Banner trang chủ

Kinh nghiệm về phát triển dịch vụ chi trả môi trường rừng (C-PFES) của một số nước và đề xuất cho Việt Nam

30/06/2021

    Rừng là hợp phần quan trọng tạo nên sinh quyển, là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đồng thời cung cấp nhiều giá trị sử dụng gián tiếp, trong đó có dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon (C). Trong hai thập kỷ gần đây, cơ chế định giá khí thải C và chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES, payment for forest environmental services) được cộng đồng quốc tế quan tâm trong khuôn khổ Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Cơ chế định giá khí thải C là cơ chế để các doanh nghiệp trả một khoản tiền tương ứng với lượng CO2 họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh. Hiện nay có hai cách tiếp cận để định giá khí thải C, đó là dựa trên mức giá của các thị trường C và thông qua giá thỏa thuận của các chương trình giảm phát thải tự nguyện. Trong đó, cách tiếp cận thứ hai được cho là phù hợp với các nước chưa có thị trường C, hoặc khó tiếp cận với thị trường C.

    Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách PFES. Sau hơn 10 năm thực hiện, chính sách này mang lại hiệu quả tích cực, huy động được nguồn lực đáng kể cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân sống gắn bó với rừng. Tuy vậy, đến nay PFES mới chỉ tập trung vào một số nhóm dịch vụ như: điều tiết nước, bảo vệ đất, chống xói mòn đất, kinh doanh cảnh quan rừng. Chi trả cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ C của rừng (C-PFES) vẫn chưa được áp dụng, do còn thiếu quy định, hướng dẫn cụ thể.

1. Kinh nghiệm một số nước

    Đến cuối năm 2018 đã có 52 cơ chế định giá khí thải C, trong đó có cơ chế C-PFE, đã được triển khai hoặc đang có kế hoạch sử dụng ở 88 quốc gia để đạt mục tiêu cam kết theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH). Các cơ chế này được dự kiến sẽ giúp giảm được 11 tỷ tấn CO2, chiếm 19,5% lượng khí thải toàn cầu, với tổng giá trị là 79,62 tỷ USD (Hình 1) [1]. Phát thải khí nhà kính (KNK) từ các ngành năng lượng đóng góp nhiều nhất (chiếm khoảng 45% tổng phát thải toàn cầu), nên ngành năng lượng cần tham gia trong quá trình giảm phát thải KNK. Ngành năng lượng gồm các ngành sử dụng than đá, khí đốt, nhiệt điện và phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các ngành công nghiệp như xi măng chiếm khoảng 5% lượng phát thải toàn cầu [2]. Sau đây là kinh nghiệm phát triển cơ chế định giá khí thải C tại một số nước đã thực hiện C-PFES.

Mỹ (bang Carlifornia)

    Bang Carlifornia (Mỹ) lựa chọn cơ chế chi trả khí thải C là mua bán hạn ngạch phát thải. Chính quyền đặt hạn ngạch phát thải hàng năm là 25,000 tấn CO2 tương đương (CO2eq/năm). Mức này được xác định dựa trên lượng phát thải các công ty kê khai trong 3 năm. Những cơ sở nào phát thải trên mức này đều phải trả tiền thông qua các tín chỉ C. Đơn vị mua tín chỉ là đơn vị phát thải hơn hạn ngạch. Đơn vị bán tín chỉ là đơn vị phát thải dưới hạn ngạch và có dư tín chỉ (hạn mức được phép phát thải) để bán.

    Xác định mức chi trả: Dựa vào lượng phát thải kê khai và hạn ngạch, chính quyền bang phân bổ một số tín chỉ miễn phí hàng năm cho các đơn vị phát thải dưới ngưỡng, số còn lại được bán sau các phiên đấu giá hàng quý. Mức giá tại thời điểm tháng 5/2019 là 17,45 $US/tấn CO2eq.

    Sử dụng tiền C: Tiền C thu được sử dụng vào các mục đích sau: Duy trì tính cạnh tranh của các công ty như đưa ra các chương trình bảo hộ, tạo các cơ chế thúc đẩy đầu tư công nghệ phát thải thấp; hỗ trợ các hoạt động “xanh” làm giảm phát thải KNK như trồng rừng, hỗ trợ các hoạt động nông nghiệp phát thải thấp, cải tiến phương tiện giao thông phát thải thấp, hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm sử dụng nước; tài trợ hoặc mở rộng các dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, cộng đồng địa phương dùng tiền thu được cho các dự án lâm nghiệp hấp thụ CO2, đổi mới quản lý rừng. Cộng đồng cũng có thể tự xây dựng các dự án bồi hoàn C rồi bán các tín chỉ C đó cho các đơn vị phát thải.

