Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Từ kinh nghiệm quốc tế, bài học lựa chọn tiêu chí công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho Việt Nam

14/07/2020

    Hiệu quả xử lý chất thải rắn (CTR) phụ thuộc chủ yếu vào loại hình công nghệ được áp dụng. Hiện nay, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phổ biến tại Việt Nam là công nghệ chôn lấp (chiếm khoảng hơn 70%), công nghệ đốt, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ/phân compost và công nghệ đốt thông thường. Tuy nhiên, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) cho thấy, sự đa dạng của các loại hình xử lý CTRSH, diện tích đất chôn lấp thu hẹp và sự gia tăng các tác động đến môi trường. Về công tác quản lý đòi hỏi các doanh nghiệp/chủ đầu tư tìm kiếm, lựa chọn các loại hình công nghệ xử lý tiên tiến, không những ngăn chặn tối đa các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ CTRSH, mà còn có thể thu hồi vật liệu sản phẩm để tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu một số nước có trình độ phát triển gần tương đương Việt Nam về lựa chọn tiêu chí công nghệ xử lý CTRSH để có những bài học kinh nghiệm khi triển khai ở nước ta là hết sức quan trọng.

Kinh nghiệm một số nước sử dụng tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH

    Do sự đa dạng của loại hình công nghệ xử lý CTRSH, công tác lựa chọn loại hình công nghệ xử lý rác thải phù hợp là yêu cầu bắt buộc đối với các chủ đầu tư trước khi đưa ra quyết định tiến hành triển khai. Thông thường, công tác lựa chọn loại hình công nghệ xử lý CTRSH phù hợp luôn được triển khai ở giai đoạn đầu trước khi ra quyết định. Nghiên cứu sẽ rà soát kinh nghiệm của các nước trên thế giới nhằm chỉ ra các loại hình tiêu chí, các phương pháp đã được áp dụng, từ đó rút ra các bài học có tính khả thi cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tại Thái Lan, một nhóm nghiên cứu đã đưa vào áp dụng bộ tiêu chí SHTEFIE trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp cho quản lý CTR tại bệnh viện Thammasat với tỉ lệ phát sinh rác là 1.200kg/ngày. SHTEFIE là viết tắt của 7 tiêu chí bao gồm: xã hội (S-Social), sức khỏe (H-Health), kỹ thuật (T-Technological), kinh tế (E-Economic), tài chính (F-Financial), thể chế (I-Institutional) và môi trường (E-Environment). Sau khi phân loại rác thải phát sinh tại bệnh viện Thammasat, nhóm nghiên cứu đã tích hợp các tiêu chí cụ thể dựa vào các yêu cầu cụ thể của bệnh viện. Sau khi đánh giá ưu điểm, nhược điểm, tính khả thi và sự phù hợp của các tiêu chí, công nghệ tốt nhất (BAT), phù hợp nhất được lựa chọn là loại hình công nghệ tích hợp tối ưu từ tất cả các yếu tố và tiêu chí tương ứng đã được đưa ra. Kết quả nghiên cứu đã lựa chọn được 2 công nghệ phù hợp nhất là lò đốt và bãi chôn lấp hợp vệ sinh [G. Ali và cộng sự, 2010].

    Tại Pakistan, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đánh giá các loại hình công nghệ xử lý CTR bằng việc phân tích đa tiêu chí (multi-criteria analysis) tại thành phố Lahore. Nghiên cứu sử dụng phương pháp quy trình phân tích đa cấp - AHP (Analitycal Hierarchy Process) và phương pháp kỹ thuật thứ tự ưu tiên dựa trên sự tương đồng trong giải pháp lý tưởng - TOPIS (Technique for Order of Preference by Similarlity to Ideal Solution) để đánh giá xếp hạng các tiêu chí được xây dựng. Các công nghệ xử lý được đưa ra dựa trên tính khả thi tại Pakistan bao gồm: thiêu đốt (Incineration), chôn lấp (Landfill), phân hủy kỵ khí (Anaerobic Digestion), ủ phân hữu cơ (Composting), tái chế và chuyển hóa năng lượng (Recycling and Waste to energy). Các tiêu chí đánh giá: Môi trường (environmental), chi phí (cost), yêu cầu về đất (land required), văn hóa - xã hội (socio cultural), kỹ thuật (technical) và thời gian yêu cầu (time required) [Yousaf Ali và các cộng sự, 2018]. Tiêu chí và công nghệ (Hình 1).

 

Hình 1. Biểu đồ phân tích theo cấp (Analytical hierarchy chart)

Nguồn: Yousaf Ali và các cộng sự, 2018

 

    Sau khi áp dụng tính toán bằng phương pháp AHP và TOPIS, công nghệ phân hủy kỵ khí được đánh giá là tối ưu trong việc xử lý rác thải, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách lớn giữa các công nghệ thay thế khác được thể hiện (Bảng 1).

 

Bảng 1. Kết quả nghiên cứu áp dụng tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH tại Lahore, Pakistan năm 2018

Các phương án xử lý rác thải

Phương pháp AHP

Phương pháp TOPIS

Trọng số AHP sau tính toán

Xếp hạng

Trọng số TOPIS sau tính toán

Xếp hạng

Phân hủy kỵ khí (Anaerobic Digestion)

0,346

1

0,77822

1

Đốt thông thường

0,194

2

0,42661

5

Ủ phân hữu cơ/compost

0,180

3

0,55488

2

Chôn lấp

0,125

4

0,43625

4

Tái chế và rác phát điện

0,152

5

0,47249

3

Nguồn: Yousaf Ali và các cộng sự, 2018

 

    Tại Ấn Độ, phương pháp AHP và TOPIS cũng đã được áp dụng tại thành phố Mumbai trong  lựa chọn công nghệ xử lý CTR đô thị vào năm 2019 nhưng đã có sự cải tiền nhớ áp dụng thêm hệ số fuzzy. Nghiên cứu đã áp dụng hệ thống các phương pháp đánh giá, tính toán nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách đưa ra lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH. Quy trình thực hiện đánh giá như sau: Bước 1(Thu thập dữ liệu – hầu hết các dữ liệu được thu thập từ các nghiên cứu trước đây); Bước 2 (Áp dụng phương pháp kỹ thuật Fuzzy Delphi (Fuzzy Delphi method) để xác định các tiêu chí lớn quan trọng trong việc đánh giá các loại hình công nghệ xử lý (Bảng 2)); Bước 3 (Tính toán trọng số (weights) và xếp hạng các tiêu chí đã được xây dựng dựa trên phương pháp FAHP (Fuzzy – AHP) và FTOPIS (Fuzzy – TOPIS)). Sau khi tính toán, kết quả cho thấy, phương pháp chôn lấp là phương pháp tối ưu đối với sự lựa chọn xử lý CTRSH tại Mumbai. Có thể nói, phương pháp tiếp cận đa tiêu chí Fuzzy (fuzzy multiple-criteria approach) được sử dụng trong nghiên cứu này bao hàm dữ liệu định tính và định lượng, nhờ đó việc đưa ra các quyết định chủ quan sẽ trở nên khách quan và chặt chẽ hơn. Kết quả nghiên cứu tại Mumbai cho thấy, mô hình được phát triển có thể giúp các nhà hoạch định chính sách xác định các công nghệ xử lý CTR đô thị cần được ưu tiên. Trên thực tế, phương pháp còn được chứng minh là phù hợp, độc lập trong quản lý CTR đô thị một cách hiệu quả, ngoài ra còn hỗ trợ các hệ thống quản lý CTR đô thị tại các nước đang phát triển và các nước đã phát triển [Manoj Govind Kharat và cộng sự, 2019].

 

Bảng 2. Tiêu chí áp dụng phương pháp Fuzzy

Tiêu chí

Miêu tả

Chi phí kinh tế ròng/chi phí ròng mỗi tấn

Tất cả các chi phí kinh tế liên quan đến mua sắm và thực hiện công nghệ.

Tính khả thi của môi trường

Năng lực công nghệ trong xử lý rác thải

Sự chấp nhận của cộng đồng

Các công nghệ đã xác định nên được sự chấp nhận

Thu hồi năng lượng

Lượng năng lượng tiềm năng có thể được phục hồi

An toàn và sức khỏe

An toàn và sức khỏe của công nhân

Kiểm soát ô nhiễm không khí

Ngăn ngừa các khí thải có thể bị phát thải như một sản phẩm phụ và các vấn đề ô nhiễm không khí khác.

Kiếm soát mức độ phát thải

Ngăn ngừa giải phóng GHG, furan, kim loại nặng,...

Ô nhiễm nước

Rò rỉ nước thải từ các bãi chôn lấp và nhà máy ủ phân compost gây ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm

Loại bỏ chất thải độc hại

Loại bỏ các vật liệu gây ảnh đến công tác xử lý và tác động đến môi trường

Rác thải thu hồi

Lượng chất thải rắn đô thị có thể được thu hồi

Số lượng nhân công

Số lượng nhân viên xử lý chất thải

Nguồn: Manoj Khavin Govind Kharat và các cộng sự, 2019

 

    Từ việc lựa chọn các tiêu chí cho xử lý CTRSH ở Pakistan, Thái Lan và Ấn độ, những quốc gia đang phát triển cho thấy, Việt Nam cần đối chiếu, so sánh với thực tiễn xử lý CTRSH đang tồn tại và xu thế thay đổi những năm tới đây để có những giải pháp và lựa chọn tiêu chí phù hợp.

Thực trạng và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Tại Việt Nam, tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH đã được quy định tại Khoản 2 Điều 19, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP. Ba tiêu chí gồm (công nghệ, môi trường - xã hội, kinh tế). Năm 2019, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 quy định chi tiết một số điều bổ sung của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT, tại Điều 20 về Tiêu chí lựa chọn, đánh giá và công bố công nghệ xử lý CTRSH có bổ sung, làm rõ các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH đã được quy định tại Nghị định số 38 bao gồm tiêu chí về công nghệ, môi trường - xã hội và kinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng và áp dụng các loại tiêu chí này trên thực tế vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.

    Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu về việc lựa chọn tiêu chí đánh nghiên cứu của Trần Thị Hường (2009) tại TP. Hồ Chí Minh đã áp dụng 4 nguyên tắc, 4 tiêu chí cơ bản và 2 phương pháp trong việc lựa chọn công nghệ xử lý CTR. Các tiêu chí được đưa ra bao gồm: Điều kiện thực tế của địa phương; Tiêu chí môi trường; Tiêu chí kinh tế; Tiêu chí kinh tế - kỹ thuật (vốn đầu tư ban đầu, chi phí vận hành bảo dưỡng, mức tiêu thụ năng lượng, công suất xử lý, nhân công…). Các tiêu chí được đưa ra một cách khách quan, nhưng so với mức độ cụ thể chưa cao. Trên cơ sở nguyên tắc và tiêu chỉ cơ bản đã đề ra trong nghiên cứu, PGS.TS Trần Thị Hường đã áp dụng phương pháp phân tích (sàng lọc) và phương cho điểm (ma trận) để đánh giá mức độ phù hợp của các tiêu chí đối với từng loại công nghệ xử lý chất thải rắn. Phương pháp phân tích áp dụng cho các tiêu chí lượng chất thải ít nhất, tổng lượng chất thải thay đổi theo mùa, độ tin cậy được chọn cao…, tuy nhiên, số lượng công nghệ được áp dụng đánh giá tiêu chí của phương pháp này rất hạn chế, chỉ bao gồm: chôn lấp, phân vi sinh, thiêu đốt và đốt có thu hồi năng lượng. Phương pháp ma trận cần căn cứ vào cơ sở dữ liệu của từng địa phương và các tài liệu liên quan khác để tiến hành cho điểm từng công nghệ xử lý theo từng tiêu chí. Thang điểm được áp dụng đánh giá các tiêu chí có thể được đặt bằng số 1, 2, 3, 4… trong đó (1 - không thích hợp, 2 - ít thích hợp, 3 - thích hợp, 4 - rất thích hợp), sau đó tiến hành cộng điểm tiêu chí cho từng loại công nghệ.

