Banner trang chủ

Định hướng phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ sinh thái môi trường vịnh Vân Phong

02/01/2020

     Vịnh Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), cách trung tâm thành phố Du lịch Nha Trang khoảng 60 Km về phía Bắc là một trong 10 vịnh biển đẹp nhất Việt Nam. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 coi Vân Phong như một động lực phát triển kinh tế miền Trung. Do vậy, cần phân tích một số nguy cơ tác động đối với các hệ sinh thái (HST) biển để làm cơ sở đề xuất giải pháp sử dụng bền vững tài nguyên môi trường biển trong chiến lược phát triển tổng thể vịnh Vân Phong.

     Hệ sinh thái san hô biển tại vịnh Vân Phong

     Vịnh Vân Phong thuộc phía Bắc tỉnh Khánh Hòa có độ sâu trung bình 20-27m, kín gió, nằm gần đường hàng hải quốc tế, có điều kiện thuận lợi để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế và có phong cảnh đẹp, HST đa dạng, khí hậu ôn hòa thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là du lịch biển và nuôi hải sản. Kết quả nghiên cứu mới cho thấy, RSH ở vịnh Vân Phong phân bố rộng, không đồng nhất và chủ yếu tập trung ở các khu vực dọc ven bờ ở phía Nam như Xuân Tự, Ninh Phước, Ninh Tịnh, xung quanh các đảo Hòn Lớn (phía Nam và Đông  Nam), Điệp Sơn, Hòn Ông, Hòn Đen, Hòn Mỹ Giang và các đảo nhỏ trong vũng Bến Gỏi, và dọc bán đảo Hòn Gốm (Khải Lương, Vũng Cổ Cò)... Tổng diện tích RSH phân bố trong vịnh Vân Phong khoảng 1.618 ha, trong đó các khu vực có diện tích lớn gồm Vũng Ké (113 ha), Hòn Bịp (107 ha) và Xuân Tự (240 ha). Tuy nhiên, ở những khu vực có diện tích lớn này chủ yếu là các bãi san hô chết và có một số tập đoàn san hô sống phân bố.

 

Một góc vịnh Vân Phong tỉnh Bình Thuận

 

     Khu vực vịnh Vân Phong có tổng cộng 998 loài thuộc 648 giống và 175 họ của 6 nhóm sinh vật rạn chủ yếu (san hô cứng tạo rạn, cá RSH, thân mềm, giáp xác, da gai và giun nhiều tơ) trên các RSH.  Thành phần san hô cứng tạo rạn đã xác định được 294 loài thuộc 67 giống và 14 họ, trong đó các họ có số lượng loài cao gồm Acroporidae (94 loài), Merulinidae (63 loài), Lobophylliidae (26 loài). Đặc biệt, tại vịnh Vân Phong, các nhà khoa học biển Việt Nam thuộc Viện hải dương học Nha Trang đã xác định được 267 loài cá RSH, thuộc 106 giống và 42  họ, trong đó, họ cá thia có thành  phần loài phong phú nhất (52 loài), tiếp theo là cá bàng chài (44 loài), cá bướm (25 loài), cá mó (16 loài), cá sơn (12 loài) và một số họ cá có giá trị thực phẩm cao.

     Bên cạnh đó, tại đây có nhóm động vật thân mềm với số lượng loài nhiều nhất, 169 loài thuộc 127 giống và 58 họ. Trong tổng số loài nói trên, các họ có số loài cao  gồm Trochidae (17 loài), Rissoidae (14 loài), Triphoridae (13 loài), Veneridae và Turridae (mỗi họ 9 loài), Turbinidae và Muricidae (mỗi họ có 8 loài) và Mytilidae (7 loài). Nhóm giáp xác cũng đã xác định được trên 68 loài thuộc 39 giống và 8 họ, trong đó họ Xanthidae có 39 loài, tiếp theo là Pilumnidae (12 loài) và họ Portunidae (8 loài)…

     Nguy cơ ô nhiễm môi trường và suy thoái HST san hô biển

     Phát triển công nghiệp, dịch vụ: Vân Phong vị trí địa lý là cửa mở hướng ra Biển Đông đối với vùng Tây Nguyên để phát triển hành lang kinh tế Đông Tây. Ngày 17/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 380/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Khu kinh tế Vân Phong tập trung chủ yếu tại hai khu vực Nam Vân Phong (thuộc khu vực thị xã Ninh Hòa) và Bắc Vân Phong (thuộc khu vực huyện Vạn Ninh).

     Vịnh Vân Phong có các hoạt động xây dựng cảng biển trung chuyển quốc tế, các điểm - trung tâm chuyển tải dầu cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường do dầu tràn, nước dằn tầu và sinh vật ngoại lai.

