Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Kinh nghiệm quốc tế về chỉ số đổi mới sinh thái và bài học khuyến nghị cho Việt Nam

01/06/2021

     Công tác BVMT thời gian qua đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo và xác định là một trong ba trụ cột phát triển bền vững. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, suy thoái tài nguyên diễn ra ở nhiều nơi ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển đất nước. Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước ta thời gian qua là do quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với trình độ công nghệ và quản lý lạc hậu, còn chưa thân thiện với môi trường, tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng, làm phát sinh nhiều chất thải. Đổi mới sinh thái (ĐMST) chính là một trong các hoạt động để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

     Trên thế giới và ở Việt Nam đã có nhiều chỉ số, chỉ thị đã được nghiên cứu, xây dựng và áp dụng hiệu quả, tuy nhiên đối với Việt Nam ĐMST mới dừng ở mức định hướng chính sách; các nghiên cứu sâu về ĐMST hiện nay chưa nhiều và đặc biệt chưa có nghiên cứu nào tổng quan được về cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế về bộ chỉ số ĐMST. Do vậy việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về chỉ số ĐMST là rất cần thiết.

     Bài viết này sử dụng kết quả nghiên cứu của đề tài “ Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng bộ chỉ số ĐMST (eco innovation index) hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam” do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì thực hiện nhằm cung cấp cho người đọc một cách khái quát chung về kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng triển khai áp dụng chỉ số ĐMST trên thế giới và đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam.

     1. Khái niệm, nội hàm của ĐMST

     Về mặt khái niệm, ĐMST được Liên minh Châu Âu (EU) định nghĩa là là bất kỳ sự đổi mới nào làm giảm việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm phát tán các chất độc hại trong toàn bộ vòng đời sản phẩm (Eco-innovation is any innovation that reduces the use of natural resources and decreases the release of harmful substances across the whole life-cycle).

     Nhằm đưa ra định nghĩa của ĐMST và đề xuất các chỉ thị để đo lường ĐMST, Ủy ban Châu Âu (EC), Cơ quan thống kê Châu Âu (Eurostat) và Cơ quan BVMT Châu Âu (EEA) đã triển khai thực hiện Dự án Đo lường ĐMST - Measuring Eco Innovation (MEI). Trong khuôn khổ Dự án này, ĐMST được xác định là quá trình sản xuất, đồng hóa hoặc khai thác một sản phẩm, quy trình sản xuất, dịch vụ hoặc quản lý hoặc phương pháp kinh doanh đã được đổi mới (tự phát triển, hoặc được áp dụng) mà nhờ đó, thông qua việc quản lý vòng đời sản phẩm đã giúp giảm các nguy cơ về môi trường, ô nhiễm hoặc những ảnh hưởng bất lợi khác của việc sử dụng tài nguyên (bao gồm cả sử dụng năng lượng) khi so sánh với các phương pháp tương ứng khác.

     Trong một nghiên cứu khác, Chen và cộng sự (2017) cũng đã đề xuất một chỉ số ĐMST để áp dụng ở Trung Quốc với khái niệm ĐMST vùng (regional eco-innovation), được định nghĩa là một hệ thống và mạng lưới các tổ chức nhằm tạo ra sự hài hòa về môi trường, kinh tế, xã hội và kỹ thuật để đảm bảo nhu cầu về tài nguyên lẫn môi trường trong một phạm vi không gian.

     Như vậy về mặt bản chất thì ĐMST được hiểu là bất kỳ sự đổi mới nào để giảm việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát tán các chất độc hại ra môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm.

     Trên thế giới, hiện có nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã nghiên cứu và áp dụng nhiều chỉ số/chỉ thị về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển bền vững như chỉ số đánh giá hoạt động môi trường, chỉ số hiệu quả tài nguyên, chỉ thị tăng trưởng xanh,…trong đó có chỉ số ĐMST (eco-innovation index – EII); chỉ số đối mới sinh thái được xác định là chỉ số được dùng để đánh giá, so sánh giữa các quốc gia (chỉ số EII, ASEI), hay so sánh giữa các vùng lãnh thổ (chỉ số ĐMST vùng được xây dựng cho Trung Quốc) dựa trên các chỉ tiêu ĐMST đã được xây dựng và nội dung của chỉ số ĐMST bao gồm từ 4 đến 5 nhóm nội dung với các chỉ thị thành phần tương ứng.

     2.  Kinh nghiệm quốc tế về quy trình xây dựng chỉ số ĐMST và đánh giá ĐMST

     2.1. Nguyên tắc lựa chọn, nội dung xây dựng chỉ số ĐMST

     Trong việc xây dựng các chỉ số có hai cách tiếp cận: hướng vào dữ liệu và hướng theo lý thuyết. Trong cách tiếp cận theo hướng dữ liệu, tính sẵn có của dữ liệu là tiêu chí trung tâm để phát triển chỉ số. Trong cách tiếp cận dựa trên lý thuyết, việc lựa chọn các chỉ số dựa trên khung lý thuyết và tính sẵn có của dữ liệu chỉ được coi là một trong những lý do liên quan. Trong thực tế, cả hai cách tiếp thường được kết hợp khi xây dựng bộ chỉ số. Tuy nhiên, tiếp cận trên thực tế của các nước về chỉ số ĐMST là khác nhau, tùy vào quan điểm và khả năng thực tế.

     Tại Mỹ, các cụm từ “đổi mới môi trường” hay “công nghệ sạch” (cleantech) thường được sử dụng hơn là “ĐMST”. Việc lựa chọn và xây dựng chỉ số ĐMST được xác định dựa vào các tiêu chí: Tính hợp lệ; Tính liên quan; Tính nhất quán và độ tin cậy; Khả năng tính toán; Rõ rang; Tính toàn diện; Chi phí-Hiệu quả; Khả năng so sánh; và Thu hút truyền thông

     Tại châu Âu, Kemp cho rằng ĐMST dựa trên kết quả thực tiễn thay vì mục đích. Điều đó có nghĩa, ĐMST không nhất thiết phải được phát triển với mục đích BVMT, mà liệu chúng có ảnh hưởng môi trường tích cực khi được đưa vào ứng dụng hay không. Trong quá khứ, các nghiên cứu thường tập trung vào các công nghệ được phát triển với mục đích môi trường, mà bỏ qua lợi ích môi trường từ các đổi mới “thông thường”. Tuy nhiên, trên thực tế, đa số cải tiến kỹ thuật đều có tiềm năng đóng góp cho môi trường. Dự án MEI rút ra kết luận rằng: bất kỳ đổi mới gì cũng có thể là một giải pháp ĐMST nếu nó thân thiện với môi trường hơn các giải pháp thay thế liên quan.

     Để lựa chọn được các chỉ thị ĐMST phù hợp, MEI đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu tính khả thi và phù hợp của nhiều chỉ thị khác nhau dưới nhiều hình thức như trực tiếp khảo sát các doanh nghiệp về các ĐMST được áp dụng, hay tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu. Từ đó, MEI đề xuất 04 nhóm chỉ thị: Đầu vào, Kết quả trung gian, Kết quả trực tiếp, Kết quả gián tiếp.

     Dựa trên kết quả của MEI, EU đã xây dựng Chỉ số ĐMST - Eco-Innovation Index  (EII) và Bảng điểm ĐMST - Eco-Innovation Scoreboard (Eco-IS) để đánh giá sự ĐMST của các nước thành viên.

     Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA), một bộ chỉ số phù hợp phải được xây dựng nhằm phân tích tốt hơn sự phát triển của EI và sự tiến bộ của thị trường công nghệ môi trường. Bộ chỉ số này phải được sử dụng để đánh giá đồng thời sự phát triển của thị trường và hiệu quả của nền công nghiệp EU trên thị trường.

     EU cho rằng EII gồm 5 nhóm nội dung với 16 chỉ thị thành phần (xem chi tiết tại Bảng 1)

     Bảng 1. Các chỉ thị ĐMST do EU xây dựng

STT

Nhóm nội dung

Chỉ thị

1

Đầu vào ĐMST: các nguồn lực tài chính, nhân lực, kỹ thuật đầu tư vào ĐMST

1. Chi tiêu chính phủ vào các hoạt động nghiên cứu phát triển môi trường và năng lượng(% của GDP)

2. Tổng số nhân lực trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (% tổng số việc làm)

3. Tổng giá trị đầu tư vào khởi nghiệp  xanh (USD/người)

2

Hoạt động ĐMST: các nỗ lực nhằm phát triển hay nâng cao sản phẩm và dịch vụ, cải tạo mô hình kinh doanh, và quản trị sinh thái.

4. Doanh nghiệp có các hoạt động ĐMST nhằm giảm tiêu thụ vật liệu/sản phẩm (% tổng  số doanh nghiệp)

5. Doanh nghiệp có các hoạt động ĐMST nhằm giảm tiêu thụ năng lượng/sản phẩm (% tổng số doanh nghiệp)

6. Số tổ chức được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 14001 (/triệu người)

3

Đầu ra ĐMST: đánh giá sản phẩm trí tuệ của hoạt động ĐMST

7. Số bằng sáng chế liên quan đến ĐMST (/triệu người)

8. Số ấn phẩm học thuật liên quan đến ĐMST (/triệu người)

9. Số lần xuất hiện trên truyền thông của đổi mới sinh  thái (/số kênh truyền thông)

4

Sử dụng tài nguyên hiệu quả: tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng giá trị sản xuất lẫn giảm tác động lên môi trường

10. Hiệu quả sử dụng nguyên liệu

11. Hiệu quả sử dụng nước

12. Hiệu quả sử dụng  năng lượng

13. Cường độ phát thải khí nhà kính

5

Ảnh hưởng kinh tế xã hội: cả tiêu cực và tích cực, bao gồm cả số việc làm được tạo ra và mất đi, thay đổi tính cạnh tranh, nhân công, lợi nhuận, chi tiêu của doanh nghiệp

14.  Xuất khẩu sản phẩm sinh thái (% tổng giá trị xuất khẩu)

15. Tỉ lệ việc làm trong ngành công nghiệp sinh thái và nền kinh tế tuần hoàn (% tổng số việc làm trong các doanh nghiệp)

16. Lợi nhuận từ ngành công nghiệp sinh thái và nền kinh tế tuần hoàn (% tổng lợi nhuận)

[Nguồn: EUROSTAT]

     Việc đánh giá ĐMST của các nước thành viên đã được thực hiện từ năm 2010. Kết quả đánh giá ĐMST mới nhất được cập nhật đến năm 2019, trong đó Luxembourg là quốc gia được xếp vị trí đầu tiên với 165 điểm, tiếp đến là Denmark, Finland và cuối cùng là Bulgaria với 34 điểm.

Hình 1. Bảng phân hạng chỉ số ĐMST các quốc gia Châu Âu, 2019

(Nguồn: https://ec.europa.eu/environment/ecoap/scoreboard_en)

     Tại châu Âu Bảng điểm chỉ số ĐMST được thực hiện bởi Cơ quan Quan sát ĐMST (Eco-Innovation Observatory - EIO) được tài trợ trực tiếp bởi Hội đồng Châu Âu. EIO bao gồm 5 thành viên, gồm 2 công ty tư nhân có kinh nghiệm cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, nghiên cứu về ĐMST là Technopolis Group (Bỉ), C-Tech Innovation Ltd (Anh) và 3 viện nghiên cứu là Trung tâm nghiên cứu tương lai Phần Lan (Finland Future Research Centre – FFRC) (Đại học Turku, Phần Lan), Viện Nghiện cứu Châu Âu bền vững (Sustainable Europe Research Institute – SERI) (Áo) và Viện Wuppertal (Đức). Thông tin về chỉ số ĐMST được thực hiện từ nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau như EUROSTAT, Scopus (cơ sở dữ liệu về công trình khoa học), Orbis (cơ sở dữ liệu về các công ty)…

     Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) cho rằng chỉ số ĐMST được xác định với 4 nhóm nội dung với 20 chỉ thị và 20 chỉ thị này chính là kết quả tốt nhất của việc trải qua ba lần rà soát, điều chỉnh từ 60 chỉ thị ban đầu. Dựa trên các chỉ thị đã được xây dựng, các chuyên gia thực hiện sẽ tiến hành tính điểm và có sự so sánh giữa các quốc gia thành viên ASEM. Đến năm 2016, chỉ số ASEI đã được tính toán tại 51 quốc gia thành viên (các nước ở châu Âu và châu Á), trong đó Việt Nam đứng thứ 45 trên tổng số các quốc gia thành viên.   

     Bảng 2. Các chỉ thị ĐMST do ASEM xây dựng

STT

Nhóm nội dung

Chỉ thị

1

Năng lực ĐMST

 

 

1. Năng lực cạnh tranh kinh tế của các quốc gia

 

 

2. Năng lực đổi mới chung

 

 

3. Mức độ nhận thức về quản lý bền vững

 

 

4. Giá trị đầu tư vào của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) công nghệ xanh

 

 

5. Việc làm trong công nghiệp công nghệ xanh

2

Hoạt động ĐMST

 

 

 

6. Mức độ sử dụng năng lượng tái tạo

 

 

7. bằng sáng chế xanh

 

 

8. Mức độ thương mại hóa các SMEs công nghệ xanh

 

 

9. Các SMEs công nghệ xanh

 

 

10. Mức độ quản lý môi trường

 

 

11. Doanh thu của doanh nghiệp thân thiện với môi trường

3

Môi trường hỗ trợ ĐMST

 

 

 

12.  Đầu tư ban đầu của ngành công nghiệp công nghệ xanh

 

 

13. Chi phí nghiên cứu và phát triển của Chính phủ trong Ngành công nghệ xanh

 

 

14. Mức độ luật môi trường

 

 

15. Cam kết của quốc gia với thỏa thuận môi trường quốc tế

4

Hiệu suất ĐMST

 

 

16. Quy mô thị trường xanh

 

 

17. Mức độ tiêu thụ nước

 

 

18. Cường độ phát thải CO2

 

 

19. Mức năng lượng bền vững

 

 

20. Mức tác động môi trường lên xã hội

 

(Nguồn: ASEM Eco-Innovation Index (ASEI) 2013 “Measuring Sustainable Future for Asia and Europe”)

     Tại Trung Quốc, đối với Chỉ số ĐMST vùng thì Chen và cộng sự chia làm 4 nhóm nội dung (i) nền kinh tế xanh; (ii) xã hội sinh thái; (iii) công nghệ; (iv) BVMT với 22 chỉ thị thành phần. Về nguyên tắc, bộ chỉ số được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản: i) Khoa học và toàn diện; ii) Chuyên ngành và so sánh được; iii) Khả thi. Chỉ số ĐMST vùng của Trung Quốc đã được dùng để đánh giá so sánh giữa 30 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và giữa 3 vùng là Đông, Trung và Tây của Trung Quốc. Dữ liệu đầu vào cho việc tính toán chỉ số ĐMST vùng của Trung Quốc được lấy từ niên giám thống kê của Trung Quốc, niên giám thống kê từ hoạt động khoa học, công nghiệp và doanh nghiệp của Trung Quốc và tài liệu thống kê do Học viện Khoa học Trung Quốc cung cấp.

     2.2. Quy trình, phương pháp đánh giá mức độ ĐMST

     Theo Anthony Arundel và René Kemp (Measuring eco-innovation), khi đánh giá ĐMST, chúng ta cần làm rõ liệu đó là đánh giá việc đổi mới sản phẩm hay việc triển khai các sản phẩm, công nghệ và dịch vụ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải xác định việc đổi mới là phát triển, cải tiến sản phẩm hiện có hay tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới.

     Việc đánh giá EI cần dựa trên các khía cạnh sau:

     - Bản chất của EI và quy mô áp dụng

     - Động lực và rào cản

     - Hiệu quả của EI

     Theo Andersen, Maj Munch (Eco-innovation indicators), phương pháp được áp dụng đối với xây dựng chỉ số đổi mới khác so với chỉ số môi trường. Chỉ số ĐMST là các chỉ số đáp ứng (response-indicators) được dùng để đánh giá tiến bộ xã hội và bổ sung cho các chỉ số khác theo khung DPSIR (động lực - sức ép - hiện trạng - tác động - ứng phó). Ngoài ra, bộ chỉ số ĐMST phải được xây dựng ngay từ đầu và dựa trên các nghiên cứu, các khái niệm (conceptual development), điều tra và đánh giá.

     Các loại đổi mới cần được đưa vào khi đo lường ĐMST như sau: đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới tiếp thị, đổi mới tổ chức, đổi mới dòng nguyên liệu và đổi mới xã hội. Mặc dù một nghiên cứu từ OECD chỉ coi đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới tiếp thị và đổi mới tổ chức là các loại ĐMST chính, EIO nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới dòng nguyên liệu và đổi mới xã hội.

     ĐMST có thể được đo lường ở các cấp độ khác nhau: ngành, doanh nghiệp, quốc gia, khu vực và quốc tế. Việc đo lường ĐMST ở cấp quốc gia cho biết những quốc gia nào dẫn đầu toàn cầu.

