Banner trang chủ

GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Nhà khoa học miệt mài nghiên cứu bảo vệ môi trường làng nghề

16/12/2019

     Công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam” do GS.TS Đặng Thị Kim Chi chủ trì triển khai thực hiện trong suốt 16 năm (1999 - 2014) đã xuất sắc nhận giải Nhất lĩnh vực môi trường của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019. Công trình là kết quả của 14 đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh mà GS.TS Đặng Thị Kim Chi làm chủ nhiệm đề tài. Đây là những giá trị to lớn có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn, góp phần giải quyết bài toán về ô nhiễm môi trường ở các làng nghề Việt Nam.

     Là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành khoa học và công nghệ môi trường ở Việt Nam, GS.TS Đặng Thị Kim Chi còn nhà khoa học đi tiên phong trong nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề của Việt Nam. Từ những chuyến khảo sát thực tế, GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhận thấy, làng nghề là một trong những nét đặc thù của nông thôn Việt Nam, tuy nhiên với đặc điểm quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ sản xuất thủ công lạc hậu, vốn đầu tư thấp khó có điều kiện phát triển hay đổi mới sản phẩm… nên dẫn đến chất lượng môi trường tại các làng nghề ngày càng kém và tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng và hệ sinh thái… Điều GS.TS Đặng Thị Kim Chi luôn băn khoăn, trăn trở đó chính là việc các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm ngay trong khu dân cư, gây tác động trực tiếp đến đời sống của những người dân nơi đây. Nhận thức được trách nhiệm của mình về một vấn đề môi trường đang rất nóng, nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã quyết định đi sâu nghiên cứu vào lĩnh vực môi trường các làng nghề Việt Nam để tìm ra các giải pháp tổng hợp về quản lý và kỹ thuật nhằm phòng ngừa ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường làng nghề, góp phần phát triển làng nghề bền vững.

 

GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhận Giải nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019 ở lĩnh vực Môi trường

 

     Trong gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS.TS Đặng Thị Kim Chi và các cộng sự đã đề xuất và được chấp thuận tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh để điều tra khảo sát hoạt động tại nhiều làng nghề ở Việt Nam. Qua đó đã có nhiều biện pháp tích cực thúc đẩy và khuyến khích các hoạt động cải thiện chất lượng môi trường các làng nghề, nhiều dự án, đề tài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đã được triển khai nhằm tìm ra các biện pháp có hiệu quả góp phần giảm thiểu và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Nghiên cứu chính là cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm đề xuất các chính sách và giải pháp cải thiện môi trường các làng nghề Việt Nam.

     Từ kết quả của các đề tài nghiên cứu, vấn đề môi trường làng nghề đã được quan tâm hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, các đề tài nghiên cứu đã đưa ra mô hình cải thiện môi trường có thể áp dụng cho 7 loại hình làng nghề phổ biến ở Việt Nam là làng nghề tái chế giấy, chế biến đồ gỗ, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ và chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuộm, tái chế nhựa, tái chế kim loại từ các phế liệu. Những mô hình này đã được phổ biến cho bà con ở một số làng nghề, giúp giảm tiêu thụ nguyên, nhiên liệu và xử lý chất thải ô nhiễm, góp phần BVMT và sức khỏe cộng đồng. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam” do GS.TS Đặng Thị Kim Chi triển khai thực hiện đã xuất sắc nhận giải Nhất lĩnh vực môi trường của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019. Đây là giải thưởng cao quý ghi nhận những nỗ lực và cống hiến của GS.TS Đặng Thị Kim Chi và cộng sự đối với sự nghiệp khoa học nước nhà, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

     Công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam” với những giá trị lý luận và thực tiễn

    Trong những năm qua, các kết quả nghiên cứu tại làng nghề của GS. TS Đặng Thị Kim Chi đã góp phần bảo vệ sức khỏe và tạo công ăn việc làm cho người dân. Bộ công trình “Môi trường các làng nghề Việt Nam” đã được phổ biến và đón nhận ở nhiều địa phương có làng nghề, giúp định hướng và triển khai các giải pháp tổng hợp trong quản lý môi trường, góp phần phát triển bền vững cho các làng nghề. Bộ công trình Công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam” bao gồm:

