Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 26/04/2024

Tình hình thực hiện Luật Thuế bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số đề xuất, kiến nghị

02/01/2020

     BVMT luôn được xác định là một chủ trương, chính sách lớn, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước. Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về BVMT, ngày 15/11/2010, Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Luật Thuế BVMT được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường (ÔNMT); đồng thời nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng; động viên hợp lý đóng góp của xã hội, tạo thêm nguồn thu để giải quyết vấn đề môi trường, đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế.

     Sau khi Luật Thuế BVMT và các văn bản hướng dẫn được ban hành, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phổ biến, tuyên truyền, cũng như tổ chức triển khai thực hiện Luật Thuế BVMT. UBND TP chỉ đạo Cục Thuế và các đơn vị trực thuộc tiến hành kiểm tra, rà soát người nộp thuế trên địa bàn, xác định những trường hợp phải kê khai, nộp thuế để thông báo, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật thuế BVMT của người nộp thuế.

     Tình hình thực hiện các quy định của Luật Thuế BVMT

     Theo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/6/2019, số thu thuế BVMT tăng nhanh, năm 2016 là 7.596 tỷ đồng, đến năm 2017 là 9.538 tỷ đồng; đến năm 2018 thì số thu thuế BVMT giảm dần là 9.052 tỷ đồng; năm 2019 (lũy kế  đến ngày 30/6/2019) là 4.861 tỷ đồng. Công tác truy thu thuế và phạt đối với thuế BVMT liên quan đến một số doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016 đến ngày 30/6/2019 khoảng 7,6 tỷ đồng. Cũng theo báo cáo của Cục Hải quan TP, số thu thuế BVMT từ năm 2016 đến nay hầu hết tăng qua các năm (riêng năm 2016 giảm 8% so với năm 2015). Tuy nhiên, số thu thuế BVMT chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (dưới 0,2%) trên tổng thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan TP. Đến năm 2019, áp dụng Nghị quyết số 579/2018/QH14 ngày 26/9/2018 thuế BVMT đối với các mặt hàng chịu thuế đã tăng cao so với Nghị quyết số 888a/2015/QH13. Tổng cộng thuế BVMT Cục Hải quan TP đã thu từ ngày 1/1/2016 đến tháng 7/2019 là 422,99 tỷ, về tỷ trọng đối với ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng 1,1%. Cụ thể các mặt hàng có số thu thuế BVMT chiếm tỷ trọng cao gồm: Dầu bôi trơn (dầu nhờn, mỡ nhờn) chiếm khoảng 47,5% tổng thu thuế BVMT; dầu diezel chiếm 16,5%; than đá 7,5%; túi ni lông 8,6%; còn lại là các mặt hàng khác chiếm khoảng 19,9%.

 

Khung và mức thuế BVMT đối với túi ni lông của Việt Nam vẫn thấp so với các nước trên thế giới

 

     Nhìn chung, công tác tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực thi pháp luật về Luật Thuế BVMT trong thời gian qua trên địa bàn TP đã góp phần nâng cao nhận thức, giúp cho cộng đồng doanh nghiệp hiểu để thực hiện việc nộp thuế BVMT đúng quy định, không để thất thu ngân sách nhà nước; nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Thuế BVMT vẫn còn những vướng mắc, hạn chế cần sớm được sửa đổi, khắc phục.

     Về phạm vi điều chỉnh và giải thích từ ngữ:

     Điều 1 Luật Thuế BVMT quy định: “Luật này quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tỉnh thuế, nộp thuế và hoàn thuế BVMT”. Tuy nhiên, ngoài nội dung nêu trên, Luật còn quy định các nội dung về phương pháp tính thuế, biểu khung thuế, thời điểm tính thuế. Do đó, quy định tại Điều 1 Luật Thuế BVMT về phạm vi điều chỉnh chưa bao quát hết các nội dung quy định tại Luật.

     Tại khoản 3, Điều 2 Luật Thuế BVMT quy định: “Túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì được làm từ màng nhựa đơn polyetylen, tên kỹ thuật là túi nhựa xốp”. Như vậy, Luật Thuế BVMT chỉ quy định túi ni lông thuộc diện chịu thuế là loại túi, bao bì chung chung, nên trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc liên quan đến việc nhận diện hình dạng túi ni lông (túi, bao bì) thuộc đối tượng chịu thuế. Như vậy, việc quy định cụ thể về túi ni lông thuộc diện chịu thuế tại các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật là chưa đảm bảo tính pháp lý, tính rõ ràng về quy định túi ni lông thuộc đối tượng chịu thuế. Ngoài ra, việc quy định túi ni lông tên kỹ thuật “là túi nhựa xốp” là chưa đảm bảo đúng tên kỹ thuật của túi ni lông.

     Khoản 4 Điều 2 Luật Thuế BVMT về giải thích từ ngữ quy định: "Dung dịch hydro-chloro-flouro-carbon (HCFC) là nhóm chất gây suy giảm tầng ô zôn dùng làm môi chất lạnh”. Theo Luật Thuế BVMT hiện hành, dung dịch HCFC thuộc đối tượng chịu thuế BVMT; dung dịch HCFC là nhóm chất gây suy giảm tầng ôzôn được sử dụng để làm lạnh. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu dung dịch HCFC phải kê khai, nộp thuế BVMT. Trên thực tế, dung dịch HCFC còn tồn tại dưới dạng chất hỗn hợp có chứa HCFC (như chất Polyol có trộn sẵn HCFC-141, được sử dụng để sản xuất tấm cách âm, cách nhiệt; tỷ lệ HCFC có trong Polyol trộn sẵn HCFC-141b chiếm khoảng từ 13% đến 30%) nhưng đối chiếu quy định tại Luật Thuế BVMT thì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về chất hỗn hợp chứa dung dịch HCFC có thuộc đối tượng chịu thuế hay không. Như vậy, việc quy định về giải thích từ ngữ như tại Luật Thuế BVMT là chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trên thực tế.

     Về đối tượng chịu thuế và không chịu thuế:

     Đối tượng chịu thuế: Theo quy định tại Điều 3, Luật Thuế BVMT hiện hành, đối tượng chịu thuế BVMT gồm 8 nhóm hàng hóa là: Xăng, dầu, mỡ nhờn (gồm xăng, trừ etanol; nhiên liệu bay; dầu diesel; dầu hỏa; dầu mazut; đâu nhờn; mỡ nhờn); Than đá (gồm than nâu, than antraxit, than mỡ, than đá khác); Dung dịch HCFC; Túi ni lông thuộc diện chịu thuế; Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc trừ môi thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng; Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Đây là những nhóm hàng hóa khi sử dụng gây ô ÔNMT tại Việt Nam trên diện rộng. Trong quá trình thực hiện quy định về đối tượng chịu thuế đã phát sinh những vướng mắc cụ thể:

     Dung dịch HCFC: Tại khoản 3 Điều 3 Luật Thuế BVMT quy định: “Dung dịch HCFC” thuộc đối tượng chịu thuế BVMT. Quy định này chưa đảm bảo cơ sở pháp lý chặt chẽ trong việc thu thuế BVMT đối với dung dịch HCFC dưới dạng chất hỗn hợp như đã nêu trên.

     Tại khoản 4, Điều 3 Luật Thuế BVMT quy định: “Túi ni lông thuộc diện chịu thuế” thuộc đối tượng chịu thuế BVMT. Tuy nhiên, tại Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế BVMT đã quy định loại trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ TN&MT ra khỏi đối tượng chịu thuế.

     Đối tượng không chịu thuế: Hiện nay, chính sách thuế BVMT đối với hàng hóa gia công và hàng hóa sản xuất xuất khẩu chưa thống nhất. Luật Thuế BVMT không quy định rõ trường hợp hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để trực tiếp gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu có thuộc đối tượng không chịu thuế hay không? Tại khoản 6, khoản 7, Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu, hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu.

     Theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Luật Thuế BVMT và Điều 2 Thông tư số 159/2012/TT-BTC ngày 28/9/2012 sửa đổi bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ- CP ngày 8/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế BVMT, theo đó quy định: “Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài (bao gồm cả hàng hóa xuất khẩu được gia công từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu) do cơ sở sản xuất (bao gồm cả gia công) trực tiếp xuất khẩu, hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu thì cơ quan hải quan không thu thuế BVMT đối với hàng hóa xuất khẩu và nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công sau đó xuất khẩu ra nước ngoài khi nhập khẩu.

     Tuy nhiên, Luật Thuế BVMT hiện nay chưa quy định đối tượng không chịu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài theo loại hình sản xuất - xuất khẩu. Xét về bản chất cả loại hình gia công và sản xuất xuất khẩu đều nhập nguyên liệu, vật tư từ nước ngoài, sau đó sản xuất thành phẩm và xuất khẩu sản phẩm đã sản xuất ra nước ngoài. Hàng gia công chỉ khác hàng sản xuất xuất khẩu ở chỗ nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị do bên gia công cung cấp theo thỏa thuận tại hợp đồng gia công.

Về phương pháp tính thuế và biểu khung thuế

Phương pháp tính thuế: Cách tính thuế đối với một số sản phẩm chưa phù hợp còn xảy ra tình trạng thuế chồng thuế, chưa công bằng trong tính thuế đối với một số loại hình sản xuất, xuất khẩu, hàng gia công có liên quan đến xuất khẩu... Cụ thể như thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu là 10% được tính dựa trên tiền hàng cộng thuế BVMT. Một số doanh nghiệp cho rằng cách tính thuế trên đã làm thuế chồng thuế.

Biểu khung thuế:

     Đối với xăng, dầu, mỡ nhờn: Luật Thuế BVMT quy định Biểu khung thuế đối với xăng từ 1.000-4.000 đồng/lít, mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 1.000-3.000 đồng/lít, mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít; dầu diesel từ 500-2.000 đồng/lít, mức thuế hiện hành là 1.500 đồng/lít. Do đó, kiến nghị cần nghiên cứu điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu nhằm chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế; Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; Đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về BVMT.

     Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch: Luật Thuế BVMT chi quy định thu thuế đối với xăng dầu gốc hóa thạch, không thu thuế đối với etanol (E100). Đối với nhiên liệu hỗn hợp chứa nhiên liệu sinh học và xăng, dầu, mỡ nhờn gốc hóa thạch (thường gọi là là xăng dầu sinh học) như xăng E5, dầu diesel B5 (có tỷ lệ 4-5% ctanol); xăng E10, dầu diesel B10 (có tỷ lệ 9-10% etanol) thì chỉ tính thu thuế BVMT theo tỷ lệ xăng dầu gốc hóa thạch có trong xăng dầu sinh học.

     Đối với dung dịch HCFC: Luật Thuế BVMT quy định Biểu khung thuế đối với HCFC từ 1.000-5.000 đồng/kg. Mức thuế BVMT cụ thể hiện hành đối với dung dịch F1CFC là 4.000 đồng/kg, gần bằng mức tối đa trong khung thuế. Theo Nghị định thư Montreal về hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ôzôn thì Việt Nam sẽ phải loại trừ hoàn toàn việc sử dụng dung dịch HCFC vào năm 2030. Việc áp dụng thuế BVMT ở mức cao đối với dung dịch HCFC sẽ góp phần giảm dần sử dụng dung dịch HCFC. Do đó, cần thiết nghiên cứu điều chỉnh khung thuế BVMT để có cơ sở điều chỉnh mức thuế BVMT cụ thể đối với dung dịch HCFC nhằm góp phần nhanh chóng thực hiện việc loại trừ hoàn toàn dung dịch HCFC.

     Đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế: Luật Thuế BVMT quy định Biểu khung thuế đối với túi ni lông từ 30.000 - 50.000 đồng/kg. Mức thuế cụ thể hiện hành đối với túi ni lông là 40.000 đồng/kg, tương đương khoảng 200% giá bán hiện hành (1 kg túi ni lông có thể có từ 100 - 200 túi), nghĩa là thuế BVMT chỉ thu khoảng 200 – 400 đồng/túi. Nếu tăng mức thuế BVMT đối với túi ni lông lên mức trần 50.000 đồng/kg thì cũng chỉ tương đương từ 250 - 500 đồng/túi. Khung và mức thuế BVMT đối với túi ni lông của Việt Nam là thấp so với các nước trên thế giới, nên chưa có tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi ni lông.

     Về  thời điểm tính thuế BVMT; khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế

     Theo Luật Thuế BVMT (khoản 4, Điều 9), thời điểm tính thụế BVMT đối với xăng dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra (do cơ quan thuế thu). Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017), thuế BVMT thu đối với hàng hóa nhập khẩu là khoản thu 100% ngân sách Trung ương. Văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 đã có hướng dẫn về phân chia nguồn thu thuế BVMT đối với sản phẩm xăng dầu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương trên cơ sở sản lượng xăng dầu trong nước sản xuất, bán ra trong kỳ kế hoạch so với sản lượng xăng dầu kế hoạch do doanh nghiệp đầu mối bán ra theo từng năm.

     Mặt khác, theo quy định về kê khai, tính thuế và nộp thuế BVMT đối với xăng dầu hiện hành, các Công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối thực hiện kê khai, nộp thuế BVMT khi xuất để tiêu dùng nội bộ và xuất bán cho các đối tượng; trừ xuất bán cho các Công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối khác và các đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập, hoặc đơn vị khác trong cùng hệ thống mà Công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối có số vốn chi phối trên 50%. Các đơn vị này khi bán ra cho các tổ chức, cá nhân khác mới kê khai, nộp thuế BVMT tại địa phương nơi kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng. Từ đó dẫn đến rất khó khăn trong việc quản lý cũng như trong việc kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp; cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

      Điều 11 Luật Thuế BVMT quy định về các trường hợp hoàn thuế, tuy nhiên chưa quy định trường hợp hoàn tiền thuế BVMT do nộp thừa như quy định tại Điều 47 Luật Quản lý Thuế.

     Một số kiến nghị

     Để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính hướng tới phát triển bền vững, xin đề xuất một số kiến nghị như sau:

     Đối với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương:

     Quốc hội sớm xem xét tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật Thuế BVMT để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, nhằm đảm bảo chính sách thuế BVMT là một công cụ kinh tế quan trọng góp phần hạn chế việc sản xuất và sử dụng hàng hóa gây ÔNMT, khuyến khích việc sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

     Chính phủ nghiên cứu bổ sung các hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường sinh thái vào đối tượng chịu thuế BVMT. Đối với mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu đề nghị tăng thuế BVMT, hoặc quy định nhập khẩu có điều kiện để cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra, cấp phép. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm đối tượng chịu thuế BVMT, đề nghị xem xét giữ ổn định khung biểu thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có những giải pháp, chương trình, tiêu chuẩn, đặt ra những chỉ số đo lường về mặt ô nhiễm một cách cụ thể, có văn bản hướng dẫn rõ ràng và biện pháp chế tài nghiêm khắc để điều chỉnh các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật liên quan đến môi trường.

     Hiện nay, các mặt hàng chịu thuế BVMT chưa được cụ thể hóa theo từng mã HS, nên cơ quan hải quan gặp khó khăn trong kiểm tra xác định và dễ xảy ra tranh luận giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Biểu thuế BVMT, trong đó cụ thể hóa tên hàng và mã HS của mặt hàng chịu thuế theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam để thực hiện thống nhất.

     Hệ thống VNACCS (đăng ký thủ tục hải quan) hiện nay chưa có chức năng cảnh báo đối với các mặt hàng chịu thuế BVMT nên dễ phát sinh sai sót trong quá trình kiểm tra, phát hiện tại khâu đăng ký tờ khai. Kiến nghị Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) bổ sung chức năng cảnh báo trên hệ thống VNACCS đối với các mặt hàng chịu thuế BVMT.

     Đối với TP. Hồ Chí Minh

     UBND TP tiếp tục chỉ đạo Cục thuế, Cục Hải quan và các Sở, ngành, quận - huyện thường xuyên thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật về thuế BVMT đến cộng đồng các doanh nghiệp; công khai thủ tục hành chính thuế, chính sách thuế tại nơi giao dịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, nhất là đối vợi các doanh nghiệp nhỏ lẻ sản xuất các sản phẩm không thân thiện với môi trường, đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

     UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT, các quận, huyện tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nhựa, ni lông và hạn chế sử dụng, thải bỏ rác thải nhựa dùng một lần trên địa bàn quận, huyện; vận động cho các đối tượng cá nhân, tổ chức bán lẻ, đặc biệt là các tiểu thương tại chợ, các hệ thống siêu thị không cấp phát miễn phí túi ni lông cho người tiêu dùng; tập trung kiểm soát ÔNMT về rác thải nhựa đảm bảo 100% chất thải trên địa bàn quận, huyện được thu gom và xử lý đúng, trong đó 50% khối lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt được tái chế; triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Quyết định số 44/2018/QĐ-TP ngày 14/11/2018 của TP.

     Bên cạnh đó, Cục Thuế, Cục Hải quan TP thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức nhăm nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường công tác cải cách hành chính, góp phần đảm bảo thu thuế đúng, đủ và công bằng, chống trốn thuế hiệu quả.

 

Phạm Phương Lan

Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

 

 

 

 

 

               

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn