Banner trang chủ

Tập đoàn SCG chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững gắn với kinh tế tuần hoàn

03/03/2020

     Là tập đoàn lớn tại Đông Nam Á hoạt động trong ba lĩnh vực chính gồm xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì, SCG đang từng bước hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong toàn chuỗi giá trị, từ sản xuất tới tiêu dùng và tái chế phế phẩm sau khi sản xuất. Tại Việt Nam, SCG bắt đầu hoạt động kinh doanh từ năm 1992 và đến nay đã có hơn 22 công ty con tại Việt Nam với hơn 8,600 nhân viên. Bên cạnh đó, SCG đang có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó lớn nhất là dự án lọc hóa dầu Long Sơn tại thành phố Vũng Tàu.

     Tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên

     Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân vào đầu tháng 2/2020, ông Piayong Jriyasetapong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn SCG cho biết, Tập đoàn SCG đã luôn chú trọng định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Thái Lan trong nhiều năm qua. Tại các nhà máy của SCG, từ năm 2012 đã không có chất thải chôn lấp. Các chất thải rắn được tái chế thành viên nén năng lượng để sử dụng trong các nhà máy xi măng hoặc phát điện. “Kinh nghiệm của chúng tôi là nếu không có cơ sở hạ tầng tốt thì xây dựng kinh tế tuần hoàn khó khả thi”, ông Piayong Jriyasetapong cho hay.

     Theo đó, SCG đã ứng dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và thực hiện hóa “Mô hình tuần hoàn SCG” bằng cách cam kết tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên trong quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ và thu hồi sản phẩm thải bỏ. Tuy nhiên, để thực hiện thành công nền kinh tế tuần hoàn cần sự cam kết của Chính phủ sở tại cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, ứng dụng thành công nền kinh tế tuần hoàn có thể thúc đẩy sử dụng các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao, từ đó tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên.

     Tại khu vực Đông Nam Á, SCG là một trong những tập đoàn có kinh nghiệp dày dạng nhất trong việc cắt giảm rác thải nhựa cũng như sản xuất bao bì thân thiện với môi trường và dễ dàng tái chế. Hằng năm, họ đều tổ chức hội nghị về chuyên đề này tại quê mẹ Thái Lan và đây đã là năm thứ 10 họ làm điều đó. Ba những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của SCG là bao bì, vật liệu xây dựng và hóa dầu đều là những ngành nghề trực tiếp tác động xấu lên môi trường; nên nếu họ không thể hiện sớm trách nhiệm xã hội, có thể dẫn đến khủng hoảng truyền thông ở một lúc nào đó trong tương lai. Theo Báo cáo từ SCG, trong những năm vừa qua, họ đã kết hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào hoạt động của doanh nghiệp với 3 chiến lược như sau. Giảm sử dụng vật liệu và tăng độ bền vật liệu bằng cách hạn chế sử dụng tài nguyên trong sản xuất cũng như phát triển các sản phẩm với thời gian sử dụng dài hơn, ví dụ như sản xuất bao bì gợn sóng với vẻ ngoài bắt mắt – bền nhưng tiêu tốn ít giấy hơn. Nâng cấp và thay thế bằng cách đổi mới công nghệ để thay thế các sản phẩm và nguyên liệu thô hiện tại bằng các giải pháp hiệu quả hơn, giúp giảm thiểu tiêu thụ nguyên liệu hoặc làm cho sản phẩm dễ dàng tái chế hơn. Ví dụ: nhà vệ sinh dạng module, tấm tường đúc sẵn, tấm bê tông khí chưng áp linh hoạt, bao bì thực phẩm Fest thay thế thùng xốp và bao bì linh hoạt độ bền cao và dễ dàng tái chế. Tái sử dụng và tái chế bằng cách tăng cường khả năng tái chế của vật liệu, ví dụ: phát triển sản phẩm với dây chuyền sản xuất sử dụng tỷ lệ vật liệu tái chế cao hơn, hợp tác với các siêu thị và cửa hàn bán lẻ hiện đại nhằm thu thập các hộp giấy và giấy đã qua sử dụng để tái chế; phát triển công thức nhựa với tỷ lệ nhựa tái chế cao hơn.

 

Tập đoàn SCG và các đối tác tham gia liên minh BVMT

 

     Năm 2018, SCG đã chuyển đổi khoảng 313.000 tấn chất thải công nghiệp thành nguyên liệu thô tái tạo và tận dụng 131.000 tấn chất thải công nghiệp thông thường thành nhiên liệu thay thế. Năm 2019, SCG đang tiếp tục tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào sản xuất sản phẩm và đặt mục tiêu giảm sảm xuất nhựa sử dụng 1 lần từ 46% xuống 20% vào năm 2025 và tăng tỷ lệ nhựa tái chế, tái sử dụng và phân hủy sinh học lên 100% đến năm 2025.

