Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/04/2024

Cơ chế giảm và bù đắp các bon đối với hàng không quốc tế (CORSIA) của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)

07/02/2020

     Cơ chế giảm và bù đắp các bon đối với các chuyến bay quốc tế (CORSIA) của Đại hội đồng Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tê (ICAO)

     Ngày 6/10/2016, phiên họp thứ 39 của ICAO kết thúc với việc thông qua kế hoạch toàn cầu dựa trên các biện pháp thị trường để giải quyết lượng phát thải CO2 từ hàng không quốc tế. Với sự nhất trí cao của ICAO cho thấy, ngành công nghiệp hàng không quyết tâm duy trì các cam kết về BĐKH(BĐKH) và góp phần đáp ứng các mục tiêu quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Trong năm 2009, ngành hàng không đặt ra ba mục tiêu toàn cầu để giải quyết tác động của khí hậu: (1) Cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu trung bình hàng năm là 1,5% từ năm 2009 -2020; (2) Ổn định lượng phát thải CO2 ròng ở mức năm 2020, không tăng phát thải các bon. Biện pháp toàn cầu dựa vào thị trường là một trong những yếu tố giúp ngành hàng không đáp ứng mục tiêu trung hạn không tăng phát thải các bon từ năm 2020, bằng cách bổ sung công nghệ, nhiên liệu hàng không thân thiện với môi trường, các biện pháp khai thác và cơ sở hạ tầng. (3) Đến năm 2050, giảm lượng khí thải CO2 của hàng không xuống còn một nửa so với năm 2005. Mục tiêu đầy tham vọng này sẽ chỉ có thể đạt được với việc tiếp tục đầu tư vào các công nghệ mới và cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ cho việc triển khai nhiên liệu hàng không thân thiện với môi trường.

     Những mục tiêu giảm CO2 này là tham vọng, nhưng có thể đạt được và Chiến lược mà ngành hàng không đã thực hiện đang mang lại kết quả tích cực. Khả năng đạt được mục tiêu không tăng phát thải các bon gần đây đã được đảm bảo bởi sự đồng thuận triển khai Chương trình bù đắp và giảm phát thải các bon cho CORSIA của ICAO vào tháng 10/2016.

     Ngành hàng không cam kết cải tiến công nghệ, khai thác và cơ sở hạ tầng để tiếp tục giảm lượng khí thải các bon của ngành. Việc bù đắp không nhằm thay thế những nỗ lực này. CORSIA có thể giúp ngành đạt được các mục tiêu khí hậu trong ngắn hạn và trung hạn bằng cách bổ sung các sáng kiến ​​giảm phát thải trong ngành.

     Mục tiêu thứ ba của hàng không là thách thức lâu dài cho ngành. Không tăng trưởng các bon từ năm 2020 là một biện pháp duy trì, chứ không phải là một giải pháp toàn diện. Giảm phát thải tổng thể xuống một nửa không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhưng công việc đã được tiến hành để đặt nền móng cho quá trình giảm phát thải. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được thông qua phát triển và đổi mới công nghệ, lĩnh vực thế mạnh của ngành hàng không, với sự đầu tư và hỗ trợ phù hợp của các Chính phủ.

     CORSIA được thiết lập bởi Nghị quyết Đại hội đồng ICAO A39-3 là cơ chế bù đắp toàn cầu. Theo CORSIA, các nhà khai thác tàu bay sẽ được yêu cầu mua và hủy "các đơn vị phát thải" để bù đắp sự gia tăng lượng khí thải CO2 được đề cập trong chương trình. Thuật ngữ "nhà khai thác tàu bay" được ICAO sử dụng để loại trừ các hoạt động trực thăng khỏi phạm vi áp dụng của CORSIA. Ngoại trừ các chuyến bay nhân đạo, y tế và cứu hỏa. Tất cả các hoạt động dân dụng của máy bay đều được CORSIA điều chỉnh, bao gồm cả chuyến bay theo lịch và không theo lịch, chuyến bay chở khách và hàng hóa, huấn luyện và kỹ thuật, cũng như hàng không chung và cá nhân.

     CORSIA đặt mục tiêu giải quyết bất kỳ sự gia tăng hàng năm trong tổng lượng khí thải CO2 từ hoạt động hàng không dân dụng quốc tế so với mức năm 2020.Với mục đích của CORSIA, các chuyến bay quốc tế được định nghĩa là các chuyến bay khởi hành tại một quốc gia thành viên ICAO và đến một quốc gia thành viên ICAO khác. Mức cơ sở sẽ không phải là mức phát thải vào năm 2020, mà là mức phát thải trung bình của năm 2019 và 2020. Sử dụng mức trung bình sẽ hạn chế tác động của bất kỳ biến động bất thường nào trong lưu lượng hàng không vào năm 2020.