     Khu vực ven biển, cảng biển đang có rất nhiều quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp có thải rất nhiều chất thải rắn, lỏng, khí vào vịnh Văn Phong. Một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đang hoạt động ở Khu vực Nam Vân Phong (Nhà máy đóng tàu Hyundai - Vinashin, Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong) có nguy cơ rủi ro bụi sắt và tràn dầu vào môi trường vịnh.

     Khai thác thủy sản quá mức: Phần lớn HST san hô trong vịnh Vân Phong không còn duy trì trong tình trạng tốt, trong đó rất ít rạn có độ phủ san hô sống đạt mức độ tốt và nhiều rạn có độ phủ < 10%. Số liệu giám sát ở những điểm rạn cố định ở khu vực Hòn Đen, Bãi Tre, Nam Hòn Mỹ Giang từ năm 2003 đến nay cho thấy, độ phủ san hô chết có xu hướng gia tăng trong khi nguồn lợi sinh vật rạn đều trở nên khan hiếm). Rạn san hô ở khu vực Cùm Meo, Rạn Tướng phần lớn đã bị chết, ngoại trừ các tập đoàn san hô dạng khối và san hô mềm còn sống sót. Nguyên nhân gây nên sự suy thoái và giảm chất lượng của các rạn san hô ở đây rất phức tạp. Nguồn lợi sinh vật trong vịnh, đặc biệt là các vùng ven bờ có dấu hiệu suy giảm rất rõ rệt. Đáng kể nhất là nguồn lợi cá nổi và cá đáy nhưng hiện nay sản lượng đã bị suy giảm nhiều. Số liệu điều tra nguồn lợi trên các rạn san hô năm từ năm 2003 đến nay đều cho thấy sự khan hiếm hoặc vắng mặt của các nhóm cá có giá trị thực phẩm cao, kích thước lớn (> 30cm) như cá mú, cá hồng, cá hè, cá kẽm, cá bò da, cá cam… Các nhóm loài có giá trị như hải sâm, tôm hùm, trai tai tượng, ốc tù và, nhum sọ, ốc đụn được ghi nhận với mật độ rất thấp do đã bị khai thác cạn kiệt. Tu hài được xem là nguồn lợi có giá trị kinh tế cao được phát hiện và khai thác rộ ở khu vực xung quanh Rạn Trào đã bị giảm nhanh chóng xuống tới hàng chục lần còn khoảng 15 kg/ngày. Các loài hải sâm có giá trị kinh tế cao như hải sâm mít, hải sâm vú... hầu như không được ghi nhận trên các rạn.

     Các hoạt động khai thác hủy diệt như đánh mìn, dùng hóa chất độc hại, khai thác san hô sống làm hàng mỹ nghệ diễn ra trong vịnh, nhưng những dẫn liệu từ các đợt khảo sát trong vòng 3 năm trở lại đây đều ghi nhận những di chứng của các hoạt động khai thác này trên một số rạn ở khu vực Hòn Đỏ, Cùm Meo, Bãi Tre, Bắc và Nam Hòn Mỹ Giang. Việc khai thác cạn kiệt san hô chết trên các bãi triều và thậm chí dưới triều làm vật liệu xây dựng các đầm nuôi tôm diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm qua và gây suy thoái ở nhiều vùng rạn như ở Hòn Điệp Sơn, HònVung.

     Các nguy cơ khác: Sao biển gai phát triển mạnh trong vịnh Vân Phong, tại Bãi Tre, Hòn Đen, Bắc và Nam Hòn Mỹ Giang từ năm 2003 đến nay cho thấy, mật độ sao biển gai rất cao, trung bình 1,0 - 1,9 cá thể/100m2. Một số nơi như Hòn Đỏ và phía Nam Hòn Mỹ Giang có thể ghi nhận được > 6,3 cá thể/100m2. Bên cạnh đó, mật độ của ốc gai (Drupella spp.) cũng được ghi nhận với mật độ cao, trung bình trong cùng giai đoạn nói trên. Sự hiện diện với mật độ cao của các nhóm sinh vật địch hại này đã góp phần tiêu diệt san hô, làm giảm chất lượng và gây suy thoái cho nhiều khu vực rạn ở vịnh Vân Phong.

