Banner trang chủ
Thứ Ba, ngày 23/04/2024

Giữ rừng là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch tại Kon Tum

14/02/2020

     Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được tỉnh  Kon Tum xác định, tập trung các nguồn lực để thực hiện nhằm giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Những năm qua, nỗ lực giữ rừng và khai thác, phát huy thế mạnh của rừng đã góp phần từng bước phát triển du lịch sinh thái, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng.

     Rừng ở Kon Tum phân bố ở hầu hết các huyện/thành phố, song không đồng đều; tập trung nhiều diện tích rừng với độ che phủ của rừng cao chủ yếu ở các huyện Kon Plông, Đắk Glei, Sa Thầy,Tu Mơ Rông. Rừng Kon Tum mang tính đa dạng sinh học cao với khoảng 1.610 loài thực vật thuộc 734 chi của 175 họ thực vật, trong đó có nhiều loài thực vật quý như sâm Ngọc Linh, pơ mu, trầm hương, vàng đắng, trắc, cẩm lai, gõ đỏ... Hệ động vật gồm trên 100 loài thú, 350 loài chim và nhiều loài động vật khác, trong đó có thể kể đến một số loài quý hiếm như hổ, bò rừng, gấu, trĩ... Rừng của  Kon Tum còn được ghi danh vào bản đồ lâm nghiệp của cả nước với những cái tên: Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, rừng đặc dụng Đắk Uy...

     Tiềm năng, lợi thế của rừng đã và đang được tỉnh Kon Tum khai thác phát triển du lịch sinh thái. Trong đó, đầu tư xây dựng, phát triển Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) là điểm nhấn đậm nét. Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt  (ngày 5/2/2013), bước đầu tập trung nguồn lực thực hiện. Với 138.116ha diện tích tự nhiên, vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen không chỉ là khu vực bảo tồn sinh thái, rừng quốc gia, mà còn là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ phát triển sinh thái. Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen gắn với huyện lỵ Kon Plông đã được xác định là một trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh.

     Nhờ nỗ lực xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư, đến nay, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen với các điểm du lịch hồ Đắk Ke, thác Pa Sỹ, tượng Đức Mẹ, chùa Khánh Lâm, thôn Tu Rằng, các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá Con đường xanh Tây Nguyên.

     Măng Đen mang sắc màu cổ xưa trong huyền thoại về sự tích “Bảy hồ, ba thác” và Pa Sỹ là ngọn thác đầu tiên đã trở thành điểm du lịch dã ngoại hấp dẫn. Không ầm ào tiếng nước, không hùng vĩ dáng hình, Pa Sỹ rất dịu dàng và thơ mộng. Thác nước như mái tóc của một thiếu nữ người Trời buông xuống mặt đất. Kề bên thác Pa Sỹ là vườn tượng gỗ với cả trăm bức tượng gỗ dân gian, đa dạng từ người đàn ông cầm rựa, đi rẫy, hút thuốc, đánh đàn, đàn bà đeo gùi, địu con, đi xúc… đến các loài chim, khỉ, rắn, sóc, voi…, mang đậm nét đẹp điêu khắc truyền thống của đồng bào các dân tộc Bắc Tây Nguyên.

     Hồ Toong Đam nằm bên quốc lộ 24, ở ngay trung tâm Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen thuộc xã Đắk Long, huyện Kon Plông, gần sân bay dã chiến (cũ ) thời chiến tranh. Toong Đam nằm trong Khu du lịch Hoàng Vũ Măng Đen do Công ty TNHH Hoàng Tùng đầu tư, khánh thành nhân dịp đón xuân Đinh Dậu 2017. Khu du lịch này có tổng diện tích 30ha, tâm điểm là lòng hồ Toong Đam trong xanh, thơ mộng, rộng chừng 7ha. Bước đầu, đã có hơn 2 tấn cá giống các loại được thả nuôi cùng nhiều lứa vịt trời sinh trưởng.

 

Khu du lịch sinh thái Kon Tu Rằng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

 

     Những năm gần đây, tỉnh Kon Tum đã từng bước hình thành và phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch sinh thái mang đặc trưng của địa phương như tổ chức tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Đắk Uy; tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ở các vùng cảnh quan Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, suối nước nóng Đắk Tô, vùng lòng hồ thủy điện Yaly... Đề án phát triển du lịch đến năm 2020 của tỉnh xác định: tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của Kon Tum; giữ gìn và khai thác tốt tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn; xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, có chất lượng đáp ứng nhu cầu du khách trong nước và quốc tế. Để phát huy rõ nét vai trò của du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh phấn đấu đến 2020 sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch chủ lực. Trong đó, việc phát triển du lịch Kon Tum theo hướng “du lịch xanh” dựa vào thiên nhiên, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng được chú trọng.

     Thực hiện Đề án, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum phối hợp với các sở, ngành và địa phương đã tiến hành khảo sát xây dựng, chuẩn bị giới thiệu tuyến du lịch mới khám phá Ngọc Linh và du lịch sinh thái Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

     Nằm về phía Tây tỉnh Kon Tum,Vườn quốc gia Chư Mom Ray được ghi nhận là nơi có tính đa dạng sinh học cao trong hệ thống các Vườn quốc gia trong cả nước.Cùng với Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh và rừng đặc dụng Đắk Ui, Vườn quốc gia Chư Mom Ray - Vườn di sản ASEAN góp phần làm nên sự đa đạng, phong phú và đặc sắc hệ sinh thái rừng của mảnh đất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng ở cực Bắc Tây Nguyên.

     Theo kết quả khảo sát, Vườn quốc gia Chư Mom Ray có 1.278 loài.Trong số 49 loài thực vật nằm trong sách Đỏ Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray, phải kể đến 2 loài, là ươi (Scaphium sp) và dó bầu quả nhăn (aquilaria rugosa) là những loài đặc hữu địa phương chưa có trong sách Đỏ. Về hệ động vật, đã thống kê được 115 loài và loài phụ thú thuộc 30 họ, 11 bộ. Có 44 bộ đa dạng về loài, là bộ dơi, bộ ăn thịt, bộ guốc, bộ linh trưởng. Đặc biệt, ở bộ guốc chẵn, chỉ thiếu loài hươu xạ là hội tụ toàn bộ các loài thú thuộc bộ này của Việt Nam ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

     Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có tổng diện tích hơn 37.485ha rừng. Đặc tính đa dạng sinh học ở đây được khẳng định với 91 loài ở khu hệ thú, trong đó, có 25 loài trong sách Đỏ Việt Nam, 20 loài trong sách Đỏ thế giới và 24 loài  thuộc quy định của Nghị định 32. Trong tổng số 234 loài ở khu hệ chim, có 10 loài trong sách đỏ Việt Nam, 8 loài trong sách đỏ thế giới... Giai đoạn 2011 - 2015, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đã giao khoán quản lý bảo vệ 11.530ha rừng cho 531 hộ và 4 cộng đồng ở các xã vùng đệm. Giai đoạn 2016 - 2020, giao khoán cho 49 cộng đồng ở các xã vùng đệm quản lý bảo vệ hơn 14.986ha rừng. Năm 2016 - 2017, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước điều tra, nghiên cứu về động, thực vật.

     Có thể khẳng định, giữ rừng là điều kiện tiên quyết để khai thác, phát triển tiềm năng du lịch ở địa bàn có hơn 80% là rừng và đất rừng như Kon Tum. Cùng với phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, lĩnh vực du lịch nông nghiệp cũng được tỉnh định hướng trên cơ sở khai thác lợi thế đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

     Tuy vậy, tỉnh Kon Tum đang đứng trước thử thách không nhỏ về nguồn lực phục vụ du lịch. Trước hết phải kể đến là nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các điểm du lịch và bổ sung các sản phẩm du lịch mang nét đặc thù. Song song với đòi hỏi về nguồn nhân lực đủ về số lượng và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, là yêu cầu mở rộng liên kết, kết nối các nguồn lực phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của các tỉnh, thành trong nước và trong khu vực tam giác phát triển.

     Việc tập trung các nguồn lực để thực hiện thắng lợi chương trình của Tỉnh ủy và Đề án phát triển du lịch đến năm 2020 sẽ tạo động lực để tỉnh Kon Tum tạo chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này trong những năm tới.

 

Đỗ Văn Minh

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum

Đặng Thanh Hòa

Thông tấn xã Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 4/2019)

 

 

Ý kiến của bạn