     Trong bối cảnh giải quyết các mối lo ngại về biến đổi khí hậu, bù đắp là một hành động của một công ty hoặc cá nhân để bù đắp cho lượng khí phát thải của họ bằng cách tài trợ giảm phát thải ở nơi khác. Trong khi bù đắp các-bon không yêu cầu các công ty giảm phát thải của họ, nó cung cấp một lựa chọn hiệu quả về môi trường cho các lĩnh vực mà tiềm năng để tiếp tục giảm phát thải bị hạn chế hoặc chi phí giảm phát thải quá cao. Bù đắp và thị trường các bon đã là một thành phần cơ bản của chính sách giảm khí phát thải toàn cầu, khu vực, quốc gia. Những chính sách này đã thực hiện trong nhiều thập kỷ vì các mục đích tuân thủ và giảm phát thải tự nguyện, và tiếp tục là một cơ chế hiệu quả để củng cố hành động chống lại biến đổi khí hậu. Có thể sử dụng nhiều cách để giảm lượng CO2 như bù đắp các bon, phần lớn lượng bù đắp này mang lại các lợi ích xã hội, môi trường và/hoặc ngành kinh tế khác có liên quan đến phát triển bền vững. Bù đắp như vậy có thể được lấy từ các loại hoạt động dự án khác nhau (ví dụ: các dự án năng lượng tái tạo) và có thể được mua thông qua các nhà cung cấp bù đắp chuyên dụng hoặc môi giới các bon.

      Các giai đoạn áp dụng của CORSIA của ICAO

Nguồn: ICAO

 

     Để giải quyết các mối quan tâm của các quốc gia đang phát triển và có tính đến các hoàn cảnh đặc biệt và khả năng tương ứng của các quốc gia, CORSIA sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn. Tuy nhiên, việc triển khai theo từng giai đoạn chỉ liên quan đến các yêu cầu bù đắp. Tất cả các Nhà khai thác tàu bayphát thải hơn 10.000 tấn CO2 mỗi năm đối với các chuyến bay quốc tế sẽ phải báo cáo lượng phát thải cho tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 1/1/2019, bao gồm cả các chuyến bay đến/từ các quốc gia được miễn trừ.

     Đối với CORSIA, các sân bay ở các vùng lãnh thổ hải ngoại được coi là thuộc Quốc gia thành viên ICAO tương ứng. Đây cũng là trường hợp cho các lãnh thổ hải ngoại có thể, trong một số tổ chức, được đồng hóa với các quốc gia đang phát triển đảo nhỏ. Ví dụ: các chuyến bay đến/từ Polynesia thuộc Pháp sẽ được coi như các chuyến bay đến/từ lục địa Pháp.

     Sự tham gia của một số nước từ giai đoạn thử nghiệm (pilot phase) - Những điểm nhìn tham chiều cho Việt Nam

     Đến 29/6/2018, 72 quốc gia đã bày tỏ ý định tham gia trong giai đoạn tự nguyện, đại diện cho khoảng 75.95​% hoạt động hàng không quốc tế, bao gồm các nước có hoạt động hàng không quốc tế lớn như các nước G7 (Ca-na-đa, Mỹ, Nhật Bản, Ý, Đức, Anh, Pháp, Úc). Các nước khu vực đông nam Á dự kiến tình nguyện tham gia gồm: In-đô-nê-xia, Xing-ga-po, Ma-lai-xia, Thái Lan .

     Tuy nhiên, những nước có hoạt động hàng không quốc tế lớn như Brazil, Chile, Nam Phi, Nga, Trung Quốc và Ấn độ hiện chưa bày tỏ ý định tham gia trong giai đoạn tự nguyện.

     Lợi ích của các thành viên tham gia CORSIA:

     Ngoài tầm quan trọng chính mà các quốc gia tập trung thực hiện là bảo vệ môi trường và đặc biệt quan trọng là các hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, 3 lý do chính để tham gia CORSIA là:

