Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 25/04/2024

Cần có phương án tính toán đơn giá phù hợp đối với việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt

22/11/2019

     Những năm qua, nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, công tác quản lý duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) và thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là giải quyết vướng mắc trong kinh phí duy trì VSMT. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đối với ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình xung quanh vấn đề này.

     PV: Xin ông cho biết công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Thái Bình do Công ty đang triển khai?

     Ông Nguyễn Thanh Xuân: Công ty Cổ phần Môi trường và công trình đô thị tỉnh Thái Bình được cổ phần hóa từ tháng 4/2015, với ngành nghề hoạt động chính là thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý ô nhiễm môi trường, thoát nước đô thị, dịch vụ chăm sóc và duy trì cảnh quan công viên, phát triển cây xanh đô thị, quản lý nghĩa trang nhân dân, vận hành hệ thống điện chiếu sáng đô thị.

 

Ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Giám đốc

Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình

 

     Hiện tại Công ty đang thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH trên địa bàn TP. Thái Bình (gồm 10 phường, 9 xã), diện tích khoảng 7 km² với khoảng 2 vạn dân.  Để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, Công ty đã phối hợp với chính quyền các phường, xã; tổ chức chính trị - xã hội, tuyên truyền đổ rác đúng giờ quy định; cam kết với từng hộ dân về việc chấp hành thời gian thu gom và đổ rác đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.

     Ngoài ra, Công ty đầu tư 20 phương tiện xe chuyên dùng, trong đó có 12 xe tải nhỏ loại 1 tấn thùng kín vào tận các ngõ, xóm của khu dân cư để thu gom thay thế cho các loại xe gom đẩy tay thủ công trước đây. Từ đó đã xóa bỏ hoàn toàn các điểm tập kết và trung chuyển rác trên toàn TP, không còn hình ảnh các xe gom rác chất đầy, xếp hàng dài trên vỉa hè và đường phố.

     PV: Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã triển khai phân loại rác thải tại nguồn chưa? Theo ông, việc phân loại rác thải tại nguồn gặp thuận lợi, khó khăn gì?

     Ông Nguyễn Thanh Xuân: Trên địa bàn TP. Thái Bình nói riêng và toàn tỉnh nói chung hiện nay chưa tổ chức được việc phân loại rác tại nguồn. Trước đây có một vài phường, xã và các đoàn thể đã tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng không thành công nên đã tạm dừng. Nguyên nhân do nhận thức của một bộ phận người dân cũng như các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, các hệ thống chợ tạm, chợ cóc, hạ tầng đô thị quá trình thu gom, vận chuyển, tiếp nhận xử lý chưa đồng bộ do đó việc phân loại rác tại nguồn và thu gom, vận chuyển CTRSH rất khó khăn.

 

Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình

 

     PV: Về đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH hiện nay trên địa bàn tỉnh được quy định như thế nào, thưa ông?

     Ông Nguyễn Thanh Xuân: Căn cứ quyết định số 16/2018/QĐ-UBND ngày 20/12/2018 của UBND tỉnh Thái Bình quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom vận chuyển, xử lý CTRSH sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo nội dung quy định, mức tính toán khung giá chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế do điều kiện ngân sách của địa phương còn hạn chế. Ví dụ, khung đơn giá xử lý công suất 50 đến < 300 tấn sử dụng công nghệ thiết bị trong nước đơn giá quy định 455.000 đồng/tấn, nhưng thực tế mới được chi trả 364.000 đồng/tấn (mức giá để thực hiện tốt việc xử lý bằng công nghệ đốt trong nước phải đảm bảo từ 450.000 - 500.000 đồng/tấn). Đối với giá dịch vụ thu gom rác sinh hoạt từ các hộ dân đơn giá tại TP.Thái Bình hiện nay đang áp dụng rất thấp, cụ thể: hộ từ 1- 2 người, giá thu 6.000đ/tháng; hộ từ 3- 4 người mức thu 10.000 đồng/tháng; hộ 5 người trở lên, mức thu là 15.000đ/tháng, như vậy mức giá thu gom rác trong các hộ dân mới bình quân 3.000đồng/người/tháng. Để thực hiện tốt công tác thu gom rác từ dân mức giá phải đảm bảo được 6.000 đồng/người/tháng. Do đó, công tác thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chưa đủ chi phí vận hành. Từ đó gây không ít  khó khăn cho doanh nghiệp tham gia công tác VSMT đô thị.

     PV: Để xử lý hiệu quả CTRSH hiện nay, theo ông cần cơ chế gì?

     Ông Nguyễn Thanh Xuân: Hiện nay, công nghệ đốt rác phát điện đang được các địa phương quan tâm. Tuy nhiên để đầu tư công nghệ xử lý CTRSH hiệu quả rất cần cơ chế, tài chính ưu đãi của nhà nước, hỗ trợ giúp các doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Mặt khác, Chính phủ và các Bộ/ngành, địa phương cần kiểm soát chặt chẽ, tránh tình trạng để các doanh nghiệp đầu tư các thiết bị, công nghệ lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu xử lý CTRSH mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và ô nhiễm môi trường.

     PV: Xin cảm ơn ông!   

 

Nam Hưng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

 

 

Ý kiến của bạn