    Qua công tác rà soát các nghiên cứu về áp dụng các tiêu chí lựa chọn loại hình công nghệ xử lý CTRSH của các quốc gia gần với trình độ phát triển của Việt Nam, chúng ta rút ra các bài học sau:

   Thứ nhất, xây dựng hướng dẫn kỹ thuật áp dụng bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH đã được ban hành tại Thông tư 25/2019/TT-BTNMT. Các nhà nghiên cứu, các đơn vị quản lý chuyên môn cần đưa ra phương pháp áp dụng các tiêu chí cụ thể nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư/doanh nghiệp trong công tác lựa chọn công nghệ phù hợp, thống nhất quản lý đối với cơ quan nhà nước cụ thể là Bộ TN&MT.

    Thứ hai, về bản chất, để đạt được hiệu quả tối ưu và có được sự lựa chọn chính xác nhất, các công nghệ cần phải có thời gian vận hành thử nghiệm do trên thực tế một số loại hình công nghệ đạt được các tiêu chí đề ra khi nghiên cứu bước đầu, nhưng khi triển khai ứng dụng lại gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Dó đó, cần thiết phải có sự giám sát định kỳ hoặc bổ sung tiêu chí vận hành thử nghiệm, tuy nhiên điều này sẽ gặp nhiều khó khăn về mặt kinh phí và thời gian.

   Thứ ba, các công nghệ xử lý CTRSH ngày càng đa dạng, do đó các tiêu chí lựa chọncần được xây dựng dựa trên cơ sở hiện trạng và xu hướng phát triển của các loại hình công nghệ mới trên thế giới phù hợp với phát triển ở Việt Nam, đặc biệt là các công nghệ thân thiện môi trường, hạn chế mức độ phát thải như công nghệ đốt rác phát điện, công nghệ viên đốt làm nhiên liệu, thu hồi khí thải tiến tới phát thải bằng không.

    Thứ tư, các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH đều quan tâm đến các tiêu chí chính bao gồm KT-XH, môi trường và kỹ thuật, tuy nhiên nhằm đạt được tính chi tiết và phạm vi đánh giá, lựa chọn công nghệ chính xác cần bổ sung thêm các tiêu chí về vận hành công nghệ, tiêu chí về tính bền vững của công nghệ hoặc tiêu chí về kế hoạch nâng cấp công nghệ.

Kết luận

   Bộ TN&MT được Chính phủ giao chủ trì ban hành tiêu chí cụ thể; thẩm định, đánh giá, công bố công nghệ xử lý CTRSH tại Nghị tại định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019. Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐTTg ngày 7/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu 90% tổng lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT. Do đó việc nghiên cứu bộ tiêu chí cụ thể phục vụ công tác lựa chọn công nghệ xử lý CTRSH và phương pháp áp dụng sẽ đóng góp tích cực trong việc đạt được mục tiêu đề ra của Chính phủ nhằm quản lý và xử lý hiệu quả CTRSH trong thời gian tới.

 

ThS. Nguyễn Thế Thông

Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

Tài liệu tham khảo

  • G. Ali, V. Nitivattananon, N. A. Molla, and A. Hussain, 2010, Selection of Appropriate Technology for Solid Waste Management: A Case of Thammasat Hospital, Thailand, World Academy of Science, Engineering and Technology 40;
  • Yousaf Ali,  Zain Aslam, Hammad Sajid Dar, UbaidUllah Mumtaz, 2018, A multicriteria decision analysis of solid waste treatment options in Pakistan: Lahore City—a case in point, Environment Systems and Decisions (2018) 38:528–543, online: https://doi.org/10.1007/s10669-018-9672-y
  • Kamble, Mukesh Govind Kharat, 2019, Fuzzy multi-criteria decision analysis for  environmentally conscious solid waste treatment and disposal technology selection, National Institute of Industrial Engineering, Powai, Mumbai, 400087, Maharashtra, India, Technology in Society 57, p 20-29
Ý kiến của bạn