     Bộ 3 sách chuyên khảo “Làng nghề Việt Nam và Môi trường”, tập 1,2,3, tập trung điều tra khảo sát sơ bộ hiện trạng kinh tế - xã hội các làng nghề Việt Nam, mức độ ô nhiễm, các tác động tới môi trường; nhận dạng các tồn tại, ảnh hưởng đối với sự phát triển kinh tế và BVMT làng nghề Việt Nam, dự báo xu hướng phát triển, mức độ ô nhiễm tại các làng nghề; đưa ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, định hướng một số dự án BVMT tại địa phương; xây dựng mô hình quản lý môi trường, áp dụng sản xuất sạch hơn, cũng như triển khai các mô hình xử lý chất thải tại một số làng nghề điển hình.

 

 GS.TS. Đặng Thị Kim Chi là một trong những chuyên gia đầu tiên về lĩnh vực BVMT ở Việt Nam

 

     Bộ 7 tài liệu hướng dẫn cải thiện môi trường các làng nghề, hướng dẫn áp dụng các giải pháp cải thiện môi trường cho 7 loại hình làng nghề khác nhau về quá trình sản xuất và sản phẩm đặc trưng (làng nghề chế biến nông sản thực phẩm; thủ công mỹ nghệ; dệt nhuộm; sản xuất vật liệu xây dựng; tái chế giấy; tái chế nhựa; tái chế kim loại). Mỗi tài liệu hướng dẫn đều có giới thiệu chung về quy trình sản xuất; các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đặc thù như: Giải pháp sản xuất sạch hơn; công nghệ xử lý chất thải phù hợp với điều kiện sản xuất làng nghề; các giải pháp quản lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hướng dẫn quan trắc môi trường làng nghề.

     Bộ 7 mô hình công trình xử lý chất thải cho cơ sở sản xuất tại một số loại hình làng nghề. Các mô hình áp dụng công nghệ xử lý chất thải ô nhiễm phát sinh phù hợp với đặc điểm của ngành sản xuất, đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường hiện hành, đơn giản, dễ vận hành, dễ chuyển giao, vốn đầu tư và chi phí vận hành thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề, ưu tiên những công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải.

     Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đều được triển khai theo phương pháp nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn từ điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và môi trường, đánh giá tác động của sản xuất mang đặc thù của làng nghề tới môi trường, định hướng phát triển và đề xuất tổng hợp các giải pháp quản lý môi trường và phòng ngừa giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường, nên các giải pháp đều có tính khoa học, thực tiễn và khả thi trong điều kiện Việt Nam. Nghiên cứu đã xác định vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại các làng nghề phụ thuộc rất nhiều vào loại hình sản xuất và sản phẩm của làng nghề nên đã phân loại làng nghề theo loại hình sản xuất và sản phẩm (cụ thể là 7 loại hình làng nghề ). Vì vậy, các giải pháp BVMT tại các làng nghề được cụ thể, dễ áp dụng với từng loại hình sản xuất và sản phẩm của làng nghề. 

     Các công trình nghiên cứu về môi trường làng nghề trong những năm qua của GS.TS Đặng Thị Kim Chi và các cộng sự có thể được coi là đã mở ra hướng nghiên cứu mới về môi trường tại các làng nghề vốn trước đây chưa được quan tâm đúng mức, mang lại những kết quả rất đáng khích lệ cho hoạt động BVMT hiện nay ở Việt Nam. Theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi, môi trường của làng nghề chỉ có thể được giải quyết hiệu quả do chính người dân sống tại làng nghề quyết định và tự giác thực hiện vì chính quyền lợi của họ và gia đình với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Mặt khác, “giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề Việt Nam đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ từ chính sách, pháp luật, giáo dục tuyên truyền, kết hợp với các giải pháp quản lý tổng hợp và giải pháp kỹ thuật phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương… Vì vậy, các giải pháp từ công trình nghiên cứu khoa học đã thực hiện và triển khai vẫn cần được hoàn thiện tiếp tục và phổ biến rộng rãi” GS.TS Đặng Thị Kim Chi chia sẻ.

 

Nguyễn Hằng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn