Banner trang chủ

Xanh hóa cảng biển: Xu thế phát triển bền vững

29/11/2022

    Năm 2022, mặc dù dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng hậu quả của đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ tới lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là sự gián đoạn chuỗi cung ứng vận chuyển hàng hóa toàn cầu. Mặc dù vậy, ngành vận tải biển vẫn duy trì hoạt động liên tục, thông suốt và an toàn, đảm bảo vận tải hàng hóa xuất - nhập khẩu trong chuỗi cung ứng. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, lượng hàng hóa của đội tàu biển Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 vẫn đảm nhận 100% lượng hàng hóa vận tải nội địa, lượng hàng vận tải biển quốc tế tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, trước xu hướng hội nhập thế giới với nhiều thách thức được đặt ra trong đó, xây dựng cảng xanh theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế đang là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới. Cảng xanh là cảng khai thác tập trung phát triển dựa trên tiêu chí về tăng trưởng kinh tế xanh theo một kế hoạch dài hạn, đáp ứng được những nhu cầu hiện tại và tương lai. Do vậy, xây dựng hệ thống cảng xanh tại Việt Nam theo hướng thân thiện với môi trường không những đáp ứng được yêu cầu BVMT mà còn giúp các cảng biển hội nhập với quốc tế.

    Liên quan đến mục tiêu này, năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 795/QĐ-TTg, ngày 11/5/2016, phê duyệt Kế hoạch thực hiện các Phụ lục III, IV, V và VI của công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra. Trong Kế hoạch, Chính phủ đặt mục tiêu giai đoạn từ 2016 - 2030, sẽ tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, nâng cấp các hệ thống tiếp nhận chất thải tại các cảng biển theo quy định của Phụ lục IV, V và VI của Công ước MARPOL; nghiên cứu, triển khai áp dụng các trang thiết bị kiểm tra, kiểm soát chất thải phát sinh từ tàu biển. Chính phủ cũng yêu cầu đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường do tàu biển gây ra, tình hình quản lý chất thải tại các cảng biển Việt Nam và mức độ đáp ứng các quy định của Công ước MARPOL; nghiên cứu, xây dựng và đề xuất thiết lập các biện pháp BVMT nhằm ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra trong vùng biển Việt Nam để đệ trình Tổ chức Hàng hải quốc tế thông qua. Đặc biệt, Chính phủ xác định sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và các quốc gia khác trong khu vực nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo công chức, viên chức quản lý, đội ngũ sỹ quan, thuyền viên và chuyển giao công nghệ liên quan đến thực hiện Công ước MARPOL; thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia thành viên của Công ước nhằm tham khảo kinh nghiệm và tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật của các nước này.

Triển khai nhóm tiêu chí đánh giá "Cảng xanh" góp phần hạn chế phát thải đối với ngành Hàng hải 

    Gần đây nhất, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí metan của ngành Giao thông vận tải. Chương trình đề ra lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh với từng phương thức vận tải, đồng thời yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành Giao thông vận tải từ nay đến năm 2050. Trong đó, riêng đối với ngành Hàng hải, giai đoạn 2022 - 2030, khuyến khích tàu biển Việt Nam hoạt động nội địa tuân thủ đầy đủ các quy định của Phụ lục VI Công ước MARPOL về sử dụng hiệu quả năng lượng và Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) từ năm 2025; Khuyến khích chuyển đổi phương tiện, trang thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh hoặc có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu… Từ năm 2050, 100% tàu biển hoạt động tuyến nội địa chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

    Để hiện thực các mục tiêu trong Kế hoạch đã đề ra, trên cơ sở phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, ngày 2/6/2021, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 710/QĐ-CHHVN ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam. Theo lộ trình trong Đề án, từ năm 2021 - 2022, cơ quan chức năng sẽ tập trung xây dựng, ban hành tiêu chuẩn cơ sở và tiêu chí “cảng xanh”. Từ năm 2023, mô hình “cảng xanh” tại một số cảng biển Việt Nam sẽ bắt đầu được thí điểm và đánh giá kết quả thực hiện. Giai đoạn 2023 - 2025, công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng cảng biển, điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển cho phù hợp với các tiêu chí về “cảng xanh” tại Việt Nam cũng sẽ được triển khai. Trong giai đoạn 2021 - 2025, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để thực hiện tiến trình phát triển “cảng xanh”; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển. Đến giai đoạn 2025 - 2030, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí “cảng xanh” sẽ được xây dựng và ban hành. Công tác triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí “cảng xanh” ở Việt Nam, tiến tới đề xuất xây dựng, ban hành quy định áp dụng bắt buộc tiêu chí “cảng xanh” cho hệ thống cảng biển Việt Nam cũng sẽ được thực hiện ở giai đoạn này. Dự kiến đến sau năm 2030, tiêu chí “cảng xanh” trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc. "Cảng xanh" tại Việt Nam sẽ được xây dựng trên 6 nhóm tiêu chí chính (tập trung chủ yếu vào các cảng tổng hợp và cảng contianer) với thang điểm cụ thể, gồm: Nhận thức về cảng xanh (điểm tối đa là 5 điểm); sử dụng tài nguyên (điểm tối đa là 15 điểm); quản lý chất lượng môi trường (điểm tối đa là 50 điểm); sử dụng năng lượng (điểm tối đa là 15 điểm); ứng dụng công nghệ thông tin (điểm tối đa là 5 điểm); giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng (điểm tối đa là 10 điểm). Theo đó, để được xem xét công nhận “cảng xanh”, cảng biển phải đạt được tối thiểu 60% số điểm của các tiêu chí (đạt tổng điểm tối thiểu 60/100 điểm) và doanh nghiệp phải có tài liệu chứng minh cho việc thực hiện từng tiêu chí. Hiện Cục Hàng hải Việt Nam đang lấy ý kiến Dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh. Theo Dự thảo đang được Cục Hàng hải Việt Nam lấy ý kiến, để được công nhận là cảng xanh, các doanh nghiệp cảng biển phải tuân thủ các quy định bắt buộc của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về BVMT. Trong đó, đáng chú ý là việc phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện các chương trình quản lý, giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng, vận hành cảng biển... Ngoài ra, các doanh nghiệp cảng biển còn phải đáp ứng các tiêu chí cảng xanh như trên. Việc ban hành tiêu chuẩn được kỳ vọng sẽ tạo ra tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển.

