Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Thúc đẩy liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

23/12/2019

     Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với tất cả các lĩnh vực, các vùng, miền của nước ta, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, quy mô, phạm vi ảnh hưởng của BĐKH vượt quá khả năng ứng phó độc lập của từng địa phương. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc thực hiện liên kết vùng trong quản lý tài nguyên và BVMT, ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL.

     Tác động của BĐKH đến vùng ĐBSCL

     Theo Báo cáo chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn năm 2019 của Germanwatch được công bố tháng 12/2018 tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên về BĐKH diễn ra ở Katowice (Ba Lan), trong 20 năm qua, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH. BĐKH đang tác động xấu đến tất cả các ngành, lĩnh vực và vùng, miền ở Việt Nam, điển hình là lĩnh vực nông nghiệp và các vùng đồng bằng, ven biển. Trong đó, vùng ĐBSCL được dự báo sẽ chịu những rủi ro cao nhất do thiên tai và BĐKH. Theo Kịch bản BĐKH và nước biển dâng 2015, nếu nước biển dâng cao 1 m thì ĐBSCL là khu vực có nguy cơ ngập cao nhất (39,4% diện tích), trong đó, đặc biệt, tỉnh Hậu Giang có diện tích ngập lớn nhất (80,62%). Điều này sẽ tác động lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, xâm thực bờ biển tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và ĐBSCL được đánh giá là nghiêm trọng nhất và chưa từng có trong lịch sử các khu vực này, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mê kông đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, gây ra tình trạng lũ về ít và muộn ở  ĐBSCL. Cùng với đó là cấu tạo địa chất sụt lún khoảng 2 cm/năm do tự nhiên và do khai thác nước ngầm quá mức. Báo cáo của Bộ NN&PTNT năm 2017 cũng cho thấy, khu vực ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 786 km. Sạt lở bờ sông chủ yếu diễn ra dọc theo sông Tiền và Hậu, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch. Sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng. Thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, dị thường, trái quy luật và gia tăng ở cả mức độ, cường độ. Đối với vùng ĐBSCL, thiệt hại do thiên tai và BĐKH ngày càng gia tăng ở mức nghiêm trọng, thiệt hại nặng nhất là năm 2017 - 2018 với 7.990 tỷ đồng. Tính chung trong giai đoạn 2010 - 2018, tổng thiệt hại do thiên tai và BĐKH ở ĐBSCL là khoảng 20.945 tỷ đồng.

     Các văn bản, chính sách về liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL

     Hiện nay, ĐBSCL đã bước đầu đưa các vấn đề về vùng và liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH vào các quy hoạch, chương trình, cụ thể như: Quyết định số 639/QĐ-BNN-KH, ngày 2/4/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều kiện BĐKH. Trong đó nhấn mạnh, quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL trên cơ sở đổi mới tư duy, cách tiếp cận thị trường nhằm khai thác, phát huy lợi thế của vùng và địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, tạo sự liên kết sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn. Ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ trong sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong bối cảnh ứng phó với tác động của BĐKH. Bên cạnh đó, để cụ thể hóa cơ chế pháp lý cho liên kết vùng ở ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 593/QĐ-TTg, ngày 6/4/2016 về việc ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, chú trọng đến nội dung xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, cống, đập, vành đai rừng ngập mặn và các dự án BVMT, ứng phó với BĐKH...

 

Hội thảo “Tăng cường liên kết vùng ở ĐBSCL” do Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Sứ quán Australia tổ chức tại Cần Thơ

 

     Ngoài ra, để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH và ứng phó với các thách thức từ sự phát triển nội tại của vùng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Nghị quyết nêu rõ, cần tiếp cận tổng hợp, theo hướng tích hợp tổng thể kinh tế - xã hội toàn vùng; tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng; mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, đảm bảo tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm. Triển khai Nghị quyết, một số địa phương trong vùng ĐBSCL đã tích cực xây dựng các Đề án liên kết phát triển bền vững dựa trên các tiểu vùng sinh thái - xã hội, điển hình là: Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL (gồm 4 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh). Nội dung của Đề án, bao gồm: Liên kết về bảo vệ, quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên cát, tài nguyên nước (nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp); xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về phát triển bền vững tiểu vùng; xây dựng các chương trình, dự án chung của tiểu vùng liên quan đến ứng phó BĐKH, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ nguồn nước…; Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm 4 tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang) đề xuất các tuyến lĩnh vực mà các địa phương có thể liên kết về quy hoạch, kế hoạch (bố trí không gian phát triển); xúc tiến thương mại nông nghiệp, thủy sản; phát triển du lịch; quản lý nguồn nước, BVMT, đáp ứng đa mục tiêu và thích ứng với BĐKH; hệ thống thông tin vùng; xây dựng thể chế chính sách cho tiểu vùng…

     Một số giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trong ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL

     Thời gian qua, mặc dù đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng ĐBSCL, tuy nhiên, việc triển khai vào thực tế, còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách cũng như quy hoạch phát triển vùng, cụ thể: Khái niệm và cách phân vùng kinh tế chưa thống nhất, chủ yếu phục vụ yêu cầu chỉ đạo, định hướng chính sách và có ý nghĩa thống kê; việc phân vùng còn trùng lắp về địa bàn hành chính như trường hợp của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang, vừa nằm trong vùng ĐBSCL, vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, việc tổ chức quản trị vùng và cơ chế phối hợp còn nhiều hạn chế, không gian kinh tế vùng bị chia cắt, xuất hiện một số “xung đột lợi ích” trong ưu tiên phát triển giữa các địa phương, khai thác sử dụng tài nguyên nước; các sản phẩm chủ lực vùng mà các tỉnh có lợi thế chưa được “liên kết” tốt… Trước những thách thức trên, cần thực hiện một số giải pháp về liên kết vùng, cụ thể:

     Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế điều phối vùng ĐBSCL nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển giữa các bên liên quan, giữa các ưu tiên trước mắt với mục tiêu lâu dài giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các địa phương, các tiểu vùng trong khu vực, giữa các lĩnh vực kinh tế; đẩy mạnh vai trò liên kết vùng trong việc hoạch định các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ cho các địa phương kỹ thuật trong việc lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thế mạnh của địa phương và có sự liên kết vùng nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư.

     Thứ hai, tăng cường thực hiện các chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản tại ĐBSCL (các hiện tượng xói lở, xâm nhập mặn, điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất...), đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Trung tâm Tích hợp dữ liệu vùng ĐBSCL; xây dựng hệ thống thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn và BĐKH, tạo sự liên kết, phối hợp, điều phối trong hoạt động chung của vùng ĐBSCL.

     Thứ ba, đẩy mạnh thu hút, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững ĐBSCL, tìm kiếm cơ hội khai thác dòng vốn nước ngoài; chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt và giao vốn đầu tư công cho những công trình, dự án trọng điểm, có quy mô vùng, liên vùng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững toàn vùng; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện các dự án.

     Thứ tư, chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trong vùng, đổi mới hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã thành viên đầu tư vào những dự án sản xuất hiện đại, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, quy mô lớn, ứng phó với thách thức từ thiên tai và BĐKH; xây dựng đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng các xu hướng dịch chuyển sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường.

 

TS. Nguyễn Song Tùng

                              Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2019)

 

 

Ý kiến của bạn