Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Tổng quan về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đề xuất một số giải pháp

15/11/2019

     Thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh ngày càng lớn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Do vậy, cần phải có chính sách hợp lý, phương pháp và công nghệ đúng đắn để xử lý lượng chất thải này.

     Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực BVMT đóng vai trò quan trọng trong đó có nghiên cứu, đánh giá công nghệ xử lý CTR bao gồm chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nhằm đề xuất các giải pháp công nghệ, xử lý CTR hiệu quả. Từ năm 2000 đến nay, đã có nhiều phương pháp, công nghệ xử lý CTRSH nghiên cứu được áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập do điều kiện của Việt Nam có nhiều khác biệt đối với các nước. Vấn đề đặt ra là phải rà soát lại hiện trạng hoạt động, hiệu quả cũng như tính phù hợp của các công nghệ để đề xuất được những công nghệ xử lý CTR phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.

     Công nghệ xử lý CTR tại Việt Nam

     Qua thực tế nghiên cứu, ở Việt Nam, các địa phương đang áp dụng phổ biến 3 phương pháp xử lý CTR là chôn lấp hợp vệ sinh, ủ sinh học làm phân hữu cơ và công nghệ đốt thông thường.

     Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh: Hiện tại, ở Việt Nam các bãi chôn lấp đã quá tải, có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác, quá tải, không được che phủ bề mặt, không phun hóa chất khử mùi, không diệt côn trùng... Các bãi rác này, đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân. Công nghệ chôn lấp hiện không được khuyến khích.

     Công nghệ ủ sinh học làm phân hữu cơ: Thực tế, thời gian qua cho thấy, các dự án áp dụng công nghệ này không hiệu quả do thị trường khó chấp nhận sản phẩm phân hữu cơ từ CTR. Hiện nay, các cơ sở xử lý CTRSH thành phân hữu cơ chủ yếu sử dụng công nghệ ủ hiếu khí hoặc kị khí trong thời gian khoảng 40 - 45 ngày như: Nhà máy xử lý CTR SH Nam Bình Dương (công suất thiết kế 420 tấn/ngày); Nhà máy xử lý và chế biến chất thải Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh (công suất thiết kế 200 tấn/ngày); Nhà máy xử lý CTR Nam Thành, Ninh Thuận (công suất thiết kế 200 tấn/ngày, dự kiến sẽ nâng công suất lên 300 tấn/ngày)…

     Công nghệ đốt thông thường: Hiện tại, các dự án mới triển khai tại Việt Nam đang chủ yếu áp dụng công nghệ đốt với các lò đốt quy mô công suất từ 10 tấn/ngày đến 400 tấn/ngày được chủ động thiết kế, chế tạo tại bởi các kỹ sư, nhà khoa học Việt Nam. Công nghệ đốt CTR thông thường, đốt CTR thu hồi nhiệt để sấy rác, tận dụng nhiệt thải cấp cho lò hơi đã được các nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam làm chủ, nội địa hóa thành công.

     Công nghệ đốt tiêu hủy đã hạn chế được những mặt yếu kém của công nghệ chôn lấp như tiết kiệm quỹ đất, xử lý triệt để hơn và hạn chế ô nhiễm. Tuy nhiên, thực tiễn đốt tiêu hủy rác thải ở nước ta hiện nay đã bộc lộ một số điểm hạn chế cần khắc phục như do độ ẩm rác tươi cao và khoảng dao động lớn nên nếu không được giảm ẩm trước khi đốt sẽ gây trở ngại trong việc xác lập nhiệt độ đốt tiêu hủy hiệu quả và ảnh hưởng đến độ bền của thiết bị. Bên cạnh đó, trong rác tươi chuyển vào lò đốt còn lẫn nhiều các hợp phần vô cơ trơ không cháy được như gạch, đá, cát, sỏi, đất hoặc do sử dụng nhiều nhiên liệu rắn bổ sung để trợ đốt rác ẩm nên lượng tro xỉ còn lại lớn, có thể có những thành phần độc hại. Ngoài ra, công nghệ này cần phải đi kèm hệ thống xử lý nước rỉ rác riêng biệt. Nếu lạm dụng lò đốt CTR sinh hoạt để đốt tiêu hủy chất thải nông nghiệp, chăn nuôi… sẽ dẫn đến thất thoát lãng phí lượng hợp phần rác hữu cơ dinh dưỡng có thể xử lý thu mùn rác làm phân bón hữu cơ cho nông nghiệp, nhất là lượng phân bón nitơ hữu cơ.