    Năm 2018, tại Singapo, trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Hội đồng dịch vụ Cảng biển APEC (APSN) và Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập APSN, Tân Cảng - Cát Lái thuộc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là cảng đầu tiên của Việt Nam cùng 7 cảng khác trong khu vực được APEC công nhận là cảng xanh vì đạt các tiêu chí của Chương trình Hệ thống cảng xanh (GPAS). Tân Cảng - Cát Lái là cảng container quốc tế lớn và hiện đại nhất Việt Nam, được nối với quốc lộ 1, xa lộ vành đai trong, xa lộ vành đai ngoài, xa lộ Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây bằng đường liên tỉnh lộ 25 với tải trọng H30 trên toàn tuyến. Bằng các xa lộ này, hàng hóa được lưu thông từ Cảng đến các vùng kinh tế trọng điểm của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long một cách dễ dàng và nhanh chóng. Giải thưởng Cảng xanh là ghi nhận của Cộng đồng Cảng APEC về những nỗ lực của Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ công nhân viên Tân Cảng - Cát Lái trong những năm qua về việc không ngừng đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên, liên tục mở các lớp đào tạo nâng cao ý thức của người lao động về BVMT, phát triển cảng bền vững. Cùng với đó, từ năm 2012 - 2015, Tân Cảng - Cát Lái đã tham gia Dự án “Phát triển cảng bền vững trong khu vực ASEAN” do Cơ quan hợp tác quốc tế của Đức (GIZ) tổ chức. Mục tiêu chính của Dự án là nâng cao việc quản lý an toàn, sức khỏe và môi trường của các cảng trong khu vực ASEAN, qua đó duy trì chất lượng và tính bền vững trong việc quản lý an toàn, thân thiện với môi trường. Tân Cảng - Cát Lái còn có nhiều sáng kiến với việc thay thế thiết bị nâng hạ bằng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện, tiết kiệm 1,5 - 2 triệu USD phí nhiên liệu/năm; Tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 TEU, thay thế được khoảng 2.000 xe ô tô chở container; Áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút, triệt tiêu văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000 - 50.000 tờ/ngày, cùng nhiều giải pháp giảm bụi trong không khí, giảm tiếng ồn bằng cách sử dụng sà lan để vận chuyển hàng thay vì xe container, trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông nội bộ nhằm tạo cảnh quan cho khu cảng đồng thời cải thiện môi trường không khí xung quanh. Cùng với đó, xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, đặc biệt tại các cơ sở sửa chữa trang thiết bị và container… Đặc biệt, Tân Cảng - Cát Lái rất chú trọng đào tạo cán bộ công nhân viên về công tác BVMT trong vận hành sản xuất thông qua các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ nhằm BVMT xanh, sạch, đẹp. Năm 2021, cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cũng đã vinh dự nhận Giải thưởng Cảng xanh 2020 do Hội đồng dịch vụ Cảng biển APEC trao tặng, trở thành cảng thứ 2 của Việt Nam sau cảng Tân Cảng - Cát Lái nhận được Giải thưởng này.

    Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc "xanh hóa" cảng biển còn gặp khó khăn do việc đầu tư cơ sở hạ tầng BVMT, phòng ngừa và ứng phó sự cố trong hoạt động hàng hải tại các cảng biển còn hạn chế, do đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Doanh nghiệp thiếu vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng. Cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường còn hạn chế…

    Năm nay, Ngày Hàng hải Thế giới (29/9/2022) lấy chủ đề “Công nghệ mới cho ngành vận tải biển được xanh hơn” - New technologies for greener shipping”. Với những đặc thù của hoạt động cảng biển, hiện trạng hoạt động và các quy định của pháp luật đối với cảng biển, nên việc xây dựng tiêu chí về cảng xanh cho cảng biển Việt Nam chủ yếu tập trung vào các tiêu chí về môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, những yêu cầu về sử dụng năng lượng sẽ được lồng ghép vào các tiêu chí khác. Tiêu chuẩn cảng xanh cho các cảng biển Việt Nam sẽ giúp xây dựng bộ máy quản lý môi trường một cách chuyên nghiệp, đồng bộ, nâng cao ý thức về BVMT cho đơn vị quản lý cảng biển; các cảng biển tuân thủ quy định về BVMT của pháp luật Việt Nam và công ước quốc tế; các cảng có thể gia nhập Hiệp hội cảng biển sinh thái trong khu vực và trên thế giới, nâng cao hình ảnh cảng biển Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:

1. Cục Hàng hải Việt Nam: Thư ngỏ gửi tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải và toàn thể thuyền viên Việt Nam nhân Ngày Hàng hải Thế giới năm 2022.

2. Cục Hàng hải Việt Nam: Báo cáo thống kê khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển tháng 10/2022.

Vũ Thị Hoa

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2022)

 

Ý kiến của bạn