Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Cần có quy hoạch lại vùng khai thác thủy sản để “mở đường” cho rùa biển

09/06/2020

    Sau 3 năm triển khai Đề tài nghiên cứu khoa học “Bảo tồn và phục hồi quần thể rùa biển tại Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm” thí điểm chuyển vị trứng rùa biển từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về cho ấp nở tại Cù Lao Chàm từ năm 2017 - 2019 với số lượng gần 2.000 trứng, đến nay có thể khẳng định: điều kiện môi trường và chất lượng các bãi biển ở Cù Lao Chàm hoàn toàn phù hợp với rùa biển cũng như khả năng phục hồi quần thể rùa biển... Quá trình chuyển vị trứng rùa biển đã tạo tiền đề quan trọng cho việc bổ sung nguồn giống rùa ban đầu và nâng cao nhận thức của các bên liên quan về bảo vệ, góp phần phục hồi quần thể rùa biển - loài động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQTG) Cù Lao Chàm. Nhân dịp Ngày Môi trường thế giới 5/6/2020, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm về kết quả triển khai Đề tài này thời gian qua.

 

Ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban quản lý KBTB Cù Lao Chàm

 

PV: Xin ông cho biết lý do để Cù Lao Chàm triển khai phục hồi, bảo tồn quần thể rùa biển trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Văn Vũ: Rùa biển là sinh vật rất đặc biệt. Chúng là biểu tượng cho sự trường tồn, tri thức mà cho đến nay khoa học vẫn chưa giải mã hết những khả năng bí ẩn tuyệt vời trong vòng đời của chúng.

    Gần đây, khi con người hiểu được các giá trị nhiều mặt của rùa biển, nhất là vai trò đối với các hệ sinh thái, kinh tế biển và văn hóa đối với con người, đặc biệt là các cộng đồng ngư dân vùng ven biển thì tất cả các loài rùa biển trong đại dương đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng.

    Tại KBTB Cù Lao Chàm, qua quá trình tiếp xúc với người dân, chúng tôi phát hiện ra, trước đây khu vực này có tất cả 9 bãi cát thường có rùa mẹ về đẻ trứng đã từng có rất nhiều rùa biển sinh sống. Lúc đó họ không biết về giá trị to lớn của chúng nên thường lấy trứng về làm thực phẩm, xâm hại đến rùa biển. Những năm gần đây, người dân Cù Lao Chàm rất muốn được phục hồi đàn rùa biển quý hiếm này cho Đảo. Từ những điều trăn trở đó đã thôi thúc chúng tôi quyết tâm tìm tòi, nghiên cứu để phục hồi quần thể rùa biển tại đây.

 

Cán bộ BQL Khu BTB Cù Lao Chàm chuyển trứng rùa

 

PV: Xin ông cho biết những kết quả sau 3 triển khai đến nay như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Vũ: Để thực hiện được những mục tiêu của Kế hoạch hành động phục hồi và bảo tồn rùa biển tại Cù Lao Chàm giai đoạn 2016 - 2025 tầm nhìn đến năm 2040, chúng tôi xác định cần phải tìm hiểu một số vấn đề kỹ thuật như: Các điều kiện cho rùa biển lên đẻ; Nguồn thức ăn của rùa biển tại Cù Lao Chàm; Khả năng trứng rùa biển khi vận chuyển với khoảng cách trên 1.000 km (từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm) có nở được hay không?... thật may mắn, những nghiên cứu thời gian qua đã cho thấy, điều kiện tự nhiên, môi trường tại Cù Lao Chàm vẫn còn tốt cho công tác phục hồi rùa biển.

    Từ năm 2017, với sự hỗ trợ của Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, chúng tôi đã vận chuyển và ấp nở thành công gần 2.000 cá thể rùa con để thả xuống vùng biển Cù Lao Chàm. Đây không chỉ có ý nghĩa về mặt truyền thông nâng cao nhận thức mà giúp chúng tôi đánh giá các yếu tố khoa học cho công tác phục hồi quần thể rùa biển. Với tỉ lệ cao (trên 90%) đã minh chứng tính khả thi của bảo tồn chuyển vị rùa biển ở cự ly xa.

    Đồng thời với sự quan tâm, ủng hộ của người dân cũng như các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đó là tiền đề để Chương trình bảo tồn rùa biển được triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.

PV: Là người trực tiếp Chủ nhiệm Đề tài trong 3 năm qua, vậy khi triển khai nhiệm vụ này ông thấy có những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Nguyễn Văn Vũ: Mặc dù có được nhiều sự ủng hộ từ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là các đồng nghiệp của Vườn Quốc gia Côn Đảo, tuy nhiên do việc chuyển vị trứng rùa biển lần đầu tiên được thực hiện và chúng thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nên phải tuân thủ các quy định pháp luật rất nghiêm ngặt (hoàn thành hồ sơ, thủ tục của việc cho - nhận trứng và các giấy phép vận chuyển).

    Điều kiện thời tiết cũng là một thách thức lớn đối với chúng tôi. Có những lần đoàn ra đến Côn Đảo nhưng không thể để lấy được trứng, do đó kế hoạch phải điều chỉnh liên tục. Khi về đến Cù Lao Chàm, Ban Quản lý KBTB cùng tình nguyện viên phải thay nhau túc trực bảo vệ trứng 24/24 giờ, đề phòng sự xâm nhập của người lạ cũng như những động vật khác. Có những lần biển động (áp thấp, gió mùa) nước biển tràn vào hố ấp trứng… chúng tôi phải huy động lực lượng chuyển chỗ cao hơn để trứng được an toàn ngay lúc giữa khuya.

    Tuy khó khăn, vất vả nhưng khi nhìn thấy những chú rùa con nhô lên khỏi tổ và bò về phía biển thì bao nhiêu cực khổ cũng tan biến. Khi những chú rùa con tung tăng bơi đi cũng mang theo bao điều hy vọng cho những người làm công tác bảo tồn và người dân trên đảo Cù Lao Chàm.

PV: Xin ông cho biết Kế hoạch bảo tồn rùa biển trong thời gian tới để Cù Lao Chàm trở lại thành bãi đẻ của rùa như 20 năm trước đây?

Ông Nguyễn Văn Vũ: Sau 3 năm triển khai, đến nay kết quả ban đầu rất đáng khích lệ! Tuy nhiên, chặn đường còn dài và rất gian nan chúng tôi đang nỗ lực để vượt qua.

    Hiện nay, mặt dù người dân Cù Lao Chàm không khai thác, giết hại rùa biển nhưng nghề kéo lưới, nhất là lưới 3 lớp thực sự là rào cản lớn cho sự trở về của rùa biển. Vài năm trở lại đây, chúng tôi ghi nhận trên dưới 10 cá thể bị mắc lưới của ngư dân địa phương, phần lớn chúng đều bị chết trước khi được giải cứu kịp thời. Do vậy, việc vận động và tìm giải pháp để thay thế nghề lưới 3 lớp cần được các ban, ngành quan tâm sớm thực hiện trong thời gian tới.

    Đồng thời, phải “mở đường” cho rùa biển lên đẻ. Hiện nay, vẫn còn có nhiều lưới khai thác hải sản hoạt động trong KBTB Cù Lao Chàm, nhất là tại những vùng nước phía trước bãi cát. Do đó, chúng tôi đang trình UBND tỉnh Quảng Nam điều chỉnh phân vùng quản lý KBTB Cù Lao Chàm, trong đó có quy hoạch lại vùng khai thác thủy sản để “mở đường” cho rùa biển có thể lên sinh sản.

    Đặc tính của rùa biển rất sợ ánh sáng và tiếng ồn, trong khi những bãi tắm - vốn trước đây là bãi đẻ của rùa biển đang kinh doanh du lịch. Do đó, để hài hòa phát triển du lịch với công tác bảo tồn, các bên liên quan cần tìm giải pháp tháo gỡ nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học cũng như phục hồi các loài rùa biển trước tác động của du lịch.

    Hiện nay, chúng tôi đang vận động để hình thành Trạm cứu hộ động vật hoang giã tại Cù Lao Chàm, trước mắt là để cứu chữa kịp thời những cá thể rùa biển, cá heo bị nạn cũng như những loài sinh vật khác.  

    Tiếp tục phục hồi các hệ sinh thái biển quan trọng, nhất là rạn san hô, thảm cỏ biển,..vì đây là môi trường sinh sống ưa thích của rùa biển.

 

Hố ấp trứng rùa tại Cù Lao Chàm

 

PV: Nhân dịp Ngày Môi trường thế giới 5/6/2020, ông có đề xuất, kiến nghị gì các cơ quan chức năng?

Ông Nguyễn Văn Vũ: Nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng, mẹ Trái đất của chúng ta có thể đang ở thời điểm giới hạn của sự chịu đựng, bởi phá hoại ghê gớm của con người. Do đó, chúng ta không thể chần chừ được nữa, phải hành động ngay. Trong đó, cần ưu tiên đặc biệt các nguồn lực để bảo vệ biển, bảo vệ rừng và hơn cả là cần một mô hình quản lý tổng hợp tài nguyên thì mới mong phát triển kinh tế bền vững và mang lại môi trường sống lành mạnh cho mọi người.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Đức Trí (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2020)

Ý kiến của bạn