     Ngoài ra, một số dự án triển khai công nghệ đốt có thu hồi nhiệt, công nghệ plasma, một số ít dự án triển khai công nghệ điện rác (công nghệ đốt trực tiếp CTR phát điện, công nghệ xử lý CTR bằng phương pháp lên men và tạo khí biogas phát điện, công nghệ khí hóa CTR phát điện), công nghệ tạo viên đốt làm nguyên liệu, công nghệ nhiệt hóa khác...

     Công nghệ đốt có thu hồi nhiệt: Một số doanh nghiệp trong nước đã ứng dụng thành công công nghệ thu hồi nhiệt để sấy rác. Một số nhà máy xi măng, nhà máy giấy trong nước đã áp dụng công nghệ xử lý CTR thu hồi nhiệt, tận dụng năng lượng phục vụ sản xuất.

     Công nghệ đốt plasma: Hiện tại công nghệ mới được thử nhiệm tại Việt Nam nhưng chưa có đánh giá về tính hiệu quả kinh tế - xã hội.  

     Công nghệ điện rác: Công nghệ đốt CTR phát điện đã được một số nhà đầu tư nước ngoài triển khai thực hiện ở Việt Nam. Phổ biến hiện nay là công nghệ điện rác áp dụng dụng lò đốt kiểu lò bậc thang Waterleau/ Martin. Một số công nghệ điện rác khác cũng đang được nghiên cứu tại Việt Nam như công nghệ lò đốt tầng sôi, công nghệ sản xuất khí Biogas phát điện từ quá trình lên men, công nghệ tạo viên nhiên liệu để đốt phát điện. Ngoài ra, công nghệ khí hóa phát điện đang được các nhà khoa học, kỹ sư Việt Nam nghiên cứu và hoàn thiện.

     Nhà máy xử lý CTR công nghiệp phát điện đầu tiên của Việt Nam thuộc địa bàn xã Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội áp dụng công nghệ của Công ty Hitachi Zosen (Nhật Bản), công suất 75 tấn/ngày, đã được vận hành. Công nghệ phân loại và xử lý rác thải, sản xuất Biogas và phân bón khoáng hữu cơ công suất 245 tấn/ngày nhập khẩu của Đức do Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam đang thực hiện đã đưa vào vận hành dây chuyền phân loại, đang hoàn thành công đoạn khác để phát điện. Hiện tại ở Việt Nam nhà máy xử lý CTRSH phát điện tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2018.

     Công nghệ xử lý nhiệt CTR khác: Công nghệ nhiệt phân bằng hơi quá nhiệt dựa trên sáng chế độc quyền tại Mỹ, đã áp dụng quy mô nhỏ tại Đồng Nai, đang được xin thử nghiệm tại Huế với công suất 200 tấn/ngày. 