    Lợi ích có được khi tham gia chi tr: Các công ty có được hình ảnh trong việc tham gia chống BĐKH. Cơ chế thị trường mua bán tín chỉ C cho Công ty nhiều lựa chọn linh hoạt trong việc giảm phát thải (đổi mới công nghệ, mua tín chỉ, hay đầu tư cho dự án bồi hoàn C-PFES).   

Canađa (bang British Columbia)

    Bang British Columbia (Canada) lựa chọn cơ chế chi trả khí thải C là thuế C, không phải cho mục đích tạo thêm nguồn thu ngân sách, mà là cân bằng nguồn thu từ các loại thuế khác nhau. Thu được từ thuế C thì các nguồn thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm.

    Bước đầu, dựa trên các phân tích kinh tế về tác động và theo bối cảnh địa phương, chính phủ đặt ra mức giá cơ bản là mức có thể làm cho các công ty giảm phát thải. Mức thuế ban đầu đặt ra là 10 $CAD /tấn CO2eq vào năm 2008, và được tăng dần. Giá hiện nay là 40 $CAD/tấn CO2eq và sẽ tăng lên 50 $CAD/tấn CO2eq vào năm 2021.  Mức giá này sẽ được quy đổi ra mức giá của sản phẩm cuối cùng người phát thải phải nộp để tiện cho quá trình thu tiền. Chẳng hạn, Canađa thu 8.89 cent/lít xăng, tương đương với giá 10 $CAD/tấn CO2eq.

    Xác định đơn vị chi trả: Dựa trên lịch sử phát thải của các ngành trên toàn quốc để lựa chọn ngành phát thải nhiều nhất, sau đó Chính phủ sẽ quy định ngành nào phải nộp thuế dựa vào: lịch sử phát thải; khả năng nộp và các yếu tố kinh tế - xã hội. Thuế C thường được chuyển vào giá thành sản xuất, do đó, một phần được chuyển sang người sử dụng sản phẩm. Ví dụ, người trả tiền là Công ty sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất, cá nhân sử dụng ô tô, xe máy hay các phương tiện giao thông khác có sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

    Sử dụng tiền C: Tương tự như bang Carlifornia (Mỹ), tiền thu từ thuế có thể sử dụng để tạo động lực cho các công ty đổi mới công nghệ, hoặc các hoạt động làm giảm phát thải C khác trong đó có C-PFES.

    Lợi ích có được khi tham gia chi trả: Nguồn tiền thu được sẽ để bù đắp cho loại thuế khác đối với các cá nhân, Công ty. Chẳng hạn, những người đã tham gia nộp tiền thuế C được bù vào khoản giá xăng/dầu đã tăng do thuế C. Vào cuối năm, chính quyền tính tổng lượng phát thải, tổng mức tiền chi trả, và tổng mức thuế thu được để bù trừ thuế cho các cá nhân/tổ chức đã trả. Ngoài ra, chính quyền cũng sử dụng tiền C cho các dự án bồi hoàn để bán lại tín chỉ hấp thụ cho chính quyền địa phương, các công ty/khách hàng quốc tế có nhu cầu.

Nam Phi

    Nam Phi lựa chọn cơ chế chi trả khí thải C thông qua hệ thống thuế C có hiệu lực từ tháng 6/2019. Chính phủ quy định thu 120R (~ 8,12 $US/tấn CO2eq) trong nỗ lực giảm phát thải KNK, cải thiện môi trường sống của người dân và tạo thêm nguồn thu khắc phục các hậu quả do ô nhiễm môi trường của Nam Phi. Các công ty, như công ty xi măng, tự quyết định số tiền thuế hạch toán vào giá thành sản phẩm.

    Xác định đơn vị chi trả: Quy định rõ ràng các ngành sản xuất phải trả cùng với các hệ số phát thải được xác định trước. Ví dụ, với ngành sản xuất xi măng, sử dụng hệ số phát thải là 0,52 tấn CO2eq/1 tấn clinker; các hoạt động sản xuất khác như vôi, kính, gạch men… đều có các hệ số phát thải riêng. Công ty xi măng AfriSam là một trong các công ty đã thông báo sẽ tăng giá thành sản phẩm do thuế C sẽ được cấu thành vào giá thành sản xuất từ 1/7/2019. Thuế này sẽ được tính cho quá trình sản xuất clinker. Quá trình trộn và nhập khẩu clinker hay xi măng sẽ không chịu sự điều chỉnh của luật thuế này [3].