 

Hoạt động khai thác hải sản dẫn đến suy thoái và giảm chất lượng của các rạn san hô trong vịnh

 

     Bên cạnh đó, một số rạn san hô trong vụng Bến Gỏi (như xung quanh cụm đảo Hòn Bịp) đang bị suy thoái do tình trạng bùn hóa nền đáy, nhất là ở đới chân rạn và đây có thể là quá trình tự nhiên với sự xâm lấn của nền đáy bùn phía ngoài rạn, vốn là nền đáy phổ biến trong vụng Bến Gỏi. Các đánh giá nhanh mức độ lắng đọng trầm tích trên rạn cho thấy một số khu vực như Cùm Meo, Rạn Tướng, phía Tây Nam Rạn Trào, Bãi Ông bị che phủ khá dày bởi lớp trầm tích mịn. Sự hiện diện với mức độ cao hàm lượng lắng đọng trên rạn có thể là do sự gia tăng lượng chất thải và trầm tích từ đầm nuôi tôm và các hoạt động ven bờ phát tán đến các rạn san hô ở những khu vực nóitrên.

     San hô bị tẩy trắng ở khu vực Hòn Đen với độ phủ chỉ đạt 4,9%, trong đó các giống có tỉ lệ tẩy trắng cao gồm Montipora (2,5%) và Galaxea (2,4%). Điều này cho thấy rằng, các rạn san hô ở vịnh Vân Phong cũng đang chịu tác động bởi biến cố tẩy trắng liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu hiệnnay.

      Đề xuất các giải pháp BVMT sinh thái và phát triển bền vững vịnh Vân Phong

     Để giảm thiểu các tác động và nâng cao hiệu quả bảo vệ bền vững môi trường biển, trước hết cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bên liên quan về bảo tồn san hô, sinh vật biển và sử  dụng bền vững tài nguyên; tổ chức các cuộc hội thảo truyền thông và tham vấn đúng biện pháp và có nội dung phù hợp theo từng nhóm đối tượng cụ thể sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết, nhận thức đúng trách nhiệm và tăng cường sự hợp tác giữa các thành phần trong việc sử dụng bền vững tài nguyên theo định hướng lâu dài.

    Đồng thời, cần sớm quy hoạch không gian vùng bờ và không gian vịnh Vân Phong cho phát triển đa ngành kinh tế biển.

     Thiết lập các khu vực bảo tồn biển. Nên phân vùng và xây dựng phương án bảo tồn những khu vực đại diện có tầm quan trọng về khía cạnh sinh thái cũng như nghề cá sẽ góp phần bảo tồn và duy trì các giá trị đa dạng sinh học và nguồn lợi liên quan đến các HST, đặc biệt là RSH phục vụ các định hướng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đa mục tiêu trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài ở Khu kinh tế Vân Phong.

     Đổi mới phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển. Trong những năm qua, một số vùng rạn đã được quản lý theo hình thức phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương và cộng đồng (Khu bảo tồn biển Rạn Trào) và cho doanh nghiệp (Hòn Ông). Mặc dù còn nhiều khó khăn, song việc quản lý theo phương thức này đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ trong việc bảo tồn và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc bảo vệ tài nguyên. Vì vậy, việc mở rộng phạm vi và phân cấp quản lý tài nguyên theo phương thức giao quyền quản lý cho các đơn vị doanh nghiệp và cộng đồng ở những khu vực khác có tầm quan trọng, đặc biệt những khu vực bãi tập trung, bãi đẻ và bãi ươm giống của các đối tượng nguồn lợi thủy sản sẽ hình thành mạng lưới các khu bảo tồn quy mô nhỏ nhằm góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn và quản lý tài nguyên trong thời gian sắp tới.

     Cần tiến hành phục hồi HSTở những khu vực suy thoái là hết sức cần thiết nhằm gia tăng số lượng và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi của các RSH. Việc phục hồi và quản lý tốt các khu vực quan trọng sẽ góp phần giảm áp lực cho các khu vực đang bị quá tải, đồng thời tạo ra những điểm đến mới cho hoạt động du lịch trong tương lai…

     Cần xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho vịnh Vân Phong, huy động xã hội hóa của cộng đồng và các bên liên quan, đặc biệt huy động sự tham gia của các doanh nghiệp lớn về cảng biển, đóng tầu, nhiệt điện, điện khí, các công ty, khách sạn du lịch.

     Thực hiện thường xuyên, định kỳ thu gom rác thải, nhất là rác thải nhựa tại các khu vực bãi biển, khu du lịch, và các khu nuôi trồng thủy sản.

     Xem xét xây dựng hồ sơ vịnh Vân Phong là vịnh đẹp thế giới - 1 cơ chế mới BVMT biển theo chuẩn mực quốc tế. Cần thúc đẩy công tác quan trắc môi trường, sinh thái định kỳ và các hoạt động nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học trong và ngoài nước thường xuyên.

 

TS. Dư Văn Toán

Viện Nghiên cứu biển và hải đảo

Tổng cục Biển và Hải đạo Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn