Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Bắc Ninh: Tăng cường công tác xã hội hóa thu gom, xử lý chất thải rắn

07/01/2020

     Với tốc độ đô thị hóa nhanh, tỉnh Bắc Ninh đang phải đối mặt với các thách thức về BVMT, đặc biệt là vấn đề quản lý chất thải rắn (CTR). Để tăng cường công tác quản lý, thu gom, xử lý CTR, UBND tỉnh và các Sở, ngành, địa phương đã ban hành cơ chế chính sách, đề ra nhiều giải pháp thu gom, xử lý triệt để CTR sinh hoạt (CTRSH), góp phần giảm thiểu các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

     Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác xử lý chất thải, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt 3 dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, bao gồm: Nhà máy xử lý CTRSH thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (diện tích: 41.973 m2, công suất thiết kế 200 tấn/ngày, đêm, với tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng); Nhà máy xử lý CTRSH của Công ty TNHH Môi trường đô thị Hùng Phát, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (diện tích 100.000 m2, với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng , công suất thiết kế 300 tấn/ngày, đêm); Nhà máy xử lý CTRSH của Công ty Cổ phần Môi trường và Đầu tư Xây dựng Bắc Hải, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (diện tích 35.439,4 m2, tổng vốn đầu tư: 70 tỷ đồng, công suất thiết kế 70 tấn/ngày, đêm); đầu tư 10 lò đốt chất thải sinh hoạt công suất nhỏ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. 

     Hiện nay, số lượng rác thải rắn sinh hoạt trên bàn tỉnh khoảng 870 tấn/ngày, đêm, trong đó TP. Bắc Ninh (150 tấn/ngày, đêm); huyện Quế Võ (100 tấn/ngày, đêm); Thuận Thành (100 tấn/ngày đêm), Gia Bình (60 tấn/ngày, đêm); Tiên Du (100 tấn/ngày, đêm); Yên Phong (150 tấn/ngày, đêm); Lương Tài (60 tấn/ngày, đêm); Thị xã Từ Sơn (150 tấn/ngày, đêm). Để thu gom rác thải sinh hoạt được hiệu quả, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng điểm tập kết, vận chuyển rác thải khu vực nông thôn như: Hỗ trợ 100% xây dựng điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt tại các thôn, xóm; Hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư mua sắm phương tiện để vận chuyển rác thải trong thời hạn 6 năm, kể từ ngày được phép lưu hành và ký hợp đồng vận chuyển rác thải với UBND cấp huyện; hỗ trợ kinh phí vận chuyển rác thải từ các điểm tập kết về khu xử lý tập trung và kinh phí xử lý. Hiện tỉnh đã đầu tư xây dựng 550 điểm tập kết chất thải sinh hoạt tại các thôn; 100% các địa phương đã thành lập được các tổ, đội thu gom chất thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết (tổng số tổ thu gom là 826 tổ, trong đó khu vực nông thôn là 635 tổ, mỗi tổ từ 3-5 người). Toàn tỉnh có 89.487 hộ đô thị và 250.832 hộ nông thôn, do đó mỗi tổ viên tổ vệ sinh sẽ phụ trách trung bình khoảng 164 hộ, có 8 đơn vị thực hiện việc vận chuyển CTRSH từ điểm tập kết về khu xử lý chất thải tập trung cấp huyện với tổng số trên 30 xe chuyên dụng, các xe đều đã được gắn các thiết bị GPS để theo dõi, kiểm soát lộ trình thu gom. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt toàn tỉnh đạt trên 90%.

 

Nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao tại xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã được khởi công xây dựng vào tháng 5/2019

 

     Công tác phân loại rác thải tại nguồn cũng được tỉnh chú trọng, ngày 31/12/2013, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 595/2013/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phân loại và xử lý CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2020. Thực hiện Đề án, Sở TN&MT tỉnh đã triển khai thí điểm 2 mô hình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn đô thị (Phường Ninh xá, thành phố Bắc Ninh) và địa bàn nông thôn (xã Cao Đức, huyện Gia Bình). Quá trình triển khai thực hiện bước đầu đã đạt được những kết quả, tuy nhiên còn nhiều tồn tại, bất cập như: Còn một bộ phận hộ gia đình chưa thực hiện tốt việc phân loại CTRSH tại nguồn; còn giữ thói quen vứt chất thải tùy tiện hoặc sử dụng các thùng phân loại chất thải sinh hoạt được phát vào các mục đích khác; chất thải sau khi phân loại không được thu gom, vận chuyển riêng mà được thu gom, vận chuyển chung một phương tiện… dẫn đến hiệu quả của việc phân loại chưa cao. Nhằm tăng cường việc phân loại CTRSH tại nguồn, ngày 19/9/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND về việc triển khai phân loại, xử lý chất thải hữu cơ tại hộ gia đình trên địa bàn, giai đoạn 2019 - 2022. Kế hoạch đề ra mục tiêu giảm khối lượng chất thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình phải vận chuyển, xử lý; đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng. Theo đó, trong năm 2019, các thôn Hoài Thượng và Chè (xã Liên Bão, huyện Tiên Du); thôn Kim Thoa và Ngọc Quan (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài) được chọn làm mô hình thí điểm với tổng số tiền hỗ trợ là 2.448.387.000 đồng. Thông qua việc thực hiện thí điểm Đề án Phân loại và xử lý CTRSH tại nguồn, sẽ góp phần giảm thiểu được khoảng 90% mùi hôi và 50% lượng chất thải rắn trên các bãi rác thải tập trung sau thu gom. Ngoài ra, Đề án tạo ra sản phẩm nguyên liệu hữu cơ sạch tại chỗ để chăm sóc cây trồng, tạo môi trường nông thôn tỉnh luôn Xanh - Sạch - Đẹp.

     Đối với công tác thu gom rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình đến điểm tập kết: Mức thu giá đối với hộ gia đình tại phường, thị trấn là 27.000đ/hộ/tháng và tại các xã là 22.000đ/hộ/tháng (theo Quyết định số 40/2017/QĐ-UBND; công tác vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt đang được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Năm 2018, tổng số tiền phí thu gom chất thải sinh hoạt tại các địa phương là 62 tỷ đồng, trong khi đó tổng chi là 67,43 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang hỗ trợ 100% kinh phí cho hoạt động vận chuyển và xử lý CTRSH từ điểm tập kết đến các khu xử lý chất thải tập trung. Từ năm 2015 đến hết năm 2018, tổng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động vận chuyển và xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh khoảng 471,738 tỷ đồng, tyrong đó: Năm 2015 (116,365 tỷ đồng); 2016 (127,29 tỷ đồng; 2017 (92,219 tỷ đồng); 2018 (135,864 tỷ đồng).

     Với những nỗ lực của các ban, ngành trong tỉnh, công tác quản lý, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như: Công tác đầu tư cho công tác quản lý CTRSH còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiệu quả xử lý chất thải tại các khu xử lý còn thấp; công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn còn hạn chế, chưa thành thói quen của người dân, cần có sự nỗ lực, kiên trì của các bên tham gia. Trong khi đó, việc quản lý chất thải rắn chưa phù hợp với xu thế tái sử dụng, tái chế trên thế giới. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

     Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức của người dân đối với công tác quản lý chất thải rắn, giữ gìn vệ sinh công cộng còn rất thấp; Một số bộ phận người dân không ủng hộ việc đầu tư Khu xử lý chất thải tập trung tại địa phương mình đã ra sức cản trở, gây khó khăn cho việc triển khai các Dự án. Nhiều vấn đề chưa có văn bản quy định như: Quy trình về điều kiện, năng lực cho phép các tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý tiêu hủy chất thải rắn nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng; quy định về thẩm định công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt do nước ngoài đầu tư. Công tác vận hành các công trình xử lý rác thải chưa đúng theo quy trình kỹ thuật, một số bãi chôn lấp thực hiện đốt thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác xã hội hóa đầu tư cho xử lý chất thải rắn hạn chế. Thiếu các chính sách hỗ trợ đầu tư cho lĩnh vực xử lý chất thải; thiếu nguồn vốn đầu tư cho các công trình xử lý rác thải; mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

    Theo Đề án tổng thể  BVMT tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019  -  2025  (Quyết định số 222/QĐ-UBND, ngày 9/5/2019) đã đề ra mục tiêu: Hoàn thành xây dựng lò đốt rác công suất nhỏ tại các địa phương chưa có khu xử lý chất thải tập trung; triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý CTRSH công nghệ cao phát năng lượng tại huyện: Quế Võ, Thuận Thành và Lương Tài; 100% các xã có phong trào làm sạch đồng ruộng, làm sạch đường làng, ngõ xóm; 100% rác thải sinh hoạt phát sinh trong khu dân cư được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý theo quy định… Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra một số giải pháp như:

     Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội địa phương; Ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các thiết bị, công nghệ xử lý chất thải nguy hại theo hướng thân thiện môi trường; khuyến khích các cơ sở xử lý, tái chế rác chuyển đổi mô hình sản xuất (áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường…) hoặc lắp đặt các thiết bị/hệ thống xử lý để đáp ứng các quy định về BVMT.

     Phấn đấu đến cuối năm 2020, hoàn thành các nhà máy xử lý rác công nghệ cao; Đẩy mạnh đầu tư, thay thế các công nghệ thu gom đã lạc hậu; Tăng cường xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTR; Rà soát, sửa đổi bổ sung và ban hành đơn giá xử lý CTR có thu hồi năng lượng. Xây dựng chính sách mua sắm công để ưu tiên mua sắm các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm sau quá trình tái chế, xử lý chất thải từ nguồn ngân sách. Nghiên cứu, áp dụng giá dịch vụ xử lý CTRSH, có lộ trình điều chỉnh giá nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu về bù đắp chi phí quản lý vận hành và đầu tư xây dựng.

     Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý về môi trường trong việc kiểm soát chặt chẽ các khu xử lý chất thải, bãi chôn lấp chất thải giáp ranh giữa các địa phương và việc vận chuyển chất thải liên tỉnh; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTR để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm.

     Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải; Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn nhằm lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh; Áp dụng các công nghệ tái chế hiện đại, thân thiện với môi trường thay thế các công nghệ cũ, lạc hậu ở các cơ sở tái chế.

     Đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản pháp luật về quản lý chất thải và phế liệu rộng rãi tới các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân; tăng cường trao đổi, tham quan, học tập kinh nghiệm trong triển khai công tác quản lý chất thải, chú trọng đến tính khả thi, sự phù hợp khi triển khai áp dụng cùng mô hình xử lý chất thải  giữa các địa phương; nghiên cứu đưa nội dung giáo dục môi trường trong đó có quản lý chất thải vào chương trình chính khóa của các cấp học phổ thông; tổ chức khoá tập huấn cho doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn, hoạt động giảm thiểu phát sinh CTR; quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế CTR theo đúng các quy định của pháp luật; xây dựng và phổ biến cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về CTR; các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật về quản lý, xử lý CTR.

 

Nguyễn Đại Đồng - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Ninh

Châu Loan

Tạp chí Môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

 

Ý kiến của bạn