Colômbia

    Colômbia áp dụng hệ thống thuế C đối với nhiên liệu hóa thạch từ năm 2017, với mức chi trả tương đương với 5 $US/tấn CO2eq. Đơn vị bán và đơn vị nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch là đơn vị phát thải và phải trả tiền.

   Sử dụng tiền C: Đơn vị phát thải có thể đầu tư cho các dự án xanh ở Colômbia để bồi hoàn lượng C đã phát thải hoặc đóng thuế. Khoản tiền thuế C được sử dụng để hỗ trợ các dự án phát triển nông thôn và môi trường.

Chi lê

    Chi lê áp thuế C từ năm 2014, song chỉ áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện, với mức chi trả tương đương với 5 $US/tấn CO2eq.

    Sử dụng tiền C: Tương tự Colômbia, khoản tiền thuế C được sử dụng cho các dự án xanh hoặc để hỗ trợ các dự án phát triển nông thôn và môi trường.

Hình 1. Thống sáng kiến định giá C cấp vùng, quốc gia, dưới quốc gia từ 1990-2020

 

2. Đề xuất cơ chế C-PFES cho Việt Nam

    Để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cơ chế C-PFES tại Việt Nam, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) đã giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng, hình thức chi trả, mức chi trả dịch vụ môi trường rừng đối với tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải KNK lớn (tại điểm đ, khoản 2 và khoản 5 Điều 63). Kinh nghiệm quốc tế trong định giá khí thải C có thể cung cấp những thông tin bổ ích trong việc xây dựng cơ chế C-PFES tại Việt Nam. Trong tương lai có thể áp dụng được cơ chế C-PFES tại Việt Nam theo định hướng có sự điều tiết thị trường. Với triển vọng này, cần có sự tham gia của các Bộ liên quan như: Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối về kiểm kê KNK quốc gia sẽ có vai trò như bên xác nhận tín chỉ và hạn ngạch phát thải CO2eq; Bộ Tài chính hỗ trợ xây dựng cơ chế sao cho tiền C thu được có thể duy trì sức cạnh tranh của các công ty…

    Với kinh nghiệm ở British Columbia (Canađa) và California (Mỹ), các công ty ban đầu đều quan tâm đến việc ảnh hưởng tới kinh doanh khi phải chi trả khí thải C. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của chính quyền bang, các công ty đã nhận ra sự cần thiết của việc tham gia chi trả đối với chiến lược chống BĐKH, đồng thời hỗ trợ được nhu cầu của địa phương. Kết quả của việc giảm phát thải KNK rõ rệt mà vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế là bằng chứng rõ ràng nhất về mô hình đôi bên cùng có lợi. Điều quan trọng là cơ chế C-PFES không phải thiết kế để thu tiền mà đó là cơ chế để khuyến khích các công ty đạt được mục tiêu giảm phát thải, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng địa phương đạt được mục tiêu phát triển rừng và cải thiện môi trường. Kết hợp với kinh nghiệm nghiên cứu trong Dự án Rừng và Đồng bằng (2019) [4], dưới đây phân tích một số điểm chính trong cơ chế C-PFES đề xuất cho Việt Nam.

    Cơ chế chi trả: Hạn ngạch phát thải C, hạn ngạch này được xác định dựa trên khả năng hấp thụ và lưu giữ C của rừng.

   Xác định đơn vị chi trả: Đơn vị chi trả là các cơ sở phát thải lớn. Có thể căn cứ vào các cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định cơ sở phát thải lớn. Chẳng hạn, các nhà máy nhiệt điện và nhà máy xi măng đều là các cơ sở phát thải lớn, căn cứ theo: a) Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Phụ lục 3); b) Kết quả kiểm kê KNK quốc gia được công bố trong 2 báo cáo NDC gần nhất (BUR1, BUR2) chỉ ra nhóm các nhà máy nhiệt điện và xi măng luôn là các nguồn thải lớn nhất, phát thải hàng triệu tấn CO2eq/năm.

    Xác định mức chi trả: Mức chi trả được xác định cho từng ngành, có thể dựa trên mức cam kết giảm phát thải KNK của ngành đó. Chẳng hạn, căn cứ theo Quyết định số 13443/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành Công thương giai đoạn 2015 – 2020, trong đó giảm phát thải KNK trong lĩnh vực nhiệt điện đốt than từ 10% đến 20% so với phương án phát triển bình thường; căn cứ theo Quyết định số 802/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về việc ban hành “Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải KNK trong công nghiệp xi măng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 giảm 20 triệu tấn CO2eq và đến năm 2030 giảm 164 triệu tấn CO2eq so với kịch bản phát triển thông thường, tương ứng với mục tiêu giảm cường độ phát thải KNK trong ngành xi măng là 9% so với năm 2010. Từ đó, có thể đề xuất mức C-PFES cho 2 ngành này theo công thức:

    Trong đó:     

  • EC-PFES: Lượng CO2 được công ty nhiệt điện hoặc xi măng chi trả (tấn)
  • EFCO2: Hệ số phát thải CO2, được xác định dựa trên kết quả nghiên cứu [5]. Đối với ngành nhiệt điện, ECO2 = 1,0 tấn CO2/MWh; Đối với ngành xi măng, ECO2 = 0,85 tấn CO2/tấn clinker
  • Q: Sản lượng hàng năm (đơn vị sản phẩm). Đối với ngành nhiệt điện, đơn vị sản phẩm là MWh; Đối với ngành xi măng, đơn vị sản phẩm là tấn clinker.
  • 8%: Tỷ lệ giảm phát thải KNK (%), được xác định như sau: Đối với ngành nhiệt điện: giảm 2% so với tỷ lệ giảm phát thải KNK cam kết; Đối với ngành xi măng: giảm 1% so với tỷ lệ giảm phát thải KNK cam kết.

Số tiền chi trả: Số tiền chi trả tỷ lệ thuận với lượng CO2 mà các công ty trong ngành phải chi trả. Tiếp theo ví dụ trên, số tiền C-PFES xác định theo công thức sau:

    Trong đó:     

  • TC-PFES: Số tiền công ty chi trả cho dịch vụ môi trường rừng (triệu đồng)
  • PC-PFES: Mức giá C-PFES (triệu đồng/tấn CO2)

    Như vậy, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cần có sự linh hoạt trong sử dụng tiền C. Với C-PFES, theo quy định Việt Nam, các nguồn thu đều chịu sự điều chỉnh như các nguồn tiền PFES khác (theo tỷ lệ % do quỹ quản lý, và phần còn lại dành cho các chủ rừng), nhưng ở Mỹ và Canađa tiền C có thể sử dụng cho nhiều mục đích như bồi hoàn thuế hay hỗ trợ người nghèo… Mức chi trả C có thể tăng trong thời gian dài (như ở Canađa và Nam Phi), việc này giúp Công ty có thể điều chỉnh giá thành và cũng giúp Công ty đạt được mục tiêu giảm phát thải.

    Cuối cùng, các kinh nghiệm thành công trên thế giới về chi trả C đều dựa trên quá trình thu thập số liệu và hệ thống giám sát tốt để dựa vào đó các cơ quan liên quan có thể xây dựng cơ chế phù hợp. Với Việt Nam, cần có cơ chế chia sẻ số liệu giữa các công ty, Bộ ngành và giữa các tỉnh/thành với Trung ương.

PGS. TS. Nguyn Th Ánh Tuyết - Viện trưởng

Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2021)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. World Bank and Ecofys (2018). “State and Trends of Carbon Pricing 2018 (May)”, by World Bank, Washington, DC. Doi: 10.1596/978-1-4648-1292-7. License: Creative Commons Attribution CC BY 3.0 IGO.
  2. Robbie M. Andrew (2018). Global CO2 emissions from cement production. Earth Syst. Sci. Data, 10, 195–217. Doi: 10.5194/essd-10-195-2018.
  3. Carbon tax explained. Copyright 2021 AfriSam, https://www.afrisam.co.za/carbon-tax.
  4. Báo cáo nghiên cứu, đề xuất chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ C của rừng ở Thanh Hóa và Quảng Ninh - Dự án Rừng và Đồng bằng (2019).
  5. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Thủy Chung, Triệu Hùng (2021). Assessing carbon sequestration capacity of forest and prpposing solutions to greening industries in Vietnam. ASEAN Engineering, Vol. 11, Issue 3, pp 3-44.
Ý kiến của bạn