     Tại Việt Nam, các công nghệ xử lý CTRSH đang áp dụng vẫn còn tồn tại một số khó khăn như vấn đề Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cho lò đốt CTR hiện đang có một số điểm chưa thống nhất giữa QCVN và các nước cho lò đốt CTR. Một số công nghệ đốt phát điện được phép áp dụng tại châu Âu nhưng một số chỉ tiêu không phù hợp với QCVN. (QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với lò đốt chất thải rắn sinh hoạt và Quy định về khí thải của Châu Âu Châu Âu 2010/75/EU). Bên cạnh đó, giá mua điện cho các dự án điện rác theo Quyết định số 31/2014/QĐ-TTg ngày 05/5/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng CTR tại Việt Nam mới chỉ áp dụng đối với các dự án phát điện đốt CTR trực tiếp, các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải. Còn các công nghệ mới trong lĩnh vực điện rác như Khí hóa phát điện, Đốt phát điện, Lên men tạo khí Biogas phát điện… thì chưa được quy định rõ ràng, đầy đủ và cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho việc nghiên cứu KH&CN hiện nay chưa khuyến khích được các doanh nghiệp/cơ sở xử lý CTR trong nước tham gia, đóng góp vốn với nhà nước để thực hiện thí điểm xử lý CTR.

     Vấn đề nhiệt trị CTR tại Việt Nam đang ở mức thấp hơn so với các nước phát triển, độ ẩm cao gây khó khăn trong quá trình đốt, nhiệt hóa nếu không được giảm ẩm. Một số nơi, có hiện tượng CTR lẫn rác thải xây dựng gây khó khăn cho việc xử lý. Các đặc điểm này dẫn đến việc các nhà đầu tư phải cân nhắc đến tính hiệu quả của dự án. CTR gia tăng nhanh chóng về lượng, và chưa được phân loại tại nguồn, gây khó khăn cho công tác xử lý. Mô hình thí điểm áp dụng phân loại CTR tại nguồn còn nhiều bất cập như sau khi người dân phân loại, CTR lại bị đổ chung vào cùng một xe vận chuyên; Các đô thị chưa quy hoạch các điểm tập trung CTR và thiếu các trạm trung chuyên CTR.

     Việt Nam hiện là một trong những nước có sản lượng rác thải nhựa cao. Nhựa là một dạng chất thải có tốc độ phân hủy trong môi trường rất chậm, thông thường phải mất đến hàng trăm năm để bị phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên. Khi đốt cháy, chất thải nhựa sinh ra một số độc tố khó xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên như vậy, rác thải nhựa đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường nếu không có quy định về hạn chế rác thải nhựa và công nghệ xử lý phù hợp với đặc tính của rác thải nhựa. Việc nghiên cứu xử lý CTRSH có tích chất đặc thù, phức tạp, đòi hỏi phải có sự đầu tư chiều sâu, đồng bộ và tốn nhiều kinh phí. Bên cạnh đó, công nghệ tạo ra cần phải có thời gian đủ dài để hiệu chỉnh, cải tiến, đánh giá sự phù hợp với đặc điểm của từng loại CTR nhằm hoàn thiện, ổn định công nghệ trước khi chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn. Hiện tại các doanh nghiệp, tổ chức trong nước đã làm chủ công nghệ đốt thông thường tuy nhiên năng lực chế tạo của các doanh nghiệp trong nước chưa đồng đều. Việc làm chủ các công nghệ xử lý CTR tiên tiến khác (điện rác, công nghệ đốt lò hơi tầng sôi, plasma ở công suất lớn…) cần thêm nguồn lực, thời gian  để hoàn thiện, tự chủ về công nghệ

     Đề xuất một số giải pháp và nhiệm vụ trong thời gian tới

     Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thực hiện các nội dung theo trách nhiệm được giao, cụ thể:

     Đối với hoạt động nghiên cứu: Bộ KH&CN đã ưu tiên bố trí 01 Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về “Nghiên cứu khoa học phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai” KC08; Chủ động phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển các công nghệ xử lý CTR, đánh giá xem xét giới thiệu các công nghệ phù hợp để tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận. Cụ thể: Bộ Xây dựng xây dựng đã hỗ trợ nghiên cứu hoàn thiện dây chuyền xử lý tạo viên đốt, thẩm định công nhận 05 công nghệ phù hợp để triển khai nhân rộng; Bộ Công Thương thực hiện hỗ trợ nghiên cứu chế tạo tổ hợp thiết bị phân loại tự động rác thải rắn đô thị công suất từ 8-12 tấn/giờ; Bộ KH&CN đã hỗ trợ một số nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia như: Hoàn thiện công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt có thu hồi nhiệt công suất 6 tấn/h tại Thái Bình; công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật ưa nhiệt để xử lý rác thải sinh hoạt và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại Hà Tĩnh.

     Về hoạt động thẩm định công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn và thẩm định các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: Bộ đã đánh giá, thẩm định 18 công nghệ xử lý CTR đang sử dụng tại Việt Nam để tạo điều kiện áp dụng trong thực tế; Công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn được tăng cường, đến nay đã thẩm định và công bố 18 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có liên quan đến thu gom, vận chuyển, xử lý CTR. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT thẩm định, công bố và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến xử lý CTR.

     Trong thời gian tới, Bộ đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện:

     Cơ chế, chính sách: Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ban ngành kịp thời chỉnh sửa, bổ sung, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực xử lý CTR, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách, quy định về thu phí, giá xử lý cho công nghệ điện rác. Ngoài ra, để công tác quản lý CTR đạt hiệu quả, việc quy hoạch quản lý CTR cần phải được triển khai đồng bộ, cần có quy hoạch các điểm tập trung, trạm trung chuyển CTR cho đô thị và quy định về phân loại đầu nguồn. Các quỹ, chương trình BVMT phối hợp cùng doanh nghiệp thử nghiệm mô hình công nghệ thí điểm điển hình phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế chính sách ưu tiên trong việc thí điểm mô hình xử lý CTR, hoàn thiện công nghệ xử lý CTR phù hợp với điều kiện Việt Nam.

     Công nghệ: Trong thời gian tới, cần ưu tiên các nhà máy xử lý CTR tập trung, công nghệ hiện đại và công suất đủ lớn, đặc biệt các nhà máy áp dụng công nghệ điện rác tiên tiến. Các nước phát triển và các nước Châu Âu phát triển rất mạnh công nghệ sản xuất khí Biogas phát điện và công nghệ điện rác. Hiện tại, công nghệ chôn lấp thông thường có những hạn chế và không được khuyến khích. Cần từng bước tiến tới cấm áp dụng các công nghệ chôn lấp thông thường. Trước áp lực xử lý tiêu hủy rác thải cấp thiết và phổ biến trên diện rộng ở nước ta hiện nay, giải pháp công nghệ đốt tiêu hủy chất thải rắn sinh hoạt đô thị đang là sự lựa chọn mang tính thời sự; Song trong chiến lược phát triển dài hạn rất cần hoạch định rõ lộ trình nâng cấp chất lượng công nghệ bắt buộc để tách tận thu được hợp phần rác hữu cơ làm phân bón và chỉ chuyển vào đốt tiêu hủy thu nhiệt phát điện các hợp phần rác đốt được. Trước mắt, cần sớm chấm dứt hoạt động thu gom đốt tiêu hủy phụ phế thải nông nghiệp có thể ủ làm phân bón được, giám sát chặt chẽ chất lượng nước dùng để dập bụi trong các lò đốt rác hiện hành (chỉ cho phép dùng nước sạch để dập bụi), từng bước loại bỏ các lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ và cấm triệt để không xây dựng mới thêm các lò đốt tiêu hủy rác nhỏ cấp xã. Ưu tiên hỗ trợ thực hiện hoàn thiện công nghệ xử lý CTR phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là công nghệ trong nước thí điểm mô hình xử lý CTR phù hợp với điều kiện Việt Nam.

     Đồng thời, Bộ KH&CN tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về “Nghiên cứu khoa học phục vụ BVMT và phòng tránh thiên tai” KC.08/16-20; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ nhằm đánh giá, lựa chọn các công nghệ xử lý trong nước; Khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án sản xuất thử nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ xử lý CTRSH gắn liền với các dự án đầu tư và nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn…

      

ThS. Đinh Nam Vinh

Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

Ý kiến của bạn