Banner trang chủ

Kinh nghiệm từ Dự án “Sáng kiến thành lập Liên minh các nhà bán lẻ nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi ni-lông dùng một lần tại Việt Nam”

02/06/2022

1. Thực trạng sử dụng túi ni lông dùng một lần tại Việt Nam

    Ô nhiễm nhựa trên diện rộng hiện đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với môi trường và sinh vật biển, cũng như ảnh hưởng đến nhiều vấn đề kinh tế, xã hội toàn cầu. Ước tính hàng năm trên thế giới có khoảng 4,8 - 12,7 triệu tấn nhựa thải vào các đại dương. Trên phạm vi toàn cầu, 32% chất thải bao bì đang rò rỉ ra môi trường.

    Trong vài thập kỷ vừa qua, Việt Nam chứng kiến tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng. Những xu hướng này đã góp phần vào việc thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng cũng như gia tăng nguồn chất thải. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018 dự kiến rác thải sinh hoạt ở Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2030 sẽ tiếp tục gia tăng từ 1,31 lên 1,72 kg theo đầu người mỗi ngày ở vùng đô thị và từ 0,86 lên 1,13 kg theo đầu người mỗi ngày ở vùng nông thôn. Nhìn chung, tổng lượng rác thải hằng năm tăng gấp đôi trong vòng 15 năm vừa qua và theo dự báo sẽ tăng từ 27 triệu tấn năm 2018 lên 54 triệu tấn năm 2030. Nhựa và ni lông chiếm khoảng 3,4 đến 10,6%, giấy và bìa cứng 3,3 đến 6,6%, kim loại 1,4 đến 4,9% và thủy tinh 0,5 đến 2,0%. Chiếm tỷ lệ lớn nhất vẫn là rác thải hữu cơ (50,2 đến 68,9%) và rác thải khó phân hủy (chất trơ) (14,9 đến 28,2%). Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) chỉ ra rằng, các hộ gia đình ở Việt Nam dùng khoảng 1,2 triệu tấn bao bì nhựa năm 2016 (0,436 triệu tấn vỏ chai PET và 0,04 triệu tấn các loại vỏ chai nhựa khác, 0,332 triệu tấn túi và giấy bóng kính, 0,202 triệu tấn cốc nhựa, vỏ lon và các loại vỏ hộp khác, 0,214 triệu tấn các loại bao bì nhựa khác.

    Rác thải nhựa trên biển được xem là một vấn đề toàn cầu đáng chú ý được ghi nhận trong Các mục tiêu phát triển bền vững - Sustainable Development Goals (SDGs). Tỷ lệ chất thải nhựa và túi ni lông sử dụng một lần trong chất thải rắn đô thị ở các đô thị Việt Nam ngày càng tăng. Tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở Việt Nam đã tăng mạnh từ 3,8 kg bình quân đầu người năm 1990 lên 41,3 kg bình quân đầu người năm 2018. Mỗi người dân Việt Nam tạo ra hơn một chiếc túi mỗi ngày và số lượng túi ni lông thải ra môi trường hàng năm là khoảng 31,4 tỷ túi, chỉ 17% trong số đó được tái sử dụng và tái chế. Loại nhựa sử dụng một lần này nhanh chóng được đưa vào bãi chôn lấp hoặc thải ra môi trường do hệ thống quản lý chất thải không phù hợp. Do đó, việc tiêu thụ nhựa sử dụng một lần và quản lý chất thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường quan trọng ở Việt Nam trong thời gian gần đây.

    Theo số liệu khảo sát vào tháng 3/2021 do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (CLCSTN&MT), Bộ TN&MT thực hiện cùng các đối tác, số lượng túi ni lông sử dụng một lần tại các siêu thị trung bình khoảng 104.000 túi/ngày, tương đương với 38 triệu túi ni lông/năm. Trong đó, 46/48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi ni lông miễn phí. Trung bình, mỗi siêu thị tiêu thụ trung bình khoảng 1.454 túi ni lông/ngày, dao động từ 70 - 2.800 túi. Tỷ lệ túi ni lông tiêu thụ tại quầy thu ngân chiếm trên 30% tổng số túi ni lông tiêu thụ của siêu thị và hơn 50% tổng lượng bao bì nhựa được tiêu thụ ở siêu thị. Theo đó, các siêu thị phát miễn phí khoảng 1,6 túi ni lông trên một đơn hàng. Chi phí trung bình của các siêu thị khảo sát khoảng 11.000.000 đồng/tháng. Chi phí cho túi ni-lông tại quầy thu ngân chiếm khoảng 0,2% doanh thu của siêu thị.

    Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của rác thải nhựa đối với môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm quản lý chất thải nhựa bao gồm: Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

2. Dự án “Sáng kiến thành lập Liên minh các nhà bán lẻ nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi ni-lông dùng một lần tại Việt Nam” (Dự án PLASTIC ALLIANCE)

    Đây là Dự án thí điểm, sáng kiến thuộc Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Liên minh châu Âu (EU) và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và do Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) triển khai tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy sử dụng túi thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, túi ni lông dùng một lần ra môi trường. Dự án gồm 3 hợp phần chính: (i) Liên minh các nhà bán lẻ nhằm tăng cường sử dụng túi thân thiện với môi trường được thành lập, giám sát và vận hành để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường; (ii) Chương trình khuyến mại được xây dựng và triển khai nhằm khuyến khích việc sử dụng túi thân thiện với môi trường tại các nhà bán lẻ; (iii) Chương trình truyền thông được xây dựng và thực hiện để nâng cao nhận thức và dần thay đổi hành vi của khách hàng hướng tới sử dụng bền vững, BVMT và giảm thiểu rác thải nhựa. Dự án do Viện CLCSTN&MT phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội triển khai thí điểm cho các đơn vị bán lẻ trên địa bàn thành phố. Thời gian triển khai Dự án từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2022.

    Dự án được thực hiện nhằm hỗ trợ đạt được các mục tiêu về sản xuất và tiêu dùng bền vững được xác định trong Kế hoạch số 266/KH-UBND thực hiện Chương trình Hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2022 trên địa bàn TP. Hà Nội và Kế hoạch số 232/KH-UBND về phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP. Hà Nội.

    Qua hơn một năm triển khai, Dự án đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận như thành lập được Liên minh bán lẻ giảm tiêu dùng túi ni lông, thực hiện các chiến dịch truyền thông đa dạng bằng nhiều hình thức nhằm tiếp cận đến nhiều đối tượng hơn, góp phần truyền tải thông điệp “tự tin mua sắm không dùng túi ni lông”, triển khai nhiều chương trình khuyến khích khách hàng giảm túi ni lông khi đi mua sắm.

Các nhà bán lẻ tham gia Liên minh cam kết thực hiện các hoạt động nhằm giảm túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần

Thành lập Liên minh các nhà bản lẻ giảm tiêu dùng túi ni lông

    Dự án đã huy động được 16 đơn vị bán lẻ đăng ký tham gia Liên minh, bao gồm các nhà bán lẻ lớn như Aeon Việt Nam, Lotte Việt Nam, MM Mega Market, Tập đoàn Central Retail, Tập đoàn TH, Uniqlo, Lock and Lock... Các nhà bán lẻ đã cùng nhau cam kết thực hiện nhiều hoạt động nhằm giảm tiêu dùng túi ni lông trong chuỗi bán lẻ của mình.

Thỏa thuận hợp tác (MOU) của Liên minh bán lẻ giảm túi ni lông

  • Thay thế túi ni lông khó phân hủy cung cấp cho khách hàng bằng các loại túi thân thiện với môi trường.
  • Thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm khuyến khích khách hàng giảm thiểu, tiến tới không sử dụng túi ni lông dùng một lần.
  • Thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về giảm thiểu sử dụng túi ni lông và phát sinh chất thải nhựa.
  • Thực hiện “Ngày không sử dụng túi ni lông” vào một ngày trong tháng.
  • Khuyến khích nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, giấy tái chế thay thế ni lông để bao gói các sản phẩm cung cấp cho chuỗi bán lẻ.

 Chương trình khuyến mại được xây dựng và triển khai

    Thực tế cho thấy, các nhà bán lẻ trong Liên minh đã thực hiện một số chương trình khuyến mại để khuyến khích sự tham gia của khách hàng trong việc chung tay với các nhà bán lẻ giảm tiêu dùng túi ni lông. Siêu thị Aeon đã triển khai chương trình giảm giá trực tiếp 1.000 đồng/hóa đơn hoặc thiết kế lối thanh toán ưu tiên đối với khách hành từ chối túi ni lông khi đi mua sắm. Các siêu thị khác (Big C, LOTTE, Co.op Mart...) đã áp dụng chương trình bán túi sử dụng nhiều lần không lợi nhuận. Co.op Mart đã triển khai nhiều chương trình tích điểm thưởng trên thẻ thành viên/tích tem đổi quà khi không sử dụng túi ni lông.

    Dựa trên các hoạt động đã được triển khai, Dự án đã phối hợp với các đơn vị bán lẻ đề xuất chương trình khuyến mại triển khai trong Liên minh như chương trình cho mượn túi hoặc thuê túi cho những khách hàng quên mang theo túi khi đi mua sắm, chương trình cộng điểm cho các khách hàng không sử dụng túi ni lông hay chương trình hoàn trả/giảm giá cho khách hàng sử dụng túi nhiều lần khi đi mua sắm.

Triển khai các hoạt động truyền thông

    Nhằm thay đổi hành vi của khách hàng trong giảm tiêu dùng túi ni lông, các hoạt động truyền thông giảm tiêu dùng túi ni lông đã được các đơn vị bán lẻ triển khai như phát video ca nhạc “Đi mua sắm không dùng túi ni lông”, triển khai Trưng bày ảnh và mô hình “Sông kể chuyện nhựa” tại một số đơn bị bán lẻ như LOTTE Mart, Decalthon, Aeon nhằm truyền tải các thông điệp về hạn chế ô nhiễm chất thải nhựa.

    Song song triển khai hoạt động truyền thông tại các đơn vị bán lẻ, Dự án đã phối hợp với tập đoàn Vingroup thực hiện trình chiếu video ca nhạc tại hệ thống Vincom và Vinhomes tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tổ chức cuộc thi hát duet trên Tiktok, truyền thông trên Fanpage của Dự án, đưa tin trên các báo điện tử và báo hình với mong muốn tiếp cận với nhiều đối tượng hơn.

Các sản phẩm truyền thông của Dự án

  • Phim video ca nhạc “Những chiếc túi biến mất” với sự tham gia của hoa hậu Dương Thùy Linh, người mẫu Đạt Kyo, nghệ sĩ Minh Phương...
  • Bộ ảnh “Túi xanh đi chợ” với sự tham gia của diễn viên Hà Hương, diễn viên Charlie Winston...
  • Triển lãm ảnh trực tuyến trên trang thông tin điện tử chungtaygiamnhua.com
  • Phim giáo dục “Cho ngày nay, cho ngày mai” với sự tham gia của MC Danh Tùng, MC Thùy Linh...
  • Phim tài liệu “Hãy thay đổi!” với sự tham gia của Đại sứ Hà Lan, Ca sĩ Khánh Linh...
  • Standee với các thông điệp chính (i) nói không với túi ni lông; (ii) tác động của túi ni lông tới môi trường; (iii) cách hành động giảm túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
  • Sản xuất các tờ rơi, áp-phích với các số liệu về hiện trạng sử dụng túi ni lông trong các siêu thị.

3. Bài học kinh nghiệm và kế hoạch triển khai trong thời gian tới

    Quá trình thành lập Liên minh đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước, sự ủng hộ của các nhà bán lẻ và sự tham gia của các đối tác giảm rác thải nhựa trong quá trình triển khai. Một số yếu tố thành công có thể kể đến như: Cần có sự tham vấn chặt chẽ để tạo được sự đồng thuận giữa các nhà bán lẻ tham gia Liên minh và sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước (Sở Công Thương Hà Nội, Viện CLCSTN&MT); Vai trò xúc tác của Dự án sẽ mang lại các tác động rộng rãi hơn. Dự án đóng vai trò xúc tác trong việc huy động các sáng kiến và các đối tác đồng hành giảm rác thải nhựa để tạo ra nhiều tác động, đặc biệt trong việc triển khai các hoạt động truyền thông để thay đổi hành vi của khách hàng trong việc giảm tiêu dùng túi ni lông. Các đối thoại chính sách là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm giữa các đối tác, các bên bán lẻ nhằm khuyến khích các nỗ lực về hạn chế sử dụng túi ni lông dùng một lần. Tham gia tích cực của khối tư nhân cũng có vai trò quan trọng để triển khai Kế hoạch hành động của Liên minh. Việc kết hợp các hoạt động của Dự án với các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc thay đổi hành vi của khách hàng.

    Bên cạnh đó, việc nhận được đồng thuận của các đơn vị bán lẻ tham gia Liên minh mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid, hầu hết các doanh nghiệp ưu tiên tập trung vào hoạt động kinh doanh. Do đó, cần đảm bảo các hoạt động của Liên minh phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và các chính sách về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

    Tiếp nối những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà bán lẻ triển khai Kế hoạch hành động của Liên minh, bao gồm: Phối hợp với các thành viên triển khai Kế hoạch hành động của Liên minh. Thiết kế và triển khai chương trình “Ngày không sử dụng túi ni lông” tại một số đơn vị bán lẻ, phối hợp với các đối tác về giảm nhựa. Sự ủng hộ của các thành viên bán lẻ và sự tham gia của các đối tác giảm rác thải nhựa sẽ góp phần lan tỏa tác động của hoạt động này. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị bán lẻ và các đối tác thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi hành vi của khách hàng trong việc giảm tiêu dùng túi ni lông sử dụng một lần.

    Đồng thời, Dự án sẽ hỗ trợ các đơn vị bán lẻ xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm tiêu dùng túi ni lông trong hệ thống của các đơn vị; mở rộng các thành viên trong Liên minh về mặt số lượng và địa lý; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong Liên minh nhằm nhân rộng các điển hình tốt về giảm ô nhiễm chất thải nhựa; huy động nguồn lực tài chính từ các đối tác phát triển, khối doanh nghiệp để mở rộng hoạt động của Liên minh. Việc kết hợp vào các chương trình chính sách xã hội của Liên minh có thể được xem là một nguồn tài chính để triển khai hoạt động của từng thành viên trong Liên minh.

Kim Thị Thúy Ngọc, Nguyễn Trung Thắng, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Lê Thị Lệ Quyên, Nguyễn Anh Tuấn

Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2022) 

 

Ý kiến của bạn