Banner trang chủ

“Triệu ngôi nhà xanh” - Hướng tới tương lai năng lượng bền vững tại Việt Nam

10/10/2019

     Việt Nam là nước nhiệt đới, tiềm năng bức xạ mặt trời được đánh giá ở mức hàng đầu trên thế giới với tổng số giờ nắng và cường độ bức xạ nhiệt cao (trung bình khoảng 5 kWh/ngày). Đặc biệt, ở các tỉnh phía Nam, số giờ nắng lớn, dao động từ 1.600 - 2.600 giờ/năm. Bên cạnh nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, nước ta còn có 8,6% diện tích lãnh thổ có gió đạt tiêu chuẩn về tốc độ và mật độ để sản xuất phong điện. Tuy nhiên, những nguồn năng lượng sạch này vẫn chưa phát triển rộng rãi trên cả nước. Nhằm hướng tới mục tiêu vào năm 2030 đạt 1 triệu ngôi nhà và tòa nhà áp dụng các giải pháp xanh, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã khởi xướng Chương trình “Triệu ngôi nhà xanh”. Để tìm hiểu rõ hơn về Chương trình này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID.

 

Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc GreenID

 

     PV: Bà đánh giá như thế nào về việc sử dụng năng lượng sạch, tái tạo tại Việt Nam?

     Bà Ngụy Thị Khanh: Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đang đối mặt với cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Mục tiêu của thế giới từ sau Paris COP 21 là đảm bảo sự tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ nay đến năm 2100 ở mức dưới 2°C bằng biện pháp giảm sản xuất và sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), nguyên nhân phát ra 2/3 lượng khí nhà kính (CO2) và thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như: Gió, mặt trời, sinh khối... và đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng.

     Việt Nam - đất nước đang và sẽ chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu -có tiềm năng dồi dào từ các nguồn NLTT, trong khi các nguồn năng lượng sơ cấp trong nước như thủy điện vừa và lớn, than, dầu khí đều đã khai thác hết tiềm năng và ngày càng cạn kiệt. Việt Nam đang chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng tịnh thành nước nhập khẩu tịnh thì việc tăng cường phát triển các nguồn NLTT có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong mục tiêu toàn cầu, vừa đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

     Hiện nay, Việt Nam khai thác 7 dạng NLTT có tiềm năng khai thác là: Gió, mặt trời, thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải, khí sinh học và địa nhiệt. Trong đó, thủy điện nhỏ có tiềm năng khai thác khoảng hơn 4.000 MW, năng lượng gió hơn 30.000 MW tại khu vực dọc bờ biển Trung và Đông Nam bộ. Năng lượng bức xạ mặt trời vào khoảng 4 - 5 kWh/m2/ngày thuộc mức cao tại các vùng từ Thừa Thiên - Huế trở vào miền Nam. Năng lượng sinh khối (gỗ, củi, rơm rác, phụ phẩm nông nghiệp...) với tổng tiềm năng khoảng 43 - 46 triệu TOE/năm, trong đó khoảng 60% là năng lượng gỗ củi tương đương 600 - 700 MW và 40% năng lượng rơm, rác, phụ phẩm nông nghiệp (chủ yếu là trấu: 197 - 225 MW, bã mía: 221 - 276 MW). Riêng năng lượng khí sinh học, tiềm năng vào khoảng 0,4 triệu TOE/năm (khoảng 570 triệu m3). Ngoài ra, các nguồn khác như rác thải sinh hoạt (khoảng 350 MW); địa nhiệt (khoảng 400 MW); thủy triều (hơn 100 MW).

     Nhằm góp phần đa dạng hóa và tự chủ nguồn cung, đáp ứng nhu cầu, BVMT và thực hiện hiện cam kết của Chính phủ đối với quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đang từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển các dự án NLTT, tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhìn chung, các dự án khai thác NLTT ở nước ta chỉ mới phát triển ở một số lĩnh vực, quy mô, số lượng nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng.

 

Tọa đàm Sáng kiến Xanh tại Lễ ra mắt thành viên Liên minh Hành động vì Khí hậu Việt Nam, ngày 21/8/2019 tại TP. Huế

 

     PV: Được biết, Chương trình “Triệu ngôi nhà xanh” hướng tới mục tiêu vào năm 2030 đạt 1 triệu ngôi nhà và tòa nhà áp dụng các giải pháp xanh, bà có thể chia sẻ rõ hơn về Chương trình?

     Bà Ngụy Thị Khanh: Chương trình “Triệu ngôi nhà xanh” được GreenID khởi động và nghiên cứu cùng các đối tác từ tháng 8/2018. Đối tượng hưởng lợi là cộng đồng chưa có lưới điện, hộ gia đình khu vực nông thôn thành thị, cơ sở sản xuất, nông trại, tòa nhà thương mại, cơ sở công (bệnh viện, trường học, sân bay). Chương trình có 5 hoạt động chính: Truyền thông, thí điểm và nhân rộng các giải pháp tại cộng đồng; hỗ trợ tiếp cận tài chính; vận động chính sách thúc đẩy các giải pháp xanh; kết nối sáng kiến địa phương - toàn cầu. Chương trình đã trở thành một trong 5 nội dung trọng điểm của Liên minh Hành động vì khí hậu Việt Nam (VCCA).

     Chương trình chia thành 3 lộ trình. Giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2019  (khởi động và nghiên cứu) bao gồm: Xây dựng các chương trình, dự án hợp tác giữa thành viên Liên minh với đối tác; ra mắt phiên bản thử nghiệm cổng thông tin về điện mặt trời; tìm kiếm cơ hội hỗ trợ từ Liên minh Điện mặt trời quốc tế (ISA). Giai đoạn 2 từ năm 2020 - 2022 (Dự án thí điểm và Chiến dịch truyền thông), sẽ có ít nhất 5 dự án thí điểm điện mặt trời mái nhà tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, An Giang, Đắk Lắk, Hậu Giang…; vận hành cổng thông tin; xúc tiến kết nối cung cầu cho các giải pháp điện mặt trời mái nhà và giải pháp năng lượng tiết kiệm hiệu quả thông qua cổng thông tin điện tử, hoạt động truyền thông; triển khai chương trình ưu đãi của VCCA cho giải pháp bình nước nóng năng lượng mặt trời Sơn Hà cho các cộng đồng từ Thừa Thiên - Huế trở ra phía Bắc; tiếp tục hỗ trợ các dự án điện mặt trời ở các khu vực chưa có điện, thiếu điện… Giai đoạn 3 từ năm 2023 - 2030 (Ngôi nhà Xanh cho tất cả mọi người) sẽ có được bản đồ số hóa về các ngôi nhà xanh ở Việt Nam; tiếp tục huy động ngân sách và tổ chức truyền thông, hỗ trợ thực hiện; hỗ trợ kỹ thuật, quảng bá các câu chuyện thành công.

     Các giải pháp được áp dụng trong Chương trình như điện mặt trời mái nhà; Bình nước nóng năng lượng mặt trời; Đèn LED; Biogas; Một số giải pháp xanh khác: Xử lý rác, thu và tái sử dụng nước mưa.

     Về điện mặt trời mái nhà, chương trình hướng tới 2 loại hình: Điện mặt trời mái nhà hòa lưới là hệ thống tấm quang điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà, hấp thu ánh nắng mặt trời và tạo ra nguồn điện hòa chung vào lưới điện quốc gia, cung cấp trực tiếp cho các thiết bị điện tại hộ gia đình. Mô hình này áp dụng với các khu vực đã có lưới điện quốc gia ở vùng thành thị và nông thôn. Điện mặt trời cấp hộ độc lập áp dụng cho các khu vực chưa có lưới điện quốc gia. Đây là hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời được lắp đặt trên mái nhà thu năng lượng mặt trời thành dòng điện một chiều. Điện sẽ được tích trữ trong ắc quy thông qua bộ điều khiển sạc, sau đó có thể sử dụng độc lập trong gia đình mà không cần dùng nguồn điện lưới quốc gia. Hệ thống điện mặt trời phù hợp với mọi vùng miền ở Việt Nam, tuy nhiên đặc biệt hiệu quả với các khu vực miền Trung, miền Nam, nơi có số giờ nắng lớn. Ngoài ra, hệ thống còn phù hợp với các khu vực chưa có điện lưới như vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hiện nay, xu hướng lắp điện mặt trời của các hộ dân đang tăng nhanh, theo EVN, tính đến tháng 7/2019, có hơn 9.000 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái, trong đó đông đảo là các hộ gia đình.

