu gom và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đã có sự thay đổi vượt bậc, từ phương thức quản lý, quy trình vận hành đến tỷ lệ thu gom và biện pháp xử lý. Đến tháng 12/2018, cả nước đã có 59/63 tỉnh, thành phố phê duyệt Quy hoạch quản lý CTR trên địa bàn theo quy định, còn lại 4 tỉnh, thành phố đang tổ chức lập, phê duyệt là TP. Hồ Chí Minh, Yên Bái, Bắc Ninh, Gia Lai. Quy hoạch xử lý CTR (trong đó có hợp phần CTR nông thôn) là một nội dung trong quy hoạch NTM. Đã có gần 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch NTM, trong đó đều đã xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ. Mặt khác, đã có 42/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...); có 16/63 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý CTR nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh (Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Trà Vinh, Bạc Liêu). Hiện CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn trong cả nước ước khoảng 31.000 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom trung bình chỉ đạt 40 - 55%. Tại các thị trấn, thị tứ và vùng ven đô, tỷ lệ thu gom vận chuyển đạt khá cao, khoảng 60 - 80%. Trong đó, hoạt động phân loại rác tại nguồn được nhiều địa phương (điển hình như các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Tĩnh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Long An...) hưởng ứng và tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện.

     Công tác thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã được các địa phương triển khai nhiều hoạt động, góp phần giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Mỗi năm, hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 10.000 tấn bao gói, chai lọ có hàm lượng độc chất cao và khó tái chế, sử dụng (chai lọ đựng hóa chất BVTV và thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng). Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc BVTV tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý. Trước thực trạng này, 48 địa phương đã chỉ đạo các quận, huyện, xã phường có kế hoạch tổ chức thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT về hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; 42 tỉnh/thành phố đã có 57.910 bể thu gom; 33 tỉnh/thành phố đã thu gom được 338.869 kg bao gói thuốc BVTV, trong đó, đã xử lý 59.875 kg theo phương pháp đốt đúng quy định, 188.589 kg tự xử lý theo phương pháp đốt và chôn lấp tại bãi rác của địa phương.

     Bên cạnh đó, công tác BVMT đối với các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), cơ sở sản xuất kinh doanh cũng được sự quan tâm chỉ đạo và thực hiện quyết liệt. Đến nay, trên phạm vi cả nước đã có 221/251 KCN, khu chế xuất (ngoài khu kinh tế) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, chiếm 88,05% (tăng 8,05% so với năm 2017), đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó các địa phương có số lượng KCN lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Quảng Ninh, Bắc Ninh... đều đạt 100%. Có 669/807 CCN đi vào hoạt động với diện tích đất 21.616,5 ha, đã cho thuê 9.703 ha (tỷ lệ lấp đầy bình quân 58%), thu hút khoảng 9.818 dự án, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Trong đó, 276 CCN có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 160 CCN có hệ thống tách nước mưa và nước thải; 109 CCN có HTXLNTTT, đạt tỷ lệ 15,8%, tăng 58 CCN so với năm 2017 và tăng hơn 2 lần tỷ lệ CCN có HTXLNTTT so với năm 2015 (khoảng 6%); 10 CCN có hệ thống quan trắc tự động nước thải. Vùng Tây Nguyên có tỷ lệ CCN có HTXLNTTT ít nhất (3%), nhiều nhất là vùng Đông Nam Bộ (43%).

 

Người dân xã Thiện Kế (Sơn Dương, Tuyên Quang) thu gom bao bì thuốc BVTV

 

     Đặc biệt, công tác khắc khục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã được quan tâm, đầu tư. Hiện có 8/47 làng nghề đã hoàn thành việc thực hiện các dự án khắc phục ô nhiễm; 13/47 làng nghề còn lại đã xây dựng các dự án khắc phục ô nhiễm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đang triển khai thực hiện; 5/39 làng nghề đã xây dựng các dự án khắc phục ô nhiễm nhưng chưa triển khai thực hiện do thiếu kinh phí hoặc do quy mô sản xuất nhỏ; còn 21 làng nghề chưa xây dựng dự án khắc phục ô nhiễm, hoặc mới chỉ thực hiện một số biện pháp khắc phục ô nhiễm như đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước trong làng nghề; hướng dẫn, hỗ trợ các hộ sản xuất đầu tư xây dựng bể lắng nhiều ngăn nhằm lắng cặn, giảm thiểu ô nhiễm đối với nước thải... Mặt khác, nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, ấp đã được các địa phương áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế như trồng hoa, cây xanh; con đường bích họa, làng bích họa; dòng sông không rác; biến bãi rác thành vườn hoa; tuyến đường Xanh - Sạch - Đẹp; tôn giáo tham gia BVMT, giảm nghèo bền vững... góp phần tạo nên một diện mạo mới ở nông thôn.

     Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác BVMT trong xây dựng NTM còn một số khó khăn, hạn chế như: Các chính sách thu hút đầu tư, huy động xã hội hóa trong công tác BVMT, xử lý chất thải nông thôn còn chưa phát huy được hiệu quả; Bộ chỉ tiêu trong Tiêu chí số 17 về môi trường đối với cấp xã và Tiêu chí số 7 về môi trường đối với cấp huyện còn bộc lộ một số bất cập trong triển khai thực hiện; thiếu các công cụ kỹ thuật, biện pháp khoa học, công nghệ phù hợp trong hoạt động xử lý chất thải, xây dựng cảnh quan và BVMT nông thôn... Nguyên nhân của những tồn tại trên là do nhận thức và ý thức trách nhiệm dẫn đến sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và người dân trong công tác BVMT tại nhiều nơi còn hạn chế; thiếu nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng cơ bản về BVMT; nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc xử lý ô nhiễm” áp dụng cho công tác BVMT nông thôn còn hạn chế; người dân, hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước để xử lý ô nhiễm, xử lý các nguồn thải do đối tượng này phát sinh ra...

     Một số giải pháp về BVMT trong xây dựng NTM giai đoạn sau năm 2020

     Nhằm phấn đấu tới năm 2030 có 90% số xã đạt tiêu chí môi trường, trong đó, 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt QCVN 02:2009/BYT; thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn đạt tỷ lệ 70%; 100% cơ sở sản xuất tuân thủ các quy định về BVMT... thì từ nay đến hết năm 2020, cần tiếp tục bám sát vào các mục tiêu, tiêu chí, kế thừa các giải pháp, biện pháp, cách làm từ nhiều địa phương thành công trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, trong đó đặc biệt chú trọng công tác quản lý rác thải sinh hoạt, rác thải từ quá trình sản xuất nông nghiệp (như chăn nuôi, chế biến nông lâm sản...); quản lý các cơ sở sản xuất, hoạt động chăn nuôi, khai thác và chế biến khoáng sản, đặc biệt là nước thải phát sinh từ các hoạt động này trên địa bàn nông thôn; giải quyết từng bước công tác cấp nước sạch cho người dân; công tác vệ sinh cá nhân tại các hộ gia đình (nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước...). Theo đó, một số giải pháp về BVMT trong xây dựng NTM sau năm 2020 bao gồm:

     Thứ nhất, kiên định với các mục tiêu và tiêu chí đã đạt được của giai đoạn trước, nâng cao chất lượng các tiêu chí và duy trì tính bền vững; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM; phát huy và nhân rộng các mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu.

     Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung thế chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ cho việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường đảm bảo phù hợp với thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu/tiêu chí có tính đến yếu tố vùng miền. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các tiêu chí và hướng dẫn thực hiện tiêu chí nâng cao, tiêu chí kiểu mẫu, cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi, đối tượng trong mối tương quan giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

     Thứ ba, xác định các nguồn lực và quản lý quá trình thực hiện, tăng cường huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư; bên cạnh có, từ việc phân định rõ trách nhiệm của “người gây ô nhiễm phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc xử lý ô nhiễm” để tìm ra những phương thức đầu tư, vay vốn tín dụng, ưu đãi cho xây dựng cảnh quan, xử lý chất thải khu vực nông thôn.

     Thứ, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải, BVMT nông thôn, thực tế hiện nay thiếu những công nghệ phù hợp với khu vực nông thôn, mà quan trọng nhất là công nghệ xử lý CTR, nước thải (tập trung hay phân tán, hiện đại hay truyền thống...), công nghệ canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) an toàn, bền vững về môi trường; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải.

     Thứ năm, áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết những xung đột về môi trường. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, cần thiết song hành cả hai công cụ (tuyên truyền và cưỡng chế), có như vậy mới phát huy được tác dụng của nó. Tuy nhiên, để đảm bảo tính răn đe nhưng không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của người dân, cần bóc tách những nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng các chế tài phù hợp.

     Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp nói trên, các địa phương cần bám sát các mục tiêu đã được xác định trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (đặc biệt là tiêu chí môi trường); chú trọng phân bổ nguồn lực, quan tâm đầu tư cho môi trường, tập trung vào hạ tầng thu gom xử lý chất thải, thoát nước; phân công trách nhiệm và phân cấp hợp lý, tăng cường trách nhiệm cho cơ quan quản lý môi trường các cấp trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương, thẩm tra đề nghị công nhận và tăng cường hậu kiểm về các nội dung môi trường trong xây dựng NTM; nâng dần tính trách nhiệm của cộng đồng, bám sát nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với việc xử lý ô nhiễm” (thông qua việc hình thành cơ chế thu phí vệ sinh, giá dịch vụ môi trường...); quy hoạch khu sản xuất và chăn nuôi tập trung, tách rời khỏi khu dân cư và đầu tư, quản lý theo quy hoạch.

     Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ...) thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên; quyết liệt hơn đối với việc quản lý các phương thức canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai thác lâm sản không thân thiện với môi trường.

     Trong bối cảnh chung của Chương trình xây dựng NTM đến hết năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, dành sự quan tâm đầu tư cho môi trường (đặc biệt là xử lý các điểm nóng về ô nhiễm môi trường); định hướng cho giai đoạn sau năm 2020, cần xác định tiêu chí môi trường, cảnh quan là trọng tâm ưu tiên (cả mảng “xanh” và mảng “nâu”) để phát huy các thành quả đã đạt được và tiếp tục phát triển một cách bền vững, cụ thể trong bộ tiêu chí cần đưa vào định mức, tiêu chuẩn thiết kế đối với các công trình thoát nước, xử lý nước thải nông thôn; quy định tỷ lệ nước thải được thu gom phù hợp với từng vùng miền; quy định yêu cầu vệ sinh môi trường trong việc tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới tiêu; xây dựng mô hình mẫu về xử lý nước thải tại hộ gia đình và cụm dân cư tập trung cũng như các chính sách phát triển mô hình...

 

Nguyễn Hoàng Ánh

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng Môi trường, Tổng cục Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

 

Ý kiến của bạn