Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 13/12/2024

Tăng cường quản lý ô nhiễm chất thải nhựa cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển

28/12/2023

    Tăng cường quản lý chất thải nhựa nói chung và rác nhựa đại dương là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015, Luật BVMT số 27/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020. Bài báo tập trung rà soát quy định liên quan, bước đầu đánh giá các kết quả đạt được và đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường quản lý ô nhiễm chất thải làm từ nhựa cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

1. Nhựa và phân loại chất thải nhựa

    Nhựa (plastic) là phát minh quan trọng của loài người và có ý nghĩa thực tiễn rất cao trong đời sống và sản xuất do những đặc tính lý hoá vượt trội. Thực tế quá trình sử dụng nhựa trong nền kinh tế hàng hoá đã tạo ra những vấn đề cấp bách về môi trường phát sinh từ lượng thải, vòng đời của nhựa, khả năng phân huỷ đòi hỏi loài người cần có những giải pháp phù hợp để phát huy vai trò dựa trên nâng cao mức độ thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu, xây dựng các công nghệ xử lý hiệu quả. Chất thải làm từ nhựa ở thể rắn phát sinh do hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt và hoạt động khác nếu không được thu gom và xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng dân cư và làm mất mỹ quan.

    Trên thế giới phổ biến phân loại chất thải nhựa ra 3 nhóm dựa vào kích thước bao gồm: Vi nhựa ở dạng mảnh hoặc hạt có kích thước nhỏ hơn 5 mm; Chất thải nhựa cỡ trung có kích thước lớn hơn 5 - 25 mm; Chất thải nhựa cỡ lớn có kích thước lớn hơn 25 mm; năm 1988, Hiệp hội Công nghiệp nhựa Hoa Kỳ (SPI) đã đưa ra hệ thống mã cho các vật liệu nhựa được sử dụng phổ biến trên thế giới và trong nước [4].

2. Quản lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác nhựa đại dương

    Điều 73, Luật BVMT năm 2020 đã có các quy định chi tiết về nội dung “Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương”. Trong đó, nêu rõ không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương; Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển, nuôi trồng và khai thác thủy sản phải được thu gom, lưu giữ và chuyển giao cho cơ sở có chức năng tái chế và xử lý… Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển;… khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa [1].

    Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian qua, Bộ TN&MT cũng đã ban hành Quyết định số 1855/QĐ-BTNMT về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.     

    Vấn đề quản lý chất thải nhựa nói chung và quản lý rác thải nhựa đại dương, chất thải nhựa biển nói riêng là vấn đề mới, thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học và cộng đồng cả trong nước và quốc tế. Một số dự án liên quan đã được triển khai thực hiện ở Việt Nam giai đoạn vừa qua như Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 1/3/2006 (gọi tắt là Đề án 47) đã bước đầu định hướng một số nội dung là tiền đề cho quản lý môi trường biển nói chung trong đó có chất thải nhựa đại dương sau này. Các dự án quan trọng khác như “Điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn thải” theo Quyết định số 906/QĐ-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT ngày 10/4/2020 do Tổng cục Môi trường chủ trì thực hiện; Đề tài Khoa học và Công nghệ độc lập Cấp nhà nước “Nghiên cứu xây dựng công nghệ điều tra, giám sát và bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm rác thải nhựa ở biển Việt Nam” do Cục Viễn thám quốc gia chủ trì thực hiện; Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng thực hiện năm 2020 do Viện Nghiên cứu biển và hải đảo chủ trì, thực hiện: “Nghiên cứu đề xuất các nội dung nghiên cứu khoa học và công nghệ về rác thải nhựa đại dương trên vùng biển Việt Nam”... Các dự án trên, cùng với các nghiên cứu trong nước và quốc tế khác về rác thải nhựa biển, chất thải nhựa đại dương đã cung cấp cách nhìn tổng quát, phân tích lý thuyết về khái niệm, vai trò, kinh nghiệm thực hiện trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đó là một nguồn tư liệu thứ cấp quan trọng giúp định hình cách nhìn tổng thể, xây dựng khung chính sách quản lý ở Việt Nam.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện chính sách

    Có thể nhận thấy, BVMT, tài nguyên nước, biển và hải đảo đối với hoạt động quản lý rác thải nhựa từ sông ra biển và đề xuất hoàn thiện khung chính sách quản lý ô nhiễm chất thải nhựa từ sông ra biển là vấn đề mới, cần tiếp tục đẩy mạnh phục vụ hoàn thiện khung chính sách tổng thể thông qua rà soát, tổng hợp và so sánh pháp luật trong nước và ngoài nước. Dựa trên kết quả nghiên cứu, rà soát quy định liên quan, có thể bước đầu đề xuất một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường quản lý ô nhiễm chất thải làm từ nhựa cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta như:

    Một là, tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, Luật BVMT số 27/2020/QH14. Thực hiện tổng kết, đánh giá chi tiết các kết quả đạt được về tăng cường quản lý ô nhiễm chất thải làm từ nhựa cho mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

    Hai là, cần sớm nghiên cứu xây dựng hồ sơ liên quan để Việt Nam tham gia thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020.

    Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về chất thải nhựa nói chung, ô nhiễm chất thải nhựa, đặc biệt là đánh giá vòng đời sản phẩm, nguy cơ ô nhiễm vi nhựa trong các thành phần môi trường, hàng hóa hướng đến triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) với các sản phẩm, bao bì chứa làm từ nhựa, phòng chống ô nhiễm nhựa cả trên đất liền, trên sông và ra biển.

    Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng các công cụ quản lý môi trường hiện đại, triển khai các mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực chất thải, thử nghiệm tiến hành kiểm toán môi trường trong phát thải ô nhiễm nhựa từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, kiểm kê chất thải nhựa từ sông ra biển để có bức tranh tổng thể cho hoạch định các chính sách liên quan, thực thi các cam kết phát thải ròng bằng không (NetZero) của Việt Nam.

    Năm là, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, của  Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong BVMT nói chung và phòng chống ô nhiễm chất thải nhựa từ sông ra biển, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, phát triển kinh tế biển ở nước ta giai đoạn sắp tới.

Nguyễn Mạnh Tưởng, Phạm Đức Minh

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2023)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015.

2. Luật BVMT, số 27/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020.

3. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

4. Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Thuyết minh Nhiệm vụ “Nghiên cứu rà soát phạm vi điều chỉnh của pháp luật về BVMT, tài nguyên nước, biển và hải đảo đối với hoạt động quản lý rác thải nhựa từ sông ra biển và đề xuất hoàn thiện khung chính sách quản lý ô nhiễm chất thải nhựa từ sông ra biển theo Quyết định số 2339/QĐ-BTNMT ngày 13/9/2022.

 

Ý kiến của bạn