Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 18/04/2024

Điều kiện pháp lý cần thiết để tiến hành khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường

11/05/2020

     Tranh chấp, xung đột trong lĩnh vực BVMT ở Việt Nam đang nổi lên như một hiện tượng bức bách của đời sống xã hội, thu hút sự quan tâm của quần chúng nhân dân, đặc biệt là các vụ tranh chấp, đòi hồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra. Một số vụ tranh chấp về môi trường gây bức xúc trong dư luận như: Công ty Sonadezi Long Thành bị hàng trăm hộ dân gửi đơn kiện đòi bồi thường vì xả thải gây ô nhiễm; Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn hàng chục nghìn tấn thuốc trừ sâu khiến gần 900 Hội viên Hội nông dân đệ đơn lên tòa. Đặc biệt, vụ việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra sự cố môi trường biển, làm cá chết tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…Qua các vụ việc cho thấy, tranh chấp về môi trường ở các địa phương chủ yếu có việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi do ô nhiễm nguồn nước, trong đó chủ thể gây thiệt hại thường là các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trực tiếp xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, còn người bị hại là các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư sống trong khu vực bị ô nhiễm. Để giải quyết loại vụ việc này, có nhiều biện pháp khác nhau trong đó biện pháp pháp lý với quy định quyền đòi bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm, môi trường được nhà nước đặc biệt quan tâm.

 

Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã phải thực hiện đầy đủ việc bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả bởi sự cố môi trường. Ảnh: Duy Tuấn

 

    Hiện nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định đảm bảo quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra như Hiến pháp năm 2013, Điều 30 quy định: “Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật”. Cụ thể hóa quyền cơ bản nêu trên, Bộ Luật dân sự năm 2015, Luật BVMT năm 2014, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Tài nguyên nước năm 2012,.. đã có quy định về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường như nguyên tắc, trách nhiệm, thời hiệu, khởi kiện yêu cầu bồi thường… Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 của Chính phủ cũng quy định chi tiết về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường. Như vậy, đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây nên là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ. Người bị thiệt hại có cơ sở pháp lý để thực hiện quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Mặc dù đã có những cơ sở pháp lý chung như đã nêu trên, song để có thể thực hiện được một cách đầy đủ, đúng đắn, có hiệu quả quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây nên thì còn cần phải dựa vào các điều kiện cụ thể sau đây:

- Điều kiện 1, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường phải gây ra thiệt hại.

    Thiệt hại vừa là điều kiện phát sinh trách nhiệm vừa là cơ sở tính mức bồi thường. Thiệt hại xảy ra là điều kiện bắt buộc đầu tiên để xem xét việc có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không? Mục đích và ý nghĩa của bồi thường thiệt hại là đảm bảo đền bù những thiệt hại, tổn thất đã gây ra. Vì vậy, việc xác định có những loại thiệt hại nào xảy ra, thiệt hại bao nhiêu là rất quan trọng. Các thiệt hại có thể xảy ra do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra bao gồm:

+ Thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường như: Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường (Điều 163 Luật BVMT năm 2014). Loại thiệt hại này thường gắn với chủ thể bị thiệt hại là Nhà nước hoặc cộng đồng dân cư.

+ Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây ra.(Điều 163 Luật BVMT năm 2014). Loại thiệt hại này gắn với chủ thể bị thiệt hại là các tổ chức, cá nhân cụ thể.

    Trong đó, việc xác định thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của tổ chức, cá nhân do ô nhiễm, suy thoái môi trường để được bồi thường như sau:

     Thiệt hại do tài sản bị xâm hại: Tài sản bị mất, tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản và chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại (Theo Điều 589, Bộ Luật dân sự năm 2015). Trong đó, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản là những tổn hại về lợi ích vật chất, sự giảm sút về thu nhập chính đáng mà nguyên nhân là do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường. Đây là những thiệt hại đối với người được phép khai thác, sử dụng hợp pháp các thành phần môi trường nhưng do ô nhiễm, suy thoái nên không thể tiếp tục khai thác, sử dụng hoặc phải khai thác, sử dụng rất hạn chế dẫn đến lợi ích vật chất của họ bị tổn hại. Thiệt hại về tài sản của tổ chức, cá nhân được thể hiện qua những tổn thất về cây trồng, vật nuôi, những khoản chi phí cho việc sửa chữa, thay thế, ngăn chặn và phục hồi tài sản bị thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường gây nên.

   Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dường, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. (Theo Điều 589, Bộ Luật dân sự năm 2015)

    Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng (Theo Điều 590,bBộ Luật dân sự 2015)

- Điều kiện 2, phải có hành vi gây ra thiệt hại.

   Trong lĩnh vực BVMT, biểu hiện của hành vi gây thiệt hại có một số điểm khác biệt so với các lĩnh vực khác như: (1) hành vi gây ra thiệt hại không xâm hại trực tiếp đến các quyền về tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân mà xâm hại thông qua các yếu tố môi trường bị ô nhiễm, suy thoái; (2) không phải mọi hành vi gây thiệt hại cho môi trường đều là hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Thiệt hại trong lĩnh vực môi trường do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường có những dấu hiệu như:

+ Hành vi vi phạm pháp luật về môi trường là hành vi trái pháp luật, bao gồm hành vi thực hiện không đúng các quy định của pháp luật hoặc không thực hiện hành vi mà pháp luật bắt buộc phải thực hiện gây ô nhiễm môi trường, suy thoái, sự cố môi trường xâm phạm các quyền của công dân được pháp luật bảo vệ. Những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường khá đa dạng như: vi phạm các quy định về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên như khai thác trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm; đánh bắt trái phép các nguồn tài nguyên sinh vật biển; vi phạm các quy định về quản lý chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại; vi phạm các quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, phế liệu,…

    Hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện bởi chủ thể là tổ chức hoặc cá nhân. Trong đó, tổ chức phải có tư cách pháp nhân; cá nhân phải có đủ năng lực trách nhiệm pháp lý và năng lực hành vi.

- Điều kiện 3, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra.

   Trong lĩnh vực BVMT, mối quan hệ giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại diễn ra phức tạp do có nhiều tác nhân tác động vào quá trình biến đổi các yếu tố môi trường. Ví dụ như thiệt hại về cây trồng, vật nuôi có thể vừa do môi trường bị ô nhiễm, vừa do thiên tai, dịch bệnh.

    Vì vậy, để loại trừ thiệt hại gây ra bởi những nguyên nhân khác, pháp luật Việt Nam chỉ xác định mối quan hệ nhân quả trong trường hợp hành vi gây thiệt hại phải là nguyên nhân trực tiếp hoặc là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại đã xảy ra. Ví dụ, Nhà máy A thải chất thải không qua xử lý ra các ao hồ, nguồn nước xung quanh là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định làm ô nhiễm môi trường nước, từ đó gây thiệt hại cho nguồn lợi thủy sản của các tổ cức, cá nhân trong khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm.

    Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại xảy ra trong lĩnh vực môi trường khó xác định chính xác do các thiệt hại không xảy ra tức thời mà xảy ra từ từ trong khoảng thời gian khá dài. Do vậy, để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi tác động xấu đến môi trường và những thiệt hại xảy ra thường phải thông qua các bước: (1) xác định mối quan hệ giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường với tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường; (2) xác định mối quan hệ giữa ô nhiễm, suy thoái môi trường với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức.

- Điều kiện 4, người gây thiệt hại có lỗi.

    Lỗi có ý nghĩa quyết định trong việc xác định người phải bồi thường và có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định mức bồi thường thiệt hại. Bộ Luật dân sự năm 2015 đã thừa nhận hai hình thức lỗi (lỗi cố ý và lỗi vô ý). Cơ sở để xác định lỗi trong một điều kiện hoàn cảnh nhất định, một chủ thể có thể lựa chọn để thực hiện hành vi đúng pháp luật mà lại thực hiện hành vi trái pháp luật. Do đó, chủ thể này phải chịu hình thức chế tài đối với các xử sự của mình. Tuy nhiên, trong lĩnh vực môi trường, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người khác do hành vi làm ô nhiễm môi trường không được loại trừ ngay cả khi người gây thiệt hại không có lỗi. Cụ thể, Điều 602 Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”. Điều này bắt nguồn từ quan điểm tôn trọng và bảo vệ triệt để lợi ích của người bị thiệt hại trước sự xâm hại của người khác.

    Tóm lại, bồi thường thiệt hại là hình thức trách nhiệm dân sự buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do đó, khi buộc một người gây thiệt hại phải có đầy đủ các điều kiện: có thiệt hại; có hành vi trái pháp luật; có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra; người gây thiệt hại có lỗi.

 

BÙI THỊ THU TRANG

Học viện Cảnh sát nhân dân

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)

Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013;

2. Bộ Luật dân sự nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2015;

3. Luật BVMT năm 2014;

4. Chính phủ, Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 của Chính phủ cũng quy định chi tiết về trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại đối với môi trường.

5. Trung tâm Con người và thiên nhiên, Quyền khởi kiện bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường ở Việt Nam, 2011.

Ý kiến của bạn