     PV: Đến nay, GreenID đã triển khai những hoạt động gì để thực hiện Chương trình?

     Bà Ngụy Thị Khanh: Trong thời gian qua, GreenID đã làm việc với nhiều đối tác, từ khối doanh nghiệp, nhóm cung cấp tài chính, khối nghiên cứu, các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ (NGOs) tiên phong về phát triển xanh đến cộng đồng người tiêu dùng, chính quyền địa phương để xây dựng chương trình và hình thành Liên minh Hành động vì Khí hậu Việt Nam. Các thành viên Liên minh sẽ cùng nhau hợp tác để truyền thông tới cộng đồng về các giải pháp năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và NLTT; thúc đẩy sáng kiến tài chính; đóng góp vào các chính sách năng lượng bền vững cho Việt Nam. Nhiều hội thảo, tọa đàm, tập huấn, truyền thông đã được các thành viên của Liên minh tổ chức trong thời gian qua. Một số thành viên cũng đã tiên phong ứng dụng các giải pháp xanh làm minh chứng cho tính hiệu quả và phù hợp với cộng đồng. Cùng với đó, GreenID đã ra mắt phiên bản thử nghiệm cổng thông tin: http://trieungoinhaxanh.com.vn/. Đây là nền tảng cung cấp thông tin đa chiều uy tín cho cộng đồng, những người tiêu dùng và sản xuất năng lượng. Cổng thông tin cũng là cầu nối giữa người tiêu dùng và các nhà cung cấp, nhằm rút ngắn khoảng cách về thông tin, các nguồn hỗ trợ tài chính, công nghệ, từ đó thúc đẩy việc ứng dụng giải pháp xanh cho ngôi nhà, cơ sở sản xuất của mình. Tính đến tháng 9/2019, người tiêu dùng điện là hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, nông trại, cơ sở công có thể truy cập để tính toán tiềm năng điện mặt trời, nhận sự tư vấn cụ thể về giải pháp kỹ thuật và kết nối với nhà cung cấp tin cậy cùng chi phí hợp lý.

     GreenID cũng đang triển khai hỗ trợ thí điểm cho 90 hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội ứng dụng giải pháp điện mặt trời mái nhà thông qua nền tảng trực tuyến này.  

     PV: Trong thời gian tới, GreenID có đề xuất gì để thực hiện tốt Chương trình, hướng tới tương lai năng lượng bền vững ở Việt Nam?

     Bà Ngụy Thị Khanh: Để hướng tới tương lai năng lượng bền vững ở Việt Nam, các chủ trương chính sách tới đây của Đảng và Nhà nước cần quan tâm khuyến khích và có chương trình hỗ trợ tài chính, ví dụ vay vốn ưu đãi để thúc đẩy người dân ứng dụng các giải pháp xanh góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả và phát triển xanh.

     Mặt khác, Quy hoạch điện VIII nên chú trọng tới tiềm năng điện mặt trời mái nhà và khai thác tiềm năng phát triển kết hợp điện mặt trời với sản xuất nông nghiệp nhằm hướng tới tương lai năng lượng bền vững và tăng cường cơ hội kinh tế cho nông dân, các hộ gia đình. Bên cạnh đó, những chương trình phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu của các tỉnh, thành phố cần quan tâm thúc đẩy giải pháp trong Chương trình “Triệu ngôi nhà Xanh” đề xuất để cùng chung sức giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

     Trong thời gian tới, GreenID sẽ sớm hoàn thiện kế hoạch hoạt động và chia sẻ các chương trình hoạt động cụ thể với công chúng, tổ chức quan tâm. Hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ và đồng hành của các bên để cùng chung tay vào nỗ lực xây dựng một Việt Nam Xanh.

      PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Hồng Nhung (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

 

 
 

 

Ý kiến của bạn