     Một là, BĐKH là vấn đề toàn cầu, đòi hỏi phải có sự nỗ lực toàn cầu. CORSIA là một chương trình toàn cầu của ngành hàng không quốc tế toàn cầu. Càng nhiều quốc qua tham gia CORSIA, chương trình càng kiểm soát được nhiều khí phát thải (tính toàn vẹn môi trường đạt được cao hơn). Mỗi quốc gia tham dự trong CORSIA sẽ mang chúng ta gần hơn với mục tiêu mong ước toàn cầu của ICAO là không tăng trưởng các-bon từ năm 2020. Thậm chí, nếu 1 quốc gia không có Nhà khai thác tàu bay đăng ký (do vậy sẽ không có chi phí tuân thủ CORSIA), khi tham gia vào chương trình sẽ thêm vào các đường bay do các nhà khai thác tàu bay nước ngoài khai thác giữa quốc gia đó và các quốc gia tham gia, do vậy sẽ tăng phạm vi kiểm soát phát thải của chương trình. Quốc gia quan tâm đến du lịch sinh thái cũng sẽ hưởng lợi do việc kết nối giao thông “hàng không xanh”.

     Hai là, các quốc gia tình nguyện tham gia giai đoạn thử nghiệm của CORSIA (từ năm 2021 - 2023) và yêu cầu hỗ trợ sẽ được ưu tiên để xây dựng năng lực và trợ giúp, nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện CORSIA dưới tiêu chí “không quốc gia nào lùi lại phía sau”. Xây dựng dựa trên cơ sở xây dựng năng lực và các sáng kiến trợ giúp, điều này có thể tạo thêm sự hiệp lực cho việc cải thiện các vấn đề môi trường trong quốc gia này.

     Ba là, nghị quyết A39-3 của Hội đồng ICAO yêu cầu hội đồng thúc đẩy việc sử dụng các đơn vị phát thải có lợi cho các nước đang phát triển. Các thành viên trong CORSIA sẽ làm tăng nhu cầu đối với các đơn vị phát thải do các nhà khai thác tàu bay mua, do đó tăng các ưu đãi đầu tư vào các dự án giảm phát thải của quốc gia thành viên.

     Một số nhận xét về CORSIA

     Hiện nay, trên thế giới đã có Liên minh châu Âu thực hiện chương trình kiểm soát và mua bán phát thải (EU ETS) áp dụng đối với tất cả các chuyến bay giữa các quốc gia ngoài châu Âu với quốc gia châu Âu và các chuyến bay trong châu Âu. Tuy nhiên, với sự hình thành của CORSIA, EU đã có những hành động hỗ trợ như tạm dừng ETS đối với tất cả các chuyến bay tới/từ EU. Ngoài ra, một số nước lớn cũng đã từng manh nha triển khai các chương trình tương tự tại nước mình.

     CORSIA là cơ chế toàn cầu về các giải pháp kiểm soát, giảm phát thải, do đó được sự ủng hộ rộng rãi về mặt nguyên tắc của hầu hết các nước trên thế giới. Sự ra đời của CORSIA sẽ tránh được việc áp dụng các chương trình riêng lẻ của các quốc gia hoặc khu vực đối với hoạt động hàng không quốc tế, và do đó cũng công bằng hơn đối với các nước.

     Các biện pháp bù đắp phát thải của CORSIA dựa trên các quy luật của thị trường toàn cầu (GMBM), theo nguyên tắc là Nhà khai thác tàu bay phải bù đắp lượng phát thải của mình bằng cách mua lại những đơn vị phát thải trên thị trường. Các đơn vị phát thải sẽ được cấp cho các dự án mới có tác động tốt với môi trường (trồng rừng,…), tái tạo năng lượng (điện mặt trời, điện gió…), các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường (năng lượng sinh học, năng lượng sạch…). Vì vậy, CORSIA mượn bàn tay vô hình của thị trường để điều chỉnh giảm phát thải, và nguồn tài chính từ chi phí bù đắp phát thải của các Nhà khai thác tàu bay sẽ đến được các dự án làm lợi cho môi trường - những người làm công việc này hiệu quả hơn các hãng hàng không, không phân biệt quốc gia, tổ chức.

      Do CORSIA đang được triển khai hoàn toàn mới và trên thế giới chưa từng có tiền lệ nên các yêu cầu của chương trình còn tiếp tục được hoàn thiện, có thể thay đổi, cập nhật; việc cụ thể hóa các yêu cầu để triển khai thực hiện còn chưa đầy đủ. CORSIA cũng có hạn chế là do cần sự đồng thuận của đa số các quốc gia nên việc đưa ra những quyết sách cần nhiều thời gian và đôi khi khó khăn, bế tắc do bất đồng quan điểm khi các nước bảo vệ quyền lợi cá nhân của mình.

 

Vũ Thị Thanh, Trương Hải Nam, Nguyễn Thanh Tùng, Vũ Thanh Tùng

Cục Hàng không Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 3/2019)

 

Ý kiến của bạn