Banner trang chủ

WWF-Việt Nam góp phần thúc đẩy thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh Vì một Việt Nam xanh

05/05/2021

     Nhằm hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh "Vì một Việt Nam xanh" của Thủ tướng Chính phủ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) đã có một số sáng kiến và bước đầu đưa vào triển khai các dự án trồng rừng có giá trị cao nhằm phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, phủ xanh đất trống… Nhân dịp này, ông Dương Duy Khánh - Điều phối viên Chương trình phục hồi rừng của WWF-Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Môi trường về các dự án trồng rừng đã và đang được triển khai tại một số địa phương với mục tiêu tăng cường khả năng hấp thụ cacbon, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Ông Dương Duy Khánh - Điều phối viên Chương trình phục hồi rừng của WWF-Việt Nam

     PV: Là một tổ chức bảo tồn có bề dày kinh nghiệm trong các chương trình bảo tồn rừng tại Việt Nam, xin ông cho biết một số mô hình dự án trồng rừng tại một số địa phương mà WWF đang hỗ trợ triển khai?

     Ông Dương Duy Khánh: Trước tiên, WWF-Việt Nam đánh giá cao Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam. Đây là một trong những hành động thiết thực nhất thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam nhằm đảo chiều sự mất mát của đa dạng sinh học. Mới đây, trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam đã cùng với hơn 80 quốc gia trên thế giới hưởng ứng Cam kết của các Nhà lãnh đạo về Thiên nhiên. Hy vọng rằng, sáng kiến này sẽ nhanh chóng trở thành kế hoạch hành động, và việc trồng cây sẽ được lan tỏa thành thói quen của người dân, cộng đồng và doanh nghiệp. 

     Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh này phù hợp với chiến lược của WWF-Việt Nam, và nếu được thực hiện thành công sẽ đóng góp đáng kể vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai, cũng như làm xanh hóa khu vực đô thị của đất nước. Đặc biệt, trong chiến lược chương trình Rừng của WWF- Việt Nam giai đoạn 2021-2025, dự tính sẽ có hơn 280.000 héc ta rừng được trồng mới, phục hồi và bảo vệ, trong đó có 250.000 héc ta rừng tập trung ở các khu vực rừng tự nhiên và 30.000 héc ta rừng trồng gỗ lớn hướng tới quản lý rừng bền vững. Chương trình trồng rừng của WWF-Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên tại các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

     Tại miền Trung, chương trình trồng rừng được tập trung tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam với tổng số cây rừng được dự kiến trồng tới năm 2025 là hơn 30 triệu cây, trong đó tập trung vào rừng trồng mới để kinh doanh gỗ lớn và trồng cây bản địa tại các khu vực rừng nghèo kiệt. Đối với rừng kinh doanh gỗ lớn là gỗ keo, WWF tập trung vào việc hỗ trợ người dân quản lý rừng bền vững hướng tới Chứng chỉ rừng FSC. Hoạt động này không chỉ giúp cộng đồng trong việc giảm thiểu các rủi ro về thiên tai, giảm thiểu xói mòn và sạt lở đất, giữ nước mà còn tăng thu nhập cho cộng đồng, đặc biệt là các cộng đồng sống gần rừng tự nhiên nhằm giảm áp lực vào rừng tự nhiên. Đối với các hoạt động trồng rừng và phục hồi rừng bằng trồng cây bản địa, nó không chỉ mang ý nghĩa tăng cường đa dạng sinh học mà việc phục hồi rừng còn kết nối cảnh quan, tạo điều kiện cho các loài động vật hoang dã di chuyển đến các khu vực an toàn, cũng như tăng cường nguồn thức ăn cho các loài động vật hoang dã trên nếu cây trồng là cây cung cấp thức ăn.

     Tại ĐBSCL, WWF sẽ tiến hành trồng mới trên 500.000 cây là rừng ngập mặn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Láng Sen và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Việc trồng và phục hồi rừng ngập mặn trên cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế xói lở bờ biển, bảo vệ sinh kế của người dân địa phương; giảm chi phí duy trì cơ sở hạ tầng do bảo vệ bờ biển, tăng cường điều tiết dòng nước, chất gây ô nhiễm nước và trầm tích.

Cán bộ WWF – Việt Nam khảo sát trồng cây bản địa tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

     Tuy nhiên, chúng ta phải xác định mục tiêu ở đây là phải trồng cây thành rừng… Do đó một trong những khó khăn chính là việc duy trì các hoạt động chăm sóc rừng sau khi trồng với thời gian ít nhất là 5 năm để đảm bảo các cây trồng phát triển tốt. Việc duy trì này đòi hỏi nhân lực thực hiện và kinh phí tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc xác định địa điểm trồng, loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa cũng như nguồn giống để cung cấp cho việc trồng cây, nhất là các loài cây bản địa cũng là một trong những thách thức. Vì vậy, đánh giá ban đầu cấp quốc gia xác định quỹ đất, loài cây trồng, nguồn giống và các đối tác có thể hỗ trợ việc trồng, chăm sóc là một trong những hoạt động cần thực hiện ngay trong năm đầu tiên.

     PV: Bên cạnh những đóng góp trực tiếp vào Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh qua các dự án trồng rừng, WWF - Việt Nam đã vận động các bên liên quan khác tham gia vào Chương trình này như thế nào, thưa ông?

     Ông Dương Duy Khánh: Bên cạnh các nguồn lực sẵn có để triển khai các hoạt động trồng rừng và phục hồi rừng nêu trên, WWF cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành và các doanh nghiệp trên cả nước thành lập Liên minh trồng rừng ngập mặn Việt Nam để huy động việc trồng rừng ngập mặn toàn quốc với mục tiêu phục hồi và phát triển hệ thống rừng ngập mặn, cũng như rừng ven biển, một trong những hệ sinh thái quan trọng của Việt Nam.

     Đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam hoặc các doanh nghiệp nước ngoài đang đóng tại Việt Nam, WWF đã tiến hành xây dựng một mạng lưới các doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành với WWF trong việc triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Hiện tại đã có một số doanh nghiệp cam kết đồng hành cùng WWF như IKEA, Ngân hàng HSBC, Tập đoàn AEON Mall, Microsoft, Intel, Tetra...

     Ngoài ra, với thế mạnh là có một mạng lưới thành viên rộng lớn trên toàn cầu, WWF-Việt Nam đã tiến hành kết nối với các đơn vị tài trợ tiềm năng nhằm tìm kiếm các tài trợ có thể ngắn hạn hoặc dài hạn trong việc triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh trên toàn quốc. WWF đang tiến hành việc gây quỹ để thành lập mạng lưới các tổ chức phi chính phủ quốc tế và địa phương tham gia vào Chương trình này. Hình dung là sẽ có nhiều tổ chức như WWF-Việt Nam cùng tham gia vào nhiều hoạt động, từ trực tiếp thực hiện các dự án trồng rừng, đến cung cấp kỹ thuật, giám sát đánh giá, truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức và gây quỹ, trong đó có cả gây quỹ cá nhân.

     PV: Để việc triển khai đạt hiệu quả, WWF sẽ có kế hoạch và giải pháp như thế nào nhằm góp phần thúc đẩy Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh tại Việt Nam, thưa ông?

     Ông Dương Duy Khánh: Để triển khai hiệu quả Chương trình, đầu tiên chúng ta cần phải tổ chức các chương trình truyền thông giáo dục môi trường với phương châm là trồng 1 tỷ cây thành rừng, tuy nhiên việc triển khai này cũng đòi hỏi một cơ chế giám sát đánh giá nghiêm ngặt với sự tham gia của người dân và mọi thành phần xã hội.

     Việc tham vấn ý kiến, chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ các dự án trong nước đã triển khai các hoạt động trồng rừng như các dự án JICA, KFW, chương trình 661 (trồng mới 5 triệu héc ta rừng)… cũng là nền tảng để việc xây dựng kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đạt được những mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, sự tham gia của các đơn vị liên quan đến ngành lâm nghiệp như các trường đại học, các tổ chức xã hội trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện cũng là mấu chốt để việc triển khai được thành công.

     Ngoài ra, các yếu tố về kinh phí triển khai cũng là một trong nhưng phần quan trọng góp phần thúc đẩy kế hoạch triển khai theo đúng tiến độ đề ra. Ngoài kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, chúng ta cũng phải cùng chung tay và huy động tất cả các nguồn lực bên ngoài bao gồm cả các nguồn từ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cho việc thực hiện Chương trình này. WWF-Việt Nam cũng hy vọng rằng quyết tâm và nỗ lực trồng mới những cánh rừng sẽ đồng hành với cam kết gìn giữ những cánh rừng tự nhiên và khai thác bền vững rừng trồng. Trồng mới nhưng phải giữ được cũ, đó chính là cách con người sống hài hòa với thiên nhiên.

     PV: Trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguyễn Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2021)

 

 

Ý kiến của bạn