     Tại Việt Nam, trong thời gian đầu, SCG tập trung chủ yếu vào việc truyền thông và giáo dục về tầm quan trọng của việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường cũng như khả năng tái chế dễ dàng của sản phẩm nhựa cho cán bộ công nhân viên. Sau đó SCG mới truyền thông ra ngoài hay liên minh các đối tác tại Việt Nam. Là chủ đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, SCG dự tính sẽ đưa tổ hợp này trở thành hình mẫu về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong đó, tất cả các nhà thầu và người tham gia xây dựng dự án đều phải tuân thủ điều kiện tương thích với kinh tế tuần hoàn, cụ thể là tiết kiệm nhiên liệu, BVMT và khép kín chu trình vòng đời sản phẩm. Từ dự án này, chính quyền địa phương có thể thúc đẩy hệ thống trường học các cấp cùng tham gia vào kinh tế tuần hoàn.

     Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn ở dự án lọc hóa dầu Long Sơn cần tính đến các sản phẩm sau hóa dầu đáp ứng yêu cầu của kinh tế tuần hoàn, với khí thải, nước thải phải được xử lý tuần hoàn. Chất thải rắn sau quá trình sản xuất phải được thu hồi, tái sử dụng, tạo ra giá trị mới. Kinh nghiệm triển khai kinh tế tuần hoàn ở dự án lọc hóa dầu Long Sơn của Tập đoàn SCG có thể là bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp và tập đoàn khác tại Việt Nam nhằm thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn.

     Những bài học quý giá và trải nghiệm đầy cảm hứng từ thực tế

     Thời gian qua, từ những sự cố môi trường liên tiếp gần đây trên toàn thế giới như cháy rừng Amazon, hay hiện tượng ô nhiễm không khí diễn ra ngay tại Việt Nam cho thấy vấn đề môi trường thật sự đang là nỗi lo "không của riêng ai". Trong bối cảnh đó, vai trò của giới trẻ mang đến niềm hy vọng về những thay đổi tích cực nhằm cải thiện các vấn đề về môi trường trong tương lai. Chính vì lẽ đó, SCG – tập đoàn tiên phong về phát triển bền vững đã tổ chức Hội trại SCG Sharing The Dream ASEAN 2019, quy tụ 73 đại diện trẻ từ 7 quốc gia khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam để cùng nhau học hỏi, chia sẻ và hợp tác tìm hướng giải quyết cho những vấn đề cấp bách của khu vực. Không chỉ được tham gia những khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo do chính Ban Giám đốc SCG hướng dẫn, các sinh viên của hội trại còn được trải nghiệm những dự án phát triển bền vững, áp dụng nguyên tắc Nền kinh tế tuần hoàn trong thực tế của SCG. Một trong những ý tưởng thú vị là dự án Đường từ nhựa tái chế do SCG phối hợp với tập đoàn Dow Chemicals thực hiện. Đây là một giải pháp thông minh, bền vững, giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa vốn đang là vấn nạn của nhiều quốc gia.

     Hội trại SCG Sharing The Dream ASEAN 2019 còn là diễn đàn để các bạn trẻ chia sẻ góc nhìn của mình về những vấn đề môi trường bức thiết mà quốc gia mình đang đối mặt, cũng như cùng nhau đưa ra giải pháp thiết thực cho những vấn đề đó. Dự án "Say no to single use plastic - Nói không với đồ nhựa dùng một lần" của đại diện Việt Nam đã nhận được những lời khen, phản hồi và đóng góp tích cực từ cả phía Tập đoàn SCG và bạn bè quốc tế. Ban Lãnh đạo cấp cao SCG nhận xét: "Tôi thực sự ấn tượng với cách nhìn nhận sâu sắc của các sinh viên Việt Nam, vấn đề không nằm ở vật liệu nhựa mà ở chính hành vi sử dụng và đặc biệt là thói quen dùng nhựa một lần. Làm sao để thay đổi thói quen này và sử dụng chúng đúng cách, nhựa sẽ trở nên có ích cho môi trường". Niềm vui còn được nhân lên khi ý tưởng này còn nhận được tài trợ kinh phí từ SCG Việt Nam để thực hiện tại chính quê hương Việt Nam. Hiện tại nhóm đã xây dựng xong cơ cấu nhân sự, lên ý tưởng sơ bộ cho các hoạt động truyền thông sắp tới. Hơn bao giờ hết, những đại diện trẻ Việt Nam tại Hội trại SCG Sharing The Dream ASEAN 2019 đã cho chúng ta hy vọng về một thế hệ trẻ sống có trách nhiệm, năng động, hiểu biết và đầy nhiệt huyết với các vấn đề môi trường, cộng đồng.

     Ngoài các chương trình nêu trên, SCG còn triển khai nhiều chương trình dành cho thanh thiếu niên khác như chương trình “SCG Thực tập sinh quốc tế”, chương trình “SCG Nhà lãnh đạo trẻ”... Với tầm nhìn trở thành doanh nghiệp tầm cỡ quốc tế về phát triển bền vững, SCG luôn chú trọng không những môi trường mà còn quan tâm nâng đỡ thế hệ trẻ qua những chương trình trách nhiệm xã hội thiết thực.

 

Hồng Gấm

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 

Ý kiến của bạn