Banner trang chủ

HEINEKEN Việt Nam - Hướng tới kinh tế tuần hoàn

02/01/2020

     Tiếp nối câu chuyện thành công của HEINEKEN Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững (NCSD) 2019 gần đây tại Hà Nội, ông Jacco van der Linden - Tổng Giám đốc điều hành, HEINEKEN Việt Nam đã chia sẻ về mô hình kinh tế tuần hoàn mà Công ty đang áp dụng cũng như những lợi ích mà mô hình này mang lại.

Những lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn

     Phát triển bền vững luôn là trọng tâm cốt lõi trong mọi hoạt động của HEINEKEN Việt Nam, vì vậy Công ty đã áp dụng các yếu tố của mô hình kinh tế tuần hoàn ngay từ những ngày đầu hoạt động. Thực tiễn áp dụng các sáng kiến tại HEINEKEN Việt Nam cho thấy, mô hình này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn tạo ra giá trị cho xã hội. Tiến tới mục tiêu không rác thải cần chôn lấp, HEINEKEN Việt Nam đã tái sử dụng hoặc tái chế gần như toàn bộ (khoảng 99%) phế thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất. Theo đó, bã hèm và men thừa đều được tái sử dụng làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi; các nguyên vật liệu khác như thủy tinh, bìa các-tông, nhôm, nhựa và giấy đều được tái sử dụng hoặc tái chế. Công ty cũng xử lý 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi trả về môi trường một cách an toàn, sử dụng cho mục đích tưới cây và làm vệ sinh tại các nhà máy.

 

HEINEKEN Việt Nam được vinh danh trong top 3 doanh nghiệp phát triển bền vững nhất Việt Nam

 

     Đặc biệt, hầu hết các nhà máy bia của HEINEKEN Việt Nam đều sử dụng nhiệt năng từ nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon. Công ty hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường, không chỉ trong sản xuất mà còn thông qua việc tối ưu hóa hoạt động kho vận. Bằng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, HEINEKEN Việt Nam đã giảm 2.500 tấn phát thải CO2 chỉ riêng trong khâu kho vận trong năm 2018.

     Một dự án khác mà Công ty triển khai thành công, đó chính là sáng kiến ​​tái chế nắp chai bia Tiger - một minh chứng rõ nét cho những lợi ích mà kinh tế tuần hoàn có thể mang lại cho xã hội. Thông qua việc thu gom nắp chai bia và tái chế thành vật liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, sáng kiến này đã thúc đẩy tái chế và giảm rác thải; cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng; đồng thời nâng cao hình ảnh của nhãn hiệu bia Tiger với tinh thần đánh thức bản lĩnh, hành động sáng tạo để hỗ trợ cộng đồng. Đến nay dự án đã xây được hai cây cầu từ nguyên liệu nắp chai bia tái chế ở tỉnh Tiền Giang và An Giang, và cây cầu thứ ba tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2020.

     Nền kinh tế tuần hoàn chính là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống, nơi các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên làm nguyên liệu tạo ra các sản phẩm và dịch vụ, sau đó phế thải bị đưa đi chôn lấp thậm chí là thải ra môi trường tự nhiên.Trong khi đó, nền kinh tế tuần hoàn tập trung vào việc tái sử dụng và tái chế nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả các tài nguyên được đưa vào sử dụng. Điều này sẽ giúp BVMT thông qua việc giảm sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và giảm thiểu lượng rác thải chôn lấp. Đồng thời, nền kinh tế tuần hoàn cũng giúp mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp nhờ nâng cao hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí. Qua thực tiễn áp dụng tại HEINEKEN Việt Nam, từ việc hướng tới không rác thải cần chôn lấp, xử lý nước thải an toàn tới sử dụng năng lượng sinh khối, có thể thấy mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường, xã hội mà còn hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh. Bằng việc áp dụng mô hình này, các doanh nghiệp có thể chung tay hiện thực hóa Chương trình nghị sự Quốc gia về Phát triển bền vững tới năm 2030 tại Việt Nam.

     Mặc dù khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đã bắt đầu trở nên phổ biến ở Việt Nam, việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một khi họ ít có cơ hội tìm hiểu những sáng kiến thực tiễn, thì sẽ càng khó áp dụng mô hình này; đặc biệt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp còn có quan niệm chưa chính xác rằng phát triển bền vững luôn làm phát sinh thêm thay vì tiết kiệm chi phí.

     Thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại HEINEKEN Việt Nam đã chứng minh điều ngược lại. Có thể kể đến sáng kiến sử dụng năng lượng sinh khối để nấu bia đã giúp tiết kiệm chi phí mà không tốn thêm ngân sách đầu tư. Kể cả khi doanh nghiệp cần đầu tư vốn ban đầu, thì cũng sẽ nhanh chóng thu hồi lại nhờ định giá hiệu quả hoặc tiết kiệm được chi phí trong suốt thời gian thực hiện. Vì vậy, Công ty luôn chủ trương khuyến khích các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Các doanh nghiệp có thể bắt đầu bằng việc phân tích tất cả các giai đoạn trong vòng đời sản phẩm, tìm cách vận hành hiệu quả - bao gồm giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên, tái sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu, và đặc biệt là cân nhắc điểm kết thúc của sản phẩm hoặc bao bì ngay từ giai đoạn thiết kế ban đầu.

     HEINEKEN Việt Nam - Top 3 doanh nghiệp phát triển bền vững

     Đây là năm thứ 4 liên tiếp theo xếp hạng của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI). Giải thưởng ghi nhận những nỗ lực phát triển bền vững của HEINEKEN Việt Nam qua việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị thiết thực cho phát triển bền vững tại Việt Nam, đồng thời tích cực truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững.

     Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Phó Chủ tịch kiêm Thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết: “HEINEKEN Việt Nam là một doanh nghiệp dẫn đầu trong các hoạt động phát triển bền vững. Những câu chuyện thành công của Công ty trong hoạt động phát triển bền vững là ví dụ điển hình truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân. Chúng tôi đánh giá cao đóng góp của những công ty tiên phong như HEINEKEN Việt Nam cũng như sự chia sẻ tích cực các kinh nghiệm hoạt động tốt nhất của họđã hỗ trợ chúng tôi đạt được chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững tại Việt Nam.”

 

Hiện nay, 4/6 Nhà máy bia của HEINEKEN Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải các-bon 

 

     Cách tiếp cận với phát triển bền vững của HEINEKEN toàn cầu cũng như tại Việt Nam bao trùm toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm. Chiến lược phát triển bền vững của HEINEKEN Việt Nam tập trung vào sáu lĩnh vực trọng tâm và hỗ trợ thực hiện 6 trong số 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG), những giá trị mà công ty luôn tin rằng mang đến những đóng góp lớn nhất cho Việt Nam, đó là các lĩnh vực: Tuyên truyền uống có trách nhiệm, sức khỏe và an toàn, bảo vệ nguồn nước, giảm khí thải CO2, hỗ trợ cộng đồng, nguồn cung ứng bền vững.

     Để đảm bảo các sáng kiến về phát triển ​​bền vững có thể tạo ra giá trị thiết thực cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng ở Việt Nam, Công ty chủ động xây dựng văn hóa phát triển bền vững trong toàn nhân viên công ty và những đối tác liên quan để cùng cân nhắc và lựa chọn phát triển bền vững trong các hoạt động của mình, cụ thể như: Xây dựng mô hình đưa ra các quyết định công việc hàng ngày của toàn bộ nhân viên HEINEKEN Việt Nam, trong đó phát triển bền vững là một trong những yếu tố mang tính quyết định; Tăng cường truyền thông và tương tác với nhân viên để truyền cảm hứng, đồng thời giúp nhân viên hiểu rõ hơn những tác động từ các hoạt động hàng ngày của mình; Lan tỏa và chia sẻ văn hóa kinh doanh bền vững đến các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp để nâng cao ý thức và khuyến khích họ cùng tham gia thông qua các buổi hội thảo, các chương trình huấn luyện và truyền thông…, để cùng nhau tạo ra giá trị lớn hơn cho tất cả các bên.

     Bên cạnh đó, HEINEKEN Việt Nam đã chủ động làm việc với Chính phủ Việt Nam và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) trong việc khuyến khích phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp, bằng cách chia sẻ thực tiễn áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động kinh doanh tại các buổi đào tạo và hội thảo với các doanh nghiệp địa phương khác nhau trong suốt cả năm. Sử dụng năng lượng tái tạo, đã giảm mức tiêu thụ nước và đạt đến hầu như không chất thải chôn lấp trong sản xuất với 99% chất thải và phụ phẩm từ sản xuất được tái sử dụng hoặc tái chế. Đồng thời, HEINEKEN đã trực tiếp và gián tiếp hỗ trợ 166.000 cơ hội việc làm và đóng góp gần 1% tổng GDP của Việt Nam năm 2018.

     Ông Jacco van der Linden - Tổng Giám đốc Điều hành, HEINEKEN Việt Nam chia sẻ: Kinh tế tuần hoàn hiện là trọng tâm cốt lõi trong chiến lược bền vững của HEINEKEN Việt Nam, song chúng tôi vẫn không ngừng học hỏi và hoàn thiện hơn nữa. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động để tạo ra nhiều giá trị bền vững hơn cho tất cả các đối tác liên quan.

 

 P.T

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

 

Ý kiến của bạn