Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Đánh giá mức độ ô nhiễm bụi mịn (PM10 và PM2,5) trong nhà tại các căn hộ ở Hà Nội

04/04/2020

     Tóm tắt: Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, các hoạt động của con người đã làm tăng đáng kể nồng độ các chất khí gây ô nhiễm trong không khí và bụi mịn (PM2,5, PM10) ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng PM2.5 và PM10 có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe con người, bao gồm cả tử vong sớm. Kết quả đo lường bụi PM2,5 và bụi PM10 bên trong nhà tại các căn hộ chung cư của nghiên cứu này cho thấy sự tương quan giữa nồng độ bụi trong nhà, hoạt động hàng ngày và chất lượng không khí ngoài nhà. Ngoài ra vị trí căn hộ theo chiều cao và giải pháp thông gió cũng ảnh hưởng đến nồng độ bụi PM2,5 và PM10 trong phòng. Nồng độ bụi PM2,5 trong các phòng đều vượt so với quy định của Tiêu chuẩn ASHREA và Singapore từ 1,5 đến 2,4 lần. Nồng độ bụi PM10 nằm trong khoảng chấp nhận được.

     Từ Khóa: PM2,5; PM10; bụi trong nhà; chất lượng không khí.

     1. Giới thiệu

     Trong khoảng hai thập thập kỷ gần đây ô nhiễm không khí và những tác động của nó tới sức khỏe con người đang là mối quan tâm rất lớn trên phạm vi toàn cầu. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định các chất gây ô nhiễm không khí như nitơ đioxitide (NO2), sulfurdioxide (SO2), ozone (O3) và bụi (PM) gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, trong đó ô nhiễm bụi có kích thước nhỏ (PM2,5, PM10) là một trong những vấn đề đang được quan tâm nhất [1, 2]. Bụi có kích thước nhỏ (PM2,5, PM10) đã và đang được xem như một chỉ thị của sự ảnh hưởng, tác động đến số người chết sớm gây ra bởi các bệnh về tim phổi và ung thư phổi [3].

     Tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có liên quan đến tử vong và nhập viện của phụ nữ (độ tuổi trung bình 63 tuổi), triệu chứng lần đầu xuất hiện bệnh tim mạch tăng lên 1,24 lần và các nguyên nhân liên quan đến tim mạch tăng lên 1,19 lần khi thay đổi mỗi 10mg của PM2,5 trong một mét khối không khí [4]. Theo nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh quá trình tiếp xúc ngắn hạn đối với sự gia tăng 10 μg/m3 của mỗi chất gây ô nhiễm không khí, thì nguy cơ nhập viện do hô hấp tăng từ 0,7% lên 8% trong khi nguy cơ nhập viện các bệnh lên liên quan đến tim mạch tăng từ 0,5% đến 4% [5].

 

Hình 1. Biến động nồng độ PM10, PM 2.5 giữa các khu vực miền Bắc và miền Trung

(Nguồn: [ 7 ])

 

Các đô thị phía Bắc Việt Nam đều có nồng độ bụi trung bình năm trong môi trường không khí xung quanh ở mức cao thể hiện trên Hình 1 trong đó Hà Nội là thành phố có mức độ ô nhiễm bụi cao nhất [6, 7] giá trị trung bình năm của PM10 và PM2.5 đều cao trong khoảng tương ứng là 73,5µg/m3 và 47,45µg/m3, trong khi đó các thành phố khu vực miền Trung đền nằm dưới ngưỡng khuyến cáo của WHO, điều này cho thấy các khu vực sát biển và có ít hoạt động công nghiệp và xây dựng có chất lượng không khí tốt hơn. Tuy nhiên bụi PM10 và PM2,5 có giá trị vượt quá giới hạn trong QCVN 05:2013/BTNMT trung bình 24 giờ có xu hướng tăng lên [7, 8].

     Mật độ xây dựng tại đô thị phân bố không đều, ngày càng nhiều nhà cao tầng được xây dựng, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống và làm việc của người dân. Trong khi thông tin về chất lượng không khí trong nhà tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, có một nghiên cứu về số lượng hạt trung bình hàng ngày trong nhà và ngoài trời trong giai đoạn giám sát lần lượt là 1,9x104 p/cm3 và 3,3x104 p/cm3 (trong các tài liệu KH và tiêu chuẩn về bụi trên thế giới hiện nay không ai dùng đơn vị p/cm3, vì vậy cần phải chuyển đổi đơn vị p/cm3 sang đơn vị µg/m3, nếu không chuyển đổi được thì nên bỏ đoạn này đi)  và gia tăng trong giờ cao điểm tại sáu hộ gia đình ở Hà Nội [9]. Tuy nhiên, cũng chưa có khảo sát, đánh giá nào về bụi (PM2,5, PM10) đối với không gian sống trong các nhà cao tầng, theo [10] một loạt các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm có liên quan đến phơi nhiễm bụi. Vi-rút cúm A, bệnh cầu trùng phổi, viêm phổi do vi khuẩn và viêm màng não mô cầu là một vài ví dụ về các bệnh truyền nhiễm liên quan đến bụi. Trong số các bệnh không nhiễm trùng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn và bệnh phổi cũng có liên quan đến tiếp xúc với bụi. Nghiên cứu này tiến hành khảo sát, đo lường và đánh giá mức độ ô nhiễm bụi (PM2,5 và PM10) trong nhà ở đặc biệt là các tòa nhà cao tầng nơi tập trung mật độ dân số cao tại khu vực Hà Nội.

     2. Lựa chọn địa điểm và thiết bị để đo bụi PM10 và PM2.5

     2.1. Lựa chọn khu vực nghiên cứu

     Tính đến tháng 4 năm 2019, Hà Nội có khoảng 8,0 triệu nhân khẩu, dân số thành thị chiếm 49,2%, trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, chưa tính đến sự gia tăng cơ học từ người nhập cư [11]. Cùng với sự gia tăng dân số mật độ xây dựng và phương tiện giao thông làm gia tăng rất lớn áp lực tới hạ tầng và môi trường của thành phố, trong khoảng 5 năm trở lại đây mức độ gia tăng này phân bố khá đều trong khu vực khảo sát, bắt đầu có sự dịch chuyển ra ngoài về phía Tây Nam của khu vực phố cổ.

     Khu vực được lựa chọn để nghiên cứu bao gồm 03 điểm S1, S2, S3 của 03 tòa nhà chung cư cao tầng T1, T2, T5 nằm giữa đường vành đai 3 (VĐ 3) và Đại lộ Thăng Long; điểm S4 là tòa nhà Chung cư nằm về phía lõi đô thị giữa đường vành đai 1 (VĐ 1) và đường vành đai 2 (VĐ 2); điểm S5 nhà chung cư nằm giữa VĐ 2 và VĐ 2,5; điểm S6 là nhà liền kề nằm sát mặt đường giao thông trong khu dân cư. Các điểm khảo sát nằm xem kẽ giữa các đường vành đai và phân bố theo không gian từ bên ngoài vào lõi của thành phố, đây là những tuyến đường có mật độ giao thông đông đúc của Hà Nội (Hình 2).

 

Hình 2. Địa điểm lấy mẫu bụi PM2,5 và PM10 tại các tòa nhà khu vực Hà Nội

 

     Bảng 1. Thông tin vị trí khảo sát

 

Mẫu đo

S1

S2

S3

S4

S5

S6

Thời gian đo

Tháng 9, 10  (2018)

Thời gian

05 ngày (24 giờ)

Phòng

Phòng khách

Phòng khách

Phòng khách

Phòng khách

Phòng khách

Phòng làm việc

Thông gió

Thông gió tự nhiên

Loại nhà

Căn hộ chung cư

Nhà liền kề

Vị trí

Tầng 18

Tầng 2

Tầng 18

Tầng 5

Tầng 3

Tầng 3

Khoảng cách đến đường giao thông chính

1,2 km (VĐ3) 

0,6 km (Đại lộ Thăng Long)

 

200m

(VĐ 2)

50m

(VĐ 2.5)

20m

(đường rộng 5m)

 

     2.2. Thiết bị đo và thông số đo

     Việc khảo sát, đo lường được tiến hành trong tháng 9 và tháng 10 (năm nào?) các thông số khảo sát bụi PM2.5 và PM10. Vị trí điểm đo là phòng khách của các căn hộ chung cư, độ cao đặt thiết bị cách mặt sàn 1,2 m. Đối với mỗi vị trí đo 5 ngày đêm liên tục trong 24 giờ.

     Thiết bị đo MoD được sử dụng để lấy mẫu bụi, với cảm biến có độ phân giải cao 0,3 μg/m3, phạm vi đo 0,0 – 999,9 μg/m3, chuyên dụng để đo bụi trong không khí [12, 13]. Sau khi thu thập dữ liệu được lưu trữ trên thẻ nhớ micro-SD 16GB sử dụng phân tích, đánh giá.

     3. Kết quả và thảo luận

     3.1. Diễn biến nồng độ Bụi PM2.5 và PM10 trung bình ngày đêm giữa các khu vực

     Kết quả nhận dạng và phân tích bụi PM2,5 và PM10 tại một số khu vực ở Hà Nội được thể hiện trên Hình 3 cho thấy thành phần các hạt bụi có sự thay đổi theo ngày và theo từng khu vực. PM10 đo được tại điểm S1 từ 11,8 đến 81,2µg/m3, tại điểm S2 từ 12,08 đến 222,28µg/m3, tại điểm S3 từ 5,42 đến 170,84µg/m3, tại điểm S4 từ 46,07 đến 124,59µg/m3, tại điểm S5 từ 13,8 đến 141,68µg/m3, tại điểm S6 từ 24,96 đến 121,55µg/m3. Trong đó PM2,5 đo được tại điểm S1 từ 6,7 đến 66,8µg/m3, tại điểm S2 từ 7,86 đến 123,2µg/m3, tại điểm S3 từ 2,33 đến 86,6µg/m3, tại điểm S4 từ 20,58 đến 50,65µg/m3, tại điểm S5 từ 11,16 đến 127,28µg/m3, tại điểm S6 từ 13,57 đến 66,44µg/m3.

 

 Hình 3. Phân bố nồng độ bụi PM2,5 và PM10 tại các vị trí khảo sát theo thời gian

 

     Kết quả thu thập đối với các mẫu từ S1 đến S6 (Hình 4) và theo Bảng 1 với chiều tầng cao của các căn hộ khác nhau, cho thấy nồng độ bụi PM2,5 và PM10 có xu thế giảm dần theo chiều cao.

     Các giá trị đo đạc được thể hiện trên Hình 3 và các phòng được mô tả theo Bảng 1 cho thấy mối tương quan giá trị của PM10, PM2,5 đối với vị trí các căn hộ và các tuyến đường giao thông chính của thành phố. Điều đó cũng cho thấy môi trường không khí trong nhà bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường bên ngoài [14].

     Các tiêu chuẩn của các nước trên thế giới khuyến cáo viện dẫn cho bụi PM2.5 dao động từ 15 đến 65 µg/m3, cho bụi PM10 dao động từ 50 đến 150 µg/m3 [15-17]. Trong các so sánh, đánh giá có lựa chọn tiêu chuẩn ASHREA của Mỹ là chuẩn so sánh PM2.5 (PM2.5 = 15 µg/m3) và tiêu chuẩn Singapo là chuẩn so sánh PM10 (PM10 = 50 µg/m3). Trung bình các giá trị PM2,5 và PM10 tại điểm S1 là 25µg/m3 và 33,5µg/m3, tại điểm S2 là 36µg/m3 và 50,9µg/m3 và tại điểm S3 là 16µg/m3 và 31,9µg/m3. Các giá trị PM2,5 tại các điểm đều vượt tiêu chuẩn, các giá trị PM10 là chấp nhận được. Đối với địa điểm Mễ Trì (S1, S2, S3) kết quả cho thấy mẫu S2 cho giá trị lớn nhất, đây là căn hộ tầng 2 có một mặt tường bên ngoài tiếp giáp đường giao thông nội bộ đi lên từ hầm tòa nhà, giá trị PM2,5 và PM10 lớn nhất vào thời điểm từ 7 giờ đến 9 giờ sáng. Mẫu S1 và S3 cho thấy các giá trị PM2,5 và PM10 thấp hơn S1, đây là hai căn hộ trên tầng 18, điều này chứng tỏ nồng độ bụi mịn giảm dần theo chiều cao công trình.

 

    Hình 4. So sánh phân bố nồng độ bụi mịn (PM2,5 và PM10) tại các tòa nhà

 

     Giá trị nồng độ bụi PM2,5 và PM10 trung bình ngày đêm tại các điểm đo S4 là 31,7 µg/m3 và 70,3 µg/m3, điểm S5 là 35,6 µg/m3 và 39,5 µg/m3, điểm S6 là 30 µg/m3 và 58,9 µg/m3. Giá trị của bụi PM2,5 đều vượt tiêu chuẩn từ 2 lần trở lên, đối với giá trị PM10 chỉ có điểm S4 thông số này vượt tiêu chuẩn do khu vực đang chịu ảnh hưởng của việc thi công tuyến đường trên cao, căn hộ ở tầng 5, hướng ra phía đường Trường Chinh, phòng đặt thiết bị đo có cửa thông với văn phòng làm việc, tòa nhà cách theo chiều vuông góc với đường VĐ 2 là 200m.

     3.2. Ảnh hưởng bụi (PM2,5 và PM10) và thông gió đến sức khỏe con người

     Theo số liệu thống kê từ Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho thấy chất lượng môi trường không khí xung quanh khá khác biệt giữa các khu vực của thành phố và các vị trí đặt 10 trạm quan trắc. Nồng độ các chỉ tiêu quan trắc và số ngày có nồng độ vượt quá giới hạn Quy chuẩn Việt Nam ở các trạm khu vực giao thông (Minh Khai – Bắc Từ Liêm và Đường Phạm Văn Đồng) luôn cao hơn khá nhiều so với các trạm được đặt tại các khu dân cư và cận đô thị (Hoàn Kiếm, Kim Liên, Tân Mai, Trung Yên). Các phương tiện giao thông có động cơ đã được biết đến như là một nguồn quan trọng đóng góp rất lớn vào việc gây ô nhiễm không khí tại các đô thị ở các nước đang phát triển [18][19].

     Theo một số nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí xung quanh có nguy cơ gây ra các bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm có liên quan đến phơi nhiễm bụi như vi-rút cúm A, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn [10], còn tại Việt Nam ô nhiễm không khí xung quanh có liên quan đến sức khỏe dân số chủ yếu là các bệnh liên quan đến đường hô hấp [5].

     Ngoài ra theo nghiên cứu của Gou và cộng sự tại Hong Kong cho thấy các PAHs (benzo [b] fluoranthene, pyrene, fluoranthene, indeno [1,2,3-cd] pyrene và chryseneT) chiếm từ 50%-82% trong bụi PM2,5 và PM10, chủ yếu có trong PM2,5 [20]. PAHs và các hợp chất liên quan đã được các báo cáo chỉ ra là tác nhân gây ung thư, đột biến gen và quái thai, chúng có thể gây ra rất nhiều tác động độc hại khác nhau đối với con người và động vật [21-23].

     Chất lượng không khí trong nhà, ảnh hưởng do lưu lượng và chất lượng của không khí sạch cấp vào, bị ô nhiễm bởi chính các hoạt động của con người và của các vật liệu được sử dụng trong công trình [24], các căn hộ khảo sát đều thông gió tự nhiên, điều đó cho thất bụi mịn bên trong nhà phụ thuộc vào hệ thống thông gió của phòng, độ kín khít của kết cấu bao che (cửa sổ, cửa đi) và hoạt động hàng ngày. Hiện nay công tác thiết kế các công trình chưa được quan tâm đến chất lượng vi khí hậu và chất lượng không khí trong nhà, đặc biệt là hệ thống cấp gió tươi và lọc bụi, khử khuẩn.

     4. Kết luận

     So sánh các trị số kết quả đo lường bụi PM2,5 và bụi PM10 bên trong của 06 tòa nhà nêu trên có thể thấy sự tương quan giữa nồng độ bụi trong nhà, chế độ sinh hoạt của các gia đình và chất lượng không khí ngoài nhà. Giá trị trung bình của bụi PM2,5 đối với các địa điểm dao động khá gần nhau đều vượt tiêu chuẩn của ASHREA, còn đối với bụi PM10 giá trị này có khoảng dao động khá lớn và đa số đều dưới tiêu chuẩn cho phép của Singapore. Các giá trị này cũng được ghi nhận khá rõ ràng có nồng độ trong khung giờ ban ngày cao hơn vào ban đêm, riêng giá trị PM2,5 trong các khung giờ đều cao hơn tiêu chuẩn từ 1,6 lần. Điều này cho thấy cần có giải pháp cụ thể trong việc kiểm soát các nguồn thải tránh phát tán ô nhiễm ra môi trường không khí.

     Ngoài ra việc phân tích các hợp chất có trong bụi mịn (PM2,5 và PM10), trong đó tỷ lệ giữa các PAH, thành phần kim loại được xác định từ quá trình phân tích thực nghiệm là chỉ thị góp phần nhận diện nguồn thải để đưa ra các biện pháp hạn chế hoặc loại bỏ các nguồn gây ô nhiễm này.

     Hiện tại Việt Nam đã ban hành khá tốt và đầy đủ tài liệu hướng dẫn về thiết kế và thi công hệ thống điều hòa không khí và thông gió. Tuy nhiên vẫn còn bỏ ngỏ về khả năng kiểm soát, vận hành các hệ thống này và đặc biệt cần nhanh chóng ban hành Tiêu chuẩn mới về chất lượng không khí trong nhà dân dụng để phù hợp với quá trình phát triển đô thị và ứng phó với sự ô nhiễm môi trường không khí hiện nay.

 

Nguyễn Thành Trung1, 2*, Lê Thị Huyền1, Nguyễn Văn Hào1,

Trần Thị Hồng2, Lê Hữu Tuyến3

Khoa Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng

 2Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

 3Trung tâm Nghiên cứu công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 1/2020)

 

     Lời cảm ơn: Công trình nghiên cứu được hỗ trợ kinh phí từ đề tài mã số Nafosted 104.99-2015.88 của Quỹ Nafosted. Các tác giả trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của các đồng nghiệp tại Bộ môn Năng lượng và Môi trường, Trường Đại học Xây dựng trong quá trình thực hiện.

ASSESSMENT OF FINE DUST POLLUTION (PM10, PM2.5) AT HANOI APARTMENTS

     Abstract: Human activities have significantly increased the concentration of air pollutants and particulate matter (PM2.5, PM10) in both urban and rural regions since the industrial revolution. Previous epidemiological studies have shown that PM2.5 and PM10 has significant influences on human health including premature mortality. This study, which measured concentration of PM2.5 and PM10 inside apartments, showed a correlation among indoor dust concentration, daily activities and outdoor air quality. In addition, the height of the apartment and its ventilation solution also impact the concentration of indoor PM2.5 and PM10. The concentrations of measured indoor PM2.5 were higher than the specified value in ASHREA and Singapore Regulations from 1.5 to 2.4 times. The concentrations of measured indoor PM10 were within acceptable range.

     Keywords: PM2,5; PM10; indoor dust; air quality.

 

     Tài liệu tham khảo

1.       Kappos, A.D., et al., Health effects of particles in ambient air. International journal of hygiene and environmental health, 2004. 207(4): p. 399-407.

2.       Beckerman, B.S., et al., The association between chronic exposure to traffic-related air pollution and ischemic heart disease. Journal of Toxicology and Environmental Health, Part A, 2012. 75(7): p. 402-411.

3.       Silva, R.A., et al., Global premature mortality due to anthropogenic outdoor air pollution and the contribution of past climate change. Environmental Research Letters, 2013. 8(3): p. 034005.

4.       Miller, K.A., et al., Long-term exposure to air pollution and incidence of cardiovascular events in women. New England Journal of Medicine, 2007. 356(5): p. 447-458.

5.       Phung, D., et al., Air pollution and risk of respiratory and cardiovascular hospitalizations in the most populous city in Vietnam. Sci Total Environ, 2016. 557-558: p. 322-30.

6.       Amann, M., et al., Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam.

7.       Anh, L.H., D.T. Nam, and V.N. Luan, Particulate matter pollution in some cities in Vietnam - Temporal variations and spatial distribution of ambient PM10 and PM2.5 concentrations, in North Center for Environmental Monitoring. 2018.

8.       Hùng, T.Đ., et al., Ứng dụng công nghệ Gis và vệ tinh giám sát thay đổi hàm lượng bụi PM2. 5 ở Miền bắc Việt Nam (2000–2005-2010).

9.       Quang, T.N., et al., Exploratory assessment of indoor and outdoor particle number concentrations in Hanoi households. Sci Total Environ, 2017. 599-600: p. 284-290.

10.     Schweitzer, M.D., et al., Lung health in era of climate change and dust storms. Environmental research, 2018. 163: p. 36-42.

11.     Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019. Nhà xuất bản thống kê, 2019.

12.     Trung, N.T., et al., Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị giám sát chất lượng môi trường không khí ở khu vực dân cư đô thị. Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2014.

13.     Trung, N.T., et al., Thiết kế và xây dựng mạng lưới giám sát bụi PM2,5 và PM10 theo thời gian thực. Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng (KHCNXD)-ĐHXD, 2020. 14(1V): p. 114-120.

14.     Meng, Q.Y., et al., Influence of ambient (outdoor) sources on residential indoor and personal PM2.5 concentrations: analyses of RIOPA data. J Expo Anal Environ Epidemiol, 2005. 15(1): p. 17-28.

15.     Quinn, P., Illinois Department of Public Health Guidelines for Indoor Air Quality. Illinois Department of Public Health. Environmental Health Fact Sheet. Retrieved in May, 2012.

16.     ASHRAE, A., ASHRAE Standard 62.12016, Ventilation for Acceptable Indoor Air Quality. American Society of Heating, Refrigerating, and Air-Conditioning Engineers, Inc.: Atlanta, GA, 2016.

17.     Singapore, S., Singapore Standard SS 554: 2009: Code of Practice for Indoor Air Quality for Air-Conditioned Buildings. Building and Construction Standards Committe, 2009.

18.     Goyal, P., D. Mishra, and A. Kumar, Vehicular emission inventory of criteria pollutants in Delhi. SpringerPlus, 2013. 2(1): p. 216.

19.     Oanh, N.T.K., M.T.T. Phuong, and D.A. Permadi, Analysis of motorcycle fleet in Hanoi for estimation of air pollution emission and climate mitigation co-benefit of technology implementation. Atmospheric environment, 2012. 59: p. 438-448.

20.     Guo, H., et al., Particle-associated polycyclic aromatic hydrocarbons in urban air of Hong Kong. Atmospheric Environment, 2003. 37(38): p. 5307-5317.

21.     Behnisch, P.A., K. Hosoe, and S.-i. Sakai, Bioanalytical screening methods for dioxins and dioxin-like compounds—a review of bioassay/biomarker technology. Environment International, 2001. 27(5): p. 413-439.

22.     Sjögren, S., et al., The p53 gene in breast cancer: prognostic value of complementary DNA sequencing versus immunohistochemistry. JNCI: Journal of the National Cancer Institute, 1996. 88(3-4): p. 173-182.

23.     Nebert, D.W., et al., Role of aryl hydrocarbon receptor-mediated induction of the CYP1 enzymes in environmental toxicity and cancer. Journal of Biological Chemistry, 2004. 279(23): p. 23847-23850.

24.     Phạm Thị Hải Hà, N.T.T., Chất lượng không khí trong nhà và các khuyến nghị trong công tác thiết kế và vận hành công trình xây dựng. Tạp chí kiến trúc, 2020. 02: p. 34-35.

 

Ý kiến của bạn