     3. Kết luận và khuyến nghị

     Do tính mới và phức tạp của vấn đề, ngay cả trên thế giới hiện nay việc xây dựng và tính toán chỉ số ĐMST cũng mới được phát triển và tính toán cho một số nước ở châu Âu và châu Á, do EU và ASEM xây dựng và phát triển, bên cạnh chỉ số ĐMST ở cấp vùng của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, phân tích các chỉ số này có thể cung cấp nhiều kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam trong việc xác định các chủ đề thành phần, các chỉ số, cũng như cách tính toán chỉ số và có thể bước đầu áp dụng thử nghiệm tại một địa phương trước khi áp dụng với quy mô lớn hơn.

     Trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế, một số khuyến nghị cho Việt Nam được đề xuất như sau:

     Thứ nhất: Việc xây dựng xây dựng chỉ số đổi mới sinh thái phải dựa trên nguyên tắc: Đảm bảo tính khoa học, khả thi; Đảm bảo phù hợp; Đảm bảo phản ánh thực tế; Đảm bảo có thể thu thập thông tin; Đảm bảo đo lường được

     Thứ hai: Dựa trên kết quả công bố về chỉ số ĐMST các địa phương/quốc gia có thể biết thứ hạng hiện tại của mình và đâu là các vấn đề cần tập trung cải thiện để hướng tới mục tiêu ĐMST.

     Thứ ba: Phát hiện và phân tích điểm hạn chế của các mô hình quốc tế cũng giúp chúng ta trong việc thiết kế mô hình của mình và cải thiện các vấn đề đang còn thiếu ở Việt Nam theo hướng phát huy các điểm tích cực và hạn chế sử dụng các điểm khuyết thiếu của các chỉ số đã được quốc tế xây dựng.

     Thứ tư: Nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động đổi mới sinh thái. Do đó, chính quyền cần xây dựng các chính sách đổi mới sinh thái hiệu quả trong việc tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải ô nhiễm.

     Thứ năm: Doanh nghiệp cần tận dụng các đặc điểm và thế mạnh riêng của mình trong nghiên cứu và phát triển công nghệ, cải tiến quy trình, công nghệ cung ứng sản phẩm, cơ chế thị trường để tăng hiệu quả và lợi ích lao động, thông tin, tri thức, công nghệ, quản lý và vốn.

     Thứ sáu: Việc tuyên truyền, phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, và xã hội về đổi mới sinh thái cũng là một bài học cần thiết trong việc tạo sự đồng thuận và thu hút nguồn lực để thực hiện đổi mới sinh thái cần được quan tâm và thực hiện thường xuyên.

ThS.  Nguyễn Ngọc Tú

Chánh Văn phòng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2021)

     Tài liệu tham khảo

     1. ASEM, Eco-Innovation Index (ASEI) 2013 “Measuring Sustainable Future for  Asia and Europe”

     2. Berkhout, F., 2011. Eco-innovation: reflections on an evolving research agenda. Int. J. Technol. Pol. Manag. 11, 191-197.

   3. Borghesi, S., Costantini, V., Crespi, F., Mazzanti, M., 2013. Environmental innovation and socioeconomic dynamics in institutional and policy contexts. J. Evol. Econ. 23, 241-245.

     4. Https://ec.europa.eu/environment/ecoap/scoreboard

      5. Hollander, J. Measuring Community (2002), Using Sustainability Indicators in Devens, Massachusetts. Plan. Casebook 2002, 39, 1–7.

     6.EIO (2010,2012) “Methodological Report” Eco-innovation Observatory. Available online at: http://www.eco-innovation.eu

     7. EIO (2016),Policies and Practices for Eco-Innovation Up-take and Circular Economy TransitionAvailable online at: http://www.eco-innovation.eu

     8. Jun Chen, Jinhua Cheng, Sheng Dai, Regional eco-innovation in China: An analysis of eco-innovation levels and influencing factors,  (2017), Journal of Cleaner Production doi: 10.1016/j.jclepro.2017.03.141.

     9. Kemp, R., Pearson, P., (2007). Final report MEI project about measuring eco-innovation, UM Merit. DG Research of the European Commission, Maastricht, The Netherlands.

     10. Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (2021), Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng bộ chỉ số đổi mới sinh thái (eco innovation index) hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam, Dự thảo Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ.

Ý kiến của bạn